Trò chơi điện tử – bảo hộ sở hữu trí tuệ nào thì phù hợp?
Trò chơi điện tử đã và đang tiếp tục khẳng định vị thế áp đảo trong thị trường giải trí hiện nay. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần nắm được luật định của mỗi quốc gia liên quan tới trò chơi điện tử, để đảm bảo khai thác hiệu quả sản phẩm sáng tạo này của doanh nghiệp.
Ngành công nghiệp trò chơi điện tử (video game) từ rất nhiều năm trở lại đây được coi là con gà đẻ trứng vàng. Riêng trong năm 2022, doanh thu trên toàn thế giới của thị trường trò chơi điện tử đạt khoảng 347 tỉ đô la Mỹ. Thị trường này cũng liên tục vận động.
Nhờ vào tiến bộ công nghệ, những nhà sản xuất trò chơi điện tử càng có nhiều khả năng xây dựng các trò chơi mới tiện lợi, hấp dẫn hơn, với những tương tác thực hơn (như nhờ vào công nghệ cloud gaming cho phép chơi trực tuyến, nơi người dùng có thể truy cập vào các trò chơi mà không cần phải tải xuống và cài đặt, hay VR gaming – trò chơi thực tế ảo với những trải nghiệm không gian ba chiều sống động).
Đặc biệt, trong thời kỳ đại dịch Covid-19, trò chơi điện tử càng thu hút đông đảo người chơi vì giờ đây chơi… game không chỉ là chơi, mà còn là để kết nối và tương tác xã hội. Trò chơi điện tử giờ đã thoát ra khỏi hình ảnh xấu xí của game thủ cô lập và khép kín. Một nghiên cứu cho thấy 16% người chơi trò chơi điện tử cho rằng cách giải trí này đã giúp họ giữ cân bằng tâm lý trong thời gian cách ly do dịch Covid-19.
Cho dù chẳng kém cạnh ngành công nghiệp âm nhạc và điện ảnh, trò chơi điện tử về khía cạnh pháp lý lại còn xa lạ với rất nhiều người. Ít ai biết rằng trong một trò chơi điện tử, có nhiều yếu tố sáng tạo khác nhau và nhiều ngành luật sở hữu trí tuệ (SHTT) khác nhau cùng được áp dụng cho loại hình sáng tạo này. Không những thế, trò chơi điện tử cũng là lĩnh vực tồn tại nhiều khác biệt trong luật SHTT giữa các quốc gia.
Bảo hộ bằng bằng sáng chế
Bằng sáng chế là một loại hình bảo hộ pháp lý cho phép cho chủ sở hữu sáng chế được độc quyền khai thác sáng chế. Ở Mỹ, nơi Hiến pháp quy định rằng, để thúc đẩy tiến bộ khoa học và nghệ thuật hữu ích, Quốc hội có quyền đảm bảo cho tác giả và nhà sáng chế quyền sở hữu đối với tác phẩm hay sáng chế, luật về bằng sáng chế có quy định rằng “bất cứ ai sáng tạo hay phát hiện ra phương thức, thiết bị, sản xuất hoặc cách tổng hợp một cách mới và hữu ích, hoặc mọi cải tiến mới hay hữu ích trên các đối tượng này, thì có thể đăng ký bảo hộ bằng sáng chế”.
Trò chơi điện tử, về bản chất là một chương trình máy tính, có thể được bảo hộ bởi luật về bằng sáng chế tại Mỹ. Ở quốc gia này, loại hình “Utility Patents” (bằng sáng chế tiện ích) thường được sử dụng để bảo hộ chương trình máy tính trong trò chơi điện tử, trong khi loại hình “Patent Design” (bằng sáng chế kiểu dáng) lại được sử dụng đối với kiểu dáng của phần cứng trò chơi điện tử.
Ngược lại, trong hệ thống bằng sáng chế châu Âu, vốn chỉ cấp bằng sáng chế cho các phát minh mới, thể hiện một hoạt động sáng tạo và có ứng dụng công nghiệp, thì chỉ có những chương trình máy tính cấu thành “giải pháp” cho một “vấn đề kỹ thuật” mới được cấp bằng sáng chế.
Tuy vậy, nếu như trò chơi điện tử có chứa cả những yếu tố kỹ thuật khác thì có thể đáp ứng được các điều kiện để đăng ký bằng sáng chế. Ví dụ như luật chơi của trò chơi điện tử bao gồm các quy định khác nhau cho phép người chơi thực hiện trò chơi thì không thể được coi là phát minh có thể đăng ký bằng sáng chế.
Thế nhưng, cách luật chơi được thực hiện, nếu như là một giải pháp cho vấn đề kỹ thuật, thì lại có thể nằm trong phạm vi áp dụng của luật về bằng sáng chế. Để xác định chương trình máy tính có nằm trong diện sáng chế hay không, thì người thẩm định phải tùy từng trường hợp cụ thể.
Ở Việt Nam, khả năng cấp bằng sáng chế cho chương trình máy tính không được quy định trong Luật SHTT, nhưng theo Cục SHTT thì “Mặc dù chương trình máy tính thuộc danh mục các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế nhưng nếu đối tượng yêu cầu bảo hộ có đặc tính kỹ thuật và thực sự là một giải pháp kỹ thuật, nhằm giải quyết một vấn đề kỹ thuật bằng một phương tiện kỹ thuật để tạo ra một hiệu quả kỹ thuật thì nó có thể được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế” (theo Quy chế thẩm định đơn đăng ký sáng chế ban hành kèm Quyết định 487/QĐ-SHTT ngày 31-3-2010 của Cục trưởng Cục SHTT do Cục SHTT Việt Nam ban hành).
Bảo hộ bằng quyền tác giả
Nếu như đăng ký bằng sáng chế cho trò chơi điện tử gặp nhiều trở ngại ở Việt Nam, thì chủ sở hữu trò chơi điện tử có thể đăng ký bảo hộ quyền tác giả dành cho “chương trình máy tính”. Theo khoản 1, điều 22, Luật SHTT, “Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy”.
Cũng xin bổ sung rằng, theo điều 10.1 của Thỏa thuận TRIPS của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các chương trình máy tính “dù dưới dạng mã nguồn hay mã máy, đều phải được bảo hộ như tác phẩm văn học theo Công ước Berne (1971)”. Như thế, mọi quốc gia thành viên của WTO đều phải ít nhất công nhận khả năng bảo hộ trò chơi điện tử bằng luật bản quyền.
Bảo hộ bằng nhãn hiệu
Ngược lại với bằng sáng chế hay quyền tác giả, nhãn hiệu không cần phải có tính sáng tạo hay là giải pháp cho một vấn đề kỹ thuật. Nhãn hiệu là một dấu hiệu để phân biệt sản phẩm hay dịch vụ trên thị trường, vì thế điều kiện không thể thiếu là khả năng phân biệt của nhãn hiệu. Hiện nay, nhãn hiệu không chỉ là dấu hiệu nhìn thấy được, mà nó có thể là nhãn hiệu màu sắc, âm thanh, hay nhãn hiệu mùi, vị giác, hay nhãn hiệu đa phương tiện (multimedia trademark).
Trong lĩnh vực trò chơi điện tử, tên của trò chơi điện tử có thể được đăng ký như nhãn hiệu, nếu như đáp ứng điều kiện chỉ dẫn nguồn gốc của sản phẩm (ví dụ nhãn hiệu Super Mario Bros, Doom…). Không chỉ thế, nhân vật trong trò chơi điện ảnh cũng rất hay được đăng ký như nhãn hiệu (Mario hay Pikachu chẳng hạn).
Việc chú ý khai thác thương mại các yếu tố này cũng rất quan trọng trong chiến lược của doanh nghiệp. Trong một số trường hợp, doanh nghiệp cũng cần chú ý xem tên trò chơi và nhãn hiệu đăng ký có trùng hợp với một nhãn hiệu trước đó hay không.
Ví dụ, năm 2018, chỉ ba tháng sau khi Sony tổ chức một chương trình quảng cáo cho trò chơi “God of Wars”, Công ty Beijing Elex Technology nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Lord of war” tại Anh dựa trên tên của trò chơi điện tử Lord of war mà công ty này cũng vừa tung ra.
Sony đã phản đối đơn đăng ký của Beijing Elex Technology, cho rằng điều này sẽ gây ra nhầm lẫn giữa nhãn hiệu “God of Wars” và “Lord of war”. Cơ quan SHTT của Anh (UKIPO) đã chấp nhận yêu cầu của Sony, vì rõ ràng là có quá nhiều yếu tố tương tự có thể gây nhầm lẫn giữa hai nhãn hiệu.
Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Các nhà sản xuất trò chơi điện tử cũng sẽ không bỏ lỡ quyền đối với kiểu dáng công nghiệp. Kiểu dáng công nghiệp là một loại hình quyền SHTT công nghiệp đối với kiểu dáng sản phẩm. Kiểu dáng công nghiệp không bảo hộ sản phẩm, mà bảo hộ khía cạnh thẩm mỹ, khía cạnh thị giác của sản phẩm.
Đối với trò chơi điện tử, bảo hộ kiểu dáng công nghiệp có thể áp dụng để bảo vệ Graphical User Interface (giao diện đồ họa người dùng). Như đã nói ở trên, theo luật của Mỹ, thì khía cạnh thẩm mỹ của thiết bị trò chơi điện tử còn có thể được bảo hộ qua “Design patent”.