Triệu Sơn: Hiệu quả từ tập trung đất đai và liên kết bao tiêu sản phẩm

Năm 2019, gia đình ông Nguyễn Đình Lĩnh ở thôn Lộc Nham, xã Đồng Lợi đã tích tụ được 4ha đất lúa bằng hình thức thuê lại của các hộ trong thôn không có điều kiện sản xuất để trồng lúa thương phẩm cung cấp cho doanh nghiệp.

2,3ha trồng đào cảnh của gia đình anh Trần Sỹ Toàn ở thôn Đồng Thành, xã Hợp Lý (Triệu Sơn) được tích tụ từ diện tích đất của gia đình và 6 hộ dân khác trong thôn.

2,3ha trồng đào cảnh của gia đình anh Trần Sỹ Toàn ở thôn Đồng Thành, xã Hợp Lý (Triệu Sơn) được tích tụ từ diện tích đất của gia đình và 6 hộ dân khác trong thôn.

Qua 7 năm canh tác trên cánh đồng liền vùng, liền thửa, ông Lĩnh nghiệm thấy, việc sản xuất lúa trên cánh đồng mẫu lớn đem lại hiệu quả rõ rệt. Bởi, nếu canh tác trên diện tích nhỏ lẻ, manh mún, thuê người cấy sẽ mất 300 nghìn đồng/sào nhưng nếu làm cánh đồng mẫu lớn, tiền thuê máy cấy chỉ mất 150 nghìn đồng/sào, giảm một nửa chi phí và rút ngắn 2/3 thời gian gieo cấy. Bên cạnh đó, việc làm cánh đồng mẫu lớn giúp việc cơ giới hóa tập trung, đồng bộ hơn, giảm chi phí vật tư đầu vào, giảm công lao động, giảm thất thoát sau khi thu hoạch. Đặc biệt, thông qua việc tích tụ, giúp gia đình ông liên kết với doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm, thu mua lúa tươi ngay tại ruộng, góp phần đưa lợi nhuận trên 4ha đất canh tác đạt hàng chục triệu đồng/vụ.

Ông Lĩnh cho biết: "Hiện gia đình tôi đang liên kết với Công ty TNHH Nông sản An Thành Phong (TP Thanh Hóa) trong việc bao tiêu sản phẩm. Để cung ứng sản phẩm gạo đạt chất lượng, gia đình đưa các giống lúa có chất lượng gạo thơm ngon vào gieo cấy như TBR225, TBR97... vào sản xuất, tuân thủ theo tiêu chuẩn VietGAP".

Việc doanh nghiệp liên kết, thu mua lúa tươi tại ruộng, ông Lĩnh cho rằng đem lại rất nhiều lợi nhuận cho gia đình. Bởi, ngoài việc không phải thuê nhân công vận chuyển, phơi lúa, tìm và thuê kho cất giữ mà còn giúp gia đình có khoản thu nhập và đầu ra ổn định.

Cùng xã, gia đình ông Bùi Văn Hải ở thôn Thọ Lộc cũng tích tụ được 2ha đất lúa. Trên diện tích này, gia đình ông đưa các giống lúa có chất lượng gạo thơm ngon vào gieo cấy như TBR225, TBR97... Ông Hải cho biết: "Toàn bộ diện tích lúa sau thu hoạch được Công ty CP Thương mại Sao Khuê, địa chỉ xã Đông Hoàng (Đông Sơn) đứng ra thu mua ngay tại ruộng. Với giá thu mua của công ty là 700.000 đồng/tạ, năng suất đạt 60 tạ/ha/vụ, sau khi trừ các khoản đầu tư (giống, phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh và công chăm sóc), đem lại cho gia đình khoản lợi nhuận hơn chục triệu đồng/vụ".

Hiện, trên địa bàn xã Đồng Lợi có 1 HTX và gần 100 hộ gia đình tham gia tích tụ, tập trung (TTTT) đất đai, liên kết bao tiêu sản phẩm với diện tích 49ha đất lúa. Các tổ chức và hộ gia đình này đã liên kết với 2 doanh nghiệp là Công ty CP Thương mại Sao Khuê và Công ty TNHH Nông sản An Thành Phong trong việc bao tiêu sản phẩm. Qua đó, góp phần đưa giá trị thu nhập tăng từ 15 - 20% so với sản xuất thông thường.

Nếu như người dân xã Đồng Lợi TTTT đất đai trồng lúa hàng hóa và liên kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, người dân xã Hợp Lý lại tập trung đất đai để trồng đào cảnh. Hiện địa phương này có 50ha đất chuyên trồng đào cảnh, tập trung ở các thôn Đồng Thành, Tiến Thành, Quang Thành và Nội Sơn. Nếu so sánh với việc trồng lúa, hiệu quả trồng đào cảnh cho thu nhập cao gấp 10 lần. Anh Trần Sỹ Toàn ở thôn Đồng Thành cho biết: “Trồng lúa bấp bênh nên từ năm 2016, gia đình tôi đã đưa cây đào, quất vào trồng. Thấy hiệu quả kinh tế cao, từ năm 2019, gia đình tôi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của 6 hộ dân xung quanh để đầu tư trồng đào. Với hơn 2,3ha chuyên trồng đào, mỗi năm xuất bán khoảng 1.500 gốc, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi có thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng”.

Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 11/1/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đến nay, huyện Triệu Sơn có 246 tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia TTTT được 2.344ha đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt TTTT được hơn 2.194ha; lĩnh vực lâm nghiệp TTTT được 130ha; lĩnh vực thủy sản TTTT được gần 16ha. Ông Nguyễn Lê Khương, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đánh giá: Ngoài hiệu quả khắc phục tình trạng ruộng đất phân tán, nhỏ lẻ, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần đưa cơ giới hóa đồng bộ vào quá trình sản xuất, việc TTTT đất đai còn thu hút doanh nghiệp liên kết, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên ha đất canh tác. Theo ông Khương, sau TTTT đất đai, giá trị sản xuất tăng từ 20 - 30%. Từ kết quả này, huyện Triệu Sơn phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 sẽ TTTT thêm 1.380ha đất nông nghiệp để sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.

Bài và ảnh: Minh Lý

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/trieu-son-hieu-qua-tu-tap-trung-dat-dai-va-lien-ket-bao-tieu-san-pham-234883.htm