Triều Tiên lần đầu tung ảnh vũ khí hạt nhân chiến thuật

Hàng loạt vụ phóng thử gần đây của Triều Tiên cho thấy những vũ khí mới và tinh vi hơn, có thể phóng từ biển và đất liền với tầm bắn có thể khiến Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản lo ngại.

Trong bối cảnh hiện nay, rất khó để theo dõi sát mọi vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, đặc biệt là khi Bình Nhưỡng cứ vài ngày lại thử nghiệm vũ khí một lần.

Hôm 28/3, nước này đã lần đầu tiên công khai về các đầu đạn hạt nhân nhỏ mà họ khẳng định có thể lắp vào các tên lửa tầm ngắn.

Triều Tiên từ lâu đã tuyên bố sở hữu vũ khí hạt nhân chiến thuật, có khả năng tấn công các mục tiêu ở Hàn Quốc.

Thế nhưng, những bức ảnh được đăng trên tờ báo nhà nước hôm 28/3 là lần đầu tiên có sự xuất hiện của các bằng chứng cho tuyên bố đó.

Ông Kim Jong Un xuất hiện trong những bức ảnh được truyền thông nhà nước mô tả là vũ khí hạt nhân chiến thuật. Ảnh: KCNA.

Ông Kim Jong Un xuất hiện trong những bức ảnh được truyền thông nhà nước mô tả là vũ khí hạt nhân chiến thuật. Ảnh: KCNA.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA xác nhận nước này đã mô phỏng vụ nổ hạt nhân với việc bắn 2 tên lửa đạn đạo, giữa lúc nhà lãnh đạo Kim Jong Un kêu gọi tăng cường kho vũ khí hạt nhân.

Truyền thông Triều Tiên còn cho hay Bình Nhưỡng đã kết thúc diễn tập vào ngày 27/3, đồng thời xác nhận thêm rằng nước này cũng thử nghiệm các hệ thống vũ khí chiến lược dưới nước trong ngày 25-27/3.

Trước đó, nước này đã phóng 4 tên lửa hành trình vào ngày 22/3 trong động thái được KCNA mô tả là "để thực hiện các nhiệm vụ tấn công hạt nhân chiến thuật". Hôm 16/3, Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vài giờ trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.

Những vụ phóng riêng lẻ, vì vậy, không còn tạo ra tiêu đề rầm rộ như trước đây. Tuy nhiên, theo BBC, nếu xem xét tất cả vụ thử nghiệm mới nhất cùng nhau, nhiều điều có thể rút ra.

 Triều Tiên phóng hai tên lửa từ tàu ngầm tấn công mục tiêu dưới nước tại địa điểm không xác định vào ngày 12/3. Ảnh: KCNA.

Triều Tiên phóng hai tên lửa từ tàu ngầm tấn công mục tiêu dưới nước tại địa điểm không xác định vào ngày 12/3. Ảnh: KCNA.

Động thái khác thường

Theo Yonhap, những vụ phóng của Triều Tiên được xem là hành động đáp trả sau khi Mỹ và Hàn Quốc tổ chức tập trận quân sự bất chấp sự phản đối của Bình Nhưỡng.

Vào tuần trước, hai nước đã hoàn thành cuộc tập trận mùa xuân lớn nhất trong nhiều năm, bao gồm mô phỏng máy tính và bắn đạn thật. Tuy nhiên, hai nước đồng minh vẫn tiếp tục huấn luyện thực địa nhằm phô diễn lực lượng chống lại kho vũ khí hạt nhân đang mở rộng của Triều Tiên.

Đây không phải là kịch bản mà nhà lãnh đạo Kim Jong Un có thể coi nhẹ. Bình Nhưỡng lâu nay lên án các cuộc tập trận của hai nước này và cho rằng đó là hành động diễn tập chuẩn bị cho cuộc xâm lược.

Điều khác biệt là động thái mới đây không phải loạt phản ứng điển hình của Triều Tiên. Trong quá khứ, Bình Nhưỡng đã đáp trả các cuộc tập trận như vậy bằng cách bắn nhiều loại tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tầm xa, thậm chí cả một số đạn pháo.

Nhưng lần này, trong vòng hai tuần, Bình Nhưỡng đã phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mạnh nhất, theo lý thuyết có thể vươn tới bất cứ đâu trên lục địa Mỹ.

Triều Tiên đã bắn tên lửa từ tàu ngầm, và từ nơi dường như là một silo dưới lòng đất. Quân đội của họ cũng mô phỏng cuộc tấn công hạt nhân vào sân bay của Hàn Quốc.

 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và con gái Kim Ju Ae theo dõi cuộc tập trận tên lửa tại một địa điểm không được tiết lộ. Ảnh: KCNA.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và con gái Kim Ju Ae theo dõi cuộc tập trận tên lửa tại một địa điểm không được tiết lộ. Ảnh: KCNA.

Mới đây, nhà lãnh đạo Kim Jong Un tiết lộ thiết bị không người lái dưới nước mới, mà ông tuyên bố có thể tạo ra "cơn sóng thần phóng xạ siêu quy mô", có thể tiêu diệt tàu chiến của đối thủ

Đó là một đội hình kết hợp.

Nhà phân tích Ellen Kim, từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, ví von phản ứng của Triều Tiên “như một cuộc trình diễn"

Các nhà phân tích, bao gồm cả bà Kim, lo ngại về sự đa dạng của “bộ sưu tập” được đưa ra trong lần này. Bình Nhưỡng đã tiết lộ những vũ khí mới và tinh vi hơn, có thể phóng từ biển và đất liền với tầm xa có thể khiến Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản lo ngại.

"Trước đây, chúng tôi không biết họ có thể phóng tên lửa hành trình từ tàu ngầm hay dưới lòng đất. Vũ khí của họ giờ còn trở nên khó theo dõi và đánh chặn hơn rất nhiều", bà Kim nói.

Điều này làm tăng mối đe dọa hạt nhân mà Triều Tiên đặt ra.

Lấy tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm làm ví dụ. Những tên lửa này khiến Yang Uk, chuyên gia vũ khí từ Viện Asan ở Seoul, lo ngại nhất. Theo ông, việc bắn một tên lửa từ dưới nước khiến nó khó bị phát hiện trước khi phóng. Sau khi phóng, tên lửa hành trình bay thấp và có thể đổi hướng giữa lúc bay, để vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa.

Ẩn số

Theo BBC, thông điệp mà ông Kim Jong Un dường như muốn gửi đi sau hàng loạt vụ thử là Triều Tiên hiện có khả năng đáp trả, hoặc thậm chí tấn công trước. Rất khó để phá hủy vũ khí được cất giấu dưới lòng đất hoặc dưới nước. Nói cách khác, nhà lãnh đạo Triều Tiên đang nói "đừng nghĩ đến việc tấn công chúng tôi".

Những công bố từ Triều Tiên về khả năng quân sự của nước này vẫn không dễ để kiểm chứng. Dù vậy, BBC nhận định vẫn cần cẩn trọng mọi thứ.

 Toàn cảnh cuộc diễn tập tấn công hỏa lực tại một địa điểm không được tiết lộ ở Triều Tiên vào ngày 10/3. Ảnh: KCNA.

Toàn cảnh cuộc diễn tập tấn công hỏa lực tại một địa điểm không được tiết lộ ở Triều Tiên vào ngày 10/3. Ảnh: KCNA.

Câu hỏi quan trọng, lâu dài hiện nay là hạt nhân. Triều Tiên tự hào tất cả tên lửa được phóng gần đây đều có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, nhưng hầu hết chỉ có thể mang đầu đạn hạt nhân rất nhỏ, nhẹ. Bình Nhưỡng vẫn chưa chứng minh được họ có thể sản xuất những thứ này.

Vì vậy, cho đến khi có vụ thử nghiệm mới, vẫn còn quá nhiều ẩn số. Đây là lý do tại sao cộng đồng tình báo đã nín thở quá lâu để chờ đợi vụ thử hạt nhân nói trên.

Thời điểm Triều Tiên có thể chế tạo các đầu đạn hạt nhân thu nhỏ trên quy mô lớn, các mối đe dọa mô phỏng của nước này sẽ trở thành hiện thực.

Có một số người cho rằng Mỹ và cộng đồng quốc tế nên làm nhiều hơn nữa để đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán, nhằm ngăn chặn vụ thử hạt nhân này. Các cuộc đàm phán giữa hai bên đã bị đình trệ trong hơn 4 năm. Nhưng Bình Nhưỡng không có dấu hiệu muốn đối thoại.

Triều Tiên thường có xu hướng chọn thời điểm mà nước này nghĩ rằng mình có thể đạt được nhiều lợi ích nhất trên bàn đàm phán.

Chuyên gia Yang Uk tin rằng ông Kim Jong Un cũng đang bị thúc đẩy bởi tình thế trong nước. Vào đầu tháng 3, dữ liệu về thương mại, ảnh vệ tinh cùng các đánh giá mà Liên Hợp Quốc công bố tuần qua cho thấy nguồn cung lương thực tại Triều Tiên hiện đã "rơi xuống thấp hơn mức tối thiểu" để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Theo ông Yang, với một nền kinh tế sa sút và người dân thiếu lương thực, chương trình vũ khí hạt nhân đang phát triển của ông Kim Jong Un có thể thứ Triều Tiên đang muốn đẩy cao.

Do đó, Triều Tiên có vẻ sẽ tiếp tục tiến lên phía trước, phát triển một loạt vũ khí ngày càng đa dạng và nguy hiểm hơn.

Đối với bà Ellen Kim, chỉ có một điều chắc chắn: Đó là “sẽ có nhiều vụ phóng thử hơn".

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trieu-tien-lan-dau-tung-anh-vu-khi-hat-nhan-chien-thuat-post1416192.html