'Trợ lý số' giúp những bản làng dân tộc thiểu số ở Cao Bằng 'thay da đổi thịt' từng ngày
Không còn là những hình ảnh manh mún, tự phát, sản xuất nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Cao Bằng nay đã đổi thay nhờ có 'trợ lý số', nông dân dùng smartphone để bán hàng, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Từ một nông dân người Tày chỉ quen “cày sâu cuốc bẫm”, những năm gần đây, anh Nông Văn Thắng, xã Hồng Việt (huyện Hòa An) trở thành một gương mặt nổi bật trong phong trào ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Làm nông bằng… smartphone
Gia đình anh Thắng có hơn 1,5 ha trồng rau an toàn, trước kia chỉ bán quanh chợ xã. Nhưng từ khi tham gia vào chương trình hỗ trợ của tỉnh về chuyển đổi số, anh Thắng bắt đầu học cách sử dụng phần mềm nông nghiệp, cập nhật quy trình sản xuất sạch, và mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử Postmart, Voso.
“Trước đây rau trồng ra chỉ bán được 10.000 - 12.000 đồng/kg, giờ có mã QR truy xuất nguồn gốc, tôi kết nối với khách hàng, bán được tận ra Hà Nội, Hải Phòng với giá cao gấp rưỡi. Giờ mỗi vụ tôi lời vài chục triệu đồng là chuyện bình thường”, anh Thắng hồ hởi chia sẻ.

Thay đổi cách nghĩ cách làm giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Cao Bằng nâng cao hiệu quả sản xuất (Ảnh: BCB).
Không chỉ dừng lại ở sản xuất, anh còn trở thành người “truyền lửa” cho bà con trong xã. Anh Thắng đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng số cho nông dân, hướng dẫn cách dùng điện thoại để tra cứu thông tin thời tiết, giá cả thị trường, và đặc biệt là cách bán hàng online.
Không chỉ cá nhân, nhiều HTX ở Cao Bằng cũng đang tiên phong trong hành trình chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Một trong những đơn vị tiêu biểu là HTX Nông nghiệp sạch Bảo Lạc (thị trấn Bảo Lạc, huyện Bảo Lạc), do chị Hoàng Thị Hường, người Dao, sáng lập từ năm 2021.
Bắt đầu với sản phẩm chính là miến dong và tinh bột nghệ, khi mới đi vào hoạt động, HTX gặp khó khăn khi đầu ra bấp bênh, giá cả bấp bênh. Nhưng bước ngoặt đến khi chị Hường mạnh dạn đầu tư hệ thống mã vạch, phần mềm quản lý sản phẩm và đưa toàn bộ sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.
Sức bật từ chuyển đổi số
“Chuyển đổi số không chỉ là dùng máy tính hay điện thoại. Đó là cách thay đổi tư duy, biết cách quản trị, liên kết, và phát triển bền vững hơn. Nhờ đó, HTX đã tăng sản lượng lên gấp đôi, doanh thu năm 2024 đạt hơn 2 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động, phần lớn là phụ nữ dân tộc thiểu số”, người sáng lập HTX Nông nghiệp sạch Bảo Lạc Hoàng Thị Hường cho biết.
Chính nhờ tư duy sản xuất mới, chất lượng sản phẩm vượt trội đang giúp các mặt hàng chủ lực của HTX có mặt trong chuỗi siêu thị tại Hà Nội, TP. HCM và thậm chí xuất khẩu thử nghiệm sang thị trường Hàn Quốc.
Những thành công trên đều đến từ sự chuyên nghiệp hóa trong quy trình sản xuất và kinh doanh, được hỗ trợ bởi các công cụ công nghệ hiện đại như phần mềm kế toán số, hệ thống ERP mini, và các khóa học thương mại điện tử.
Dễ nhận thấy, trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu, các HTX tại tỉnh Cao Bằng đang đóng vai trò then chốt trong việc đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt tại các huyện vùng cao có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Sự mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ của các HTX, tổ hợp tác không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn góp phần thay đổi diện mạo kinh tế nông thôn.

Sự hiện diện của các HTX, tổ hợp tác đang góp phần thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Cao Bằng (Ảnh: BCB).
Như tại huyện Hà Quảng, HTX Nông nghiệp & Chăn nuôi Bảo Hưng, xã Trường Hà, là một điển hình trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Những năm qua, HTX đã đầu tư xây dựng nhà lưới, mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất, chuyển đổi sang trồng các loại dưa chất lượng cao như dưa lưới, dưa hấu, dưa chuột, dưa lê.
Ngoài ra, HTX còn triển khai các mô hình thử nghiệm về cây trồng, vật nuôi thực hiện theo quy trình kỹ thuật thông minh như mô hình nuôi cá nheo Mỹ, nuôi cá tầm tại xã Trường Hà, mô hình trồng dưa trong nhà lưới tại xã Đa Thông, mô hình áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây thuốc lá tại xã Lương Can...
Chính sách đồng hành cùng người dân
Thành công của những cá nhân, HTX trong thời gian qua không thể tách rời khỏi sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương. Trong những năm gần đây, tỉnh Cao Bằng đã triển khai nhiều chương trình đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, đặc biệt hướng đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đáng chú ý, không thể không nhắc đến vai trò đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế hợp tác, nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.
Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh Cao Bằng có 444 HTX, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, cùng với 26 tổ hợp tác và 678 nhóm sở thích với khoảng 9.000 thành viên. Các đơn vị hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sản xuất, vốn, nhân lực và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân địa phương.
Liên minh HTX Việt Nam đã hỗ trợ các HTX tại Cao Bằng xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, từ sản xuất đến tiêu thụ. Điển hình là việc hỗ trợ HTX dong riềng Trung Hiếu tại huyện Nguyên Bình vay 300 triệu đồng để phát triển sản xuất miến dong, tạo dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ngoài ra, Liên minh HTX Việt Nam còn triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ HTX, hỗ trợ các HTX tham gia xúc tiến thương mại và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tại tỉnh đã đạt hàng chục tỷ đồng, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế hợp tác, HXT tại địa phương.
Trong bối cảnh thiên tai, Liên minh HTX Việt Nam cũng đã có những hỗ trợ kịp thời. Sau cơn bão số 3 năm 2024, tổ chức này đã trao tặng 35 tấn gạo cho các HTX và tổ hợp tác bị ảnh hưởng nặng nề tại Cao Bằng, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất.
Có thể nói, câu chuyện chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Cao Bằng cho thấy một điều rõ ràng dù ở vùng sâu, vùng xa, nếu có chính sách đúng, sự vào cuộc của cả hệ thống và đặc biệt là tinh thần dám thay đổi từ người dân, thì “nút thắt” nghèo đói sẽ được tháo gỡ.
“Giờ điện thoại không chỉ để gọi hay nghe nhạc, mà là công cụ làm ăn. Mỗi ngày tôi lên mạng xem giá, học cách trồng, chăm cây. Có hôm còn xem livestream nông dân ở các tỉnh khác chia sẻ kinh nghiệm. Học được nhiều lắm”, bà Lý Thị Hảo, người H’Mông ở huyện Trùng Khánh, vừa cười vừa giơ chiếc smartphone cũ kỹ nhưng đầy “quyền năng”.
Từ những cá nhân nhỏ lẻ đến các HTX bài bản, chuyển đổi số đang dần trở thành xu hướng không thể đảo ngược trong sản xuất nông nghiệp ở vùng cao. Và với sự chung tay từ chính quyền, doanh nghiệp, người dân, tương lai một nền nông nghiệp số - thông minh, bền vững ở Cao Bằng không còn là câu chuyện xa vời.