Trồng cây riềng ở vùng Cùa mang lại thu nhập cao
Vùng Cùa (gồm hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ) có lợi thế là vùng đất đỏ ba dan phù hợp để phát triển nhiều loại cây. Những năm qua, bên cạnh việc chú trọng phát triển mạnh các loại cây công nghiệp lâu năm như cao su, hồ tiêu, rừng trồng…, người dân 2 xã Cam Chính và Cam Nghĩa còn tập trung chuyển đổi đưa vào sản xuất các loại cây trồng ngắn ngày năng suất cao thay thế dần một số cây trồng hiệu quả thấp. Trong đó, cây riềng hiện đang được người dân vùng Cùa tập trung phát triển và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cây riềng được trồng ở vùng Cùa từ khá lâu. Tuy nhiên, ban đầu loại cây này chỉ được trồng với số lượng ít ở vườn nhà một số hộ gia đình để làm gia vị. Gần đây, nhận thấy riềng là loại cây dễ trồng, dễ tiêu thụ, nên nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi diện tích đất các cây trồng kém hiệu quả sang trồng riềng. Đây là loại cây chủ yếu để chế biến các loại thực phẩm.
Gia đình anh Trần Văn Thiếm ở thôn Bảng Sơn, xã Cam Nghĩa trồng cây riềng gần 10 năm nay nhưng với diện tích nhỏ lẻ, phân tán. Sau khi thấy nhiều tư thương đến hỏi mua, anh Thiếm đã mạnh dạn mở rộng diện tích lên 0,3 ha. Vừa qua, gia đình anh Thiếm cũng như nhiều nông dân ở vùng Cùa rất phấn khởi khi cây riềng bước vào vụ thu hoạch vừa được mùa, vừa được giá. Với kinh nghiệm nhiều năm trồng riềng, anh Thiếm cho biết, riềng là cây dễ trồng, ít sâu bệnh, lại chịu hạn tốt nên phù hợp với vùng đất đồi của địa phương. Năng suất và chất lượng của riềng tùy thuộc vào thời gian trồng. Nếu tiến hành thu hoạch sau 12 tháng kể từ khi bắt đầu trồng thì đạt năng suất khoảng 25 tấn/ha, còn nếu để kéo dài đến 18 tháng thì năng suất lên tới khoảng 35 - 40 tấn/ha. Việc tiêu thụ củ riềng cũng rất thuận lợi vì được tư thương đến thu mua tận vườn với giá 7.500 - 8.000 đồng/kg. “Trồng cây riềng có lợi thế là công chăm sóc ít, không tốn chi phí quay vòng giống, bởi khi thu hoạch, mỗi gốc chỉ cần để lại 3 nhánh cây còn củ sau đó chăm bón thì năm sau tiếp tục thu củ. Như gia đình tôi trung bình 1 năm thu khoảng 7,2 tấn củ tươi, bán ra cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng”, anh Thiếm chia sẻ.
Theo thống kê sơ bộ, toàn xã Cam Nghĩa hiện có khoảng 80 hộ gia đình trồng cây riềng với diện tích hơn 10 ha. Trong đó, tập trung chủ yếu ở thôn Bảng Sơn. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Nghĩa Nguyễn Văn Thon, việc trồng cây riềng hiện chủ yếu là do người dân tự phát, chưa được triển khai theo hướng tập trung, chuyên canh. Dù đang có thị trường tiêu thụ tốt, song toàn bộ đều đang do tư thương thu mua nên dễ xảy ra tình trạng bị ép giá. Để bảo đảm phát triển bền vững cho diện tích trồng riềng trên địa bàn xã, Hội Nông dân xã sẽ xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích trồng riềng song song với tìm kiếm, thu hút doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho người dân. Bên cạnh đó, trên cơ sở rà soát, đánh giá lại những diện tích có khả năng trồng riềng, Hội Nông dân xã sẽ tham mưu UBND xã có định hướng trong việc mở rộng diện tích trồng riềng, tránh tình trạng phát triển ồ ạt, gây khó khăn trong việc tiêu thụ.
Ngoài xã Cam Nghĩa, trên địa bàn xã Cam Chính hiện cây riềng cũng đang được người dân trồng với diện tích khoảng hơn 12 ha. Gia đình ông Phạm Văn Hoàng, ở thôn Sơn Thanh, xã Cam Chính chuyển đổi sang trồng riềng 3 năm trở lại đây. Trên diện tích 0,7 ha đất chuyển đổi, gia đình ông Hoàng trồng khoảng hơn 1.500 gốc riềng. “Trung bình mỗi gốc thu hoạch khoảng 10 kg củ tươi, bán với giá 7.500 đồng/kg thì mỗi năm trừ chi phí, gia đình tôi cũng thu lãi khoảng hơn 100 triệu đồng”, ông Hoàng cho biết.
Hiện nay, ở vùng Cùa diện tích trồng cây hồ tiêu bị sâu bệnh chưa chuyển đổi sang cây trồng khác vẫn còn nhiều, việc đưa cây riềng vào trồng thay thế bước đầu mang lại hiệu quả khả quan. Với hiệu quả bước đầu mà cây riềng mang lại, hứa hẹn đây sẽ là cây trồng mới giúp nông dân vùng Cùa có thêm hướng phát triển kinh tế trong thời gian tới. Tuy nhiên trước hết, chính quyền địa phương cần rà soát, thống kế diện tích hiện có để đưa ra các phương án phát triển phù hợp theo hướng xây dựng vùng trồng riềng chuyên canh tập trung. Đi kèm với đó là tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định để người dân yên tâm phát triển diện tích cây riềng.