Trợ lực phát triển vùng dân tộc thiểu số ở Đắk Song

Huyện Đắk Song phát huy hiệu quả các chính sách, nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Xóa nghèo bền vững

Ông Triệu Tồn Pao, dân tộc Dao, thôn E29, xã Đắk Môl vừa là người uy tín vừa là lực lượng cốt cán của đồng bào DTTS. Do đó, để trở thành gương sáng cho bà con, ông Pao luôn nỗ lực cố gắng vươn lên trong lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa.

Đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Đắk Song chủ động học hỏi, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế nhân dịp về dự Đại hội đại biểu các DTTS huyện lần thứ IV, năm 2024

Đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Đắk Song chủ động học hỏi, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế nhân dịp về dự Đại hội đại biểu các DTTS huyện lần thứ IV, năm 2024

Gia đình ông Pao hiện có 4ha đất sản xuất. Những năm trước, do thiếu kinh nghiệm chăm sóc, nên cây trồng kém phát triển. Sau khi được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ông Pao đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả rõ rệt. Với 4ha đất, gia đình ông trồng 3.200 cây cà phê, 90 cây sầu riêng, 1.000 trụ tiêu. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu được khoảng 400 triệu đồng. Không chỉ xây dựng được nhà cửa khang trang, ông còn sắm sửa được các vật dụng thiết yếu trong gia đình, máy móc phục vụ sản xuất.

Ông Pao cho biết: “Cũng nhờ có sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước về khoa học kỹ thuật nên gia đình tôi mới có được như ngày hôm nay. Do đó, tôi luôn vận động con cháu, bà con DTTS phải đoàn kết, cố gắng vươn lên để làm giàu cho gia đình, xã hội”.

Anh Hoàng Văn Đương, dân tộc Tày, bon Bu Păh, xã Trường Xuân cũng là một trong những hộ đồng bào DTTS đã được giúp đỡ vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Năm 2012, anh Đương lập gia đình và bắt đầu ra ở riêng. Ban đầu, kinh tế khó khăn, công việc chính của vợ chồng anh là làm thuê, cuốc mướn. Gia đình có đất nhưng anh chỉ biết trồng lúa, trồng ngô nên thu nhập không đáng kể. Sau này, khi tham gia vào Hội Nông dân xã, được dự các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, anh đã mạnh dạn chuyển đối sang trồng cà phê, hồ tiêu xen cây ngắn ngày. Nhờ chịu khó, ham học hỏi, cây trồng luôn phát triển tốt, năng suất cao.

Với việc vừa làm, vừa tích cóp mở rộng diện tích, đến nay, anh đã mua thêm được 1ha đất để mở rộng sản xuất. Mỗi năm, trừ các khoản chi phí, gia đình anh thu về hàng trăm triệu đồng. Anh Đương cho biết: “Sự quan tâm của tổ chức, chính quyền là nguồn động viên, khích lệ để tôi cố gắng vươn lên trong phát triển kinh tế. Đến nay, tôi không chỉ thoát nghèo, trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của xã, huyện mà còn có điều kiện để giúp đỡ những hộ gia khó khăn trong bon cùng vươn lên”.

Đồng chí Điểu Xuân Hùng, UVBTV, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Nông thăm hỏi, động viên bà con các dân tộc thiểu số huyện Đắk Song.

Đồng chí Điểu Xuân Hùng, UVBTV, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Nông thăm hỏi, động viên bà con các dân tộc thiểu số huyện Đắk Song.

Theo bà H’Hiệp, Trưởng bon N’Jang Bơ, xã Trường Xuân, là bon đặc biệt khó khăn của xã, nên N’Jang Bơ luôn được quan tâm, triển khai nhiều dự án, chính sách ưu đãi, giảm nghèo, hỗ trợ sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, dân sinh... Năm 2021, tổng số hộ nghèo của bon là 46 hộ thì đến cuối năm 2023 giảm còn 24 hộ. Bà con DTTS luôn chăm lo lao động sản xuất, xóa nghèo bền vững. Nhiều hộ dân đã xây dựng được nhà cửa khang trang, sắm sửa xe ô tô phục vụ đi lại...

Bà H’Hiệp thông tin: “Chúng tôi thường xuyên phối hợp tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng về công tác giảm nghèo. Từ đó, người dân dần thay đổi cách nghĩ, cách làm, chủ động tích cực trong phát triển kinh tế, cuộc sống. Đặc biệt, việc các cán bộ, đảng viên nhận hỗ trợ, giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững như hỗ trợ sinh kế, vật tư, phân bón, cầm tay chỉ việc về khoa học kỹ thuật đã góp phần không nhỏ để bà con thoát nghèo”.

Thực hiện đồng bộ nhiều chương trình, chính sách

Theo ông Nguyễn Ngọc Thân, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song, giai đoạn 2019 - 2024, các chính sách của Trung ương, tỉnh đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi được cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Đắk Song tổ chức triển khai đồng bộ, kịp thời, bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần thay đổi đời sống người dân.

Cụ thể, thực hiện Chương trình 135, năm 2019 - 2020, huyện đã triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất như mua phân bón, máy móc và ống tưới... cấp cho hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí 1,239 tỷ đồng.

Thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2021 - 2024, Đắk Song đã hỗ trợ xây 13 căn nhà, chuyển đổi nghề cho 60 hộ và 236 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán. Việc cấp phát thẻ bảo hiểm y tế đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và đồng bào DTTS cũng được triển khai kịp thời đến với các đối tượng thụ hưởng. Theo đó, tổng số thẻ bảo hiểm y tế được cấp là 88.900 thẻ; trong đó, hộ nghèo 20.085 thẻ, cận nghèo 20.444 thẻ, đồng bào DTTS 48.271 thẻ....

Ngoài việc được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, bà con DTTS ở xã Đắk Môl, huyện Đắk Song thường xuyên được khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí

Ngoài việc được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, bà con DTTS ở xã Đắk Môl, huyện Đắk Song thường xuyên được khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí

Thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với hộ gia đình đồng bào DTTS tại chỗ, giai đoạn 2015 - 2020, kéo dài đến 31/12/2021, UBND huyện đã chi trả cho 680 lượt hộ gia đình đồng bào DTTS tại chỗ với tổng kinh phí trên 3,07 tỷ đồng. Hay thực hiện Nghị quyết số 18, ngày 15/12/2021 của HĐND tỉnh Đắk Nông về hỗ trợ lãi suất vay vốn phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, huyện Đắk Song đã hỗ trợ cho 532 lượt hộ gia đình đồng bào DTTS tại chỗ, với tổng kinh phí trên 2,526 tỷ đồng.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Thân, các chương trình, chính sách đầu tư đã có tác động rất lớn đến các mặt kinh tế, văn hóa, đời sống xã hội, làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS của huyện. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS được nâng lên rõ rệt. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố. Niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng và Nhà nước được nâng lên.

Đến nay, 100% số thôn, bon, bản của huyện Đắk Song có điện lưới quốc gia; 99,63% hộ dân được sử dụng điện thắp sáng; trên 85% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ nhựa hóa đường huyện là 98,08%, đường liên xã là 95,36%, đường thôn, bon, bản là 62%. Toàn huyện còn 257 hộ nghèo DTTS chiếm 7,49%; 371 hộ cận nghèo DTTS chiếm 10,81%.

Giai đoạn 2024 - 2029, Đắk Song xác định tiếp tục phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng DTTS và miền núi; giảm dần số bon đặc biệt khó khăn, cải thiện đời sống và nâng cao sinh kế của Nhân dân.

Phát biểu tại Đại hội đại biểu các DTTS huyện Đắk Song lần thứ IV, năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh yêu cầu, Huyện ủy, UBND huyện Đắk Song tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc. “Đồng bào các DTTS huyện tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường trong phát triển kinh tế - xã hội, đoàn kết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau; ra sức thi đua lao động sản xuất, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp”, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh nhấn mạnh.

Mỹ Hằng

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/tro-luc-phat-trien-vung-dan-toc-thieu-so-o-dak-song-217581.html