Trở lại những chiến trường lịch sử: Bài 1 - Plei Me, chiến dịch mở màn thắng Mỹ ở Tây Nguyên
Đại thắng mùa xuân 1975 là một sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước độc lập, thống nhất và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ số báo này, báo Hải Dương điện tử giới thiệu loạt bài Trở lại những chiến trường lịch sử do nhóm phóng viên Báo Hải Dương thực hiện.

Đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh Gia Lai dâng hương tại Di tích lịch sử chiến thắng Plei Me. Ảnh: ĐỨC THỤY
Trong những ngày tháng 3/2025, nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đoàn công tác của Báo Hải Dương có dịp thăm lại các chiến trường xưa. Thung lũng Ia Đrăng ở tỉnh Gia Lai - nơi gắn với Chiến thắng Plei Me là điểm đầu tiên trong chặng hành trình.
Chiến thắng Plei Me là trận mở màn thắng Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên của quân giải phóng miền Nam, có ý nghĩa đặc biệt.
Làm thay đổi cục diện chiến tranh
Cuối năm 1965, thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, Mỹ đưa quân trực tiếp vào tham chiến ở miền Nam Việt Nam nhằm cứu vãn sự sụp đổ của chính quyền và quân đội Sài Gòn. Trên chiến trường Tây Nguyên, bộ chỉ huy quân Mỹ quyết định điều Sư đoàn Kỵ binh không vận 1 và một lữ đoàn dù của Sư đoàn 101 lên chiếm đóng An Khê, thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn hoạt động của chủ lực quân giải phóng miền Nam, chia cắt Tây Nguyên với vùng đồng bằng ven biển miền Trung, cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho cách mạng miền Nam qua hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh và từ Lào sang.

Trực thăng UH-1D chở binh sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 7, Sư đoàn Kỵ binh không vận số 1 của Mỹ đổ bộ xuống bãi X-Ray (thung lũng Ia Đrăng) tháng 11/1965. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Gia Lai
Trước hành động của địch, Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên quyết định mở Chiến dịch Plei Me do Thiếu tướng Chu Huy Mân làm Tư lệnh kiêm Chính ủy chiến dịch, để tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân chủ lực Sài Gòn, kéo Mỹ ra ứng cứu; nếu quân Mỹ ra thì cố gắng diệt một bộ phận quân Mỹ để tìm hiểu khả năng tác chiến của chúng, xây dựng cách đánh Mỹ cho bộ đội ta.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, Bộ tư lệnh Chiến dịch Plei Me huy động 3 Trung đoàn Bộ binh 320, 33 và 66, cùng một tiểu đoàn đặc công, một tiểu đoàn pháo binh, một tiểu đoàn súng máy phòng không 12,7 mm và lực lượng vũ trang địa phương.
Thực hiện chủ trương “đánh điểm, diệt viện”, trước đánh ngụy, sau diệt Mỹ, kéo quân Mỹ ra xa căn cứ của chúng, đi sâu vào các vùng rừng núi hiểm trở để tiêu diệt, đêm 19/10/1965, ta diệt đồn Chư Ho, vây ép đồn Plei Me để buộc địch phải đến giải vây. Ngày 23/10, ta phục kích diệt Chiến đoàn thiết giáp 3 quân đội Sài Gòn đến ứng cứu trên đường 21, buộc Sư đoàn Kỵ binh không vận 1 Mỹ phải đưa hai tiểu đoàn của Lữ đoàn 1 vào tham chiến. Từ ngày 14/11, Mỹ đưa Lữ đoàn Kỵ binh không vận 3 vào chiến đấu và dùng chiến thuật "nhảy cóc" đổ quân xuống khu vực núi Chư Prông định bất ngờ đánh vào sau lưng đội hình ta. Dựa vào trận địa đã chuẩn bị sẵn, từ ngày 14 - 17/11/1965, ta chặn đánh quyết liệt, dồn quân Mỹ về thung lũng Ia Đrăng, tiến công tiêu diệt gần hết một tiểu đoàn quân Mỹ, hoàn thành thắng lợi trận then chốt chiến dịch. Phát huy kết quả chiến đấu, ta đẩy mạnh tiến công, buộc Lữ đoàn Kỵ binh không vận 3 phải rút khỏi Ia Đrăng.

Một cựu chiến binh Mỹ đưa gia đình thăm lại chiến tường xưa tại Chư Prông (ảnh nhân vật cung cấp)
Thành công của Chiến dịch Plei Me đã góp phần xua tan nỗi lo ngại về sức mạnh của Mỹ, hạ uy thế của chúng, trực tiếp củng cố niềm tin vào quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ của quân và dân ta, khơi dậy khí thế hăng hái đánh Mỹ trên toàn chiến trường, góp phần cùng miền Nam anh hùng đánh bại cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất của Mỹ.
Nói về sự kiện này, Trung tướng Harold Moore - nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Kỵ binh không vận 7, Sư đoàn Kỵ binh không vận 1 đã từng tham chiến ở Ia Đrăng khẳng định đây là “trận chiến đấu làm xoay chuyển cục diện chiến tranh”.
Sức sống mới trên thung lũng Ia Đrăng

Thung lũng Ia Đrăng nhìn từ trên cao. Ảnh: THÀNH CHUNG
Các địa danh, địa điểm gắn với những trận đánh lừng lẫy trên vùng đất biên cương phía tây nam tỉnh Gia Lai như thung lũng Ia Drăng nay thuộc địa phận xã Ia Púch, địa điểm đặt bia Chiến thắng Plei Me ở xã Ia Ga, thác Nhà Thương ở xã Ia Pia... giờ đây đã hình thành nên tuyến du lịch chiến trường xưa đầy cảm xúc.
Sau 50 năm giải phóng tỉnh và tròn 60 năm chiến thắng lừng lẫy Plei Me (năm 1965), vùng chiến địa Chư Prông vẫn chưa thôi sức hút, nhất là với các cựu binh từ 2 chiến tuyến và thế hệ con cháu của họ. Ngoài một số đơn vị lữ hành đang khai thác ổn định tour này, chính quyền địa phương cũng nỗ lực làm gia tăng sức hút của các điểm đến. Chiến thắng Plei Me đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia, được đưa vào quy hoạch phát triển du lịch, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến thắng thung lũng Ia Drăng năm 1965 cũng vừa được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh.
Hướng dẫn viên Nguyễn Lê Hoàng Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại du lịch sinh thái Gia Lai có cơ duyên dẫn nhiều đoàn khách quốc tế thăm những địa danh huyền thoại như: thung lũng Ia Drăng, Plei Me, bãi đáp X-Ray dưới chân núi Chư Prông, dòng sông Ia Dăng. "Nhiều lính Mỹ khi qua đây mới chỉ mười tám, đôi mươi. Hơn nửa thế kỷ mới có dịp quay lại, họ không khỏi xúc động trước nơi từng là chiến địa dù vết tích chiến tranh đã thay bằng màu xanh cuộc sống. Nhiều người đã khóc", chị Hoàng Anh kể.

Nhiều địa danh ở thung lũng Ia Đrăng giờ đây đã hình thành nên tuyến du lịch chiến trường xưa
Những cung đường bê tông, đường nhựa được trải dài thẳng tắp từ đầu làng đến cuối xóm. Đường giao thông liên huyện Chư Sê - Chư Pưh - Chư Prông dài hơn 32 km như một dải lụa vắt ngang những nương rẫy, suối, rừng, nối quốc lộ 25, quốc lộ 14, qua nhiều xã, thị trấn tới các xã khó khăn của huyện biên giới Chư Prông. 100% số xã tại thung lũng Ia Drăng đã có điện lưới quốc gia, có trạm y tế, trường tiểu học, chợ bán buôn. Trên những con đường đã cứng hóa là tấp nập cảnh buôn bán, các trạm xăng, cửa hàng điện thoại, dịch vụ hàng ăn uống mọc lên san sát.

Nhiều hộ đồng bào J'Rai giàu lên, mỗi năm thu về từ 200 - 300 triệu đồng từ cà phê, hồ tiêu và cao su. Ảnh: THÀNH CHUNG
Tại Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam hiện có hơn 3.100 người, trong đó công nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm 51%. Riêng ở Nông trường Cao su Hòa Bình, có đến gần 92% công nhân là người J’Rai, hay ở nông trường cao su Suối Mơ, tỷ lệ này là 77%. Lương bình quân của một công nhân người dân tộc thiểu số đạt gần 6 triệu đồng/tháng. Nhiều thợ giỏi cạo mủ và nhiều hộ đồng bào có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Nhiều hộ đồng bào J'Rai giàu lên, mỗi năm thu về từ 200 - 300 triệu đồng từ cà phê, hồ tiêu và cao su. Có những gia đình đi kinh tế mới mỗi năm thu từ 800 triệu đồng trở lên.

Những con đường trục chính ở thung lũng Ia Đrăng đều đã được cứng hóa. Ảnh: THÀNH CHUNG
Ông Phạm Văn Xứng, Chủ tịch UBND xã Ia Drăng, huyện Chư Prông nói về sự đổi mới của quê hương với đầy niềm vui. Trong hành trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện những chương trình mục tiêu quốc gia, Ia Drăng đã vận động nhân dân đóng góp gần 1,5 tỷ đồng bê tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn, trường học, hệ thống điện, tu sửa nhà dân và vệ sinh môi trường, đồng thời tạo vốn cho các hộ nghèo làm ăn...
Ánh sáng đã phủ khắp các buôn làng người J'Rai dưới chân núi Chư Prông, vùng đất thiêng, xứ sở của những chàng Đam San chưa bao giờ biết khuất phục trước kẻ thù.
Sau hơn một tháng chiến đấu (từ ngày 19/10 - 26/11/1965), Chiến dịch Plei Me đã giành được thắng lợi vang dội. Các lực lượng tham gia đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 3.000 quân địch (có 1.700 quân Mỹ), tiêu diệt một chiến đoàn bộ binh cơ giới hỗn hợp quân đội Sài Gòn, diệt và đánh thiệt hại 2 tiểu đoàn quân Mỹ, phá hủy 89 xe quân sự, bắn rơi 59 máy bay.
Bài 2: Tiến công, vây hãm, hoàn toàn giải phóng KheSanh