Trợ giúp pháp lý cho người yếu thế: Kịp thời, hiệu quả
Qua hoạt động của Hội đồng Phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (gọi tắt là Hội đồng TGPL) đã nâng cao vai trò của công tác TGPL trong việc bảo đảm quyền được bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo quy định của pháp luật.
Phát biểu tại buổi tiếp đoàn kiểm tra của Trung ương, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh vai trò của TGPL đối với người yếu thế là rất quan trọng, cần chú trọng thu hút người tài, người có tâm tham gia công tác này
Hỗ trợ kịp thời
Hội đồng Phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng gồm Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Tòa án Nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự, Sở Tài chính.
Với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng TGPL, Sở Tư pháp đã chủ động soạn dự thảo, tổ chức lấy ý kiến và ban hành kế hoạch về việc phối hợp liên ngành TGPL năm 2023. Trọng tâm của kế hoạch là thực hiện các nội dung của Thông tư liên tịch số 10/2018 và tổ chức hội nghị triển khai nội dung cho tất cả các thành viên và tổ giúp việc của hội đồng.
“Các cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã tổ chức tập huấn một số nội dung của Thông tư liên tịch 10/2018 lồng ghép với tập huấn nội dung của Bộ luật Tố tụng hình sự. Hiện nay, sự phối hợp giữa các cơ quan trong Hội đồng TGPL khá chặt chẽ và hiệu quả nên đã TGPL cho rất nhiều người dân, nhất là người yếu thế thuộc diện được TGPL miễn phí”, bà Nguyễn Anh Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh, cho biết.
Tuy nhiên, theo cơ quan thường trực của Hội đồng TGPL, khó khăn hiện nay ở tỉnh Bình Dương là lượng người lao động ngoại tỉnh rất đông và có những tranh chấp trong hợp đồng sử dụng lao động với doanh nghiệp do giải quyết chưa thỏa đáng và cần được TGPL. Ngoài ra, đội ngũ TGPL của trung tâm hiện nay còn ít nên cần có chính sách để giữ chân trợ giúp viên pháp lý và thu hút đội ngũ luật sư làm cộng tác viên; đồng thời tạo điều kiện về kinh phí xây dựng điểm cầu tham gia tố tụng trực tuyến tại trung tâm TGPL.
Bà Nguyễn Anh Hoa đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung Thông tư liên tịch 10/2018, tham mưu cơ quan có thẩm quyền xem xét bổ sung các quy định về việc thực hiện thông báo, thông tin trợ giúp pháp lý theo quy định tại Thông tư liên tịch 10/2018 vào các văn bản pháp luật tố tụng. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục chỉ đạo, quán triệt nâng cao vai trò của kiểm sát viên trong việc kiểm sát việc thực hiện các quy định về TGPL trong hoạt động tố tụng khi thực hiện quyền công tố trong các vụ án có người thuộc diện được TGPL.
Trong khi đó, Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh, nhấn mạnh công tác TGPL trong hoạt động tố tụng nhằm thực hiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân khi tham gia tố tụng; bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội. Định kỳ hàng năm, Công an tỉnh tổ chức triển khai các kế hoạch của Hội đồng TGPL đến cơ quan điều tra 2 cấp để tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật TGPL, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự. “Năm 2022, số người thuộc diện TGPL là 253 trường hợp. Trong đó số người yêu cầu trợ giúp pháp lý là 247 người, số người không có yêu cầu TGPL là 6 người. Trong 9 tháng năm 2023, số người thuộc diện TGPL là 222 trường hợp, trong đó số người yêu cầu TGPL là 220 người”, Đại tá Trần Văn Chính thông tin.
Cần tiếp tục phát huy hiệu quả
Theo Đại tá Trần Văn Chính, để hoạt động hiệu quả hơn nữa, cần tăng cường trao đổi thông tin về những vướng mắc, khó khăn, bất cập trong hoạt động tố tụng để Hội đồng TGPL kịp thời giải quyết, tháo gỡ. Song song đó là kịp thời khen thưởng cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý (TGVPL), luật sư có thành tích tốt trong quá trình bào chữa, TGPL. Từ đó nâng cao tinh thần của TGVPL, luật sư, tích cực thực hiện việc TGPL. Ngoài ra, cần tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến cho quần chúng nhân dân về quyền được TGPL, từ đó giúp người dân hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia vào quá trình tố tụng hình sự.
Phát biểu tại buổi tiếp đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng của Trung ương làm việc tại tỉnh Bình Dương vừa qua, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh để nâng cao hiệu quả, chất lượng trong hoạt động TGPL, Hội đồng TGPL cần phải phối hợp chặt chẽ; chú trọng công tác cán bộ để thu hút người tài, người có tâm làm việc, nhất là đội ngũ luật sư và TGVPL có kinh nghiệm. UBND tỉnh sẽ tạo điều kiện tốt nhất về cơ chế để Hội đồng TGPL thực hiện tốt hơn chức năng của mình. Trong đó đặc biệt quan tâm TGPL cho các đối tượng yếu thế, người lao động, trẻ em cần được giúp đỡ.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Bình Dương, cho biết tổng số vụ việc mà các TGVPL, cộng tác viên của trung tâm tham gia tố tụng năm 2022 và 9 tháng năm 2023 là 1.035 vụ việc, trong đó năm 2022 là 515 vụ việc, đã hoàn thành 260 vụ việc, 9 tháng năm 2023 là 520 vụ việc, đã hoàn thành 144 vụ việc. Năm 2022, trung tâm có 4 TGVPL với tổng số vụ việc tham gia tố tụng hoàn thành là 146 vụ việc. Năm 2023, trung tâm TGPL bổ nhiệm 2 TGVPL, đến nay trung tâm có 6 TGVPL. Trong 9 tháng năm 2023, các TGVPL đã hoàn thành 144 vụ việc.