Triệu chứng đau mắt đỏ phổ biến ở trẻ

Đau mắt đỏ khiến trẻ có cảm giác cộm, có cát trong mắt, chảy dịch. Một số trẻ bị sưng mí mắt hoặc nhạy cảm với ánh sáng chói.

 Trẻ thường cảm thấy ngứa, khó chịu, có cảm giác cộm trong mắt khi bị đau mắt đỏ. Ảnh: Amwell.

Trẻ thường cảm thấy ngứa, khó chịu, có cảm giác cộm trong mắt khi bị đau mắt đỏ. Ảnh: Amwell.

Đau mắt đỏ (viêm kết mạc) là bệnh nhiễm trùng ảnh hưởng đến lớp phủ của nhãn cầu và bên trong mí mắt. Mặc dù nguyên nhân phổ biến là virus, tình trạng này cũng có thể do vi khuẩn gây ra.

Dấu hiệu phổ biến

Theo Kids Health, đau mắt đỏ truyền nhiễm (loại có thể lây sang người khác) có thể do nhiều loại vi khuẩn và virus gây cảm lạnh và các bệnh nhiễm trùng khác gây ra - bao gồm nhiễm trùng tai, nhiễm trùng xoang và viêm họng. Đôi khi, nó được gây ra bởi cùng loại vi khuẩn gây bệnh chlamydia và bệnh lậu, hai bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs).

Một số loại đau mắt đỏ không lây nhiễm, chẳng hạn viêm kết mạc dị ứng, xảy ra thường xuyên hơn ở trẻ em mắc các bệnh dị ứng khác, như sốt cỏ khô. Các yếu tố kích hoạt bao gồm cỏ, phấn hoa, vẩy da động vật và mạt bụi.

Trẻ sơ sinh có nguy cơ bị đau mắt đỏ và có thể phát triển các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu không được điều trị. Nếu phụ nữ mang thai mắc STDs, trong khi sinh, vi khuẩn hoặc virus có thể truyền từ ống sinh vào mắt em bé, gây ra bệnh đau mắt đỏ.

Trẻ bị đau mắt đỏ sẽ khó chịu và phàn nàn về cảm giác cộm hoặc có cát trong mắt, có thể có nhiều vết xước. Ngoài ra, tròng trắng của mắt có màu hồng hoặc đỏ. Một số trẻ bị sưng mí mắt hoặc nhạy cảm với ánh sáng chói. Đau mắt đỏ có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai mắt. Đặc biệt, mủ hoặc dịch chảy ra từ mắt có thể làm cho mí mắt dính lại trong khi ngủ và đọng lại ở khóe mắt khi thức dậy.

Trong trường hợp viêm kết mạc dị ứng, ngứa và chảy nước mắt là những triệu chứng phổ biến.

Đau mắt đỏ được điều trị như thế nào?

Việc điều trị có thể bao gồm thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ kháng sinh và sẽ phụ thuộc vào loại đau mắt đỏ.

- Đau mắt đỏ có mủ: Tình trạng này kèm theo nhãn cầu màu hồng hoặc đỏ, tiết dịch màu trắng hoặc vàng, mí mắt dính hoặc đỏ và khó chịu ở mắt, thường do vi khuẩn gây ra. Nó được điều trị bằng thuốc kháng sinh (thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ), giúp ngăn chặn bệnh lây lan sang người khác.

- Đau mắt đỏ không có mủ: Khi nhãn cầu có màu hồng hoặc đỏ nhưng tiết dịch trong hoặc chảy nước, chỉ gây khó chịu nhẹ hoặc không có gì. Nó thường do virus hoặc chất kích thích khác gây ra (chẳng hạn dị ứng hoặc tiếp xúc với hóa chất như clo trong hồ bơi). Thuốc nhỏ kháng sinh sẽ không có tác dụng đối với loại đau mắt đỏ này.

 Nhỏ thuốc nhỏ mắt hoặc kháng sinh có thể giúp giảm cảm giác khó chịu cho trẻ. Ảnh: Medlineplus.

Nhỏ thuốc nhỏ mắt hoặc kháng sinh có thể giúp giảm cảm giác khó chịu cho trẻ. Ảnh: Medlineplus.

Cách điều trị và phòng ngừa lây lan

Đau mắt đỏ lây lan dễ dàng khi:

Tiếp xúc trực tiếp: Khi một đứa trẻ bị đau mắt đỏ chạm vào chất tiết ra từ mắt của chúng và sau đó chạm vào một đứa trẻ khác.
Tiếp xúc gián tiếp: Khi một vật bị nhiễm virus, chẳng hạn khăn giấy, một người chạm vào sau đó lại chạm lên mắt của mình.
Giọt nước: Khi đau mắt đỏ do cảm lạnh thông thường, những giọt bắn nhỏ từ hắt hơi hoặc ho cũng có thể lây lan. Vào mùa hè, bệnh đau mắt đỏ có thể lây lan khi trẻ em bơi trong nước bị ô nhiễm hoặc dùng chung khăn tắm bị ô nhiễm.

Khi trẻ bị đau mắt đỏ, cha mẹ nên lau nước mắt của con bạn từ trong ra ngoài và chỉ theo một hướng. Cố gắng sử dụng một miếng vải, bông thấm sạch mỗi lần lau. Đặc biệt, cha mẹ cần rửa tay của mình và của con thật cẩn thận sau khi chạm vào hoặc lau mắt cho con.

Ngoài ra, người thân trong gia đình không dùng chung khăn tắm hoặc khăn mặt vì chúng có thể lây bệnh. Nếu con bạn bị đau mắt đỏ do virus, trẻ có thể trở lại trường sau khi đã đi khám bác sĩ. Nếu con bạn bị đau mắt đỏ do vi khuẩn và đang dùng thuốc kháng sinh, trẻ nên ở nhà, không đi học cho đến khi dùng hết thuốc kháng sinh trong 24 giờ.

Nếu bạn biết con mình dễ bị viêm kết mạc dị ứng, hãy đóng cửa sổ và cửa ra vào vào những ngày có nhiều phấn hoa, bụi, đồng thời hút bụi thường xuyên để hạn chế tác nhân gây dị ứng. Chỉ có thể ngăn ngừa viêm kết mạc kích ứng bằng cách tránh các nguyên nhân gây kích ứng.

Cha mẹ cần gọi điện cho bác sĩ hoặc đi khám nếu:

Trẻ bị chảy mủ mắt và dưới 3 tháng tuổi khi bị đau mắt.
Cha mẹ nghĩ rằng trẻ bị đau mắt đỏ. Không tự phán đoán được liệu vi khuẩn hay virus gây ra tình trạng này. Bác sĩ sẽ biết liệu con bạn có cần dùng kháng sinh hoặc phương pháp điều trị khác hay không.
Trẻ có vẻ không khỏe và bị sốt, phát ban hoặc đau mắt, hoặc nếu bệnh đau mắt đỏ dường như tái phát. Một số bệnh nghiêm trọng hơn ban đầu có thể trông giống đau mắt đỏ.

Phương Mai

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trieu-chung-dau-mat-do-pho-bien-o-tre-post1403157.html