Trọng trách người đứng đầu trong thời điểm quyết liệt xây dựng pháp luật

Thông qua hoạt động thực tiễn trong thời điểm có độ trễ của pháp luật, chưa kịp thể chế hóa đường lối, Nghị quyết của Đảng, cũng là lúc phát hiện những cán bộ có tư duy biện chứng, luôn tiếp cận cái mới, có nhiều cách làm sáng tạo vì mục tiêu chung. Từ đó lựa chọn, đào tạo bồi dưỡng trở thành cán bộ chiến lược của Đảng.

Tổng bí thư Tô Lâm khẳng định có thể gọi 4 Nghị quyết trên là "Bộ tứ trụ cột" để giúp đất nước cất cánh. Đồ họa: TTH

Tổng bí thư Tô Lâm khẳng định có thể gọi 4 Nghị quyết trên là "Bộ tứ trụ cột" để giúp đất nước cất cánh. Đồ họa: TTH

Cùng với sự đột phá chiến lược tổ chức lại bộ máy nhà nước, trong một thời gian ngắn, Bộ Chính trị đã ban hành 4 Nghị quyết cực kỳ quan trọng nhằm bảo đảm đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Cuộc cách mạng cùng với các Nghị quyết nói trên đang được triển khai quyết liệt, khẩn trương. Đây là những đột phá chiến lược chưa từng có trong lịch sử, trước hết là đột phá trong tư duy, nhận thức.

Tuy nhiên, để biến tư duy nhận thức, biến các quan điểm mới của Đảng trở thành hiện thực, có hiệu lực trên thực tế, có nhiều nội dung Nghị quyết cần phải được thể chế hóa bằng pháp luật.

Việc chuyển từ đường lối, nghị quyết của Đảng thể chế hóa bằng pháp luật và từ pháp luật, chính sách được thực thi trên thực tế cần có một lượng thời gian nhất định. Để không bỏ lỡ cơ hội phát triển, và không cho phép sự trì trệ trong công tác lập pháp và hành pháp, lần này Đảng đã có yêu cầu cụ thể về thời gian xây dựng pháp luật.

Vấn đề đặt ra ở đây là cần giải quyết mâu thuẫn giữa độ trễ của pháp luật và mục tiêu phát triển cũng như yêu cầu thực tiễn. Độ trễ ở đây là pháp luật chưa theo kịp yêu cầu phát triển, trong khi đội ngũ cán bộ nòng cốt thực hiện các Nghị quyết của Đảng chưa được thanh lọc theo yêu cầu mới.

Nghị quyết 66-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định năm 2025 cơ bản hoàn thành tháo gỡ các điểm nghẽn. Theo quyết tâm này, có những điểm nghẽn được tháo gỡ do quy phạm pháp luật mới được ban hành, nhưng cũng có nhiều điểm nghẽn được tháo gỡ bằng Nghị quyết, bằng bản lĩnh, trí tuệ của cán bộ lãnh đạo các cấp khi pháp luật chưa hoàn thiện đồng bộ.

Bài viết này sẽ nói sâu hơn yêu cầu đối với cán bộ, công chức, đặc biệt là yêu cầu đối với người đứng đầu khi bộ máy được tổ chức lại, các quy phạm pháp luật theo tư duy mới của Đảng chưa kịp xây dựng. Đây là yêu cầu cấp thiết nhằm đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ "trâu chậm uống nước đục" đồng thời triệt tiêu được tư tưởng cơ hội, "tranh tối tranh sáng" để làm những việc vì mục đích cá nhân.

Chúng ta thường nói, nguyên nhân của mọi nguyên nhân thành công hay thất bại đều do cán bộ và công tác cán bộ. Gần đây, Tổng bí thư Tô Lâm còn chỉ ra, thể chế là điểm nghẽn của các điểm nghẽn. Giữa công tác cán bộ và thể chế có mối quan hệ biện chứng tác động lẫn nhau. Khi có đội ngũ cán bộ tốt sẽ có thể chế tích cực, phù hợp với phát triển. Khi có thể chế pháp luật chặt chẽ vì mục đích chung, sẽ tác động tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân… đáp ứng được yêu cầu.

Trên thực tế thể chế pháp luật nước ta trong thời gian qua còn nhiều bất cập, sai lệch nên chiều tác động tích cực để xây dựng đội ngũ cán bộ công chức… không chiếm ưu thế hơn nhiều tác động tiêu cực. Điều này đã tạo ra một đội ngũ cán bộ được gọi là rường cột nước nhà phần lớn không đủ tâm, tầm và tài để thực thi nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ này sẽ được thanh lọc trong thời gian tới, tuy nhiên khi chưa thanh lọc được ngay, chính là rào cản của mọi rào cản trong thực hiện hiện các Nghị quyết nói trên.

Số cán bộ, công chức không đáp ứng được yêu cầu trong thời điểm lịch sử này có thể phân ra hai nhóm sau đây:

1. Nhóm cán bộ thiếu kiến thức, kinh nghiệm, sợ trách nhiệm, không đủ bản lĩnh để hành động bắt nhịp theo các nghị quyết của Đảng. Loại cán bộ này thường là máy móc, giáo điều, thiếu tư duy biện chứng. Làm việc gì cũng sợ sai, sợ trách nhiệm. Đây là loại cán bộ không thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tại thời điểm này.

Hiện tại, có những lĩnh vực quy phạm pháp luật cũ thì đã lạc hậu, hoặc không còn phù hợp với tư duy mới của Đảng, quy phạm pháp luật mới thì chưa được ban hành. Có những lĩnh vực hoàn toàn chưa có luật. Nếu để những cán bộ nói trên lãnh đạo, điều hành công việc thì không thể theo kịp yêu cầu thực hiện nghị quyết. Nhóm cán bộ này cần nhường chỗ cho các cán bộ luôn có tư duy đổi mới sáng tạo vì mục đích chung.

Ví dụ, việc đối xử với doanh nghiệp tư nhân, trước đây Đảng xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng. Hiện nay Đảng đã xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất. Theo tư duy mới của Đảng thì, công chức trong các cơ quan chức năng, khi giải quyết công việc như cấp phép, tổ chức đấu thầu, xúc tiến thương mại, việc tiếp cận nguồn lực về đất đai, tài nguyên, tài chính, tài sản công, nhân lực… hoặc bảo vệ tài sản của cơ sở kinh tế tư nhân, tất cả đều bình đẳng, không phân biệt giữa khu vực tư nhân và nhà nước.

Nếu cán bộ đủ năng lực và bản lĩnh, thì không lệ thuộc hoàn toàn các quy phạm pháp luật hiện hành, hoặc các ảnh hưởng trái chiều. Cán bộ công chức cần phải tìm cách phá bỏ, dỡ bỏ ngay các trói buộc, các rào cản, đang kìm hãm sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, không chờ các quy định mới của luật.

Phải tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm. Đảng đã có chủ trương nâng đỡ bảo vệ các cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Trong thời điểm hiện tại, các cấp ủy Đảng cần phát huy tốt chủ trương này.

Cán bộ làm việc vì mục đích chung có thể sai, nhưng vì đổi mới sáng tạo theo các nghị quyết của Đảng, thì tổ chức Đảng cần bảo vệ, xem xét thấu đáo các trường hợp rủi ro vì mục đích chung.

2. Nhóm cán bộ cơ hội, tham nhũng hiện có trong bộ máy còn số lượng rất lớn. Số lượng cán bộ này họ được đào tạo, quản lý và sử dụng trong thời gian Đảng và nhân dân ta tiến hành sự nghiệp đổi mới. Trong thời gian này nạn chạy chức, chạy quyền rất phổ biến. Do đó, chất lượng đầu vào của cán bộ công chức không bảo đảm. Họ ở trong môi trường công sở thiếu liêm chính có điều kiện "tác oai, tác quái", đi ngược với sứ mệnh Đảng giao là phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

Nhóm cán bộ này không chịu nổi sự cám dỗ trước các phát tác mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường. Họ chính là những tác nhân hình thành nhóm lợi ích, tham nhũng chính sách, bảo vệ đặc quyền đặc lợi. Thường thì họ dùng tiền, dùng tình để trao đổi mua bán chức quyền. Rồi dùng quyền để tạo ra tiền, và dùng quyền, tiền tạo ra quan hệ. Ba yếu tố quyền, tiền và tình cứ hoán vị, đảo chiều, đổi ngôi lẫn nhau cũng vì mục đích cá nhân của họ.

Họ được bổ nhiệm các chức vụ, không do đạo đức và năng lực của chính họ. Đạo đức, năng lực và bản lĩnh của họ nằm trên giấy không đúng với con người của họ trên thực tế. Đây là rào cản lớn nhất làm cho các nghị quyết của Đảng không đi vào cuộc sống. Cũng là một nguyên nhân quan trọng mà Đảng ta phải tiến hành cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy và cải cách thể chế pháp luật để loại số cán bộ này ra khỏi bộ máy công quyền.

Tuy nhiên, để loại được số cán bộ này khỏi bộ máy công quyền cũng không phải dễ. Những cán bộ công chức có hành vi tiêu cực, có bằng chứng xác thực, được kiểm tra, thanh tra, điều tra làm rõ và kết luận có sai phạm thì muốn hay không hiện nay dường như đều phải được loại ra khỏi bộ máy công quyền. Khó khăn ở đây chính là những cán bộ cơ hội, tham nhũng nhưng chưa bị phát hiện, chưa có bằng chứng xác thực để kết luận.

Trong số cán bộ này cũng có một số lượng không nhỏ việc đánh giá về đạo đức và năng lực của họ lại do những cán bộ công chức cùng một giuộc với họ đánh giá. Hoặc do họ biết cách che đậy, "ăn vụng biết chùi mép", mặc dù có thể người có quyền đánh giá nhận xét không cùng một giuộc thì họ vẫn được xếp loại đảng viên đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Và xếp loại cán bộ công chức cũng vậy.

Để việc đánh giá cán bộ một cách khách quan, công tâm, Đảng đã có yêu cầu mới, và Chính phủ sẽ quy định cụ thể tiêu chí đánh giá công chức dựa trên công nghệ, dữ liệu số, kinh nghiệm quốc tế và đặc thù Việt Nam, kết hợp KPI (chỉ số đánh giá kết quả thực hiện công việc) với kết quả định lượng theo vị trí việc làm. Đây là tư duy mới trong đánh giá sử dụng cán bộ. Tư duy này sẽ giúp việc lựa chọn cán bộ thực chất, thu hút được nhân tài phục vụ sự nghiệp chung.

Trong lúc Đảng đang tiến hành khẩn trương nhiều chiến lược có tính đột phá chưa từng có, nếu số cán bộ cơ hội, tham nhũng vẫn đảm nhiệm các chức vụ trong bộ máy nhà nước còn chiếm một tỷ lệ đáng kể thì vẫn ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình cách mạng. Nhất là trong giai đoạn tranh tối, tranh sáng, có thể, trong số đó, nhiều cán bộ sợ nên không dám tham nhũng như trước, nhưng cũng còn nhiều cán bộ "điếc không sợ súng" vẫn "đục nước béo cò". Loại cán bộ này cần sớm được thanh lọc ra khỏi bộ máy, thì các rào cản trong thực hiện các Nghị quyết của Đảng sẽ bị triệt tiêu.

Thời điểm phải đáp ứng nhiều yêu cầu mới về xây dựng pháp luật, cũng là lúc lựa chọn người đứng đầu, quyết định thành công của cách mạng tinh gọn bộ máy. Đồ họa: TTH

Thời điểm phải đáp ứng nhiều yêu cầu mới về xây dựng pháp luật, cũng là lúc lựa chọn người đứng đầu, quyết định thành công của cách mạng tinh gọn bộ máy. Đồ họa: TTH

Đây là câu chuyện mà Đảng cần quan tâm việc giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực, có cơ chế hữu hiệu nhất khi thể chế pháp luật còn ngổn ngang nhiều bất cập, các quy phạm pháp luật mới được xây dựng theo tư duy mới của Đảng chưa kịp ban hành.

LỰA CHỌN ĐÚNG NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU

Việc cấp thiết, quan trọng nhất, trong khi sáp nhập các đơn vị hành chính, Đảng phải chọn được người đứng đầu các bộ, ngành và các địa phương là những người có đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành bộ máy vận hành theo mục tiêu chung, theo tư duy mới của Đảng.

Người đứng đầu phải cùng với cấp ủy lựa chọn được một đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp dưới, đầy tâm huyết, không ngừng đổi mới sáng tạo, có đủ bản lĩnh để xử lý có hiệu quả nhất những điểm nghẽn, những nút thắt, những rào cản bảo đảm sự cải cách mạnh mẽ theo tư duy mới của Đảng.

Người đứng đầu phải có tầm ảnh hưởng, có đủ uy tín để hóa giải được nhiều việc phức tạp mới nảy sinh và kiên quyết loại bỏ được những cán bộ, công chức lâu nay năng lực và đạo đức công vụ yếu kém. Người đứng đầu là người chịu hy sinh, dấn thân vì lợi ích chung, sẵn sàng tuyên chiến với những lực cản, những nghịch lý trên con đường thực hiện khát vọng của toàn dân tộc. Nếu người đứng đầu nghiêng ngả, thiên vị, thiếu công tâm khách quan, thiếu bản lĩnh, thiếu năng lực thực tiễn sẽ làm chậm trễ, hoặc trở ngại việc thực hiện chủ trương, chính sách.

Người đứng đầu không coi trọng lợi ích chung, lợi ích lâu dài, mà chỉ nhìn vào ngắn hạn, coi trọng lợi ích cá nhân, trong sự trỗi dậy, chuyển mình mạnh mẽ của toàn Đảng, sẽ bị sai lệch và đến lúc sẽ có kết cục xấu đến bản thân mình. Không có lợi ích riêng nào bền vững mà không phù hợp với lợi ích chung. Cơ chế để giám sát, kiểm soát người đứng đầu trong thời điểm này cũng cần được cấp ủy Đảng quan tâm đúng mức.

Trong lãnh đạo điều hành công tác, ở thời điểm có độ trễ pháp luật, để mọi việc được thực hiện đúng hướng, đúng đường lối, chính sách của Đảng, người đứng đầu cần tổ chức thông tin công khai, đa chiều, thường xuyên, trực tuyến tình hình triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng.

Thông qua đó để khích lệ, động viên tinh thần linh hoạt, sáng tạo, đồng thời trao đổi rút kinh nghiệm để thúc đẩy công tác hiệu quả hơn. Nhất là những vấn đề còn vướng mắc, bất cập bởi các quy phạm pháp luật hiện hành.

Thông qua hoạt động thực tiễn trong thời điểm có độ trễ của pháp luật, chưa kịp thể chế hóa đường lối, Nghị quyết của Đảng, cũng là lúc phát hiện những cán bộ có tư duy biện chứng, luôn tiếp cận cái mới, có nhiều cách làm sáng tạo vì mục tiêu chung. Từ đó lựa chọn, đào tạo bồi dưỡng trở thành cán bộ chiến lược của Đảng.

Đại tá Nguyễn Hòa Văn

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/trong-trach-nguoi-dung-dau-trong-thoi-diem-quyet-liet-xay-dung-phap-luat-179250524110848828.htm