Trồng cây ăn quả trên đất dốc cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm
Trồng cây cho thu nhập cao đã khẳng định ý chí quyết tâm dám nghĩ, dám làm của chàng trai dân tộc Thái ở tỉnh miền núi Sơn La.
Gia đình anh Lò Văn Thương, dân tộc Thái ở Tiểu khu 2, xã Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La nhờ và tạo việc làm cho gần 10 lao động thời vụ tại địa phương.
Trước đây kinh tế gia đình anh Thương rất khó khăn, chủ yếu nhờ làm nương rẫy, thu nhập không đáng kể, tình trạng đói giáp hạt thường xuyên xảy ra. Sau khi lập gia đình, anh và vợ đi làm đủ mọi nghề như sửa chữa điện, làm thuê cho công ty cao su…, nhưng cuộc sống vẫn thiếu thốn.
Nhận thấy khí hậu và đất đai ở Mường Bú thuận lợi, gia đình anh quyết định vay vốn ngân hàng và anh em trong gia đình trồng các loại cây ăn quả. Thời gian đầu, anh chỉ trồng trên 1,2 ha các loại cây như táo ta, mít, xoài, chuối… đến năm 2014, vườn cây của anh bắt đầu phát triển ổn định và cho thu nhập cao hơn, anh và vợ đã quyết tâm tập trung vào chăm sóc và mở rộng vườn cây của mình.
Hiện nay, anh đã khai thác được nhiều khu đất bị bỏ trống, diện tích trồng cây ăn quả lên đến 6,4 ha với 1.300 gốc táo, hơn 600 gốc mít, 600 gốc xoài, hơn 400 gốc mận và hơn 2.000 gốc chuối và một số loại cây ăn quả khác.
Nhận thấy cây trồng chưa quen với khí hậu và địa hình ở đây, anh Thương đã tự đi học hỏi những nơi phát triển cây ăn quả về cách phòng ngừa sâu bệnh, chăm sóc vườn cây, kỹ thuật chiết ghép giúp cây trồng phát triển và ổn định hơn.
Cùng với đó anh Thương áp dụng công nghệ tưới vách ngăn tự động và kết hợp bón phân vi sinh chùn quế. Càng ngày, vườn cây ngày càng phát triển và cho thu nhập cao, sản phẩm cây ăn quả của anh đã được đưa đến 14 tỉnh phía bắc như Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Hưng Yên…. Đặc biệt hơn là sản phẩm chuối của anh đã được xuất khẩu gần 50 tấn sang thị trường Trung Quốc. Nhờ vườn cây ăn quả, gia đình anh đã thu nhập được hơn 500 triệu mỗi năm.
“Trước kia hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, hai vợ chồng phải đi làm thuê làm mướn. Sau khi tìm hiểu, thăm quan mô hình trồng cây điển hình của các nhà vườn ở các tỉnh lân cận, tôi nhận thấy có thể cải tạo vườn tược, phát triển mô hình trồng cây trên đất dốc sẽ ổn định hơn về mặt kinh tế. Sau vài năm thành công, nay cuộc sống của gia đình đã khấm khá hơn, có điều kiện cho con cái học hành đầy đủ”, anh Thương chia sẻ.
Đảm nhiệm vai trò là chi hội trưởng chi hội nông dân tiểu khu 2 Mường Bú, anh Thương không những phát triển kinh tế cho gia đình mà còn tuyên truyền, vận động bà con trong tiểu khu về phát triển cây ăn quả trên đất dốc và tạo công ăn việc làm cho gần 10 lao động thời vụ của địa phương.
Ông Tòng Văn Long, Trưởng tiểu khu 2 cho biết, mô hình của anh Thương hiện nay đang là mô hình điểm của Tiểu khu 2. “Không chỉ thành công cho gia đình, anh Thương còn nhân rộng việc tuyên truyền giúp hội nông dân và nhiều người đã tham gia mô hình này. Tiểu khu trước đây có tới 45% hộ nghèo nhưng bằng việc phát triển các mô hình kinh tế, đến nay tiểu khu chỉ còn 9/150 hộ dân thuộc diện hộ nghèo”, ông Long cho hay.
Con số 500 triệu đồng thu nhập mỗi năm đã khẳng định cho ý chí quyết tâm dám nghĩ, dám làm và xóa nghèo của chàng trai dân tộc Thái ở tỉnh miền núi Sơn La. Mô hình cây ăn quả trên đất dốc sẽ được bà con nơi đây mở rộng phát triển để đem lại cuộc sống khấm khá hơn./.