Trò lố khoe thân bị cộng đồng 'ném đá'
Trào lưu cosplay rất thịnh hành tại Nhật Bản và bắt đầu tràn vào Việt Nam vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, bên cạnh những cosplay chân chính mong muốn đưa thú chơi này trở thành một nghệ thuật được nhiều người ghi nhận thì cũng có những người lợi dụng cosplay để làm những trò lố như khoe thân, phản cảm quá đà không đúng với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Trò lố bị chính cộng đồng cosplay khó chịu
Cosplay là một từ tiếng Anh do người Nhật sáng tạo ra, viết tắt của “costume play”. Từ này chỉ việc người hâm mộ các nhân vật trong manga, anime, tokusatsu, truyện tranh sách, tiểu thuyết đồ họa, video games, phim giả tưởng,... ăn mặc hoặc có điệu bộ giống nhân vật mà mình yêu thích. Cosplay ban đầu về Việt Nam bị kì thị với sự khác thường của nó, tuy nhiên theo thời gian bằng sự đam mê của những cosplay chân chính thì nó dần được cộng đồng Việt chấp nhận. Bằng chứng là có rất nhiều hội nhóm được lập nên, các lễ hội, cuộc thi, giao lưu cosplay được diễn ra thường niên và nhiều bố mẹ cũng bắt đầu ủng hộ con mình đến với đam mê của mình ở bộ môn Cosplay.
Trong các cuộc giao lưu fes (festival – lễ hội), bên cạnh những cosplay-er chọn những hình ảnh dễ thương, có ý nghĩa xuất hiện trong các bộ phim hoạt hình, truyện tranh của các đất nước Nhật, Hàn… nhằm mục đích giới thiệu văn hóa nước bạn đến gần hơn với nhiều người Việt và cũng là nỗ lực mang ý nghĩa tích cực mà nghệ thuật cosplay hướng tới thì cũng có những bạn trẻ lựa chọn những nhân vật cosplay ma mị đến ám ảnh người khác để tạo hình hay những nhân vật hở bạo để khoe thân với phương châm “phải hở mới nổi”.
Trong chương trình Cosplay Show được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của hơn 1.000 cosplayer, nhiều cosplayer không ngần ngại biến tấu trang phục nữ sinh thành đồ phòng ngủ cực ngắn, hở trên, hở dưới. Có bạn trẻ mang luôn bộ bikini mỏng tang vô tư uốn éo trước các ống kính cũng như trên sân khấu và hào hứng khi chia sẻ về phong cách cosplay của mình: “Càng ít vải, càng gợi cảm là phong cách của em” với trang phục chỉ phần lớn là đồ lót màu da cùng quan điểm vì thuần phong mỹ tục nên khi mặc như vậy thì sẽ không bị coi là khỏa thân đầy tính ngụy biện.
Hay gần đây nhất, trong buổi festival cosplay được tổ chức tại trung tâm thương mại Indochina, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội, bỏ qua những chai lọ nước uống, hộp dựng đồ ăn bừa bãi, người xem có thể dễ dàng bắt gặp những cosplayer đẹp mắt thì cũng sẽ không khỏi choáng váng trước một nam sinh cosplay thành SM (hay S&M - chủ đề nhạy cảm liên quan đến bạo dâm) vô cùng khác người.
Nhiều bạn trẻ xúm lại quay phim, chụp hình, cổ vũ, la ó khi cosplayer bịt mắt, trói tay, nằm quỳ sát đất, chổng mông, quằn quại… với mớ dụng cụ cosplay trên người chủ yếu là các phụ kiện gây phản cảm như dây xích, dây trói, khóa cổ vốn chỉ xuất hiện trong những bộ phim người lớn. Không những ăn mặc như vậy, nam sinh này còn diễn đủ các tư thế uốn éo, la hét khiến cho nhiều người phải đỏ mặt, cộng đồng cosplay khó chịu mà còn khiến cho bộ môn nghệ thuật này “mất điểm” trong mắt các bậc phụ huynh có mặt ở đó.
Đây chỉ là một trường hợp cá biệt trong rất nhiều cosplay phản cảm, đi ngược với thuần phong mỹ tục văn hóa Việt đã bị toàn cộng đồng lên án. Nhiều người cho rằng, đã đến lúc cần có luật dành riêng cho cosplay, mặc dù sáng tạo là không giới hạn nhưng sáng tạo trong khuôn khổ, phù hợp với văn hóa đất nước cũng là một điều hết sức quan trọng.
Để cosplay trở thành nghệ thuật chân chính
Chỉ trong thời gian ngắn, với sự hấp dẫn của mình mà cosplay Việt Nam đã sở hữu một cộng đồng phát triển khá mạnh mẽ. Mỗi năm có thể có đến hàng chục sự kiện được tổ chức với sự tham dự của đông đảo các cosplay-er cho đến các nhóm cosplay. Theo tìm hiểu, hiện nay các hoạt động cosplay đơn lẻ, các sự kiện cosplay quy mô nhỏ từ hội nhóm cho đến các lễ hội cosplay mang tầm cỡ vùng, miền,… phần đa vẫn được tổ chức tự phát hoặc có chăng cũng chỉ mới dừng lại ở xin giấy phép tổ chức sự kiện với nội dung khung chương trình chung chung.
Điều này cũng khó trách bởi lẽ các sự kiện, chương trình cosplay thường không tuân theo một khung kịch bản cụ thể của Ban tổ chức mà được hình thành từ sự chuẩn bị ngẫu hứng, sáng tạo hay theo ý thích của người tham dự mang đến. Nói cách khác, sự thành bại, nổi tiếng hay tai tiếng của các chương trình, sự kiện cosplay đều hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức, nhận thức của từng cosplay-er khi tham dự.
Rõ ràng nhu cầu về một sân chơi hóa trang mang đậm màu sắc giao lưu văn hóa này rất được các bạn trẻ mong chờ. Và nếu đây không chỉ còn là một thú chơi mà trở thành một sân chơi cộng đồng thì câu chuyện về “điểm dừng” cũng như giới hạn trong hoạt động để không ảnh hưởng thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa dân tộc bản địa cũng cần phải được cân nhắc.