Trình Chính phủ Nghị định mới về xăng dầu trong tháng 6/2024

Bộ Công thương tiếp tục tiếp thu ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu và trình Chính phủ trong tháng 6/2024.

Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu sẽ được trình Chính phủ trong tháng 6/2024.

Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu sẽ được trình Chính phủ trong tháng 6/2024.

Tại Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu thay thế các Nghị định 83/2014/NĐ-CP và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP (Nghị định 95 và 80), Bộ Công thương đề xuất một số nội dung mới về cơ chế giá xăng dầu, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, hệ thống kinh doanh xăng dầu...

Theo Bộ này, nghị định mới sẽ được xây dựng dựa trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu tiêu thụ nội địa; giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh xăng dầu, xây dựng môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, hài hòa lợi ích các bên, đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia.

Tuy nhiên, qua các đợt lấy ý kiến, cộng đồng doanh nghiệp "kêu" nhiều về những nội dung trong dự thảo nghị định mới.

Hôm 27/5/2024, tập thể thương nhân phân phối, bán lẻ xăng dầu đã gửi văn bản kiến nghị tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu được Bộ Công thương xây dựng. Lý do gửi bản kiến nghị vì Dự thảo Nghị định trái với nhiều luật hiện hành và không phù hợp về bối cảnh mới của sự vận hành thị trường xăng dầu.

Các thương nhân phân phối, bán lẻ cho rằng, ban soạn thảo nghị định vẫn thể hiện tư duy cũ khi bám theo nghị định 83 nhưng thắt chặt hơn với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà thiếu tư duy đột phá về xây dựng thể chế quản lý và mô hình vận hành mới phù hợp với điều kiện đã thay đổi của thị trường xăng dầu.

Đơn cử, Dự thảo Nghị định tiếp tục phân loại các doanh nghiệp (thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và bán lẻ), đi kèm theo đó là địa vị pháp lý, quyền, nghĩa vụ, lợi ích và chế độ đối xử quản lý khác nhau, trong đó thương nhân đầu mối được xếp hạng cao nhất, được hưởng nhiều đặc quyền so với doanh nghiệp còn lại.

Nhiều thương nhân rất lo tình trạng độc quyền kinh doanh vẫn tiếp diễn, dẫn đến nguy cơ thao túng thị trường, hạn chế cạnh tranh (có doanh nghiệp lớn chiếm tới trên 50% thị phần hay một vài doanh nghiệp đầu mối thống lĩnh tới trên 80% nguồn cung xăng dầu).

Nhóm các doanh nghiệp phân phối và bán lẻ xăng dầu đề xuất, nhà nước chỉ điều tiết, can thiệp vào thị trường khi có biến động lớn liên quan đến anh ninh, chính trị, kinh tế. Khi can thiệp thì sử dụng nhiều công cụ điều tiết khác nhau (thuế, hỗ trợ lãi suất tín dụng thay cho chỉ sử dụng quỹ bình ổn giá), không can thiệp hành chính vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, ngoại trừ chức năng giám sát cạnh tranh.

Thế Hoàng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/trinh-chinh-phu-nghi-dinh-moi-ve-xang-dau-trong-thang-62024-d217464.html