Triều Tiên tuyên bố phóng thành công vệ tinh do thám
Ngày 22/11, Triều Tiên tuyên bố nỗ lực phóng vệ tinh do thám vào quỹ đạo lần thứ ba của quốc gia này đã được thực hiện thành công, thể hiện quyết tâm trong việc tăng cường khả năng tự vệ.
Theo hãng thông tấn nhà nước KNCA trích dẫn Cơ quan Công nghệ Hàng không Vũ trụ Quốc gia Triều Tiên, tên lửa "Chollima-1" mang theo vệ tinh trinh sát "Malligyong-1" đã thành công phóng vào quỹ đạo từ Bãi phóng vệ tinh Sohae ở huyện Cholsan, tỉnh Bắc Phyongan.
Tên lửa đẩy "Chollima-1" bay dọc theo đường bay định sẵn và đưa vệ tinh trinh sát "Malligyong-1" chính xác vào quỹ đạo lúc 22:54:13 ngày 21/11/2023, 705 giây sau khi phóng. KCNA trích dẫn cơ quan này cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã giám sát vụ phóng tại hiện trường và chúc mừng các nhà khoa học cũng như những người khác có liên quan.
Nhận định về thành công này, cơ quan vũ trụ Triều Tiên khẳng định vụ phóng vệ tinh là quyền hợp pháp của nước này trong việc tăng cường khả năng tự vệ cũng như giúp cải thiện khả năng sẵn sàng trước giao tranh của quốc gia trong bối cảnh khu vực ghi nhận “các động thái quân sự nguy hiểm”.
Tuy nhiên, động thái này vấp phải sự lên án mạnh mẽ từ phía Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson ngày 22/11 cho biết vụ phóng liên quan đến các công nghệ liên quan trực tiếp đến chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên. Do đó, nó “làm gia tăng căng thẳng và có nguy cơ làm mất ổn định tình hình an ninh trong và ngoài khu vực”.
Về phía Hàn Quốc, nước này cảnh báo vụ phóng có thể dẫn tới việc đình chỉ thỏa thuận giảm căng thẳng liên Triều năm 2018. Trước đó khi trả lời các câu hỏi của hãng tin AP, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cũng từng cho biết việc Triều Tiên phóng thành công vệ tinh trinh sát “sẽ biểu thị rằng năng lực ICBM của Triều Tiên đã được nâng lên một tầm cao hơn”.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida gọi vụ phóng là “mối đe dọa nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân”. Ông khẳng định Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối Triều Tiên và lên án vụ phóng bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất.
Trước đó, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cho biết Triều Tiên đang có kế hoạch phóng tên lửa mang vệ tinh không gian vào quỹ đạo từ 22/11 cho tới 1/12. Đây là nỗ lực thứ ba của Bình Nhưỡng nhằm phóng vệ tinh không gian vào quỹ đạo và nỗ lực đầu tiên kể từ khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thực hiện chuyến công du Nga hồi tháng 9.
Vào thời điểm đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow sẽ giúp Bình Nhưỡng chế tạo vệ tinh, đồng thời cho biết ông Kim "thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến công nghệ tên lửa".
Trước khi thành công trong lần thử thứ ba, hai vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên hồi tháng 5 và tháng 8 đều gặp thất bại do vấn đề kỹ thuật. Trong lần thử đầu tiên, tên lửa mang theo vệ tinh của Triều Tiên đã rơi xuống biển ngay sau khi cất cánh. Chính phủ Triều Tiên cho biết tên lửa bị mất lực đẩy sau khi tách tầng một và tầng hai. Tại lần thử thứ hai, Triều Tiên cho biết tên lửa đã xảy ra lỗi ở hệ thống kích nổ khẩn cấp trong chuyến bay giai đoạn ba.