Trở lại Đồng Mô
Sau gần 5 năm, tôi mới có dịp trở lại thăm Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Lần này, trong tôi vẫn vẹn nguyên cảm giác thích thú trước cảnh sắc và những giá trị nơi đây đang sở hữu, đặc biệt là khi dừng chân tại khu các làng dân tộc.
Địa điểm đầu tiên tôi ghé thăm là khu làng Jrai nằm trong khu các làng dân tộc. Đó là một không gian làng thu nhỏ gồm 1 nhà rông, 2 nhà dài, 1 nhà sàn được bao bọc bởi hàng rào hoa, cỏ… Phía cuối làng là khu nhà mồ và một số công trình nhỏ phụ trợ do chính người dân sống tại đây tạo dựng thêm nhằm mang lại không gian gần gũi và chân thực nhất về một làng dân tộc Jrai truyền thống.
Sau một vòng tham quan, tôi ngồi trò chuyện cùng ông Ksor Bôn (làng Bông, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa). Ông Bôn là một trong những người đầu tiên được vận động ra sống và sinh hoạt tại đây. Ông chia sẻ: “Được sự động viên và kết nối của chính quyền, mình cùng một số bà con dân làng thường được cử đi tham gia các sự kiện lớn tổ chức tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Tháng 10-2022, mình chính thức ra sống tại đây. Hiện có 5 người cùng sinh hoạt chung, luôn coi nhau như người thân trong gia đình”.
Ông Nay Brui (xã Ia Rmok) ra sống ở làng Jrai từ tháng 2-2023. Ông bày tỏ: “Từ lúc quyết định xa nhà để ra đây sinh sống, mình đã chuẩn bị tâm lý là sẽ rất nhớ làng, nhớ người thân. Giờ thì quen rồi, mình đã bắt nhịp với cách sinh hoạt chung nên mọi việc thuận lợi hơn. Vừa qua, mình được vào Lăng viếng Bác và tham quan một số nơi ở thủ đô. Mong rằng sẽ được quen biết và có nhiều bạn bè hơn là người dân tộc thiểu số đến từ khắp các tỉnh, thành hội tụ về sinh sống tại đây”.
Vào mỗi sáng cuối tuần, nếu đến tham quan làng Jrai, du khách sẽ được trải nghiệm cùng đồng bào dân tộc Jrai và đồng bào dân tộc Cơ Tu (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế) tụ họp bên hông nhà rông của làng giao lưu văn hóa, ẩm thực, làm những sản phẩm thủ công truyền thống của dân tộc mình. Đây là nét đẹp trong sinh hoạt đời thường mà cộng đồng các dân tộc thể hiện để góp thêm sự sinh động, phong phú cho bức tranh đượm sắc màu văn hóa giữa lòng thủ đô.
Làng Cơ Tu nằm đối diện với làng Jrai. Vì vậy, bà con 2 làng khá thân thiết với nhau. Bà Trần Thị Ram (63 tuổi, dân tộc Cơ Tu) vui vẻ trò chuyện: “Tôi cùng con gái đan chiếc vợt xúc cá. Đây là vật dụng mà hầu hết người phụ nữ Cơ Tu đều làm được từ khi còn nhỏ. Để hoàn thành chiếc vợt này mất gần 1 tháng. Nếu người đặt hàng cần gấp thì sẽ làm nhanh hơn để kịp giao cho khách. Nếu có lượng khách thường xuyên thì bà con cũng có thêm thu nhập trang trải cuộc sống”.
Bên cạnh có thêm việc làm thì việc phát huy các nghề truyền thống của địa phương còn góp phần giúp du khách có những trải nghiệm đặc sắc và hiểu hơn về phong tục tập quán, đời sống thường nhật của bà con dân làng. Đây cũng là mục đích chính mà Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam hướng đến.
Anh Đinh Plih (làng Leng, xã Tơ Tung, huyện Kbang) là một trong những nghệ nhân có thâm niên tại làng Bahnar. Anh kể: Khu làng được xây dựng vào năm 2009. Từ tháng 8-2016, bà con Bahnar trong tỉnh luân phiên ra sinh sống lâu dài tại đây. Tại khu làng Bahnar, ngoài anh Plih thì còn có vợ chồng ông Đinh Jrang-bà Đinh Thị Lem (là bố mẹ vợ anh Plih), anh Đinh Văn Yên, anh Đinh Tin, chị Đinh Thị Tớp (đều ở làng Đê Bar, xã Tơ Tung).
Làng Bahnar là điểm đến thu hút sự quan tâm tìm hiểu của nhiều du khách. Ngoài ngôi nhà rông cao vút, mái nhà sàn, kho lúa, khu nhà mồ… du khách khi đến làng Bahnar còn được trải nghiệm không gian chế tác nhạc cụ, đan lát, trình diễn các loại hình diễn xướng truyền thống của người Bahnar. Phía cuối khu làng, anh Plih cùng với bà con còn tạo dựng thác nước, lắp thêm bập bênh, dựng đàn trưng, treo dàn cồng chiêng…
Khi có khách đến thăm, ông Jrang, anh Yên và anh Tin sẽ hòa tấu cồng chiêng; còn bà Lem và chị Tớp sẽ hòa trong điệu xoang nhịp nhàng. Sau khi tham quan, nếu có nhu cầu, du khách sẽ được thưởng thức cà phê, các loại bánh dân gian đặc trưng… tại quầy dịch vụ của làng do bà con tự tay làm.
Trò chuyện cùng tôi trong khi đôi tay vẫn thoăn thoắt đan chiếc mẹt để kịp giao cho khách, anh Plih cho biết thêm: “Từ tuần trước, bên khu làng Mường đã đặt 10 chiếc mẹt dùng để làm vật trang trí đựng thức ăn cho khách. Vì vậy, ngoài thời gian sinh hoạt truyền thống, bà con tranh thủ lúc nhàn rỗi đan lát, dệt áo, khăn, làm túi xách… vừa tô điểm làm đẹp cho làng, vừa bán cho khách làm quà lưu niệm. Ngoài ra, chúng tôi còn nuôi gà thả ở khu vực phía sau làng, khi nuôi được nhiều, sẽ bán lại cho các làng lân cận”.
Qua trò chuyện, tôi được biết: Bà con luôn xem nơi đây như ngôi nhà, buôn làng quê hương của mình, cùng sinh hoạt, cùng làm việc; đặc biệt chú trọng duy trì và phát huy nghề truyền thống của địa phương. Bên cạnh đó, bà con thường xuyên tập luyện, trau dồi thêm kỹ năng về nhạc cụ dân tộc, hát những điệu dân ca cổ, tập xoang sao cho nhịp nhàng, nhuần nhuyễn để tham gia trình diễn và giúp cho du khách hiểu hơn về dân tộc mình. Đây chính là cầu nối đưa cộng đồng các dân tộc xích lại gần và hiểu nhau nhiều hơn, từ đó bản sắc văn hóa, di sản của cộng đồng thiểu số được phát huy và trao truyền, kết nối.
Mỗi khi Làng có các hoạt động hàng ngày/cuối tuần/chuyên đề hay theo sự kiện, bà con sẽ ôn luyện, tập các chương trình nghệ thuật truyền thống và âm nhạc dân tộc, tụ họp tổ chức tại một khu làng (luân phiên nhau giữa các làng theo từng sự kiện). Theo đó, du khách sẽ được trải nghiệm lễ hội truyền thống các dân tộc; tham gia các trò chơi dân gian; thưởng thức chương trình biểu diễn dân ca, dân vũ tại các làng dân tộc; chiêm ngưỡng thao tác, trình diễn, giới thiệu nghề thủ công truyền thống từ các nghệ nhân; nghệ thuật đặc trưng của trang phục dân tộc. Cùng với đó, nội dung giới thiệu ẩm thực và đặc sản tại không gian các làng dân tộc là hoạt động không thể thiếu mang ý nghĩa quảng bá sản vật vùng miền.
Chị Bùi Thị Ánh Nguyên-du khách đến từ Yên Bái-tâm sự: “Tôi thật sự ấn tượng với không gian rộng rãi và cảnh vật nơi đây; phải nói là rất trong lành, thoáng đãng, là nơi thích hợp để tổ chức các hoạt động dã ngoại. Khi dừng chân ghé thăm khu làng Bahnar, được trò chuyện và hòa mình cùng điệu xoang với người địa phương, tìm hiểu và biết nhiều hơn về phong tục tập quán cùng những giá trị văn hóa của bà con, tôi mới thấy rằng còn có nhiều điều thú vị và hay đến như vậy. Nếu chưa có điều kiện trực tiếp đến thăm các buôn làng trên cả nước thì tôi cho rằng Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam là điểm đến thật sự hấp dẫn với nhiều điều mới mẻ để du khách khám phá”.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/tro-lai-dong-mo-post257930.html