Trợ cấp xã hội được điều chỉnh liên tục vẫn quá thấp so với mức sống tối thiểu

Theo Bộ LĐ-TB&XH, mức chuẩn trợ giúp xã hội tăng chậm so với quá trình cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, lương hưu, giảm nghèo và trợ cấp đối với người có công với cách mạng.

Đề xuất điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng

Đề xuất điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng

Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, cả nước có khoảng 3,356 triệu người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng. Ngoài ra, có hơn 349 nghìn hộ gia đình đang chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng, và đối tượng bảo trợ xã hội.

Mặc dù ngân sách Nhà nước còn khó khăn, nhưng vẫn dành ưu tiên đầu tư cho an sinh xã hội, trợ giúp xã hội. Mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP là 360.000 đồng/tháng và hệ số trợ cấp đối với các nhóm cụ thể khác.

Mức thấp nhất là hệ số 1 và mức cao là hệ số 2,5 (hệ số bình quân chung 1,41). Hằng năm, ngân sách nhà nước đã bố trí hơn 27.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội.

Theo đánh giá, chính sách trợ giúp xã hội từng bước đáp ứng các nhu cầu cơ bản của đối tượng về thu nhập, nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, hướng nghiệp, dạy nghề, đảm bảo tốt hơn các quyền của đối tượng thụ hưởng.

Nhìn chung, hệ thống chính sách hiện nay đã tạo thành lưới an toàn xã hội rộng khắp, đan xen, có khả năng bao phủ nhiều đối tượng thuộc nhiều tầng lớp khác nhau. Đồng thời, đã tính đến đặc thù theo vùng, miền; hỗ trợ hộ nghèo (hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ tiền điện), đồng bào dân tộc thiểu số...

Tác động của trợ giúp xã hội đến đối tượng hưởng lợi rất tích cực. Mức trợ giúp xã hội liên tục được điều chỉnh tăng lên.

Cụ thể, mức chuẩn trợ cấp năm 2000 là 45.000 đồng/tháng, năm 2006 tăng lên 65.000 đồng/tháng, năm 2007 tăng lên 120.000 đồng/tháng, năm 2010 tăng lên 180.000 đồng/tháng, đến năm 2013 là 270.000 đồng/tháng, tăng 6 lần so với năm 2000. Đến năm 2021, tăng lên mức 360.000 đồng và áp dụng cho tới nay.

Bộ LĐ-TB&XH cho rằng việc triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội đã góp phần ổn định đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội. Đồng thời, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Mặc dù vậy, mức chuẩn trợ giúp xã hội tăng chậm so với quá trình cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, lương hưu, giảm nghèo và trợ cấp đối với người có công với cách mạng.

Hiện mức trợ cấp rất thấp so với mức sống tối thiểu của người dân, chỉ bằng 24% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025 (chuẩn nghèo khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng).

Tính từ năm 2021 đến nay, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng là 26,5% (từ 1,624 triệu đồng lên 2,055 triệu đồng). Mức tăng lương cơ sở sau 4 năm là 20,8% (từ mức 1,49 triệu đồng lên mức 1,8 triệu đồng).

Bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng, tăng 38,9%. Mức này dự kiến đáp ứng bằng 1/3 chuẩn nghèo khu vực nông thôn, và bằng 1/4 chuẩn nghèo khu vực thành thị giai đoạn 2021-2025.

Việc điều chỉnh nhằm bảo đảm quyền an sinh cho đối tượng hưởng lợi, nhất là người dân khó khăn đều được sự hỗ trợ của nhà nước; từng bước nâng cao chất lượng chính sách trợ giúp xã hội.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tro-cap-xa-hoi-duoc-dieu-chinh-lien-tuc-van-qua-thap-so-voi-muc-song-toi-thieu-post580883.antd