Triều cường rằm tháng Giêng ở TPHCM có thể ở mức báo động 2
Đỉnh triều đợt này sẽ xuất hiện vào ngày 13 -15/2 (tức 16 -18 tháng Giêng Âm lịch). Trong đó, tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) và trạm Nhà Bè (kênh Đồng Điền) sẽ ở khoảng 1,47-1,52m, xấp xỉ báo động 2.
Sáng 12/2, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, trong 24 giờ qua mực nước tại hầu hết các trạm vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai ít biến đổi và ở mức thấp.
Đến 7 giờ ngày 12/2, đỉnh triều cao nhất ngày đo tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) ở mức 1,28m, trạm Nhà Bè (kênh Đồng Điền) ở mức 1,32m, đều ở mức dưới Báo động 1.
Dự báo mực nước tại hầu hết các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn – Đồng Nai lên chậm trong những ngày tới.
![Triều cường rằm tháng Giêng ở TPHCM có thể đạt báo động 2. Ảnh minh họa: Hữu Huy](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_20_51455379/04a2a7b691f878a621e9.jpg)
Triều cường rằm tháng Giêng ở TPHCM có thể đạt báo động 2. Ảnh minh họa: Hữu Huy
Đỉnh triều đợt này xuất hiện vào ngày 13 -15/2 (tức 16-18 tháng Giêng), ở mức sau: Tại trạm Phú An và trạm Nhà Bè ở khoảng 1,47-1,52m, xấp xỉ báo động 2.
Thời gian xuất hiện đỉnh triều cường từ 4-6 giờ sáng và 17-19 giờ chiều.
Trạm Biên Hòa ở khoảng 1,7-1,8m xấp xỉ hoặc dưới Báo động 1 khoảng 0,10m. Trạm Thủ Dầu Một khoảng 1,50-1,55m xấp xỉ hoặc trên Báo động 2 khoảng 0,05m.
Trong khi đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ ngày 11-20/2, mực nước trạm Vũng Tàu dao động ở mức cao và có xu hướng giảm dần, đỉnh triều trong khoảng thời gian này dao động trong khoảng 390 – 400cm, thời gian xuất hiện đỉnh triều chủ yếu diễn ra vào khoảng 0 đến 3 giờ và 14 đến 17 giờ hằng ngày.
Mực nước thủy triều phía biển Tây (trạm Rạch Giá) từ ngày 11-20/02 dao động ở mức cao và có xu hướng giảm dần, đỉnh triều trong khoảng thời gian này dao động trong khoảng 55-60cm, thời gian xuất hiện trong khoảng 3 đến 6 giờ hằng ngày.
Tình hình xâm nhập mặn ở Tây Nam bộ
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, xu thế xâm nhập mặn từ ngày 11-20/2: Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng cao đến ngày 16/2 sau đó giảm dần. Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức thấp hơn độ mặn cao nhất tháng 2/2024, riêng một số trạm ở Cà Mau có độ mặn cao hơn.
Chiều sâu ranh giới mặn 4‰ tại các cửa sông chính:
Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây (phạm vi xâm nhập mặn 45-55km); Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại (phạm vi xâm nhập mặn 40-45km); sông Hàm Luông (phạm vi xâm nhập mặn 45-55km); sông Cổ Chiên (phạm vi xâm nhập mặn 45-55km); sông Hậu (phạm vi xâm nhập mặn 45-55km); sông Cái Lớn (phạm vi xâm nhập mặn 30-40km).
Xâm nhập mặn tại ĐBSCL mùa khô năm 2024-2025 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020. Các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2-3/2025 (từ ngày 10-16/2; 27/2-4/3); các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3-4/2025 (từ ngày 10-15/3; 29/3-2/4; 27/4-1/5).
Tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.