Trở lại nơi 'rừng che bộ đội...'

Mang trong tim câu thơ 'Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù' (Việt Bắc) của Tố Hữu, chúng tôi về Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ giữa những ngày các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) đang sôi nổi diễn ra trên nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhân dân Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ (ảnh tư liệu)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhân dân Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ (ảnh tư liệu)

Trong trẻo và nguyên khiết, thơ mộng và thiêng liêng, dọc đường vào Mường Phăng tiếng chim lảnh lót trong hoa trẩu, hoa trẩu lẫn trong mây còn mây thì lãng đãng bay trên bầu trời chiến khu xưa - nơi cha anh ta từng sống những ngày “máu trộn bùn non” để làm nên một kỳ tích Điện Biên Phủ...

Theo ngôn ngữ hành chính, “Mường” là một đơn vị làng xã gồm những bản tập hợp lại trong một phạm vi địa giới không xác định cụ thể. Thế còn “Phăng”? Có hai cách giải thích xuất xứ từ “Phăng”, các cụ già người địa phương thiên về nghĩa thứ hai là “đâm chém”. Tương truyền tại đây, dưới sự chỉ huy của người anh hùng nông dân Hoàng Công Chất (1706 - 1769), nghĩa quân đã đánh một trận sống mái chống lại đạo quân triều đình do Đoàn Nguyễn Thục chỉ huy, dưới thời vua Lê chúa Trịnh(?). Trận đánh bắt đầu từ hang Nậm Cô (huyện Tuần Giáo bây giờ), Hoàng Công Chất vừa chống vừa lui, nhử địch vào nơi thủ hiểm là Mường Phăng và kết thúc bằng một trận gươm đao đỏ máu. Tròn 2 thế kỷ sau, Mường Phăng trở thành đại bản doanh, nơi đóng quân của Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Di tích Mường Phăng nằm trong quần thể di tích quốc gia “Khu vực chiến trường Điện Biên Phủ”. Tròn 7 thập kỷ qua, Mường Phăng là chốn đi về, là niềm tự hào trong tâm tưởng của mọi thế hệ người Việt Nam. Song với người ngoại quốc và nhất là với khách phương Tây, 2 tiếng Mường Phăng ẩn chứa trong đó cả một sự kỳ bí đến mức “không thể hiểu nổi”, như chính các báo chí phương Tây từng viết. Người ta “không thể hiểu nổi” vì sao với một đội quân trang bị vũ khí thô sơ, phương tiện vận chuyển nghèo nàn, mà lại dám đánh mà hơn thế còn đánh thắng, trước một tập đoàn cứ điểm được trang bị vào loại hùng mạnh nhất Đông Dương thời bấy giờ?

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác tặng quà một số chiến sĩ Điện Biên và gia đình chính sách tại xã Mường Phăng chiều 16/4/2024

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác tặng quà một số chiến sĩ Điện Biên và gia đình chính sách tại xã Mường Phăng chiều 16/4/2024

Hôm nay, trong rừng nguyên sinh Mường Phăng, tôi đã gặp những đoàn khách du lịch ngoại quốc đứng tần ngần bên cửa hầm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một số người chui vào, chui ra, rồi lại chui vào trong hầm như để cố xem cho thật kỹ bởi phải đâu lúc nào cũng có dịp đến đây. Một vài người ngồi lên cái giường phục chế, kín đáo đưa móng tay cậy thử xem nó được làm bằng vật liệu gì. Tôi không biết tiếng nước ngoài, nhưng được anh bạn phiên dịch của Công ty Lữ hành Hà Nội giới thiệu rằng họ là đoàn khách hỗn hợp đến từ 3 quốc gia châu Âu, nhân chuyến sang Hà Nội công tác. Tôi hỏi: “Thế họ vừa nói xì xồ cái gì với nhau?”. Anh bạn mới quen vui vẻ giải thích: “Họ bảo khâm phục. Chỉ bằng cái chõng tre với đường hầm địa đạo thế này mà đè bẹp các loại vũ khí hạng nặng của đối phương”. Bỗng dưng, tôi thấy thật tự hào vì mình là người Việt Nam - một dân tộc trong muôn ngàn gian khổ vẫn biết cách đi tới để làm nên chiến thắng!

Với diện tích tự nhiên hơn 3.456 ha, Mường Phăng là xã vùng ngoài của TP Điện Biên Phủ. Giờ đây, 70 năm sau ngày giải phóng, Mường Phăng đang từng bước đi lên trên con đường dựng xây và phát triển. Hơn 20 năm trước, hầu hết các tiềm năng rừng, đất rừng và đất ruộng của xã chưa được phát huy một cách tốt nhất. Từ chân đồi Phăng, cánh đồng bậc thang rộng hơn 100 ha chạy tới các bản Xôm, bản Kéo, chỉ mới trồng được mỗi năm một vụ lúa. Đó là nguyên nhân cơ bản khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn. Phải làm gì và làm thế nào để nâng cao mức sống cho người dân? Câu hỏi ấy trở thành nỗi thôi thúc trong tâm trí các đảng viên trong toàn Đảng bộ, trở thành sự thách thức đối với chính quyền và lãnh đạo các ban, ngành trong xã.

Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng

Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng

May mắn làm sao, cơ hội làm giàu đã đến với Mường Phăng, giúp Mường Phăng đi lên bằng chính nội lực của mình. Mấy chục năm qua, Mường Phăng được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Điện, đường, trường, trạm gần như cùng lúc được xây dựng, đặc biệt phải kể đến hai con đường từ quốc lộ 279 vào trong xã đã được trải nhựa, giúp cho du khách tới Mường Phăng từ cả hai hướng ngược - xuôi. Hồi Chiến dịch Điện Biên Phủ, khoảng 1/3 tuyến đường này là huyết mạch cho “voi” ta vào trận và tất nhiên, ngày đó là đường nguyên thổ chứ chưa được như bây giờ. Vẫn còn đây những địa danh mộc mạc mà bất tử, đó là “Dốc bảy tời”, “Đồi chuối”... nơi anh hùng quân đội Tô Vĩnh Diện hy sinh mình để cứu một khẩu pháo khỏi bị rơi xuống vực.

Trong buổi làm việc, Chủ tịch UBND xã Lò Văn Hợp vui vẻ cho biết: Phát huy tinh thần Điện Biên Phủ, ngày nay bà con các dân tộc Mường Phăng đã và đang tiến quân mạnh mẽ vào khoa học kỹ thuật, loại bỏ dần các hủ tục, từng bước xóa đói giảm nghèo đưa bản làng tới chỗ phồn vinh. Tại các bản Che Căn, Đông Mệt, Cang, Yên, Phăng... đồng ruộng được gieo bằng giống mới hoàn toàn. Hằng năm vào mùa gieo trồng, ngành nông nghiệp huyện Điện Biên đã điều về đây những kĩ sư giỏi và tâm huyết nhất hướng dẫn bà con phương pháp gieo sạ, phun thuốc diệt cỏ và sử dụng phân hữu cơ đúng cách. Nhờ vậy, năng suất lúa nước của các bản này đều đạt gần 50 tạ/ha, đó là năng suất “nằm mơ” trước đây. Tiếng lành đồn xa, bà con người Khơ Mú, người Mông, người Thái ở các bản Vang, Kéo, Khôm, Xôm rủ nhau về học tập. Tranh thủ thời cơ, cơ quan khuyến nông huyện Điện Biên chủ động tổ chức các hội nghị đầu bờ. Trên cơ sở ấy, Đảng bộ xã ra các nghị quyết về nông nghiệp nhằm đưa năng suất lúa của xã tăng lên, bình quân lương thực đầu người không dưới 400 kg/năm.

Tiết mục văn nghệ "cây nhà lá vườn" trong ngày công bố đạt chuẩn nông thôn mới tại xã Mường Phăng

Tiết mục văn nghệ "cây nhà lá vườn" trong ngày công bố đạt chuẩn nông thôn mới tại xã Mường Phăng

Được sự giúp đỡ của cán bộ văn phòng UBND xã, chúng tôi tới thăm bản Bánh vừa đạt chuẩn nông thôn mới. Là người con sinh ra và lớn lên trên chính quê hương Mường Phăng, ông Cà Văn Ngọc, Bí thư Chi bộ bản Bánh chia sẻ: Bản Bánh hình thành cách đây gần 100 năm, tất cả cư dân là bà con dân tộc Thái đen. Với địa hình cư trú bên cạnh suối, bản Bánh có điều kiện bảo tồn và phát huy vốn văn hóa Thái với tính chất folklore của những cư dân đặc thù vùng thung lũng thấp. Trong bản đường đi lối lại sạch sẽ, những nếp nhà sàn rêu phong với những bộ khau cút truyền thống đâm thẳng lên trời nhắc các thế hệ con cháu câu chuyện thiên di của dòng tộc, tổ tiên... Mấy năm nay, ngoài lúa là cây lương thực chính thì nuôi thủy sản và trồng, chế biến bột cây dong riềng đang là một hướng làm giàu mới và bền vững cho hơn 60 hộ nông dân bản Bánh.

Chiều 16/4, trong chuyến lên thăm và kiểm tra công tác kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngay sau khi xuống sân bay Mường Thanh, điểm đầu tiên mà Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác tới thăm, kiểm tra đó là khu Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại rừng Mường Phăng. Phát biểu trước cán bộ và nhân dân xã Mường Phăng, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định vai trò quan trọng của di tích Sở Chỉ huy trong Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như những giá trị lịch sử và nhân văn to lớn của khu di tích cho hôm nay và mãi mãi mai sau. Theo lời của Thủ tướng, ngoài trách nhiệm công chức - công dân thì việc gìn giữ, bảo quản để phát huy giá trị khu di tích là một vinh dự lớn của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc Mường Phăng.

TRƯƠNG HỮU THIÊM

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/tro-lai-noi-rung-che-bo-doi-379306.html