Trong không gian vùng đất Kẻ Xã

Nằm ở phía Tây Nam huyện Hà Trung, xã Hà Đông còn được biết đến với tên gọi Kẻ Xã - vùng đất có nhiều dấu tích liên quan đến vương triều Trần - Hồ.

Theo người dân địa phương, di tích đình Thượng Phú có thể được khởi dựng cách ngày nay khoảng 600 năm.

Theo người dân địa phương, di tích đình Thượng Phú có thể được khởi dựng cách ngày nay khoảng 600 năm.

Từ Quốc lộ 1A rẽ vào Quốc lộ 217 khoảng vài cây số là đến địa bàn xã Hà Đông. Cách đó không xa, là sông Lèn - một nhánh của sông Mã. Theo sông Lèn, qua Ngã Ba Bông là xuôi về TP Thanh Hóa. Khi giao thông đường thủy vẫn giữ vai trò trọng yếu, nơi đây một thuở thuyền bè tấp nập qua lại.

Theo cố nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ - tác giả sách Những làng cổ tiêu biểu ở Thanh Hóa, tên gọi Kẻ Xã có nguồn gốc dưới thời Hồ Quý Ly: “Xã Hà Đông thời Hồ là khu đất hoang rậm, không có dân cư. Quý Ly sai lập nền xã tắc. Đó là nơi vua tế Thổ thần và Cốc thần. Thổ thần là thần đất đai, Cốc thần là thần mùa màng, thóc lúa. Đầu thời Lê, dân bắt đầu đến ở, khai hoang lập trại trên khu đất có di tích nền xã tắc ấy, dần dần thành làng, gọi là Kẻ Xã. Tên chữ của Kẻ Xã là Thái Đường. Chữ “Thái” ghi nhận đây là khu đất cao nhất của hương Đại Lại được dân lập làng; chữ “Đường” cho biết những người đầu tiên đến đây cư trú đều chung một gốc tổ. Về sau mới phát triển thêm các làng, như: Ông Hưng; Thạch Bằng; Đông Trung...”.

Lại nói, núi Đại Lại cũng có nhiều tên gọi khác nhau, như: Kim Âu; Ông Lâu... trải dài qua địa bàn nhiều xã. Trên vùng đất Kẻ Xã, núi Đại Lại qua mỗi thôn, làng lại có dáng hình riêng với nhiều đồi, gò “bày hàng như có bàn tay tạo hóa ném tung núi non ra khắp nơi”. Núi đồi “bài trí” theo hình vòng cung. Dựa và hình thế núi, dáng gò mà người xưa đã sáng tạo nên những tên gọi đầy hình tượng và sức gợi. Là Cò Hàm Dài (núi dài, đầu nhỏ như hàm con cò); Cồm Cò Chửa (dáng núi phình như bụng chửa); Cồm Cò Đẻ; Cơm Xôi (núi có nhiều cây cơm xôi); Nương Dài; Rừng Cấm (tục truyền có mả quan, rừng có cây cấm người dân đốn củi). Và theo lý giải của người dân địa phương, từ “Cồm” là một thổ âm cổ, được dùng để chỉ đồi, gò, núi thấp nói chung.

Di tích Ly Cung nằm dưới chân núi Đại Lại.

Di tích Ly Cung nằm dưới chân núi Đại Lại.

Cũng có ý kiến cho rằng, vùng đất Kẻ Xã trước thời Trần đã có con người cư trú. Tuy nhiên khi nơi đây được Hồ Quý Ly lựa chọn để xây dựng cung Bảo Thanh - cung thất của vua Trần thì người dân đã dời đi. Sang đến thời Hậu Lê, cung Bảo Thanh “hết vai trò” lịch sử, người dân đã quay trở lại quần cư, lập làng.

Nằm trong không gian của vùng đất Đại Lại rộng lớn, Kẻ Xã xưa thuộc tổng Ngọ Xá - một trong những tổng có nhiều xã, làng. Nơi đây đã từng có sự hiện hữu của nhiều công trình kiến trúc gắn liền với lịch sử và đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người địa phương: đền thờ Cao Sơn; nghè Tam Hoàng; nghè làng Thạnh... Trong đó, chùa Phong Công - còn gọi là chùa Kim Âu là một trong những cổ tự có quy mô lớn, được khởi dựng vào thời Trần - Hồ. Chùa Phong Công nằm dưới chân núi Đại Lại, nằm cạnh cung Bảo Thanh. Bên trái chùa có 9 cái giếng lát bằng đá đẽo tròn, miệng giếng đã bị vùi lấp, nhưng các lớp đá xây vẫn còn. Dưới thời Hồng Thuận, vua Lê Tương Dực khi qua đây đã có bài ngự chế, đề thơ, khắc ở bia trước chùa. “Ta đi bái yết Sơn Lăng về vào ngày 25 tháng 2, nhân có hứng lúc xa giá vừa qua sông bèn sai quân tùy tùng chỉnh đốn tướng sĩ, lên thăm chùa Kim Âu. Nhìn quanh bốn mặt non sông khói mây bảng lảng, mù tỏa mênh mông. Tai văng vẳng nghe tiếng hạc kêu, vượn hót, mắt dõi trông yến múa, oanh bay. Phong cảnh đẹp, thi tứ tràn dâng, quên bẵng bản thân, bụi trần trong lặng...” (sách Địa chí huyện Hà Trung).

Cạnh chùa Kim Âu là Ly Cung - tức cung Bảo Thanh. Ly Cung được nhiều tài liệu sử ghi chép. Theo sách Đại Nam nhất thống chí: “Hồ Quý Ly dựng Ly Cung ở đây, phía tả có lầu đấu kê, lại dựng chùa Phong Công ở bên cạnh. Nay cung này chỉ còn hai phiến đá tảng, 3 cái giếng xây và dấu vết một thành cổ mà thôi. Về phía Tây lại có thành Dục Thanh, đều xây đá hoa, trên đặt máng tre để hứng nước khe ở sườn núi chảy vào, nay đá hoa mười phần chỉ còn lại một. Xét sử cũ, Hồ Quý Ly dựng cung Bảo Thanh ở phía Tây Nam núi Đại Lại rồi ép vua Trần Thuận tông ra đấy ở”.

Ly Cung nằm trong “lòng tay ngai” phía Tây Nam núi Đại Lại, cách sông Lèn khoảng 1km theo đường chim bay. “Mặc dù hơn 600 năm đã trôi qua, di tích Ly Cung đã bị đổ nát, song qua nguồn sử cũ chúng ta vẫn biết được đây là một vùng non nước hữu tình... Ngày nay, những tòa nhà nguy nga tráng lệ, lầu son gác tía không còn nữa nhưng truyền thuyết về “ao lấp”, về “xạ nước nhà Hồ”, về chùa Kim Âu nổi tiếng đã cho chúng ta hình dung về một kinh đô mà Hồ Quý Ly định xây dựng trên quê hương của mình” (sách Địa chí huyện Hà Trung).

Qua thời gian dài nhiều thế kỷ cùng những thăng trầm lịch sử, di tích Ly Cung đã bị phá hủy và vùi lấp. Cho đến năm 1942, GS Hoàng Xuân Hãn là người đã có công phát hiện ra Ly Cung. Để đến ngày nay, nhắc đến nhà Hồ, cùng với thành đá Tây Đô (Thành Nhà Hồ) thì còn đó cả Ly Cung với những nỗi niềm... “Nếu như thành đá Tây Đô vững chắc, kín cổng, cao tường biểu hiện cho tinh thần phòng thủ chủ động của Hồ Quý Ly trước ngoại xâm, thì Ly Cung với những tòa nhà nguy nga tráng lệ, lầu son gác tía, nơi trực tiếp diễn ra sự thay đổi triều đại, biểu hiện tính cương quyết của Hồ Quý Ly...” (sách Địa chí huyện Hà Trung).

Một “mảng” chạm khắc bên trong đình Thượng Phú.

Một “mảng” chạm khắc bên trong đình Thượng Phú.

Và về với vùng đất Kẻ Xã xưa, ghé thăm đình Thượng Phú (còn gọi là đình Kim Sơn), du khách sẽ có dịp chiêm ngắm một công trình kiến trúc gỗ với nhiều mảng chạm khắc tinh xảo, giàu giá trị. Bên cạnh đề tài chạm khắc “tứ linh, tứ quý” truyền thống, thì đình Thượng Phú còn nổi bật với các mảng chạm khắc gỗ sống động phản ánh đời sống sinh hoạt thường ngày, như: Săn hổ, bắt lợn, bắt cá, chọi gà... Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, đình Thượng Phú có thể được khởi dựng cách ngày nay khoảng 6 thế kỷ. Và chính những người thợ Chăm tài hoa sau những cuộc chinh phạt của nhà Trần đã được đưa về đây để góp sức dựng đình. Dẫn chúng tôi thăm một vòng di tích, ông Trần Văn Nam - người trông coi di tích đình Thượng Phú suốt 23 năm qua vui mừng chia sẻ: Đình Thượng Phú đẹp với kiến trúc và điêu khắc gỗ. Trải qua nắng, mưa thời gian, đình Thượng Phú nhiều năm qua đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Thật vui mừng khi mới đây, người dân làng Kim Sơn được biết, đình Thượng Phú sẽ được trùng tu trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Thái, công chức văn hóa xã hội xã Hà Đông cho biết thêm: Trên địa bàn xã Hà Đông có 2 di tích là Ly Cung và đình Thượng Phú đã được xếp hạng. Mong rằng, với sự quan tâm của các cấp, ngành sẽ cùng với chính quyền, người dân Hà Đông chung tay gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa được người xưa tâm huyết gây dựng, còn lưu giữ đến ngày nay.

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/diem-den-xu-thanh/trong-khong-gian-nbsp-vung-dat-ke-xa/29075.htm