Trình Quốc hội điều chỉnh hiệu lực Luật Đất đai từ ngày 1/8/2024
Chính phủ đề xuất Quốc hội điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành sớm hơn (từ ngày 1/8/2024) đối với Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở.
Sáng 30/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Trình bày tờ trình về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, ngày 27/5, Chính phủ có tờ trình đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Các tổ chức tín dụng vào chương trình năm 2024.
Nội dung chính là điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành sớm hơn (từ ngày 1/8/2024) đối với Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở, thay vì thời điểm 1/1/2025 như trong ba luật được thông qua trước đây.
Theo ông Tùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc cần sớm triển khai thi hành các luật nêu trên nhằm tháo gỡ vướng mắc, đưa các chính sách mới đã được Quốc hội quyết định vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự án luật này vào chương trình năm 2024; trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan khi xây dựng dự án luật tiếp tục đánh giá tác động kỹ, nhất là những tác động bất lợi (nếu có) để đề xuất giải pháp khắc phục phù hợp. Rà soát kỹ các nội dung quy định chuyển tiếp tại các luật này và quy định tại các luật khác có liên quan chịu tác động của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành sớm 5 tháng, để có phương án xử lý phù hợp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; không để xảy ra vướng mắc do chậm trễ ban hành, không để thiếu các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, không gây ra các tác động tiêu cực đối với người dân, doanh nghiệp.
Đóng góp ý kiến về nội dung trên, đại biểu Đinh Ngọc Minh (Đoàn Cà Mau) cho biết, nếu như cho các luật có hiệu lực sớm mà các thông tư hướng dẫn chưa xong thì sẽ tạo ra khoảng trống pháp luật khi luật cũ đã hết hiệu lực nhưng luật mới lại chưa có hướng dẫn.
Đại biểu Đinh Ngọc Minh do đó đề nghị cân nhắc kỹ việc điều chỉnh hiệu lực thi hành, đặc biệt là với Luật Đất đai. Ông cho biết: “Tôi trực tiếp tham gia thẩm tra dự án Luật này và thấy rất khó. Ví dụ như chương về thu hồi đất và chương về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mỗi câu là một chính sách, mỗi câu là một nội dung khác biệt hoàn toàn, cực kỳ khó hướng dẫn. Hiện nay, nhiều nghị định hướng dẫn vẫn chưa được đưa lên trang của cơ quan soạn thảo. Vì vậy thời gian luật có hiệu lực phải tính kỹ”.
Trước đó, tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội ngày 29/5, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn Lai Châu) bày tỏ đồng tình với việc Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này xem xét quyết định cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm hơn để tổ chức thực hiện, góp phần giải quyết căn bản nút thắt về thể chế.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ, các bộ ngành cần có bước chuẩn bị đầy đủ, đồng bộ hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành, để luật có hiệu lực thì tổ chức thực hiện được ngay.
Cũng tại phiên thảo luận tại hội trường ngày 29/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, ba bộ luật liên quan đến đất đai sớm đi vào cuộc sống sẽ giúp giải quyết nhiều tồn tại, yếu kém, hạn chế. Vì vậy, Chính phủ quyết tâm trình Quốc hội cho phép các bộ luật trên sớm có hiệu lực.
Theo Phó Thủ tướng, nếu được Quốc hội cho phép ngày hiệu lực sớm, Chính phủ sẽ quyết tâm làm đầy đủ các văn bản hướng dẫn. Cụ thể, sẽ có 14 nghị định, khoảng trên 10 thông tư. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có công điện yêu cầu các địa phương xây dựng và các Bộ, ngành cùng tham gia để đảm bảo sự liên thông, thống nhất về pháp luật.