Chuyên gia y tế xuất hiện ở clip quảng cáo công ty sản xuất gần 600 loại sữa giả
Một số chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ đã xuất hiện trong các clip quảng cáo, giới thiệu về sản phẩm và công ty sản xuất gần 600 loại sữa giả.
Theo tìm hiểu của VietNamNet, từ sáng 12/4, website, fanpage của Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group (địa chỉ tại Hà Đông, Hà Nội) và các nhãn hàng liên quan (như Kawai, Talacmum, Sure IQ Gludiabet) không còn truy cập được.
Đây là các công ty liên quan tới vụ sản xuất gần 600 loại sữa giả dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai.
Trước đó, trên kênh YouTube “Tập đoàn Dược Quốc tế”, một đoạn clip gần 7 phút giới thiệu Công ty Hacofood Group đã sản xuất nhiều sản phẩm như: sữa dinh dưỡng Talacmum, Darifa Gold, Kasumi, sữa dinh dưỡng The Empire, sữa dinh dưỡng Kawai, sữa dinh dưỡng Gumi Colos 24h Baby... Đoạn clip cũng quảng cáo Công ty Hacofood có “sản lượng sản xuất lên đến hơn 5 triệu lon sản phẩm mỗi năm”.

Các nhãn hiệu sữa do Hacofood sản xuất được quảng cáo trong clip. Ảnh cắt từ clip
Clip giới thiệu gần 7 phút đưa hình ảnh và ý kiến của PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Trong đó, bà Lâm “đánh giá rất cao” Công ty Hacofood, “đây là nhà máy đạt tiêu chuẩn nghiêm ngặt về quản lý an toàn trong sản xuất thực phẩm theo tiêu chuẩn của FDA Hoa Kỳ”.
“Điều này minh chứng rằng khi chúng ta sử dụng các sản phẩm sản xuất bởi Hacofood thì các mẹ cũng rất yên tâm là đã đạt được tiêu chí rất nghiêm ngặt, khắt khe của FDA Hoa Kỳ”, PGS Lâm nói.
Trao đổi với VietNamNet ngày 13/4, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết, năm 2023 bà được một đơn vị truyền thông mời tham gia giới thiệu về Công ty Hacofood kèm các giấy tờ, trong đó có chứng nhận FDA của nhà máy khiến bà tin tưởng.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm xuất hiện trong đoạn clip giới thiệu về Hacofood. Ảnh cắt từ clip
“Tôi không liên quan sản xuất”, PGS Lâm nhấn mạnh và nhận định rằng “lỗi của công ty là không kiểm nghiệm đầy đủ sau sản xuất”. Bản thân bà từng đến nhà máy, nhận thấy “có dây chuyền khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phải thay trang phục mới được vào”.
Về clip quảng cáo, bà Lâm cho biết đơn vị truyền thông không đưa cho bà xem lại, bản thân bà cho rằng “mình phát biểu không có gì sai, không nói gì quá”.
Trong khi đó, bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, xuất hiện trong đoạn giới thiệu sữa Talacmum. Về học vị, bà Hải được giới thiệu là Tiến sĩ, thực tế, học vị của bà là Thạc sĩ.
Theo bác sĩ Hải, sản phẩm được nghiên cứu và sản xuất tại Công ty Dược phẩm dinh dưỡng Hacofood và được phân phối độc quyền bởi Tập đoàn Dược quốc tế - một trong những thương hiệu nổi tiếng tại thị trường Việt Nam hiện nay, “đã có 11 năm kinh nghiệm cho các sản phẩm sữa cho mẹ và bé, có mặt hầu hết ở tất cả bệnh viện, phòng khám hoặc cửa hàng sữa trên toàn quốc”.

Bác sĩ Lê Thị Hải xuất hiện trong đoạn giới thiệu sữa Talacmum. Ảnh cắt từ clip
Trong một clip quảng cáo khác cho sữa Talacmum dài hơn 13 phút, bà Hải cũng khẳng định nguyên liệu, sản phẩm được nhập khẩu 100% từ Hà Lan và nhiều quốc gia khác, công đoạn sản xuất trên dây chuyền hiện đại, tiên tiến, khép kín…
“Sữa Talacmum đem đến những giá trị dinh dưỡng quý giá, được xem là một trong những sản phẩm dinh dưỡng thiết yếu đối với sự phát triển của cơ thể và sức khỏe mỗi người”, bà Hải nói trong đoạn giới thiệu.
Bà Hải cho biết sữa Talacmum bổ sung chiết xuất tổ yến cao cấp nhập khẩu từ Nhật Bản hay đông trùng hạ thảo. “Talacmum gây ấn tượng với người tiêu dùng bởi công dụng tuyệt vời mà loại sữa này mang lại, đảm bảo cung cấp nguồn năng lượng dồi dào, giá trị dinh dưỡng cao, dùng được cho cả trẻ em và người lớn, tăng cường thể lực, sức đề kháng cơ thể, phục hồi sức khỏe một cách tối ưu”.
Tuy nhiên, theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan công an, dù sản phẩm công bố các thành phần như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột quả óc chó... nhưng trên thực tế, hoàn toàn không có những chất này. Các đối tượng đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia.

Bà Đinh Ngọc Hoa được giới thiệu là Tiến sĩ, bác sĩ “chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Xanh Pôn” trong clip. Ảnh cắt từ clip
Một nhân vật khác mặc trang phục như áo blouse xuất hiện trong clip giới thiệu Công ty Hacofood là Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Ngọc Hoa, được giới thiệu là “chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Xanh Pôn”.
Trong đoạn giới thiệu, bà Hoa cho biết trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm giúp giải quyết được tình trạng biếng ăn, chậm tăng cân, tiêu hóa kém, kể cả tiêu chảy, táo bón, rối loạn tiêu hóa kéo dài, chậm tăng cân và giải quyết được tình trạng như bất dung nạp đường lactose ở trẻ.
“Nhưng theo tôi, các mẹ nên dùng sản phẩm Kawai lactose free first Infant. Đây là loại sữa đặc biệt tốt cho em bé từ sơ sinh đến 3 tuổi, những em bé bị táo bón, tiêu chảy, trẻ có hệ tiêu hóa kém và kể cả trẻ bị bất dung nạp đường lactose”, người được giới thiệu là bác sĩ chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Xanh Pôn.
Dù vậy, trao đổi với VietNamNet ngày 13/4, ông Nguyễn Đức Long, Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn, khẳng định hiện trong danh sách nhân sự tại bệnh viện, không có tên bà Đinh Ngọc Hoa.