Trình Quốc hội dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang khẳng định việc ban hành Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, bảo đảm quyền con người và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong thi hành án hình sự.
Sáng 24-5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã trình bày tờ trình dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Theo Bộ trưởng Công an, mục đích xây dựng luật nhằm hoàn thiện pháp luật về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù theo hướng nhân đạo, toàn diện, cụ thể, đồng bộ, thống nhất và khả thi.
Việc có luật riêng cũng góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người đang thi hành án, đồng thời tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Bộ Công an được xác định là cơ quan trung ương thực hiện hoạt động chuyển giao theo luật này. Hoạt động chuyển giao sẽ dựa trên điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các thỏa thuận song phương hoặc nguyên tắc có đi có lại.
Về chi phí, nếu Việt Nam là bên chuyển giao, ngân sách nhà nước sẽ chi trả các khoản chi phí liên quan đến thời điểm bàn giao người đang chấp hành án phạt tù. Trường hợp Việt Nam là nước nhận, sẽ chi trả toàn bộ chi phí phát sinh từ thời điểm tiếp nhận. Trường hợp có thỏa thuận khác giữa các bên thì sẽ thực hiện theo thỏa thuận đó.

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang. Ảnh: Phạm Thắng
Dự thảo luật cũng cho phép bị án, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể tự nguyện đóng góp, hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần chi phí sinh hoạt, đi lại và các chi phí khác trong quá trình chuyển giao.
Liên quan đến việc tiếp tục thi hành án sau khi người đang chấp hành án phạt tù được chuyển giao về Việt Nam, dự thảo luật quy định sẽ thực hiện theo pháp luật Việt Nam, các nội dung cụ thể do Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính khả thi.
Đối với chuyển đổi hình phạt, cơ quan soạn thảo đề xuất giữ quy định mở để tiếp tục nghiên cứu, vì đây là vấn đề lớn, có tính phức tạp, liên quan đến chính sách hình sự và quyền của người chấp hành án.
Thẩm tra dự thảo luật, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành luật. Tuy nhiên, về nguyên tắc “có đi có lại”, cơ quan thẩm tra đề nghị Bộ Công an cần tham khảo ý kiến Bộ Ngoại giao trước khi quyết định, nhằm bảo đảm tính thận trọng, phù hợp với đường lối đối ngoại.
Về vấn đề kinh phí, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đồng tình với quy định cho phép tự nguyện đóng góp để chia sẻ gánh nặng ngân sách, song lưu ý cần phân định rõ ràng giữa khoản chi do ngân sách bảo đảm và khoản chi do tự nguyện hỗ trợ. Một số ý kiến khác đề xuất chỉ nên quy định chi phí theo ngân sách nhà nước để tránh lẫn lộn và khó kiểm soát khi thực hiện.
Riêng về quy định chuyển đổi hình phạt, cơ quan thẩm tra cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động, đặc biệt trong bối cảnh sự khác biệt lớn về hệ thống pháp luật và hình phạt giữa các quốc gia.