Trồng nấm hữu cơ trong nhà màng khép kín

Nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch, đặc biệt là các loại nấm ăn, chị Đặng Thị Hồng, trú thôn Pi ây 1, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới đã khởi nghiệp thành công với mô hình trồng nấm hữu cơ trong nhà màng kép kín.

Chị Hồng với mô hình trồng nấm hữu cơ trong nhà màng khép kín

Chị Hồng với mô hình trồng nấm hữu cơ trong nhà màng khép kín

Có niềm đam mê với làm nông nghiệp, cùng với đó là nắm bắt nhu cầu thị trường, năm 2009, chị Hồng quyết định gom vốn trồng các loại nấm khác nhau như nấm rơm, nấm mèo, nấm sò và nấm dược liệu Vân chi… Sau vài năm nghiên cứu và triển khai mô hình, chị Hồng nhận thấy nấm rơm là loại nấm cho năng suất cao và được tiêu thụ nhiều nhất. Từ đó, chị quyết định đầu tư 6 phòng, với tổng diện tích 60m2 chuyên trồng nấm rơm hữu cơ.

Chị Hồng cho biết, điều kiện để nấm rơm phát triển tốt thì nhà màng nuôi trồng nấm phải đúng quy trình và tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo các yếu tố như: Ánh sáng, nhiệt độ, không khí, độ ẩm…; nếu thiếu một trong những yếu tố trên thì nấm không thể phát triển tốt. Mô hình trồng nấm hữu cơ của chị Hồng được trồng trên dàn thép, phân thành nhiều tầng nên tiết kiệm diện tích đất sản xuất. Nguyên liệu phôi nấm chủ yếu là sản phẩm từ thân cây bông vải, rơm, cây bắp xay nhuyễn, nhanh mục, có hàm lượng dinh dưỡng cao, chi phí rẻ, thời gian từ khi làm đất trồng đến khi thu hoạch khoảng 15 - 20 ngày. Mỗi lứa cho ra 20 - 25kg nấm thành phẩm.

Điểm đặc biệt của mô hình trồng nấm hữu cơ trong nhà màng là không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cho sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Nhờ đó, đầu ra của sản phẩm cũng được bảo đảm và được người tiêu dùng ưa chuộng. Trung bình mỗi tháng chị Hồng thu hoạch được hơn 1 tạ nấm. Số nấm này được bán cho các tiểu thương trên địa bàn huyện A Lưới với giá từ 80.000 – 90.000 đồng/kg, bán lẻ cho người tiêu dùng từ 120.000 đồng/kg.

Từ tháng 7/2024 đến nay, được Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn cách trồng nấm với kỹ thuật và công nghệ cao. Sau hơn một tháng áp dụng, mô hình trồng nấm theo công nghệ mới của chị Hồng đã thu hoạch được 3 lứa đầu tiên, mỗi lứa thu được 55kg nấm, cao hơn gấp đôi so với phương pháp trồng trước đó. “Từ khi áp dụng kỹ thuật, công nghệ cao, chất lượng nấm thành phẩm tốt hơn rất nhiều, kích thước nấm phát triển đồng đều, to hơn, chất lượng dinh dưỡng cũng cao hơn so với cách trồng cũ”, chị Hồng phấn khởi.

“Mình đang tiếp tục thử nghiệm phương pháp trồng theo kỹ thuật, công nghệ cao, nếu chất lượng sản phẩm ổn định, mình sẽ mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh; từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ như TP. Huế , TP. Đà Nẵng…”, chị Hồng chia sẻ.

Từ bã thải của phôi nấm rơm, chị Hồng sử dụng để làm phân bón cho vườn ổi. Mô hình tuần hoàn khép kín vừa tiết kiệm, vừa tận dụng triệt để các phế phẩm từ mô hình trồng nấm, vườn ổi phát triển xanh tốt, cho năng suất cao.

Chị Hồng còn tạo công ăn việc làm cho 5 người dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong thôn, với thu nhập từ 4,5 - 6 triệu đồng/tháng và hơn 10 người làm thời vụ với mức thu nhập từ 180.000 - 200.000 đồng/ngày công.

Chị Đặng Thị Hồng là một trong những phụ nữ vùng cao dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn làm giàu trên vùng đất khó. Không những sản xuất, kinh doanh giỏi, chị Hồng còn tạo công ăn việc làm cho người đồng bào DTTS, giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Ngày 23/8 vừa qua, chị Đặng Thị Hồng là một trong những cá nhân xuất sắc được Ban Dân tộc tỉnh tuyên dương, tặng giấy khen với mô hình kinh tế tiêu biểu và khởi nghiệp thành công trong vùng đồng bào DTTS năm 2024.

Bài, ảnh: Bạch Châu

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/trong-nam-huu-co-trong-nha-mang-khep-kin-145608.html