Trình Quốc hội chỉ tiêu GDP năm 2021 tăng 6%
Chính phủ gửi báo cáo 'Tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021' đến Quốc hội.
Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10 của Quốc hội sẽ khai mạc sáng 20/10 tới đây, thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa ký báo cáo "Tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021" của Chính phủ gửi tới Quốc hội.
2020 có nhiều điểm sáng
Chính phủ đánh giá tổng quát, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhìn chung năm 2020 có nhiều điểm sáng, đã hạn chế được tác động của dịch bệnh, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong đó, đạt và vượt 8/12 chỉ tiêu chủ yếu, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm đời sống của người dân, giúp đỡ được bạn bè quốc tế, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Về tăng trưởng, Chính phủ cho biết, quy mô GDP tiếp tục tăng nhưng giá trị gia tăng thấp hơn nhiều so với năm 2019 và bình quân giai đoạn 2016-2020. Năm 2020, GDP theo giá hiện hành ước đạt khoảng 6,3 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 263 nghìn tỷ đồng so với năm 2019, thấp hơn mức tăng của năm 2019 (tăng gần 500 nghìn tỷ đồng so với năm 2018); GDP bình quân đầu người ước đạt 2.750 USD, tăng gần 35,6$ so với năm 2019, thấp hơn mức tăng của năm 2019 (tăng khoảng 144$); tốc độ tăng GDP năm 2020 thấp hơn nhiều so với mức tăng của năm 2019 (7,02%); sản xuất, kinh doanh chỉ cố gắng ở mức duy trì hoạt động, động lực tăng trưởng phải dựa nhiều vào vốn; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng ước đạt 37,48%, thấp hơn nhiều so với năm 2019 (47,71%), nhưng bình quân 5 năm ước đạt khoảng 43%, cao hơn mục tiêu Kế hoạch 5 năm đề ra (30-35%).
Bên cạnh kết quả, Chính phủ cũng nhìn nhận những hạn chế, yếu kém cần sớm khắc phục: chất lượng đầu tư công hạn chế, giải ngân vốn đầu tư công chậm, công trình trọng điểm triển khai chậm tiến độ, nguy cơ nợ xấu ngân hàng tăng, cơ cấu lại nền kinh tế chưa đạt yêu cầu, môi trường đầu tư kinh doanh chưa thật sự thông thoáng, thuận lợi, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Ngoài ra, còn một số tồn tại, hạn chế như: Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không đạt kế hoạch. Xử lý 12 dự án thua lỗ, yếu kém còn chậm. Cân đối thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ bội chi NSNN tăng. Đổi mới khu vực sự nghiệp công chưa đáp ứng yêu cầu.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp tăng, nhất là ở khu vực thành thị. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, tỉnh còn chậm, nhất là điều chỉnh quy hoạch điện VII, lập quy hoạch điện VIII. Còn một số văn bản hướng dẫn thi hành luật chậm tiến độ do phải quy định chi tiết những vấn đề mới, phức tạp, nhạy cảm trong lĩnh vực tôn giáo, an ninh mạng. Khiếu kiện về đất đai tuy đã giảm nhưng vẫn còn gây bức xúc ở một số địa phương, báo cáo nêu rõ.
2021 tập trung thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép"
Về kế hoạch 2021, Chính phủ nhận định nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức từ các tác động tiêu cực của tình hình thế giới do độ mở của nền kinh tế lớn và những hạn chế, bất cập nội tại; nguồn lực hạn hẹp, trong khi phải đáp ứng cùng lúc các yêu cầu về đầu tư phát triển, phòng chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội,…
Tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng; tình hình phức tạp trên Biển Đông tiếp tục là thách thức lớn đối với bảo đảm quốc phòng an ninh và sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước.
Mục tiêu tổng quát được Chính phủ xác định là tập trung thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh; phát triển mạnh thị trường trong nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn; đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số.
Vẫn trong mục tiêu tổng quát là chú trọng phát triển nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tự hào dân tộc; thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và thích ứng biến đổi khí hậu. Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để khơi thông các nguồn lực cho phát triển. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại tố cáo. Làm tốt công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. Củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
Chính phủ cũng dự kiến 12 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2020, trong đó GDP tăng khoảng 6% so với năm 2020 (chỉ tiêu dự kiến gửi đến cơ quan thẩm tra của Quốc hội trước đó là từ 6-6,5%).
Các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2021
Các chi tiêu chủ yếu về kinh tế
- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6% so với năm 2020.
- Quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người.
- Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.
- Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%.
- Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%.
Các chỉ tiêu chủ yếu về xã hội
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%.
- Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%.
- Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5 điểm phần trăm so với năm 2020.
Các chỉ tiêu chủ yếu về môi trường
- Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung trên 90%.
- Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên 87%.
- Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường khoảng 91%.
- Tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%.
(Nguồn: Báo cáo Tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, dự kiến năm 2021, ngày 16/10 của Chính phủ gửi Quốc hội)
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/trinh-quoc-hoi-chi-tieu-gdp-nam-2021-tang-6-d131578.html