Trở về không gian tết xưa

Vài năm gần đây, xu hướng tái hiện không gian tết xưa được nhiều người dân ưa chuộng. Qua cách bài trí, không gian tết xưa tại trụ sở cơ quan, trường học, khu vui chơi, quán cà phê, nhà hàng,... không chỉ trở thành địa điểm check-in lý tưởng cho những ai thích hoài niệm, gợi nhớ về quá khứ mà còn tái hiện nét đẹp Tết Cổ truyền và những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Không gian tết xưa được tái hiện như lời khẳng định, từ xưa đến nay, Tết Nguyên đán vẫn là ngày lễ cổ truyền lớn nhất của người Việt

Không gian tết xưa được tái hiện như lời khẳng định, từ xưa đến nay, Tết Nguyên đán vẫn là ngày lễ cổ truyền lớn nhất của người Việt

“Sống” lại tết xưa

Bắt nhịp nhu cầu chụp ảnh ngày tết của người dân quê cùng niềm đam mê nghệ thuật, cách đây 4 năm, anh Tạ Minh Thi - chủ studio Tạ Thi, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An khéo léo tái hiện nhiều tiểu cảnh mang phong vị tết xưa.

Anh Thi cho biết, tết năm nay, những tiểu cảnh tết xưa được tái hiện là các làng nghề truyền thống như làm vải, làm nhang, tò he, làm trống, phố lồng đèn lung linh,... Những khung cảnh tết xưa giữa cuộc sống hiện đại như đưa mọi người ngược dòng trở về với quá khứ, về với những năm tháng của tuổi thơ. Chính không gian tết này giúp chúng ta lưu giữ những khoảnh khắc bình yên, kỷ niệm đẹp bên những người thân yêu.

Nhờ sự độc đáo này, hàng năm, vào mỗi dịp tết đến, xuân về, studio của anh đón khá nhiều lượt khách hàng đến tham quan, chụp ảnh. Đó không chỉ là những bạn trẻ yêu thích nét đẹp cổ xưa, các cặp đôi đang yêu muốn lưu giữ khoảnh khắc bên nhau mà gia đình có con nhỏ cũng muốn cho các bé có cơ hội được trải nghiệm, tìm hiểu về văn hóa, không gian Tết Cổ truyền từ xa xưa của dân tộc.

Nhiều bạn trẻ chụp ảnh lưu lại khoảnh khắc tết xưa tại huyện Tân Trụ (Ảnh: Studio cung cấp)

Nhiều bạn trẻ chụp ảnh lưu lại khoảnh khắc tết xưa tại huyện Tân Trụ (Ảnh: Studio cung cấp)

Chị Nguyễn Thị Thu Huyền (huyện Châu Thành) chia sẻ: “Năm nào gần tới tết, tôi cũng đều đi chụp ảnh để lưu lại những khoảnh khắc đẹp trước thềm năm mới. Biết đến studio của anh Thi, tôi chọn áo dài truyền thống lẫn áo dài cách tân để chụp ảnh, lưu lại những khoảnh khắc đẹp. Tôi chọn chiếc áo dài cách tân vì thấy vừa truyền thống, vừa hiện đại, hơn hết là rất phù hợp với không khí mùa xuân rộn ràng, trẻ trung. Còn áo dài truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam duyên dáng trong tà áo dài là niềm tự hào của con người Việt”.

Giữ gìn nét đẹp truyền thống

Những ngày gần tết, không khí tết tại TP.Tân An nhộn nhịp hơn bởi sự kiện Tết Việt lần đầu tiên được tổ chức tại bờ kè sông Bảo Định, đường Huỳnh Văn Nhứt, phường 3. Dạo quanh một vòng tại đây, chắc hẳn nhiều người sẽ bắt gặp hình ảnh các gia đình, bạn trẻ xúng xính quần áo mới để chụp ảnh ngày tết.

“Biết đến sự kiện Tết Việt qua các phương tiện thông tin đại chúng, tuy không phải người dân TP.Tân An nhưng tôi cùng mẹ và một vài người bạn chuẩn bị những bộ quần áo đẹp để chụp ảnh, lưu giữ những khoảnh khắc trước khi năm mới đến. Không khí tết ở đây khá nhộn nhịp, vui tươi bởi có điểm vui chơi, nơi check-in đẹp” - chị Trịnh Nguyễn Anh Thư, người dân huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, nói.

Hầu hết tiểu cảnh được trang trí tại sự kiện Tết Việt có sự hài hòa về màu sắc, bố cục, mang vẻ đẹp, phong cách riêng, có sự sáng tạo và tạo không gian ngày tết đầm ấm, vui tươi, phấn khởi. Những tiểu cảnh được các xã, phường trang trí mang ý nghĩa xuân hạnh phúc, tết sum vầy; xuân thịnh vượng; tết quê hương; tết xưa, tết nay - nhà nhà no ấm;...

Đặc biệt, biểu tượng linh vật rồng tại đây được thiết kế với nhiều chất liệu phong phú, đầy màu sắc theo các chủ đề địa linh tam long hội; tinh hoa hội tụ; khát vọng vươn lên; Thăng Long; Rồng Thiên; đoàn kết, phát triển; Rồng Việt vươn tầm cao; nghênh long khai phú quý; long mai liên hoa;…nhằm tạo điểm nhấn ấn tượng cho tiểu cảnh với mong ước năm mới nhiều thắng lợi mới, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Hầu hết hình rồng được thiết kế bằng các chất liệu như xốp, nhựa, một số loại cây kiểng kết hợp hài hòa, mang tính thẩm mỹ và có thể trưng bày trong suốt dịp tết để người dân thưởng lãm, chụp ảnh lưu niệm,...

Những ngày qua, khi sự kiện Tết Việt diễn ra, nhiều người dân tranh thủ đến chụp ảnh bên những cây mai vàng rực rỡ, cây đào hồng sắc thắm, cây lá phong vàng rực. Kế bên đó là những mái nhà tranh, khạp nước, ụ rơm, ổ gà mới nở,…

Các đơn vị còn sử dụng đèn màu trang trí, làm nổi bật tiểu cảnh về đêm. Tất cả như tạo nên nét thi vị, nổi bật của mùa xuân quê hương Tân An bên dòng sông Bảo Định hiền hòa.

Tái hiện tết xưa giúp các bé được trải nghiệm không gian Tết Cổ truyền dân tộc

Tái hiện tết xưa giúp các bé được trải nghiệm không gian Tết Cổ truyền dân tộc

Quyền Chủ tịch UBND TP.Tân An - Võ Hồng Thảo cho biết, trong chuỗi sự kiện chào mừng 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024), bên cạnh đón mừng Xuân mới Giáp Thìn năm 2024, UBND TP.Tân An tổ chức chuỗi sự kiện Tết Việt để tạo không khí vui tươi, phấn khởi, chào đón năm mới đầm ấm, nghĩa tình sau một năm làm việc vất vả.

Đồng thời, qua sự kiện này, thành phố mong muốn gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp, giúp người dân có cơ hội tìm hiểu về phong tục, tập quán độc đáo gắn với ngày xuân của dân tộc Việt Nam. Qua đây, cũng gửi gắm thông điệp về một TP.Tân An đang dần phát triển từng ngày.

Lan tỏa Tết Việt

Những ngày này, UBND xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, ngập tràn không khí tết. Để lan tỏa tết xưa đến với mọi người, xã trang trí tiểu cảnh Tết Cổ truyền với hình ảnh mái tranh, ụ rơm, cành hoa đào, hoa mai, câu đối, thư pháp,... Tất cả tạo nên không gian ấm cúng khiến lòng người cảm thấy nao nao nhớ về quê nhà. Ông Phạm Thế Vinh - người dân ấp Thanh Hiệp, xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, chia sẻ: “Đến UBND xã, thấy hình ảnh bánh, mứt, bình trà, mai vàng,... tạo cảm giác ấm áp và dường như tết đến thật gần”.

Những không gian tết xưa được tái hiện như lời khẳng định, từ xưa đến nay, Tết Nguyên đán vẫn là ngày lễ cổ truyền lớn

Những không gian tết xưa được tái hiện như lời khẳng định, từ xưa đến nay, Tết Nguyên đán vẫn là ngày lễ cổ truyền lớn

Tết Nguyên đán cũng là dịp lan tỏa tình yêu với văn hóa truyền thống, tìm về cội nguồn dân tộc. Từ ý nghĩa này, năm nay, Trung tâm Hành chính công huyện Bến Lức duy trì hoạt động trang trí tết tại trụ sở. Với điểm nhấn là năm rồng, đơn vị lên ý tưởng, tự làm đồ trang trí từ những vật liệu sẵn có và màu đỏ là tông màu chủ đạo, có ý nghĩa mang lại sự may mắn cho tất cả mọi người, bên cạnh đó là hình ảnh những con heo đất xinh xắn mang đậm chất của tết xưa.

Những không gian tết xưa được tái hiện như lời khẳng định, từ xưa đến nay, Tết Nguyên đán vẫn là ngày lễ cổ truyền lớn nhất của người Việt. Không khí ngày tết của dân tộc mang những giá trị văn hóa, tinh thần trường tồn theo thời gian nên dù bằng cách này hay cách khác vẫn hiện hữu trong mỗi gia đình Việt qua hương vị ẩm thực tết đặc trưng của bánh tét, thịt kho tàu, dưa hành, bánh, mứt, của mai vàng rực rỡ và khoảnh khắc tình thân sum vầy, ấm cúng cùng nhau đón năm mới an lành, hạnh phúc./.

Thanh Nga - CTV

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tro-ve-khong-gian-tet-xua-a171043.html