Trồng cây xanh tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường nông thôn

Xác định việc trồng cây xanh góp phần tạo cảnh quan cho các tuyến giao thông là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nên hằng năm, các địa phương trên địa bàn tỉnh đều tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch trồng cây xanh trên các tuyến đường.

Nguồn cây xanh được huy động khá đa dạng, từ hỗ trợ của các cấp, ngành, nguồn tại chỗ và huy động xã hội hóa thông qua các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Tổng lượng cây xanh của tỉnh trồng mỗi năm là hơn 1 triệu cây từ tất cả các nguồn; trong đó, các xã NTM chiếm trên 60%, được trồng nhiều tại các tuyến giao thông. Mỗi năm bình quân mỗi xã đầu tư từ 30 đến hơn 100 triệu đồng cho trồng cây xanh.

Trong 3 năm, (từ 2021 đến 2023), huyện Bình Lục đã hỗ trợ hơn 10 nghìn cây xanh cho các xã trồng trên trục đường giao thông nông thôn. Chỉ tính riêng xã NTM kiểu mẫu Vũ Bản có 16 km đường giao thông trục xã, thôn và các khu dân cư được trồng cây xanh, với hơn 10 nghìn cây các loại. Số lượng cây xanh được xã huy động từ nguồn hỗ trợ của huyện, trích từ ngân sách xã mua và vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ. Ông Nguyễn Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Bản cho biết: Khi đầu tư xây dựng, nâng cấp đường giao thông, xã xác định cần phải thực hiện đồng thời với việc trồng các loại cây xanh để tạo cảnh quan, bóng mát; rà soát, xác định rõ số lượng, nguồn đầu tư cây để có thể trồng ngay khi làm xong đường. Trồng cây xanh ở các tuyến đường trên địa bàn xã tạo thành phong trào thu hút sự tham gia, đóng góp tích cực của người dân…

Người dân xã Vũ Bản (Bình Lục) cắt tỉa cành cho cây xanh.

Người dân xã Vũ Bản (Bình Lục) cắt tỉa cành cho cây xanh.

Cây xanh trồng được lựa chọn phù hợp với điều kiện thực tế của các tuyến giao thông nông thôn, với những cây trồng phổ biến như: bàng Đài Loan, sao đen, hoa ban Tây Bắc… Đây là những loại cây có sức chống chịu tốt với thời tiết khắc nghiệt, cho bóng mát quanh năm, thuận lợi trồng ven đường giao thông. Quá trình chăm sóc, bảo vệ đường cây cũng được địa phương giao trực tiếp cho từng thôn có đường chạy qua và có sự tham gia của các hội, đoàn thể. Theo đó, ở giai đoạn đầu cây mới trồng được chống, buộc, làm cỏ, chăm sóc, bón phân để cây sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế tối đa thất thoát do chết. Vào mùa mưa bão, việc cắt, tỉa cành cũng được các địa phương thực hiện nghiêm túc, nên đã hạn chế tình trạng gãy, đổ, bật gốc do bão. Ngay trong đợt bão số 3 vừa qua, do làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ nên số lượng cây xanh trên các tuyến đường giao thông nông thôn trong tỉnh bị thiệt hại không nhiều, chỉ khoảng 1.000 cây. Theo bà Đỗ Thị Thu Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Lý Nhân, vệc trồng và chăm sóc, bảo vệ cây xanh không chỉ tạo thành phong trào, huy động được nhiều nguồn lực xã hội mà còn góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ cơ sở và người dân địa phương; môi trường nông thôn vì thế ngày càng được cải thiện tích cực.

Đến thời điểm này, toàn bộ các xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu và 15 xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024 đều đã đạt tỷ lệ đường sáng – xanh – sạch – đẹp, với cơ bản các tuyến đường đều được trồng cây xanh. Ông Nguyễn Hải Đăng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) đánh giá: Công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ đường cây xanh trong xây dựng NTM của các địa phương đã đi vào thực chất; có sự chung tay của cán bộ, đảng viên, các đoàn thể và nhân dân địa phương tạo nên những tuyến đường NTM sáng – xanh – sạch – đẹp. Qua kiểm tra, đánh giá, đây là một trong những chỉ tiêu, tiêu chí được hoàn thành tốt nhất trong Bộ tiêu chí xây dựng NTM nâng cao của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.

Phong trào trồng cây xanh trên các tuyến đường giao thông tại các địa phương vẫn đang được tiếp tục triển khai. Việc làm này không chỉ tạo cảnh quan, bóng mát, mà góp phần bảo vệ môi trường sinh thái khu vực nông thôn ổn định và bền vững

Mạnh Hùng

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/moi-truong-do-thi/trong-cay-xanh-tao-canh-quan-bao-ve-moi-truong-nong-thon-135813.html