Triều Tiên xác nhận phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasongpo-18
Người dân theo dõi bản tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, tại một nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc ngày 13/4. Ảnh: AFP/TTXVN
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 14/3 đưa tin nước này đã phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) loại mới sử dụng nhiên liệu rắn một ngày trước đó.
Tên lửa được phóng trong ngày 13/4 là tên lửa đạn đạo Hwasongpo-18. Theo KCNA, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thị sát tại chỗ vụ phóng thử. KCNA nêu rõ: "Mục đích vụ phóng thử là nhằm xác nhận hoạt động của động cơ sử dụng nhiên liệu rắn đối với tên lửa nhiều tầng và các hệ thống điều khiển chức năng đồng thời đánh giá tính khả thi của hệ thống vũ khí chiến lược mới".
KCNA cũng khẳng định "vụ phóng thử không có bất kỳ tác động tiêu cực nào đối với an toàn của các nước láng giềng và đã được phóng an toàn trên biển".
Theo giới chức Triều Tiên, qua vụ phóng thử, toàn bộ những tính năng ưu việt nhất của hệ thống vũ khí chiến lược mới đã đạt được một cách chính xác theo các yêu cầu thiết kế và có thể khẳng định rằng ICBM loại mới này sẽ là một phương tiện tấn công chiến lược mạnh với hiệu quả quân sự cao hơn.
Trước đó, sáng 13/4, quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo ra vùng biển phía phía Đông nước này. Nhật Bản cũng phát tín hiệu cảnh báo tên lửa có thể rơi xung quanh khu vực Hokkaido và khuyến cáo người dân tại khu vực này tìm nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, cảnh báo sơ tán đã được rút lại sau đó, khi các phân tích sâu hơn cho thấy không có khả năng tên lửa rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo các đặc phái viên hạt nhân của nước này, Mỹ và Nhật Bản đã điện đàm và lên án mạnh mẽ hành động khiêu khích của Triều Tiên.
Trong các cuộc điện đàm, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Kim Gunn cùng những người đồng cấp Mỹ và Nhật Bản, ông Sung Kim và ông Takehiro Funakoshi, đã chỉ trích vụ phóng này là hành động "vi phạm trắng trợn" nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.
Các đặc phái viên hạt nhân đồng thời bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về mức độ khiêu khích chưa từng có cũng như phát ngôn đe dọa của Triều Tiên kể từ năm 2022.
Cùng ngày 13/4, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chỉ trích vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên, và kêu gọi nước này dừng ngay các hành động khiêu khích gây suy yếu an ninh khu vực và quốc tế.
Trong tuyên bố, phó phát ngôn viên của NATO Dylan White nhấn mạnh: "NATO lên án mạnh mẽ vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa mới nhất của Triều Tiên, hành động vi phạm trực tiếp nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ".
Quan chức này khẳng định Triều Tiên đã tiến hành phóng tên lửa đạn đạo với số lượng kỷ lục kể từ năm ngoái. Ông nói: "Những hành động khiêu khích này của Bình Nhưỡng làm suy yếu an ninh khu vực và quốc tế. Triều Tiên phải chấm dứt hành vi liều lĩnh, từ bỏ các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân bất hợp pháp, đồng thời tham gia vào hoạt động ngoại giao thiện chí".
Ông White tuyên bố NATO luôn đoàn kết chặt chẽ với các đối tác trong khu vực, trong đó có Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand.