Trọn vẹn mối tình khắc cốt vượt mưa bom, bão đạn
Gần 10 năm yêu xa, tình yêu của anh bộ đội và nữ y tá vẫn bền bỉ, vẹn nguyên theo năm tháng, trải qua bao mưa bom bão đạn của những cuộc kháng chiến trường kỳ.
Và, đến tuổi “gần đất, xa trời”, tình yêu của họ vẫn khiến nhiều người ngưỡng mộ. Cuộc gặp định mệnhCâu chuyện tình yêu đặc biệt chúng tôi muốn nhắc đến là của cặp vợ chồng ông Vũ Xuân Thanh (94 tuổi) và bà Nguyễn Thị Lan (87 tuổi), trú ở phường Vinh Tân, Tp.Vinh, tỉnh Nghệ An.Năm 23 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Thanh lên đường nhập ngũ thuộc Trung đoàn 141 của Đại đoàn 312. Chàng thanh niên khi ấy vừa tham gia huấn luyện vừa làm công tác xây dựng kho tàng để cất giữ thuốc men. Đơn vị của ông có nhiệm vụ tiếp nhận gạo và lương thực từ thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến vận chuyển lên Điện Biên.Để phục vụ cho chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, cùng với bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã thiết lập một hệ thống kho từ Thanh Hóa đến Điện Biên, cách đường lớn khoảng 1-2km. Cuối năm 1953, phong trào phụ nữ đi dân công và nam thanh niên bộ đội tác động mạnh đến tầng lớp học sinh. Cô gái Nguyễn Thị Lan, lúc đó mới 17 tuổi, đang học y tá cũng quyết tâm xin được tham gia vào đoàn dân công hỏa tuyến, phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiệm vụ của bà Lan là gánh gạo, làm đường và san lấp hố bom. Với kinh nghiệm được đào tạo làm y tá ở quê nhà, người phụ nữ này còn làm nghiệm vụ chăm sóc và băng bó vết thương phục vụ cho chiến trường Điện Biên Phủ.
Một hôm, ông Thanh đang ở hậu cứ tiếp nhận gạo từ dân công hỏa tuyến bỗng nghe thấy giọng nói của đồng hương, nên lại gần làm quen hỏi: “O ni có phải người Nghệ An không?”. Bà Lan vừa gánh lương thực vừa trả lời: “Phải rồi anh. Em là người Nghệ An”. Cuộc gặp chóng vánh, họ không kịp hỏi tên tuổi, đơn vị công tác nhưng đã gieo trong lòng anh bộ đội và nữ y tá một cảm xúc khó tả.Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, bà Lan trở về quê, tiếp tục theo học ngành y, công tác tại quê nhà. Sau Hiệp định Geneve, ông Thanh vẫn mải miết với những trận đánh Mỹ, khi ở Lào, khi ở các tỉnh Nam khu 4 với vai trò là kỹ thuật xe máy. Đến năm 1963, ông Thanh từ Lào trở về, biên chế vào đơn vị Công binh Sư đoàn 320, tham gia bắc cầu phao ở Phủ Lý (Hà Nam). Hoàn thành nhiệm vụ, ông được nghỉ phép về thăm nhà. Lúc này, nhà bà Lan cũng chuyển đến cùng xóm với gia đình ông Thanh, hai nhà cách nhau mấy thửa ruộng.Duyên số đẩy đưa một lần nữa kéo hai người họ lại gần nhau. “Vì được về phép ít ngày nên tôi cũng chỉ quanh quẩn trong nhà. Hôm ấy, nghe tiếng lao xao ngoài vườn tôi chạy ra xem thì thấy nhóm con gái đến nhà tôi xin tre. Trong nhóm đó có một cô gái rất quen. Giọng điệu và cách nói chuyện cô gái đó tinh nghịch lắm. Người đó đã nhờ tôi kéo tre giúp. Sau khi nói chuyện tôi mới biết cô gái đó tên Lan, y tá kiêm Bí thư chi đoàn thanh niên xóm. Người con gái đó có khuôn mặt bầu bĩnh khiến tôi có cảm giác như thân quen từ lúc nào. Điều đặc biệt, cô gái này từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Cuộc gặp định mệnh ấy cho tôi một cảm xúc khó tả. Vừa quen Lan chưa được lâu tôi lại tiếp tục lên đường vào đơn vị”, ông Thanh nhớ lại.
Năm 1967, đơn vị ông Thanh được lệnh vào Quảng Trị chiến đấu. Năm này ông được về phép và lại được gặp cô Lan - lúc này đã là Trạm trưởng trạm y tế xã đi gánh nước. Sự tinh nghịch và nói chuyện hài hước khiến ông Thanh “đổ ngã” trước cô gái này. Mặc dù chỉ gần nhau trong thời gian ngắn ngủi nhưng tình cảm giữa hai người dần nảy nở. Yêu nhau được một thời gian, cặp đôi xin bố mẹ hai bên đi lại. “Hồi đó, yêu nhau trong sáng lắm, chỉ dám cầm tay không dám hôn. Tình yêu lứa đôi trong thời chiến nó thiêng liêng lắm. Yêu nhau là xác định thủy chung chờ đợi, chẳng cần hứa hẹn gì”, ông Thanh chia sẻ về mối tình định mệnh của mình.Hết phép, ông Thanh phải quay trở lại đơn vị. Cuộc tình thời chiến tranh đơn giản, không thư tình, không kỷ vật tặng nhau. Gần 10 năm yêu xa, tình yêu của hai người vẫn bền bỉ, vẹn nguyên, cùng đi qua năm tháng và những cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.Trọn vẹn đến cuối đờiNăm 1968, khi gần 40 tuổi, đơn vị tạo điều kiện để ông Thanh về cưới vợ. Đơn vị cử cả cán bộ ra để cùng gia đình tổ chức đám cưới cho vợ chồng ông. Đám cưới xong, ông vào chiến trường, lúc này, bà Lan đang mang thai con trai đầu. Năm 1974, ông Thanh về phép, gia đình nhỏ “vỡ òa” hạnh phúc khi đón thêm người con trai thứ hai. “Chồng chiến đấu trải qua hai cuộc kháng chiến biền biệt, nhưng vợ tôi vẫn hoàn thành nhiệm vụ và chăm lo hai con chu toàn. Không những thế, bà Lan còn phấn đấu tốt về chuyên môn và được chuyển xuống bệnh viện tỉnh công tác”, ông Thanh tự hào về vợ mình.Trước đó, bà Lan tham gia khóa đầu tiên của trường Trung cấp y khoa tỉnh vào năm 1960, chuyên ngành Sản nhi. Sau 3 năm, bà bắt đầu công tác tại Sở Y tế và sau đó, vào năm 1977, bà được chuyển tới làm việc tại Bệnh viện tỉnh Nghệ An.
Năm 1979, đơn vị ông Thanh đang tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc thì bà Lan sinh người con thứ ba. Ông quyết định xin nghỉ hưu sớm để về quê làm hậu phương cho vợ, bởi sợ bà không trụ vững khi vừa công tác, vừa một mình chăm sóc 3 người con trai. Năm 1991, bà Lan nghỉ hưu về chăm sóc gia đình. Hiện tại, ông bà sống với người con trai út trong một ngôi nhà nhỏ tại khu đô thị phường Vinh Tân, Tp.Vinh. Ở tuổi xế chiều, hai ông bà vẫn minh mẫn, khỏe mạnh và hạnh phúc. Trở về cuộc sống đời thường, người chiến sĩ Điện Biên Vũ Xuân Thanh tham gia Hội Cựu chiến binh cơ sở, luôn giữ vững và phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ. Mối tình của ông bà vẫn đậm đà và thủy chung như ngày nào. Vợ chồng ông Thanh luôn tự hào, bởi hơn 6 thập kỷ bên nhau, hai người chưa bao giờ to tiếng. Bởi họ hiểu rằng, điều quan trọng nhất trong cuộc sống vợ chồng chính là sự thấu hiểu và nhường nhịn. Hàng ngày, ông bà vẫn chăm sóc nhau và giúp đỡ người con út trong việc đón đưa cháu đi học. Niềm hạnh phúc của ông bà là được chứng kiến con cái thành đạt, hạnh phúc và cùng nắm tay người bạn đời đi qua năm tháng tuổi già.Minh Tâm - Hà Hằng