Trông chờ ngành hàng nông sản thực phẩm Việt có bước đột phá hơn với môi trường số
Việc ứng dụng số là yêu cầu bức thiết hiện nay, không phải là chuyện 'phong trào' hay 'khẩu hiệu' và ngành hàng nông sản thực phẩm Việt không thể đứng ngoài cuộc, cần phải nhanh chóng chuyển đổi để có bước đột phá hơn. Bởi lẽ, nếu chậm chân giữa môi trường số hóa là các doanh nghiệp nội địa trong ngành hàng này sẽ mất đi cơ hội, khi các đối thủ nhanh chân hơn.
Ông Joseph Wozniak, Giám đốc Dự án “Thương mại vì sự Phát triển bền vững” thuộc Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC - một cơ quan của Liên Hợp quốc và WTO), cho biết ở Việt Nam hiện có có hơn 5.000 doanh nghiệp (DN) được ITC phối hợp với sàn thương mại điện tử (TMĐT) Alibaba hỗ trợ nâng cao năng lực xúc tiến thương mại trên môi trường số và sản xuất TMĐT.
Trụ cột để xây dựng chuỗi giá trị bền vững
Theo ông Wozniak, điều đó sẽ giúp các DN Việt nâng cao khả năng cạnh tranh ở lĩnh vực này trên thị trường trong quá trình hội nhập.
Như chia sẻ của vị giám đốc này tại Hội nghị Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại với chủ đề “Nông sản, thực phẩm Việt Nam trong kỷ nguyên số” do Bộ Công Thương tổ chức ở Tp.HCM vào ngày 22/11, công nghệ số là một trong những trụ cột để xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp và thực phẩm bền vững ở Việt Nam. Nhất là tạo dựng được niềm tin của khách hàng vào sản phẩm thông qua ứng dụng công nghệ vào truy xuất nguồn gốc của sản phẩm nhằm “minh bạch chuỗi cung ứng”.
Các DN trong ngành hàng nông sản thực phẩm Việt cần chú trọng nhiều hơn đến việc quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại trên môi trường số.
Còn đứng ở góc độ quản lý, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh các phương thức xúc tiến thương mại trên môi trường số mới nhằm hỗ trợ các DN trong ngành hàng nông sản thực phẩm đẩy mạnh tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng là rất cần thiết trong lúc này.
“Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là xu thế tất yếu hiện nay và ngành hàng nông sản thực phẩm Việt không thể đứng ngoài cuộc”, ông Hải nói.
Nhiều ý kiến đưa ra tại hội nghị này cho rằng, các DN nội địa trong ngành hàng nông sản thực phẩm cần nâng cao nhận thức về sự cần thiết đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại. Đặc biệt là cần có nhiều hoạt động quảng bá hình ảnh thương hiệu và các sản phẩm tiêu biểu của các DN thông qua môi trường số.
Số liệu cập nhật hiện nay cho thấy, Việt Nam có khoảng hơn 20.000 HTX nông nghiệp, trên 14.000 DN nông nghiệp, khoảng 7.500 cơ sở chế biến nông sản, và khoảng 9.400 siêu thị và chợ hạng 1.
Đây được xem là các dữ liệu cấu thành Big data (dữ liệu lớn) trên môi trường số cho ngành nông sản thực phẩm Việt. Theo giới chuyên gia, việc thu thập dữ liệu chi tiết về những thành phần và hoạt động của các chủ thể này cũng sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho các DN. Chẳng hạn như khi tiếp cận được Big data sẽ giúp DN nâng cao khả năng phân loại khách hàng tiềm năng để tối ưu hóa hiệu quả khai thác thị trường.
Nói về việc thích ứng với kỷ nguyên số như hiện nay dưới góc độ của một DN hàng đầu trong mảng chế biến trái cây xuất khẩu, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Vinamit, cho rằng DN nội địa phải nhanh chóng chuyển đổi để bắt kịp các xu hướng thời đại, đó là chuyển đổi số, là trí tuệ nhân tạo (AI).
Chậm chân là mất cơ hội
Như lưu ý của ông Viên, ứng dụng số là yêu cầu, là đòi hỏi bức thiết mà các DN nông sản thực phẩm cần làm, không phải là chuyện “phong trào”, hay “khẩu hiệu”.
“Những DN lớn như chúng tôi chuyển đổi rất khó, vì bộ máy hình thành hết rồi, ứng phó với sự biến động cực kỳ là vất vả. Càng bế tắc thì càng mơ hồ, mơ hồ kinh khủng. Đóng cửa hay duy trì, duy trì thì chi phí ra sao. Đó là những bài toán mà các công ty lớn hiện nay rất đau đầu”, ông Viên chia sẻ.
Chính vì vậy, theo vị chủ DN này, việc xây dựng con đường mới linh hoạt hơn là điều bắt buộc mà DN ngành thực phẩm phải làm. Chẳng hạn như việc tập hợp những nhân lực trẻ có khả năng thích ứng tốt với số hóa và có những chiến lược mới mẻ để không phải bị động trước những biến động của thị trường.
Riêng với khả năng thích ứng với kỷ nguyên số của các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) trong ngành hàng nông sản thực phẩm, chẳng hạn như ở khâu bán hàng trực tuyến, thực tế khoảng 2 năm trở lại đây sẽ thấy nhiều địa phương đã và đang đẩy mạnh hoạt động đưa sản phẩm OCOP lên các sàn TMĐT như: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Postmart…Và hơn một năm trở lại đây là TikTok cũng đang hỗ trợ đắc lực cho các sản phẩm OCOP tiếp cận người tiêu dùng trên nền tảng của mình.
Tuy vậy, mặc dù nhiều địa phương đã xây dựng được các sản phẩm OCOP 4 sao, 5 sao nhưng việc đưa sản phẩm vào thị trường gặp nhiều khó khăn. Các sàn TMĐT cũng chưa phát huy hiệu quả trong việc tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Ông Nguyễn Quách Nhi, Giám đốc kinh doanh ngành hàng thực phẩm, tiêu dùng của sàn TMĐT Tiki, cho biết có nhiều chủ thể OCOP không thành công trên sàn TMĐT không phải vì sản phẩm không tốt mà là vì vận hành không tốt.
“Người tiêu dùng bây giờ không chỉ yêu cầu sản phẩm tốt mà còn phải nhanh chóng, kịp thời. Và như thế bắt buộc các chủ thể OCOP phải chuyển đổi số, phải thay đổi mô hình quản trị mới có thể đáp ứng yêu cầu vừa phải nhanh, vừa phải tốt của người mua”, ông Nhi bộc bạch.
Theo ông Nhi, các chủ thể OCOP cần chú trọng nhiều hơn đến việc quảng bá bằng cách kể những câu chuyện đặc trưng của từng sản phẩm văn hóa tại mỗi địa phương. Qua đó giúp đưa các sản phẩm OCOP đến gần người tiêu dùng hơn, cải thiện doanh số bán hàng trên sàn TMĐT.
Trước yêu cầu thích ứng với yêu cầu mới của thị trường nông sản thực phẩm trong thời đại số, ông Đỗ Hòa, Giám đốc Công ty Tư vấn Tinh hoa quản trị, khẳng định ứng dụng số sau đại dịch Covid-19 đã có một bước phát triển mạnh, đó là xu hướng, là yêu cầu. Tuy nhiên, các DN của chúng ta làm chưa tốt lắm, chúng ta có thể làm tốt hơn rất nhiều.
“Nếu chậm chân là chúng ta mất cơ hội, khi các đối thủ của chúng ta nhanh chân hơn, nhưng phải làm gì để nhanh hơn, đó chính là ứng dụng số”, ông Hòa nhấn mạnh.
Chính vì vậy, theo vị giám đốc này, đây là lúc mà các DN Việt trong ngành nông sản thực phẩm cần phải tối ưu hóa việc ứng dụng số hóa nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Điều này đòi hỏi các DN phải thay đổi ngay lập tức chứ không thể mãi làm theo kiểu truyền thống được.