Trở lại nơi đất khách

Sau thời gian nghỉ Tết Ất Tỵ 2025, các bến xe, sân bay tấp nập người chờ đợi chuyến hành trình trở lại nơi đất khách để mưu sinh, học tập. Trong lòng mỗi người vừa lưu luyến, nghẹn ngào khi phải xa gia đình nhưng cũng chứa những ước mơ, hoài bão về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Khệ nệ với đống hành lý gồm đồ dùng cá nhân và một ít bánh mứt, quà quê ngày Tết, anh Bùi Văn Hoàng (trú tại thôn 6, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) chia sẻ: “Mặc dù mùng 9 tháng Giêng mới đi làm lại nhưng do quãng đường vào Bình Dương dài gần 500 km nên tôi phải tranh thủ đi từ mùng 6 để có thời gian nghỉ ngơi, chuẩn bị cho một năm mới tốt đẹp hơn”.

Đang ngồi đợi xe với đôi mắt đỏ hoe bên quốc lộ 19, chị Hoa (trú tại làng Mơ Nú, xã Chư Á, TP. Pleiku) cho hay: “Tôi đang làm công nhân cho một công ty may, còn chồng thì chạy xe công nghệ ở TP. Hồ Chí Minh. Công việc vất vả, thời gian không cố định nên vợ chồng tôi phải gửi con lại cho ông bà chăm sóc giúp. Mặc dù rất thương các con, nhưng vì cuộc sống nên vợ chồng tôi cũng đành chấp nhận”.

 Mỗi ngày có hơn 100 chuyến xe xuất phát từ Bến xe Đức Long Gia Lai (TP. Pleiku) phục vụ hành khách di chuyển đến TP. Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng… Ảnh: Đồng Lai

Mỗi ngày có hơn 100 chuyến xe xuất phát từ Bến xe Đức Long Gia Lai (TP. Pleiku) phục vụ hành khách di chuyển đến TP. Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng… Ảnh: Đồng Lai

Mỗi người đều có lý do riêng, nhưng khi chia tay mái ấm gia đình sau những ngày đoàn tụ ấm áp, lòng ai cũng khó tránh khỏi sự bồi hồi, xao xuyến.

Đang đứng chờ tại Bến xe Đức Long Gia Lai để lên xe vào TP. Hồ Chí Minh làm việc, đôi mắt chị Nguyễn Thị Thùy Linh (trú tại tổ 2, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) ngấn lệ.

Chị bày tỏ: “Tết nào cũng vậy, được về quê sum vầy bên gia đình, lòng tôi vui mừng khôn xiết. Dù biết cuộc sống mưu sinh, công việc vẫn phải tiếp diễn nhưng mỗi lần rời xa quê hương, gia đình, tôi lại cảm thấy một nỗi nhớ da diết, cồn cào trong lòng”.

Không riêng chị Linh, mà hầu hết những người con xa quê đều mang trong lòng sự luyến tiếc khi phải rời xa gia đình, quê hương.

Trên tay cầm chiếc vé ra Hà Nội để tiếp tục công việc, anh Nguyễn Văn Nam (trú tại tổ 2, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) thì thầm nhắn nhủ ba mình ở nhà giữ gìn sức khỏe và ăn uống đầy đủ.

“Cảm giác phải xa quê hương, gia đình sau những ngày Tết sum vầy thật khó tả. Tôi vừa vui khi bắt đầu một năm mới với những dự định, hy vọng mới nhưng cũng không tránh khỏi sự chạnh lòng, trống trải”-anh Nam nói.

 Sau Tết Nguyên đán, nhiều người dân tiếp tục rời quê để trở lại cuộc sống và công việc thường ngày. Ảnh: Đ.L

Sau Tết Nguyên đán, nhiều người dân tiếp tục rời quê để trở lại cuộc sống và công việc thường ngày. Ảnh: Đ.L

Bên cạnh nỗi nhớ nhung thì cũng không thiếu sự háo hức, mong chờ vào một tương lai tươi sáng hơn của những người xa quê. Em Nguyễn Luân Thành Phát-Sinh viên Trường Đại học Văn Hiến (TP. Hồ Chí Minh) đã chuẩn bị cho chuyến bay trở lại thành phố vào mùng 9 để tiếp tục việc học.

“Dù phải xa gia đình, người thân, nhưng em cảm thấy rất phấn khởi và tràn đầy hy vọng. Năm nay sẽ là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời em, đánh dấu một hành trình mới, một tương lai đầy hứa hẹn.

Tết là dịp để em nhìn lại một năm đã qua, những gì đã đạt được và chưa làm được. Đây cũng là thời gian để em suy nghĩ và lên kế hoạch cho một năm mới thành công hơn, cố gắng hơn nữa trên con đường chinh phục ước mơ của mình”-Phát thổ lộ.

ĐỒNG LAI

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/tro-lai-noi-dat-khach-post310139.html