Trợ lực cho miền Tây tăng tốc phát triển

Gần đây, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã và đang có nhiều trợ lực để miền Tây tăng tốc trong giai đoạn phát triển mới.

Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với 13 địa phương ĐBSCL về thúc đẩy các dự án cao tốc và ODA; đi khảo sát thực tế và có cuộc làm việc với lãnh đạo các địa phương về tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang và Đồng Tháp. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái được phân công làm Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng, làm việc với 8 tỉnh, thành để thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm việc với các địa phương trong vùng ĐBSCL về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khảo sát tiến độ thi công dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, làm việc với các bộ, ngành Trung ương và địa phương về bảo đảm nguồn vật liệu cho các dự án đường cao tốc.

Bức tranh toàn cảnh về thời cơ mới và vận hội mới của vùng ĐBSCL đang nổi lên với 3 mảng màu được kỳ vọng: Từ quy hoạch, kế hoạch, chương trình hành động đến cơ hội đầu tư, dự kiến bố trí và huy động nguồn lực thực hiện và các điều phối phát triển vùng.

Đặc biệt, miền Tây thu hút sự quan tâm của Trung ương, các nhà đầu tư trong nước, ngoài nước và người dân bằng hàng loạt dự án giao thông trọng điểm đang thi công, chuẩn bị khởi công, hoàn thành, đưa vào sử dụng. Hàng trăm công trình giao thông của các địa phương cũng đang hòa nhịp.

Hiện tại, có 8 dự án với tổng chiều dài 463km, tổng mức đầu tư khoảng gần 94.500 tỷ đồng đang triển khai thi công và hoàn thiện thủ tục đầu tư để hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2026. Trong đó, nổi lên là 4 dự án đường cao tốc đang tạo ra trục xương sống mới cho vùng, bao gồm: Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Cao Lãnh - An Hữu và Mỹ An - Cao Lãnh với tổng chiều dài 355km, tổng vốn đầu tư 82.871 tỷ đồng.

Mới đây, Bộ KH-ĐT cũng đã đề xuất Chính phủ bổ sung 4.000 tỷ đồng nguồn vốn dự phòng của ngân sách Trung ương năm 2023 để hỗ trợ các địa phương vùng ĐBSCL thực hiện 18 dự án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

Tuy nhiên, ĐBSCL cũng đang tỏa sức nóng trước những thách thức cấp vùng cần trợ lực của Trung ương để tăng tốc. Đó là khi hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được triển khai đồng loạt, thì tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, cát, đất, đá đắp nền đường trở thành điểm nóng, làm chậm tiến độ thi công.

Người dân đang kỳ vọng các cơ quan Trung ương và các địa phương có công trình đi qua cần tập trung cao nhất cho công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo nguồn cung vật liệu. Chủ đầu tư, bộ máy quản lý thi công công trình cũng như vận hành khai thác công trình đưa vào sử dụng phải thực sự chuyên nghiệp. Để phát huy hiệu quả nhất các tuyến cao tốc, rất cần đầu tư đồng bộ các tuyến quốc lộ, liên tỉnh lộ, hệ thống đường gom, cùng với việc kết nối các phương thức giao thông đường bộ, đường thủy, hàng hải và hàng không thông suốt.

Vấn đề thiếu cát, vật liệu xây dựng càng nóng hơn trước tác động về môi trường, thiên tai và nhân tai. Đó là tình trạng sụt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra thường xuyên với mức độ nghiêm trọng hơn. Có nơi, chính quyền buộc phải cưỡng chế di dời để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Ứng phó với tình trạng sụt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, các bộ, ngành trung ương và địa phương cần giải pháp cả cấp bách và lâu dài. Bên cạnh việc ứng phó khẩn cấp tạm thời tình huống thiên tai do sạt lở, phải di dời, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, cần phải có các giải pháp căn cơ. Trong đó, cần có các nhóm giải pháp đột phá vượt điểm nghẽn, tạo chuyển biến.

Một là, bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phát triển vùng, trong đó có các cơ chế, chính sách, tổ chức điều phối vùng, liên kết phát triển các tiểu vùng, nội vùng và liên vùng.

Hai là, tiếp tục tổ chức huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển. Xây dựng cơ chế, chính sách mới nhằm phát triển, thu hút đầu tư, bảo đảm tính liên kết giữa các địa phương trong vùng và với các khu vực khác.

Ba là, triển khai đầu tư hạ tầng giao thông, đô thị, thủy lợi, các dự án thích ứng với biên đổi khí hậu. Thực hiện nhiệm vụ cấp bách về chống sạt lở, sụt lún nghiêm trọng tại một số khu vực bờ biển, bờ sông. Các dự án đầu tư và phát triển hạ tầng phải đảm bảo thống nhất, tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm và có lộ trình hợp lý.

TS TRẦN HỮU HIỆP

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tro-luc-cho-mien-tay-tang-toc-phat-trien-post705992.html