Trốn phong tỏa ở Thượng Hải, lại mắc kẹt ở Hải Nam

Nhiều người đến Tam Á, tỉnh Hải Nam để tìm kiếm sự giải thoát sau những tháng ngày phong tỏa nghiêm ngặt ở Thượng Hải. Thế nhưng, giờ đây họ lại rơi vào tình cảnh tương tự.

“Tôi chọn đến Tam Á vì các biện pháp phòng chống Covid-19 được nới lỏng hơn (so với) Thượng Hải", CNN dẫn lời Li Zefeng, một kỹ sư sống tại thành phố lớn nhất Trung Quốc.

Nhưng anh Zefeng, cũng như những người đổ xô đến hòn đảo nghỉ mát ngoài khơi bờ biển miền Nam Trung Quốc, đã phải rút lại câu nói này.

Tỉnh Hải Nam thường được gọi Hawaii hay Maldives của Trung Quốc với những khách sạn tiện nghi, đẳng cấp và tuyệt đẹp bên bờ biển. Tuy nhiên, kỳ nghỉ trong mơ đã tan biến vào tuần trước, khi 1.200 người ở khu nghỉ dưỡng của Tam Á có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona.

Theo chính sách nghiêm ngặt "Zero Covid-19" của Trung Quốc, khoảng 80.000 khách du lịch trong nước đã bị cách ly ngay trong “thiên đường”.

Nhiều người đã “điên cuồng” gọi điện cho gia đình và thay đổi kế hoạch du lịch của họ ngay sau đó.

 Một người đứng trên chiếc xe điện để giao hàng trong bối cảnh các biện pháp hạn chế Covid-19 được áp đặt ở Tam Á, tỉnh Hải Nam, vào ngày 6/8. Ảnh: China Daily.

Một người đứng trên chiếc xe điện để giao hàng trong bối cảnh các biện pháp hạn chế Covid-19 được áp đặt ở Tam Á, tỉnh Hải Nam, vào ngày 6/8. Ảnh: China Daily.

CNN cho biết thêm khi các ca bệnh được phát hiện ở Hải Nam, chính quyền địa phương đã hành động ngay lập tức, phong tỏa thành phố Tam Á, nơi có khoảng một triệu cư dân, ngoài 80.000 khách du lịch.

Các chuyến bay rời hòn đảo đã bị hủy bỏ, các phương tiện giao thông công cộng bị ngừng hoạt động và nhiều du khách bị giới hạn trong khách sạn của họ.

Trong thời gian phong tỏa, du khách được thông báo họ phải ở lại hòn đảo trong một tuần và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona 5 lần mới được phép rời đi.

Mặc dù chính quyền địa phương nói rằng họ sẽ hỗ trợ nơi ở và bữa ăn cho những người gặp bất tiện do phong tỏa, một số người đã lên các trang mạng xã hội như Weibo để phàn nàn rằng sự giúp đỡ đó là không đủ.

Mặc dù có thêm thời gian trên bãi biển, khách du lịch biết rằng họ vẫn phải trả 50% giá phòng tại các khu nghỉ dưỡng - khoản phí mà không phải ai cũng có thể chi trả được. Và đó còn chưa bao gồm các chi phí phụ như ăn uống hay bỏ lỡ công việc.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tron-phong-toa-o-thuong-hai-lai-mac-ket-o-hai-nam-post1344810.html