Trợ giá điện có cứu được ngành công nghiệp Đức?

Chính phủ liên minh Đức đang lên kế hoạch 'giải cứu' ngành công nghiệp Đức, trong đó tính tới các biện pháp cứu trợ rộng rãi để giảm giá điện công nghiệp.

Cảng container ở Hamburg, Đức. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Cảng container ở Hamburg, Đức. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Đức đặt mục tiêu hỗ trợ các công ty công nghiệp đang gặp khó khăn bằng giá điện thấp hơn, nhưng những người chỉ trích cho rằng kế hoạch này có thể đe dọa đến sự ổn định của thị trường và các mục tiêu về khí hậu.
Mặt trái tiềm ẩn của các biện pháp hỗ trợ
Trước cuộc tổng tuyển cử diễn ra hồi tháng 2/2025, các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp của Đức đã kêu gọi chính phủ mới của nước này sớm hành động để chống lại tình trạng giá điện cao, cảnh báo nguy cơ các doanh nghiệp đóng cửa hoặc sẽ chuyển ra nước ngoài nếu không có biện pháp hỗ trợ nào. Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng kế hoạch này có thể đe dọa đến sự ổn định của thị trường và các mục tiêu về khí hậu.
Vài tuần sau khi nhậm chức, chính phủ liên minh mới giữa Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) bảo thủ và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) do Thủ tướng Friedrich Merz đứng đầu đã lên kế hoạch cho các biện pháp cứu trợ đáng kể, nhưng một số chuyên gia cảnh báo về những mặt trái tiềm ẩn.
Thật khó để xác định một con số cụ thể duy nhất, vì mức cứu trợ hiện tại đối với chi phí điện khác nhau tùy thuộc vào quy mô và lĩnh vực của doanh nghiệp. Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Doanh nghiệp bang Bavaria (vbw) có trụ sở tại Munich, giá điện công nghiệp của Đức ở mức trung bình của châu Âu vào năm 2022. Tuy nhiên, tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine từ tháng 2/2022 đã ảnh hưởng đến thị trường năng lượng, khiến việc so sánh theo từng năm trở nên khó khăn.

Số liệu thống kê gần đây của Liên minh châu Âu (EU) cho thấy Đức đứng thứ ba trong khối về giá điện dành cho khách hàng không phải hộ gia đình - một danh mục bao gồm không chỉ các ngành công nghiệp mà còn cả các tổ chức công như trường học và văn phòng chính phủ, do đó khó có thể đưa ra kết luận về tác động cụ thể đối với ngành công nghiệp.Phát biểu trên báo “Frankfurter Rundschau” (Đức), chuyên gia năng lượng tại Viện Hệ thống Năng lượng Mặt trời Fraunhofer, ông Bruno Burger, cho biết nếu nói đến giá điện bán buôn (trước thuế và phí), Đức "đang ở giữa" trên thị trường quốc tế.Đức muốn bắt kịp Mỹ và Trung QuốcTuy nhiên, có một điều rõ ràng là các doanh nghiệp ở Mỹ và Trung Quốc đang phải trả ít hơn đáng kể khi dùng điện. Theo Viện nghiên cứu (Ifo) của Đức, năm 2023, giá điện công nghiệp vào khoảng 7 xu euro (khoảng 8 xu Mỹ)/kilowatt giờ ở Trung Quốc. Trong khi đó, tại Đức, các công ty công nghiệp phải trả khoảng 20 xu euro/kilowatt giờ.Chính phủ liên minh tại Berlin đang lên một kế hoạch, trong đó tính tới các biện pháp cứu trợ rộng rãi để giảm giá điện công nghiệp. Tại Đức, giá điện bao gồm giá bán buôn, cộng với thuế điện, phụ phí và phí lưới điện. Berlin hiện đang có kế hoạch giảm giá điện 5 xu/kilowatt giờ cho các doanh nghiệp bằng cách hạ thuế điện xuống mức tối thiểu của EU và cắt giảm phụ phí và phí lưới điện.Chính phủ cũng muốn gia hạn và kéo dài chương trình bù giá điện, theo đó sẽ hoàn trả cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng chi phí phát sinh do định giá CO2. Ở Đức, giá CO2 được áp dụng đối với việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, còn tại EU để ngăn chặn khí thải.Tích cực hay tiêu cực?Phát biểu với tổ hợp truyền thông DW của Đức, chuyên gia về chính sách năng lượng và khí hậu tại Viện Kinh tế Đức (IW) có trụ sở tại Koln Andreas Fischer, cho rằng: “Theo quan điểm của người tiêu dùng, sự cứu trợ rộng rãi là tích cực”.Tổng Giám đốc điều hành của Lössnitz Foundry và Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Chemnitz, Max Jankowsky đồng tình với quan điểm này, cho rằng tính cấp thiết của việc giảm giá điện đối với ngành công nghiệp được chấp nhận. Nhưng kế hoạch này cũng đang vấp phải sự chỉ trích.Bà Swantje Fiedler, Giám đốc khoa học tại Diễn đàn Kinh tế Thị trường Xã hội - Sinh thái cho biết: “Việc giảm giá điện trái ngược với nhu cầu của một hệ thống dựa trên năng lượng tái tạo. Thay vào đó, hệ thống năng lượng của Đức sẽ cần các động lực để lưu trữ năng lượng và tính linh hoạt, vì nguồn cung điện tái tạo chắc chắn sẽ dao động, khi rất dồi dào vào mùa Hè và khan hiếm vào mùa Đông”.Trong khi đó, chuyên gia của IW Andreas Fischer nói: “Việc xem xét mức độ linh hoạt của một công ty là rất quan trọng”, vì không phải tất cả các công ty đều có thể nhanh chóng thích ứng với những thay đổi về nguồn cung điện hoặc giá cả.Ưu và nhược điểm của điện giá rẻChuyên gia Leonhard Probst thuộc Viện Hệ thống Năng lượng Mặt trời Fraunhofer có trụ sở tại Freiburg (Đức), cho rằng giá điện thấp hơn có thể làm giảm động lực để các công ty sử dụng điện hiệu quả hơn. Ông Probst, người quản lý nền tảng Energy-Charts.de — cơ sở dữ liệu toàn diện nhất về sản xuất điện tại Đức - cũng cho biết, mặt khác, điện giá rẻ hơn có thể giúp điện khí hóa các quy trình công nghiệp dễ dàng hơn, điều này tốt hơn cho môi trường về lâu dài.Nhà máy đúc Lössnitz sẽ là một ví dụ điển hình, vì Tổng Giám đốc điều hành của công ty là Max Jankowsky đã có kế hoạch chuyển từ than cốc sang lò luyện điện. Tuy nhiên, cho đến nay, giá điện cao đang kìm hãm kế hoạch của ông: “Cảm giác như đang chạy vào một chiếc cưa máy vậy”, ông nói, ám chỉ đến nguy cơ giá điện tiếp tục tăng cao.Rào cản từ Brussels?Thỏa thuận liên minh của các đảng cầm quyền Đức cũng đề cập đến việc cứu trợ thêm cho các công ty sử dụng nhiều năng lượng. Vẫn chưa rõ liệu điều này có bao gồm việc giới hạn giá điện bán buôn hay không, mặc dù một số chuyên gia tin rằng đó là mục đích. Như thể hiện trong bảng phân tích giá, thuế và phụ phí chỉ chiếm một phần nhỏ trong chi phí điện cuối cùng.Nhà khoa học Probst của Fraunhofer cảnh báo rằng việc hạ giá “nhân tạo” có thể phản tác dụng: “Nếu điện khan hiếm nhưng được bán với giá rẻ, tình trạng khan hiếm sẽ trầm trọng hơn và giá cả sẽ tăng cao hơn nữa”, ông lập luận.Ông Sebastian Bolay, người đứng đầu bộ phận năng lượng, môi trường và công nghiệp tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK), nhận thấy một vấn đề khác đang rình rập chính phủ. Ông cho biết: “Việc giới hạn giá sẽ can thiệp vào giá thị trường và có khả năng không được phép theo các quy tắc viện trợ nhà nước của EU”.Hơn nữa, ông Probst nói thêm rằng, giá trần cũng có thể tốn kém đối với người nộp thuế, vì nhiều công ty không cần cứu trợ, do chi phí năng lượng chỉ chiếm một phần nhỏ trong giá trị tạo ra của họ.Các biện pháp có ý nghĩaChuyên gia Swantje Fiedler cho rằng việc triển khai năng lượng tái tạo nhanh hơn ở Đức sẽ “giảm giá trong dài hạn”. Trong khi đó, chuyên gia Probst cho biết “các khoản trợ cấp có mục tiêu” hiệu quả hơn so với việc giảm giá chung và có thể bao gồm giá điện đặc biệt cho việc sử dụng máy bơm nhiệt.Ông Jankowsky cũng kêu gọi cái mà ông gọi là “các biện pháp phù hợp”, đặc biệt là để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), lưu ý rằng nhiều khoản trợ cấp hiện có không áp dụng cho họ, điều này phải được thay đổi, và “cần phải diễn ra nhanh chóng”.

Phương Hoa/BNEWS/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tro-gia-dien-co-cuu-duoc-nganh-cong-nghiep-duc/374443.html