Trò chuyện với Giám đốc Sở VH&TT Thừa Thiên - Huế về 'quốc phục'

Theo TS. Phan Thanh Hải, đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc, khách quan nhìn thẳng vào vấn đề lựa chọn quốc phục và lễ phục Việt Nam.

Có lẽ không ở nơi đâu trên thế giới mà chuyện trang phục lại dễ tạo ra tranh luận như ở Việt Nam. Mới đây, ngay tại nghị trường Quốc hội, câu chuyện trang phục một lần nữa lại dậy sóng dư luận với đủ cả khen chê, xuôi ngược, mà nguồn cơn là sự xuất hiện của một vị đại biểu trong bộ áo dài ngũ thân, đầu đội khăn đóng đi họp.

Nhưng điều đó, chưa phải vấn đề thực sự bởi đây không phải là lần đầu tiên vị đại biểu này mặc như vậy và thực tế thì ông cũng phải không người duy nhất chọn phong cách ăn mặc này. Vấn đề ở chỗ, trong phần phát biểu của mình trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, ông đã lên tiếng đề nghị với Quốc hội xem xét đưa vào nghị quyết kỳ họp cho phép đại biểu mặc áo dài ngũ thân nam tại các phiên họp, bên cạnh việc mặc bộ comple.

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) mặc áo dài ngũ thân tham dự các phiên họp của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) mặc áo dài ngũ thân tham dự các phiên họp của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Và từ đề xuất này, lại dấy lên một cuộc tranh luận, vốn không cũ nhưng chưa bao giờ hết nóng. Để rộng đường dư luận, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế về chủ đề đang được quan tâm này.

Hành trang để hội nhập cùng thế giới

Người Đưa Tin (NĐT): Thưa ông, gần đây sự xuất hiện của một Đại biểu trong bộ áo dài ngũ thân và đề xuất liên quan đến loại trang phục này trên diễn đàn Quốc hội đã thực sự trở thành một chủ đề được nhiều trao đổi. Để bắt đầu cho cuộc trò chuyện ngày hôm nay, trước hết xin được hỏi ông một vấn đề thế này: Liệu việc ăn mặc thế nào có thực sự đáng để trở thành một câu chuyện cần nói, cần bàn thậm chí xa hơn là cần có quy định hay không?

Ông Phan Thanh Hải: Từ khá lâu rồi, việc sử dụng trang phục truyền thống, hướng tới hình thành một bộ quốc phục là mong muốn của nhiều nhà quản lý văn hóa và giới nghiên cứu. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc bàn luận về vấn đề này tại các hội thảo, hội nghị và diễn đàn. Việc cụ thể hóa những ý tưởng này, biến ý tưởng trở thành hiện thực chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Liên quan đến đề xuất mới đây của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh trên diễn đàn Quốc hội, ông đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào nghị quyết cho phép đại biểu mặc áo dài ngũ thân nam tại các kỳ họp, bên cạnh trang phục comple. Tức là mong muốn Quốc hội cho thêm một sự lựa chọn phù hợp, thay vì quy định cứng là đại biểu nam chỉ được mặc comple.

Đồng thời, ông khẳng định việc cho phép mặc áo dài ngũ thân nam tại các hội nghị, các sự kiện giúp cho các cơ quan có trách nhiệm và người dân có cái nhìn thực tế, có thời gian để nhìn rõ hơn về giá trị truyền thống; hướng đến đề xuất xây dựng riêng một bộ lễ phục truyền thống cho người Việt tại các hội nghị văn hóa lớn, các sự kiện ngoại giao nhà nước. Tôi cho rằng đó là một kiến nghị phù hợp.

Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc, khách quan nhìn thẳng vào vấn đề lựa chọn quốc phục và lễ phục. Tôi hoàn toàn đồng ý với quy định: Lễ phục của người Việt Nam là áo dài truyền thống, bao gồm cả hai giới nam và nữ. Chiếc áo dài của ta hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu về tính trang trọng, vẻ đẹp, bản sắc văn hóa của một bộ lễ phục. Nhưng cần có quy định cụ thể về quy cách, màu sắc, họa tiết trang trí và các phụ kiện đi kèm.

Một quốc gia có lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm với nền văn hiến lâu đời thì không thể không có quốc phục và lễ phục. Đây là hành trang vô cùng quý giá để chúng ta hội nhập cùng thế giới mà không bị hòa tan.

NĐT: Thưa ông, nếu bàn về chuyện quốc phục hay lễ phục nhà nước thì tại sao lại là áo dài ngũ thân mà không phải một loại trang phục nào khác? Bởi ngay trong lịch sử, áo dài ngũ thân không phải là loại trang phục duy nhất mà nam giới từng mặc?

NĐT: Thưa ông, nếu bàn về chuyện quốc phục hay lễ phục nhà nước thì tại sao lại là áo dài ngũ thân mà không phải một loại trang phục nào khác? Bởi ngay trong lịch sử, áo dài ngũ thân không phải là loại trang phục duy nhất mà nam giới từng mặc?

Ông Phan Thanh Hải: Trước hết, đó là do áo dài ngũ thân (năm thân) là một sáng tạo độc đáo của người Việt Nam, và trong lịch sử, nó đã từng là quốc phục của toàn dân ta trong hàng trăm năm, khi đất nước thống nhất và có lãnh thổ tương đương như hiện nay.

Áo dài ngũ thân vốn được cư dân Đàng Trong sáng tạo ra vào khoảng đầu thế kỷ XVII, và được hoàn thiện dần. Sau khi chúa Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi, năm 1744, đã cho quy hoạch và xây dựng lại Đô thành Phú Xuân, xưng vương hiệu và tiến hành cải cách nhiều mặt, bao gồm cả bộ máy chính quyền, cả chế độ y quan và lễ nhạc, đổi mới phong tục, trang phục trên toàn thể vùng đất Đàng Trong.

Với thường phục, ông bắt buộc dân chúng nam, nữ đều phải dùng kiểu áo ngũ thân cổ dựng, cài khuy bên phải cùng với quần hai ống, trên đầu để tóc búi, đội khăn xếp hoặc khăn vành (đối với nữ), vốn là loại trang phục đã được hoàn thiện và sử dụng rất phổ biến trong dân chúng.

Sang triều Nguyễn, triều đình muốn thống nhất y phục hai miền, khởi đầu từ vua Gia Long (nối tiếp việc sửa đổi của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát), rồi đến thời vua Minh Mạng đã được thi hành một cách quyết liệt. Từ quan điểm cần thống nhất, tự chủ về mặt văn hóa ở phương diện trang phục, vua Minh Mạng đã ban hành nhiều quy định thay đổi trang phục để tạo ra sự thống nhất giữa hai miền Nam, Bắc. Áo dài ngũ thân, cổ đứng, gài 5 khuy bên phải kèm với quần hai ống được chính thức công nhận là quốc phục của nước ta, phổ biến từ trong cung đình ra đến dân gian.

Như vậy, chiếc áo dài ngũ thân được sản sinh ra từ đầu thế kỷ XVII, được định chế bởi chúa Nguyễn Phúc Khoát, rồi được hoàng đế Minh Mạng quy định thành trang phục chung cho toàn dân, phổ biến trên cả nước.

Cho đến nay, bộ trang phục đặc biệt này đã có hơn 300 năm lịch sử. Vẻ đẹp cổ điển và các giá trị văn hóa của nó đã được thử thách và khẳng định. Vì vậy, áo dài ngũ thân xứng đáng được lựa chọn để làm quốc phục hay lễ phục nhà nước cho người Việt Nam. Việc mặc áo dài ngũ thân sẽ tôn vinh văn hóa dân tộc, giúp chúng ta ý thức hơn về cội nguồn, từ đó thêm tự hào về đất nước mình.

Tín hiệu đáng mừng trong giữ gìn di sản văn hóa Việt

NĐT: Áo dài ngũ thân đã từng là trang phục hằng ngày của xã hội vậy tại sao việc khôi phục một truyền thống vốn dĩ đã từng có lại gặp nhiều trở ngại đến vậy? Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Phan Thanh Hải: Áo dài ngũ thân đã từng là trang phục được sử dụng trong đời sống hằng ngày của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy giá trị áo dài ngũ thân hiện nay cũng gặp không ít cản trở. Trước hết là do nhận thức của một số người cho rằng áo dài nam không thuận tiện, gọn gàng như comple. Nhưng vấn đề là phần lớn những người có suy nghĩ như vậy thì thường chưa từng mặc hay trải nghiệm áo dài bao giờ. Tôi nghĩ nam giới mặc áo dài vẫn toát lên được vẻ ngoài lịch lãm, chỉn chu.

NĐT: Thưa ông, việc đặt vấn đề về khôi phục và phát huy giá trị của áo dài ngũ thân đã bắt đầu từ khi nào và như thế nào?

Ông Phan Thanh Hải: Vấn đề khôi phục và phát huy giá trị chiếc áo dài ngũ thân thu hút sự quan tâm của cộng đồng xã hội trong khoảng 3 năm trở lại đây, gắn với hoạt động xây dựng thương hiệu “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”. Đây là câu chuyện phục hưng một di sản văn hóa truyền thống, đưa di sản ấy vào cuộc sống đương đại, và để nó tỏa sáng như vốn đã từng. Đi đầu là Sở VH&TT, sau đó là nhiều cơ quan, ban, ngành trong tỉnh đã thực hiện việc mặc áo dài trong công sở, đời sống và các sinh hoạt văn hóa.

Tôi được biết hiện có những câu lạc bộ với hàng chục nghìn thành viên trẻ đưa ra quy định mặc áo dài ngũ thân trong các buổi sinh hoạt.

Có thể nói, phong trào nghiên cứu, phục hồi cổ phục bao gồm cả áo dài, đưa di sản này vào cuộc sống đương đại đã và đang được đông đảo giới trẻ quan tâm, đón nhận nồng nhiệt. Điều này thực sự là tín hiệu đáng mừng, cho thấy giới trẻ ngày càng nhận thức được giá trị di sản văn hóa, cổ phục Việt Nam rất đẹp và đáng tự hào cũng như sự cần thiết trong việc thể hiện cái riêng của dân tộc mình trong dòng chảy văn hóa nhân loại.

NĐT: Trong những năm qua, đã xuất hiện những dự án, tổ chức, cá nhân “nặng lòng” với việc khôi phục và phát huy giá trị của áo dài ngũ thân. Ông đánh giá như thế nào về những tín hiệu này nhất là những giá trị mà nó mang lại?

NĐT: Trong những năm qua, đã xuất hiện những dự án, tổ chức, cá nhân “nặng lòng” với việc khôi phục và phát huy giá trị của áo dài ngũ thân. Ông đánh giá như thế nào về những tín hiệu này nhất là những giá trị mà nó mang lại?

Ông Phan Thanh Hải: Phải khẳng định rằng đó là những tín hiệu đáng mừng, đáng quý trong việc khôi phục và phát huy giá trị của áo dài ngũ thân. Nó không chỉ cho thấy vẫn còn nhiều người nặng lòng với loại trang phục này mà còn góp phần rất quan trọng khẳng định áo dài ngũ thân vẫn “sống” ngay giữa đời sống hiện đại. Nhiều người, nhất là các bạn trẻ biết đến, yêu thích và sử dụng áo dài ngũ thân xuất phát từ sự lan tỏa của những dự án hay cá nhân như vậy.

Như GS.TS. Thái Kim Lan là chủ nhân của Bảo tàng Gốm cổ sông Hương, trong đó có bảo quản bộ sưu tập áo dài quý hiếm. Bà luôn cho rằng, áo dài không cổ hủ, lạc hậu mà vẫn rất thời trang, tôn vẻ đẹp của người Việt Nam. Áo dài nhấn mạnh đến tính hòa điệu, phản ánh tinh thần, lòng tự hào của dân tộc.

Mặc dù chưa có tuyên bố chính thức là quốc phục nhưng áo dài đã đi vào tâm thức của bao thế hệ người dân Việt, trở thành trang phục nhận diện bản sắc của người Việt Nam đối với người nước ngoài.

Hoặc như NTK Quang Hòa là một trong những người đưa áo dài ngũ thân trở về và lan tỏa trên miền đất Cố đô Huế. NTK Quang Hòa đã tiếp nối, gìn giữ giá trị áo dài truyền thống và không ngừng sáng tạo để chuyển tải những thông điệp, giá trị nhân văn thông qua những tà áo dài Huế. Để phát triển đam mê của mình, anh vẫn đang tiếp tục ấp ủ nhiều dự án mới để tạo nên những chiếc áo dài ngũ thân mang thương hiệu và nét đặc trưng của xứ Huế.

Đó là những cá nhân tiêu biểu, còn như Câu lạc bộ Đình làng Việt là một trong những tổ chức đầu tiên thực hiện việc vận động đưa trang phục áo dài ngũ thân của nam giới trở lại đời sống. Từ năm 2015 đến nay, Câu lạc bộ Đình làng Việt đã không ngừng tổ chức các hoạt động nhằm quảng bá, tuyên truyền giúp công chúng hiểu được giá trị của áo dài truyền thống.

Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Áo dài ngũ thân truyền thống - Đình làng Việt, thời gian qua đã đẩy mạnh quảng bá, hỗ trợ nghệ nhân, người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm may theo truyền thống, phù hợp với đời sống hiện nay. Đến nay, việc may, mặc áo dài truyền thống đang đạt được những kết quả khả quan. Người may, mặc áo ngũ thân ngày càng tăng và được lan tỏa trong cộng đồng, đặc biệt là trong lớp trẻ.

Có thể nói, những cá nhân, tổ chức tiêu biểu nêu trên đã góp phần vào công cuộc phục hưng và phát huy giá trị chiếc áo dài trong bối cảnh đời sống đương đại.

Áo dài gắn với phát triển công nghiệp văn hóa bền vững

NĐT: Huế hiện đang là địa phương đi đầu trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của áo dài. Xin ông cho biết, địa phương kỳ vọng gì vào áo dài, vào sự gắn kết giữa áo dài với Huế nhất là những giá trị mang lại cho sự phát triển của tỉnh nhà?

Ông Phan Thanh Hải: Hiện nay, Thừa Thiên Huế đang thúc phát triển công nghiệp văn hóa một cách bền vững. Áo dài thực sự là một ngành nghề thủ công đặc biệt để tạo nên những sản phẩm ấn tượng. Vì vậy, việc triển khai thực hiện Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” sẽ tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất, cung ứng, giới thiệu, quảng bá sản phẩm áo dài Huế đến với cộng đồng người Việt và bạn bè quốc tế.

Tôi có thể nêu một dẫn chứng cụ thể vào năm 2019, Huế đón hơn 4,9 triệu lượt khách. Nếu chỉ cần phục vụ được 20% lượng khách đến Huế may áo dài với chi phí tầm 1 triệu đồng/khách, doanh thu dự kiến có thể đạt khoảng trên 900 tỷ đồng/năm.

Cùng với áo dài, có thể thúc đẩy phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống, phụ kiện hỗ trợ. Đây chính là cách phát triển công nghiệp văn hóa, phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, mang lại nguồn thu cho doanh nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, vừa bảo tồn, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống.

NĐT: Từ câu chuyện thực tiễn mà Huế đang triển khai, theo ông cần làm gì để có thể thực sự làm “sống lại” áo dài một cách bền vững trong đời sống hiện đại?

NĐT: Từ câu chuyện thực tiễn mà Huế đang triển khai, theo ông cần làm gì để có thể thực sự làm “sống lại” áo dài một cách bền vững trong đời sống hiện đại?

Ông Phan Thanh Hải: Chúng tôi luôn xác định, di sản phải thuộc về cộng đồng, phải do cộng đồng nắm giữ và chung tay bảo vệ, phát huy giá trị thì mới di sản ấy mới được bảo vệ bền vững và phát huy giá trị tốt nhất. Áo dài là một di sản đặc biệt của cố đô Huế, và nó vồn thuộc về cộng đồng. Vì vậy, công việc của chúng tôi làm “sống lại” áo dài và đưa di sản áo dài trở lại với đời sống cộng đồng xã hội đương đại, khuyến khích cộng đồng tham gia vào việc bảo vệ và phát huy di sản này.

Đây cũng là quá trình chúng ta từng bước xây dựng hình ảnh, thương hiệu áo dài Huế, đưa áo dài trở thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc, thành một lợi thế đặc biệt của cố đô Huế. Và như vậy, Áo dài không chỉ là hình ảnh, là bản sắc văn hóa Huế mà còn là một sản phẩm du lịch dịch vụ đặc trưng, là thứ góp phần quan trọng để Huế trở nên giàu có, sang trọng bằng chính sở trường, thế mạnh của mình.

Tôi tin rằng, với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự nỗ lực của ngành Văn hóa Thể thao và các ban ngành liên quan, và đặc biệt là với sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng nhân dân địa phương, đề án Huế - Kinh đô áo dài sẽ được triển khai thành công và mang lại nhiều hiệu quả đáng khích lệ.

NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.

Lê Mạnh Quốc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tro-chuyen-voi-giam-doc-so-vhtt-thua-thien-hue-ve-quoc-phuc-a613345.html