Trình diễn thành công mô hình nuôi vịt biển an toàn sinh học
Với mục tiêu đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, tìm kiếm cây, con mới phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán chăn nuôi của địa phương để dần thay thế các giống cây, con cũ đã thoái hóa, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình trình diễn chăn nuôi vịt biển an toàn sinh học mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình trình diễn sau 3 năm khẳng định được hiệu quả và tính thích nghi sẽ được nhân ra diện rộng. Từ mô hình thí điểm nuôi vịt biển mở ra một hướng làm ăn mới có hiệu quả, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Cũng như các hộ tham gia mô hình, gia đình chị Hoàng Thị Liên ở thôn Đơn Quế, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng nhận hỗ trợ 530 con vịt biển giống lúc 1 ngày tuổi và đầy đủ các loại thức ăn, thuốc thú y phòng bệnh cho vịt để triển khai mô hình. Trước khi nhận vịt về nuôi, chị Liên đã được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi vịt biển an toàn sinh học do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức. Và với kinh nghiệm của một nông dân nên chị Liên không mấy khó khăn trong chăm sóc đàn vịt biển.
Tuy nhiên, đây là giống vịt mới nên chị cẩn thận hơn, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật đã được hướng dẫn. Nhờ đó, sau hơn 2 tháng nuôi, đàn vịt biển của chị Liên đạt tỉ lệ sống cao, các yêu cầu về chỉ số tăng trưởng của mô hình đều đáp ứng được.
Chị Liên còn được cán bộ khuyến nông hướng dẫn cho cách hoạch toán kinh tế trong quá trình chăn nuôi nên không chỉ biết áp dụng khi thực hiện mô hình nuôi vịt biển mà còn từ nay về sau, chị Liên cũng có thêm nhiều kiến thức để đầu tư sản xuất chăn nuôi có hiệu quả. Kết thúc mô hình, đàn vịt biển của hộ gia đình chị Liên đạt yêu cầu của mô hình đặt ra.
Sau 70 ngày nuôi, trọng lượng mỗi con vịt đạt 2,8 - 3 kg. Sau khi trừ các khoản chi phí (tính cả kinh phí 50% phần hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh) thì tổng lợi nhuận chị Liên thu được khoảng 11 triệu đồng.
Thực hiện mô hình trình diễn này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh chỉ đạo Trạm Khuyến nông huyện Hải Lăng khảo sát thực tế và chọn 10 hộ chăn nuôi có đủ điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ sản xuất và có nhu cầu về chăn nuôi vịt tại xã Hải Quế, huyện Hải Lăng tham gia. Xã Hải Quế là địa bàn vùng trũng, có nhiều ao hồ thuận lợi trong chăn nuôi vịt. Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên thuộc Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và PTNT là đơn vị cung ứng giống vịt biển để thực hiện mô hình này.
Mỗi hộ tham gia mô hình trình diễn được hỗ trợ 50% chi phí mua con giống, thức ăn, thuốc thú y. Quy mô chăn nuôi thí điểm mỗi hộ 530 con vịt. Tham gia mô hình, các hộ chăn nuôi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn chuyển giao toàn bộ quy trình kỹ thuật về chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho vịt biển.
Ngoài ra, cán bộ khuyến nông còn hướng dẫn thực hành các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi tại chuồng nên người dân nắm vững kỹ thuật chăn nuôi. Nhờ đó, quá trình thực hiện mô hình trình diễn được diễn ra suôn sẻ. Vịt nhanh lớn, không dịch bệnh và đạt các chỉ tiêu mà mô hình đề ra.
Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Hải Lăng Trần Lương cho biết: “Vịt được nuôi từ 1 ngày tuổi, con giống lúc bàn giao đảm bảo khỏe mạnh. Các hộ chăn nuôi được cung cấp thức ăn chuyên dùng cho vịt trong 2 giai đoạn sinh trưởng đúng như yêu cầu của mô hình đề ra. Các hộ tuân thủ tối đa các biện pháp kỹ thuật đã được hướng dẫn nên mô hình đem lại kết quả cao, sản phẩm đảm bảo an toàn sinh học”.
Thực tế qua quá trình thực hiện mô hình trình diễn cho thấy vịt biển tương đối dễ nuôi, tăng trọng nhanh và ít bị dịch bệnh. Vịt biển phù hợp với nhiều phương thức chăn nuôi, không kén thức ăn và nguồn nước. Đây là đặc điểm để dễ dàng nhân mô hình chăn nuôi vịt biển ra diện rộng.
Giống vịt biển này do Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên chọn tạo từ 8 năm nay và được công nhận là tiến bộ kỹ thuật. Vịt có khả năng thích nghi rộng trong điều kiện nhiều nguồn nước như nước lợ, nước mặn, nhưng thích hợp nhất là chăn nuôi ở các vùng ven biển. Giống vịt này cũng có thể chăn nuôi trong môi trường nước ngọt với phương thức chăn thả đồng hoặc nuôi nhốt, nuôi nhốt kết hợp với nuôi cá, trồng lúa.
Về chất lượng thịt vịt biển, theo đánh giá của nông dân tham gia mô hình, so với vịt cỏ, vịt bầu thông thường, vịt biển nạc dày, ít mỡ nên phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Kết quả thực hiện mô hình, tổng đàn nuôi thí điểm 5.300 con đến cuối chu kỳ nuôi đạt tỉ lệ sống trên 97%. Trong lượng xuất chuồng bình quân đạt 2,9 kg/con. Toàn bộ 10 hộ tham gia mô hình đều có lãi từ 9 - 11 triệu đồng.
Năm 2022 là năm thứ 3 Trung tâm Khuyến nông triển khai trình diễn mô hình chăn nuôi vịt biển an toàn sinh học. Trong 3 năm qua, trung tâm đã hỗ trợ xây dựng 30 mô hình cho 30 hộ dân trên địa bàn tỉnh với 14.000 con vịt biển. Kết quả sau 3 năm thực hiện thí điểm đã khẳng định chắc chắn tính thích nghi và hiệu quả kinh tế của mô hình chăn nuôi vịt biển tại Quảng Trị.
Từ kết quả thực hiện mô hình trình diễn này đã dần làm thay đổi cách nghĩ của nông dân trong tổ chức sản xuất và tìm tòi giống con mới có năng suất, chất lượng tốt hơn để thay thế cho giống con nuôi có năng suất thấp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Việc tiếp nhận giống con mới đưa vào sản xuất cũng thể hiện sự tiến bộ trong tư duy của nông dân, biết nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng trong chăn nuôi tạo nên tập quán, thói quen mới để thúc đẩy nghề chăn nuôi vịt nói riêng và chăn nuôi động vật nói chung, tạo ra sản phẩm hàng hóa an toàn dịch bệnh. Đây là phương pháp sản xuất hiệu quả và bền vững.
Đánh giá về mô hình trình diễn chăn nuôi vịt biển tại Quảng Trị, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị Trần Cẩn cho biết: “Sau 3 năm thực hiện trình diễn mô hình nuôi vịt biển đã khẳng định được sự thành công của mô hình.
Mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng đối với các địa phương vùng ven biển để hỗ trợ cho nông dân đa dạng hóa ngành nghề sản xuất, nhất là các xã biển không chỉ phụ thuộc vào nghề khai thác, đánh bắt hải sản mà có thể phát triển chăn nuôi các loài con mới này.
Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền để nhân rộng mô hình nhằm góp phần chuyển đổi cơ cấu vật nuôi trên địa bàn, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho nông dân. Đặc biệt nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học để đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững”.