Trở ngại khi thực hiện dự án giao thông PPP
Phương thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) được đánh giá có nhiều ưu điểm khi vừa có vốn nhà nước, đồng thời huy động được vốn tư nhân tham gia. Tuy nhiên, trong lĩnh vực giao thông, nhiều ý kiến cho rằng vẫn đang có những rào cản khiến doanh nghiệp (DN) chưa 'mặn mà' hình thức đầu tư PPP.
Doanh nghiệp chưa “mặn mà”
Theo ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Đường Cao tốc Việt Nam (Bộ GTVT), giai đoạn 2011 - 2015, cả nước thu hút đầu tư khá nhiều dự án PPP, trong đó Bộ GTVT là 72 dự án, chủ yếu theo hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), huy động khoảng 252.000 tỷ đồng. Do đó, mạng lưới kết cấu và kết cấu hạ tầng được nâng lên đáng kể. Thế nhưng, giai đoạn 2016 - 2020, chỉ có 4 dự án thực hiện theo hình thức PPP với tổng giá trị đầu tư 26.000 tỷ đồng được thực hiện.
Theo ông Thành, từ khi Luật PPP 2020 ra đời và có hiệu lực từ 1/1/2021, đến nay đã 6 dự án PPP thực hiện theo Luật PPP được phê duyệt chủ trương đầu tư và đang triển khai các bước lựa chọn nhà đầu tư (NĐT). “Các dự án này đang trong bước triển khai thủ tục, nhưng đã bộc lộ một số khó khăn” - ông Thành nói.
Lãnh đạo Cục Đường cao tốc Việt Nam phân tích những khó khăn khi thực hiện dự án PPP: Quy hoạch giao thông ở nhiều nơi, nhiều địa phương chưa đồng bộ. DN đầu tư một dự án PPP theo phương tuyến này nhưng ở chỗ khác lại xây dựng một đường song hành với dự án PPP này bằng đầu tư công, từ đó lưu lượng xe dự án PPP giảm, ảnh hưởng đến doanh thu DN.
Ngoài ra, một thách thức lớn khác là các dự án giao thông PPP theo hợp đồng BOT có vốn đầu tư lớn, DN phải phụ thuộc lớn vào vốn vay ngân hàng. Khi dự án không đủ doanh thu thì các ngân hàng quan ngại dự án PPP sẽ rủi ro, siết lại tín dụng dài hạn. Do đó, DN dự án không dễ để tiếp cận vốn tín dụng từ ngân hàng…
Liên quan đến Luật PPP, ông Thành cho biết, theo Điều 82 của Luật PPP, DN thu vượt 132% thì chia sẻ 50% cho Nhà nước. Song, nếu DN sụt giảm dưới 50% doanh thu thì chưa quy định rõ ràng trách nhiệm của Nhà nước phải bù lỗ, bù lỗ như thế nào cho đơn giản mà thủ tục hiện rất khó khăn, phải trình qua nhiều cấp mới huy động nguồn để bù đắp doanh thu đó.
Gỡ khó để phát huy nguồn vốn tư nhân
Dưới góc nhìn DN, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cho biết, huy động vốn tư nhân vào đầu tư hạ tầng giao thông là rất khó vì số vốn lớn, thu hồi lâu, tính rủi ro cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp, việc xã hội hóa đầu tư giao thông là rất cần thiết, trong đó phương thức đầu tư PPP có nhiều ưu điểm. “Nhưng phương thức này hiện đang bộc lộ những khuyết điểm, mà chủ yếu ở hành lang pháp lý” - DN này chia sẻ.
Chủ tịch Phương Thành cho biết, đầu tư theo phương thức PPP là Nhà nước và DN cùng bắt tay làm dự án, cùng bỏ tiền để thực hiện, nhưng Luật PPP lại đưa ra những điều khoản khá bất lợi cho DN. Các điều khoản điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá trong Luật PPP đều có quy định nhưng để thực hiện rất khó, gần như không bao giờ có thể thực hiện và muốn thực hiện phải xin qua nhiều cấp.
Một khó khăn nữa trong thu hút nguồn vốn PPP cũng được các DN chỉ ra, đó là nguồn vốn. Ngoài vốn tự có của DN chiếm khoảng 10 - 30% thì còn lại phần lớn phải vay tín dụng. Trong khi vốn vay tín dụng khá rủi ro nếu dự án không hiệu quả như dự báo. Ngoài ra, nếu dự án thu phí quá lâu, rủi ro cũng tăng lên và ngân hàng cũng khó chấp nhận cho vay.
Theo ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các NĐT công trình giao thông đường bộ Việt Nam, mối quan hệ giữa cơ quan có thẩm quyền và NĐT chưa thực sự là đối tác, chưa thực sự bình đẳng trong triển khai đầu tư đối tác công - tư, làm “nguội lạnh” khát vọng của các NĐT.
Ông Chủng cho biết, Hiệp hội đã rà soát, tập hợp những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong Luật PPP hiện nay để đề xuất sửa đổi Luật PPP. “Quốc hội, Chính phủ cần lắng nghe các NĐT để rà soát, chỉnh sửa các cơ chế, chính sách để phù hợp với thực tiễn, tạo thuận lợi trong triển khai” - ông Chủng nói và mong muốn các NĐT tiếp tục đóng góp sức mạnh, nguồn lực, trí tuệ vào sự phát triển của ngành GTVT Việt Nam.