Trở lại Ayun Pa
Sống ở Gia Lai bao năm nhưng tôi vẫn chưa có dịp đến tất cả số huyện, thị xã trong tỉnh. Phần vì bận rộn, phần vì không có chủ đích, bởi một ý nghĩ: Ở đó có gì đẹp/hay/vui không? Nên Ayun Pa cứ xa vời thế, dù thị xã này chỉ cách Pleiku hơn 2 giờ xe chạy.
Bao lần đi Phú Yên, Nha Trang, Ninh Thuận, qua quốc lộ 25 ngang Ayun Pa, tôi cũng không dừng lại. Tôi cứ lướt qua Ayun Pa, trên đường đi và cả trong ý nghĩ, dù tôi chưa biết gì nhiều về mảnh đất này. Trong trí nhớ của tôi, Ayun Pa gần 20 năm trước-khi tôi về làm nhiệm vụ coi thi tốt nghiệp cấp III lần đầu ở đây-khá buồn tẻ và heo hút. Đường xuống huyện khá xa, nhiều quãng khó đi, chúng tôi lại gặp phải cơn giông tối tăm mặt mũi trên đèo Chư Sê khiến cả đoàn đi xe máy ướt sũng. Ngoài ấn tượng về nỗi buồn vắng ở cả cảnh và người, tôi không nhớ gì nhiều về Ayun Pa thuở ấy. Bẵng đi bao nhiêu năm, lần này tôi mới trở lại, cũng là lần thứ hai làm nhiệm vụ coi thi tại chính ngôi trường năm xưa tôi từng đến, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi. Cảm giác vừa vui vừa buồn, vừa nao nức, có gì như là sự hồi hộp mong chờ.
Vẫn con đèo Chư Sê quanh co uốn lượn nhưng đã được nâng cấp và mở rộng, có ta luy rào chắn an toàn, chạy giữa những hàng cây xanh mướt. Đây là con đèo ngăn cách Chư Sê và Phú Thiện. Đỉnh đèo là đất Chư Sê, chân đèo là đất Phú Thiện, giáp với Ayun Pa. Không ít ô tô, xe máy đã dừng lại lưng đèo chỉ để thu vào tầm mắt và ống kính hình ảnh con đường rợp mát bóng cây cùng toàn cảnh thung lũng Ayun trù phú thanh bình với những xóm làng quây quần dưới chân đèo. Cảnh ấy không hẳn ngoạn mục hay hùng vĩ như nhiều con đèo khác nhưng đủ khiến người ta thốt nhiên trầm trồ vì vẻ nên thơ và yên ả.
Ayun Pa đã thay đổi rất nhiều so với lần đầu tôi đến. Ở vùng ven thị xã, nơi quốc lộ 25 đi qua, những mái nhà sàn tranh tre nứa lá lụp xụp tạm bợ nằm dọc hai bên đường năm xưa hầu hết đã được thay bằng những nhà sàn gỗ khang trang, vững chãi. Hàng quán nối nhau mọc lên. Ấn tượng trước đây về một phố huyện đìu hiu buồn tẻ khiến tôi hơi ngỡ ngàng và phấn chấn khi gặp lại một Ayun Pa náo nhiệt, rộn ràng.
Trong mấy ngày ở Ayun Pa, chúng tôi được thưởng thức văn hóa ẩm thực của người dân vùng Cheo Reo, ấn tượng vì lạ và ngon. Không phải chỉ ở tài nghệ nấu nướng chế biến món ăn của người Ayun Pa mà ở chính nguyên liệu làm nên những món ăn ấy. Đặc biệt là món lá mì xào hoa đu đủ đực. Không phải tôi chưa từng được ăn lá mì theo cách chế biến của người dân tộc thiểu số nhưng đây là lần đầu cảm nhận được đủ vị đắng cay ngọt bùi của lá, của hoa, của ớt, thứ ớt xiêm, ớt hiểm xanh bé xíu lẫn trong rau, không cay xé lưỡi nhưng đủ làm bừng tỉnh vị giác. Có cả vị béo thơm của cá hấp được xé nhỏ và tóp mỡ trộn một cách công phu hài hòa trong rau, ăn một lần rồi nhớ mãi.
Thị xã Ayun Pa những ngày tôi đến nóng kinh người, chênh lệch nhiệt độ với Pleiku có lẽ tầm 5 đến 8 độ. Cái thứ nóng khô và oi bức không chỉ do nắng mà bởi địa hình lòng chảo. Dù vị trí địa lý của Ayun Pa nằm ở ngã ba sông, nơi hợp lưu giữa sông Ba và sông Ayun nhưng lọt thỏm giữa hai con đèo. Phía Tây Bắc là đèo Chư Sê, phía Đông Nam là đèo Tô Na. Ngay cả gió cũng thành gió nóng. Nhưng Ayun Pa cũng khá bằng phẳng với những cánh đồng trải rộng, là đồng bằng trên cao nguyên, đồng bằng giữa vùng núi đèo. Mảnh đất này đang trở thành vựa lúa của tỉnh, đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực không chỉ của Gia Lai mà cả nhiều địa phương khác. Nhớ có lần tôi được người quen cho chục cân gạo, nói là gạo lúa mới Phú Bổn, hạt không suôn dài đều tăm tắp như các loại khác nhưng vốc lên nghe mùi thơm, cơm dẻo và đậm vị. Hạt lúa hạt gạo nơi đây cũng như những con người trên mảnh đất này, dãi dầu nắng gió nhưng tâm hồn đậm đà mà phóng khoáng.
Trở lại Ayun Pa lần này, tôi làm nhiệm vụ tại hội đồng thi có đến 83% thí sinh dự thi là con em đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Jrai. Qua thái độ giao tiếp và ý thức làm bài trong phòng thi thấy các em khá ngoan, hiền và lễ phép. Trò chuyện cùng một số học sinh sau giờ thi, khi được hỏi em đăng ký vào trường đại học nào, hầu hết tôi đều nhận được câu trả lời: Em không vào đại học/em sẽ đi làm công nhân/em vào Bình Dương/em đi xuất khẩu lao động… Một cán bộ sở tại cho biết thêm, hầu hết học sinh ở trường này mong có được tấm bằng tốt nghiệp THPT để ra xin việc làm, rất ít em có nguyện vọng học lên đại học. Chứng tỏ đã có những dịch chuyển trong tư duy nhận thức về việc học của nhiều học sinh phổ thông, đại học đã không còn là cánh cửa duy nhất để các em vào đời, lập nghiệp, nhất là với những em có hoàn cảnh khó khăn. Chỉ mong các em hoàn thành được tâm nguyện của mình, dẫu đi xa hay ở lại trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn đều có thể góp phần làm cho quê hương ngày một giàu đẹp hơn. Bởi tương lai của một vùng đất phụ thuộc rất nhiều vào tiềm năng, thế mạnh của vùng đất ấy, đặc biệt là yếu tố con người. Ayun Pa đang phát triển từng ngày, thành vùng kinh tế động lực phía Đông Nam tỉnh. Ayun Pa sẽ giàu mạnh hơn nếu thế hệ trẻ hôm nay trên mảnh đất này bằng bàn tay, khối óc và tình yêu quê hương cùng vun đắp dựng xây.
Tôi rời Ayun Pa trong buổi chiều muộn, hoàng hôn dần buông trên đỉnh đèo Chư Sê. Ngoảnh lại phía sau, thị xã đang dần lùi xa khuất nẻo, nhưng khung cảnh bình dị và tình cảm nồng ấm hồn hậu của đất và người Ayun Pa đã đọng lại trong lòng tôi, êm dịu mà khắc khoải.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/tro-lai-ayun-pa-post242571.html