Trợ lực để công nghiệp ô tô bứt phá

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc-quy... Trong khoảng 400 doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp, chỉ một số rất ít đầu tư dây chuyền rập thân, vỏ xe; vật liệu làm khuôn mẫu hầu hết phải nhập khẩu. Ngành công nghiệp ô tô cần phải làm gì để phát triển đúng hướng, trở thành một yếu tố then chốt trong phát triển nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng?

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô cần tập trung cải tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm bảo đảm hợp chuẩn quốc tế. Nguồn: VinFast.

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô cần tập trung cải tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm bảo đảm hợp chuẩn quốc tế. Nguồn: VinFast.

4 tháng đầu năm 2024, thị trường ô tô gặp khó khăn khi doanh số bán hàng của các hãng sụt giảm. Bất chấp các chương trình giảm giá, khuyến mãi cũng như các hãng tung ra mẫu xe mới nhưng người mua vẫn chưa chịu xuống tiền.

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Tập đoàn TC Motor, tính chung 4 tháng của năm 2024, tổng doanh số bán hàng toàn thị trường đạt 96.935 xe (gồm 82.515 xe do VAMA tổng hợp, và 14.420 xe Hyundai do TC Motor công bố riêng). Con số này giảm 13,55% so với cùng kỳ năm 2023.

Cần tập trung đầu tư phát triển một số doanh nghiệp ô tô đầu đàn trên cơ sở khuyến khích, ưu đãi đầu tư, đổi mới công nghệ. Ảnh: Hoàng Hiệp.

Cần tập trung đầu tư phát triển một số doanh nghiệp ô tô đầu đàn trên cơ sở khuyến khích, ưu đãi đầu tư, đổi mới công nghệ. Ảnh: Hoàng Hiệp.

Nhận diện những thách thức

Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) ô tô vẫn gặp khó do thị trường vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch, suy thoái kinh tế hiện hữu, tác động nghiêm trọng đến các DN sản xuất, lắp ráp ô tô và toàn nền kinh tế.

Doanh số giảm, ngành công nghiệp ô tô còn non trẻ của Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi thực thi các hiệp định thương mại (FTA) mà Việt Nam tham gia. Bà Nguyễn Ánh Tuyết - Trưởng tiểu ban Hải quan thuộc VAMA phân tích, trong các FTA Việt Nam đã tham gia và ký kết có nhiều FTA đã cam kết về ô tô nguyên chiếc và có lộ trình giảm thuế nhập khẩu của xe ô tô nguyên chiếc về 0%. Đây là một cơ hội rất lớn cho thị trường ô tô để có thể đa dạng hóa sản phẩm và mang lại nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng Việt Nam. Song thực tế cũng chỉ ra, ngay sau khi cam kết bỏ thuế xuất nhập khẩu từ các nước ASEAN, nhiều sản phẩm sản xuất trong nước đã không cạnh tranh nổi với sản phẩm đến từ các quốc gia ASEAN như Thái Lan, Indonesia.

Hiện nay Việt Nam đã ký kết 16 FTA. Với các quốc gia ASEAN, Việt Nam đang áp thuế 0% đến hết năm 2027 đối với các mặt hàng linh kiện, phụ tùng ô tô theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Trong quan hệ với Hàn Quốc, theo Nghị định số 125/2022 của Chính phủ, nhiều mặt hàng linh kiện, phụ tùng nhập khẩu từ Hàn Quốc cũng được áp thuế suất 0% kể từ năm 2022. Còn theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA), chính sách về thuế suất thuế nhập khẩu được điều chỉnh giảm dần từ năm 2022 đến năm 2027...

Với nhiều sự thay đổi đòi hỏi chiến lược phát triển, nền công nghiệp ô tô trong nước cũng cần thay đổi triệt để mới có thể theo kịp các quốc gia trong khu vực.

Chưa kể với việc thực hiện các cam kết của EVFTA, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ EU về Việt Nam sẽ giảm khoảng 6,4%/năm, liên tục trong vòng 10 năm. Năm 2024, thuế nhập khẩu được áp dụng là 38,1%. Dự kiến đến năm 2030, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ EU xuống còn 0%. Điều này cũng làm các DN sản xuất ô tô Việt Nam ngày càng gặp nhiều áp lực để duy trì sản xuất và duy trì được thị phần trong các phân khúc đang có hiện diện.

Thiếu doanh nghiệp đầu đàn

TS Lê Huy Khôi - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương) cho biết để phát triển công nghiệp ô tô cần nghiên cứu, rà soát, cải cách các chính sách thuế, phí (thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc và linh, phụ kiện; thuế tiêu thụ đặc biệt...) bảo đảm khả thi và ổn định lâu dài, phù hợp với các cam kết trong quá trình hội nhập quốc tế.

Đặc biệt theo ông Khôi, phát triển ngành công nghiệp ô tô trên cơ sở khuyến khích, mở rộng tiêu dùng ô tô trong nước, hướng tới đáp ứng quy mô thị trường trong nước đủ lớn nhằm tạo dựng thị trường cho phát triển công nghiệp hỗ trợ và phát triển sản xuất, lắp ráp trong nước. Định hướng và tập trung đầu tư phát triển một số DN ô tô đầu đàn trên cơ sở khuyến khích, ưu đãi đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất và hướng tới mục tiêu tham gia sâu vào chuỗi giá trị ô tô toàn cầu, nâng cao kim ngạch và giá trị gia tăng trong xuất khẩu.

Trong khi đó, ông Dương Bá Hải - Phó Trưởng phòng Phòng Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính nêu quan điểm, việc tham gia các FTA ngoài mang lại cơ hội cũng khiến các DN sản xuất ô tô Việt Nam ngày càng gặp nhiều áp lực về cạnh tranh.

Việc xây dựng các chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô nói chung, xe ô tô điện hóa nói riêng trong thời gian tới cần được nghiên cứu thận trọng và kỹ lưỡng (bao gồm chính sách tài chính, chính sách đầu tư, quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng...).

"Một số chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô trong nước đang trong quá trình thực hiện và sẽ kéo dài đến hết năm 2027. Cơ quan chức năng cũng cần tổng kết, đánh giá, điều chỉnh để hỗ trợ DN ô tô trong nước trước làn sóng ô tô ngoại ồ ạt vào Việt Nam. Tuy nhiên, chính sách nào cũng có hai mặt, do đó phải xin ý kiến đầy đủ, ngoài việc ủng hộ DN, vẫn phải nhìn dưới phương diện lợi ích người tiêu dùng, xã hội, bảo đảm tính đa chiều trong quá trình hoạch định chính sách" - ông Hải nói.

Cần thêm những trợ lực

Hiện nay các DN công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô tại Việt Nam còn khá ít, mới chỉ khoảng 300 DN thuộc mọi thành phần kinh tế. Trong đó, có khoảng hơn 40 DN sản xuất, lắp ráp ô tô; 45 DN sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 DN sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô... Để gia nhập chuỗi cung ứng linh kiện ô tô trong bối cảnh thương mại hóa toàn cầu các DN phải đạt tiêu chuẩn rất cao về chất lượng, độ an toàn và các yếu tố môi trường. Với nhà cung cấp cấp 2, cấp 3 cần phải tuân thủ chặt chẽ yêu cầu sản xuất như chất lượng, chi phí, giao hàng.

Để đưa ngành công nghiệp ô tô phát triển nhanh và vững, thì các DN công nghiệp hỗ trợ ngành phải mạnh. Bài toán được đưa ra là cần tập trung cải tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm bảo đảm hợp chuẩn quốc tế. Đồng thời, hình thành một số trung tâm/cụm liên kết công nghiệp ô tô tập trung trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại sản xuất; đẩy mạnh hợp tác - liên kết giữa các DN sản xuất, lắp ráp ô tô, các DN công nghiệp hỗ trợ, các cơ sở nghiên cứu - triển khai và các cơ sở đào tạo thuộc mọi thành phần kinh tế để nâng cao hiệu quả đầu tư và tăng cường khả năng chuyên môn hóa...

Theo ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, trong thời gian qua, Bộ Công thương đã có nhiều giải pháp thực hiện quản lý, phát triển cụm công nghiệp theo Nghị định số 68/2017 của Chính phủ, trong đó nhấn mạnh vai trò của các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giữa các DN trong nước và quốc tế. Tiềm năng của ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam đã được bạn bè quốc tế nhìn nhận. “Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ ngày càng sát sườn hơn với DN. Đó là những lý do một số hãng xe lớn trên thế giới gần đây có xu hướng chuyển dịch từ nhập khẩu nguyên chiếc sang lắp ráp ô tô tại Việt Nam”- ông Tuấn Anh nhận định.

Cũng theo đại diện Cục Công nghiệp, sự tham gia tích cực của các DN đầu chuỗi như Thaco, Vinfast có vai trò quan trọng giúp thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô phát triển. Bởi lẽ, đây là cơ hội để các đơn vị cung ứng linh kiện thứ cấp có điều kiện giao lưu, nghiên cứu, nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm.

Nói về vấn đề này, bà Trương Bình An - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng cho rằng, đối với các DN nhập khẩu linh kiện, nguyên liệu, vật tư để sản xuất, lắp ráp xe ô tô và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ô tô thuộc Chương trình ưu đãi thuế và Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô đóng trên địa bàn quản lý, lãnh đạo đơn vị luôn quan tâm chỉ đạo xử lý nhanh chóng các thủ tục liên quan như thủ tục đăng ký tham gia Chương trình, thủ tục kiểm tra điều kiện cơ sở sản xuất, thủ tục khai hải quan, thủ tục hoàn thuế. “Điều này góp phần quan trọng trong việc giảm thời gian các thủ tục, hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN nói trên” – bà An nhấn mạnh.

TS Lê Huy Khôi - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương): Rà soát, điều chỉnh chính sách cho vay dài hạn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước với lãi suất phù hợp theo từng thời kỳ đối với những dự án sản xuất linh kiện, phụ tùng cho ngành ô tô. Hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách liên quan nhằm đạt những mục tiêu phát triển của công nghiệp ô tô, đặc biệt đối với những dự án đầu tư sản xuất xe thân thiện môi trường. Bên cạnh đó có các chính sách ưu đãi ưu đãi để khuyến khích sử dụng xe điện hóa tại Việt Nam như thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt ưu đãi áp dụng cho từng dòng xe điện (HEV, PHEV, BEV, FCEV) căn cứ vào mức phát thải CO2. Đồng thời giảm lệ phí trước bạ cho tất cả các dòng xe điện hóa...

Hồ Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tro-luc-de-cong-nghiep-o-to-but-pha-10280943.html