Trọn vẹn triển khai chu kỳ CTGDPT 2018: Sẵn sàng cho giai đoạn tiếp theo

Chia sẻ về giải pháp và những điều kiện quan trọng để triển khai thành công chương trình mới giai đoạn tiếp theo...

Nhiều chuyên gia lo ngại việc thiếu giáo viên giảng dạy một số môn học sẽ ảnh hưởng đến chất lượng triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh minh họa: INT

Nhiều chuyên gia lo ngại việc thiếu giáo viên giảng dạy một số môn học sẽ ảnh hưởng đến chất lượng triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh minh họa: INT

Từ bài học thực tiễn sau một số năm triển khai Chương trình GDPT 2018, ông Trịnh Văn Ngoãn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long chia sẻ giải pháp và những điều kiện quan trọng để triển khai thành công chương trình mới giai đoạn tiếp theo.

Chú trọng đổi mới kiểm tra, đánh giá

- Năm học 2024 - 2025 bắt đầu triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 9, lớp 12. Theo ông, cần có lưu ý, giải pháp nào để thực hiện hiệu quả chương trình mới cho 2 lớp cuối cấp?

- Năm học 2024 - 2025 là năm học đặc biệt đối với học sinh lớp 9 và lớp 12, vì là lứa học sinh đầu tiên thi vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT năm 2018 với những thay đổi lớn về số môn thi, cách thức ra đề thi. Do đó, với trách nhiệm của mình, các cấp quản lý và giáo viên tỉnh Vĩnh Long, cũng như địa phương đã quyết tâm dành những gì tốt nhất cho học sinh; tích cực quán triệt quan điểm chỉ đạo và dạy học, kiểm tra đánh giá người học của Bộ GD&ĐT.

Từ đầu năm học này, Sở GD&ĐT Vĩnh Long tiếp tục tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học; chuẩn bị cho học sinh lớp 9 làm quen với định hướng đề thi tuyển sinh vào lớp 10, học sinh lớp 12 làm quen với định hướng đề thi tốt nghiệp THPT.

Đồng thời, Sở chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá phù hợp với kế hoạch dạy học; tăng cường thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập; tổ chức đánh giá học sinh theo yêu cầu cần đạt của chương trình (không đánh giá theo yêu cầu cần đạt của sách giáo khoa).

Riêng môn Ngữ văn tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ, nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Tỉnh cũng tập trung chuẩn bị xây dựng, hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án, kế hoạch tuyển sinh lớp 10, kế hoạch thi chọn học sinh giỏi cấp THCS, THPT theo đúng tinh thần, định hướng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Sở GD&ĐT đồng thời phối hợp các cơ quan truyền thông, kênh tuyên truyền nội bộ của ngành để thông tin, phổ biến các văn bản hướng dẫn có liên quan, giúp phụ huynh, học sinh và toàn ngành an tâm thực hiện.

Hướng tới, giáo dục Vĩnh Long xây dựng và ban hành cấu trúc, định dạng đề thi tuyển sinh lớp 10, đề thi học sinh giỏi cấp THCS để thầy cô, học sinh tham khảo, phục vụ công tác giảng dạy, học tập. Ngoài ra, Sở cũng liên hệ phối hợp với các tỉnh, thành để phối hợp xây dựng tài liệu ôn tập thi tốt nghiệp THPT theo tinh thần kết nối để cùng nhau phát triển.

 Ông Trịnh Văn Ngoãn. Ảnh: NVCC

Ông Trịnh Văn Ngoãn. Ảnh: NVCC

- Từ kinh nghiệm một số năm, theo ông, cần những điều kiện gì để triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 trong giai đoạn mới?

- Để triển khai Chương trình GDPT năm 2018 thành công, thiết nghĩ điều đầu tiên và vô cùng quan trọng là đừng để ngành Giáo dục và thầy cô đơn độc trên mặt trận giáo dục. Cần biến chủ trương: Giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân thành những hành động, việc làm cụ thể.

Phải huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, nhất là phụ huynh học sinh theo phương châm mỗi cá nhân, tổ chức phải làm đúng vai, ra sản phẩm cụ thể. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp phải đánh giá được mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng cá nhân, tổ chức; tuyệt đối không hô hào, làm qua loa chiếu lệ hay khoán trắng cho thầy cô và ngành Giáo dục.

Mong các cấp, ngành và toàn xã hội quan tâm bảo đảm điều kiện, về thể chế, nhân lực, tài chính và cơ sở vật chất (cả lĩnh vực công và tư); quan trọng hơn dành cho ngành Giáo dục niềm tin, thời gian. Ngành Giáo dục sẽ kiên định mục tiêu và kiên trì thực hiện lộ trình đổi mới; quan tâm chỉ đạo xây dựng ý thức tự học, xây dựng môi trường giáo dục từ gia đình, đến nhà trường và xa hơn là toàn xã hội. Được vậy, tôi tin chúng ta sẽ triển khai thành công Chương trình GDPT năm 2018 và lớn hơn là thực hiện thành công mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Thêm nữa, mục tiêu, yêu cầu cần đạt cũng như nội dung, phương pháp giáo dục và kiểm tra đánh giá của Chương trình GDPT 2018 có nhiều thay đổi so với Chương trình GDPT 2006. Do đó, lãnh đạo các cơ sở giáo dục cần tin tưởng, giao quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của giáo viên.

Phải thay đổi cách đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giáo viên, từ đánh giá dựa vào kết quả học tập và rèn luyện của học sinh, sang đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giáo viên dựa trên sự phát triển toàn diện của người học và sự tin tưởng của người học đối với giáo viên.

Các cấp quản lý cần tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ để hỗ trợ giáo viên và giám sát cũng như đánh giá quá trình giáo dục của người dạy, quá trình rèn luyện của người học.

Từng bước xây dựng các bộ công cụ và hạ tầng phục vụ đánh giá người học theo quy chuẩn liên trường, liên huyện/thị/thành phố, liên tỉnh/thành phố và tiến tới đánh giá theo quy chuẩn quốc gia và quốc tế để đảm bảo kết quả đánh giá người học là thực chất và có độ tin cậy cao.

 Trường THPT Võ Văn Kiệt (Vĩnh Long) tư vấn lựa chọn môn học cho học sinh, phụ huynh trước năm học 2024 - 2025. Ảnh: NTCC

Trường THPT Võ Văn Kiệt (Vĩnh Long) tư vấn lựa chọn môn học cho học sinh, phụ huynh trước năm học 2024 - 2025. Ảnh: NTCC

Mong sớm có hướng dẫn cụ thể

- Ông có đề xuất, kiến nghị gì với Bộ GD&ĐT để giúp địa phương triển khai tốt hơn Chương trình GDPT 2018?

- Đối với Bộ GD&ĐT, chúng tôi có những kỳ vọng như sau:

Thứ nhất, các vấn đề liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT như định hướng ra đề thi, việc đăng ký dự thi, phương án tổ chức điểm thi, xét tốt nghiệp… đang được hàng triệu phụ huynh, học sinh và xã hội quan tâm.

Để phụ huynh và các học sinh đầu tiên tham gia học chương trình mới an tâm học tập, rèn luyện, Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT cùng đề tham khảo dựa trên cấu trúc và định dạng đề thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD&ĐT ban hành vào cuối năm 2023.

Ngoài ra, quy chế tuyển sinh đại học cần được quan tâm, trong đó lưu ý những trường hợp học sinh thay đổi môn học lựa chọn để đảm bảo công bằng trong tuyển sinh (nhất là tuyển sinh bằng phương thức xét điểm học bạ) cho mọi thí sinh.

Thứ 2, về định dạng đề thi tuyển sinh lớp 10 và định hướng thi chọn học sinh giỏi cấp THCS, THPT cũng được các địa phương quan tâm và mong Bộ GD&ĐT sớm có hướng dẫn.

Thứ 3, việc đưa môn Tin học và Công nghệ vào nhóm các môn học để học sinh lựa chọn, đăng ký thi tốt nghiệp THPT là bước chuyển quan trọng nhằm tạo nguồn cho các lĩnh vực đang khát nhân lực như: Khoa học cơ bản, kỹ thuật công nghệ, công nghệ thông tin – IOT – AI, ngành bán dẫn,… Tuy nhiên, cần có chính sách đồng bộ và đủ mạnh đi kèm để giải quyết dứt điểm bài toán thiếu nhân lực của một số ngành, lĩnh vực cần thiết cho sự phát triển bền vững của đất nước.

- Trân trọng cảm ơn ông!

“Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025; đồng thời ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học, trung học và thường xuyên để các tỉnh, thành phố quán triệt và tổ chức thực hiện.

Điều này giúp địa phương, cơ sở giáo dục chủ động hơn nhiều trong việc xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ năm học. Đó là tiền đề quan trọng, cơ sở để tin tưởng và kỳ vọng vào một năm học thắng lợi”.

Hiếu Nguyễn (Thực hiện)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tron-ven-trien-khai-chu-ky-ctgdpt-2018-san-sang-cho-giai-doan-tiep-theo-post700907.html