Trồng ngô ủ ướp

Thời điểm này, nông dân trên địa bàn huyện Mộc Châu đang bước vào vụ thu hoạch ngô ủ ướp (còn gọi là ngô sinh khối). Dọc tuyến đường vào các xã, thị trấn, những đoàn xe tải chứa đầy ngô được bọc kín, nối đuôi nhau hướng về các trang trại bò sữa. Trồng ngô ủ ướp giúp chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò sữa và đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân địa phương trong mùa nông nhàn.

Người dân chặt ủ ướp tại khu vực sản xuất tiểu khu 84-85, thị trấn Nông trường Mộc Châu.

Người dân chặt ủ ướp tại khu vực sản xuất tiểu khu 84-85, thị trấn Nông trường Mộc Châu.

Trước đây, người dân chủ yếu trồng cỏ để nuôi bò. Tuy nhiên, vào mùa đông, thức ăn thô cho đàn bò thiếu, ảnh hưởng đến chất lượng sữa. Vì vậy, các hộ chăn nuôi đã được cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của huyện và Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu hướng dẫn trồng ngô ủ ướp để làm thức ăn cho bò. Hiện, toàn huyện có 1.600 ha ngô ủ ướp, cung cấp cho công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu. Tập trung ở các xã: Phiêng Luông, Tân Lập, Tân Hợp, Đông Sang, Lóng Sập, thị trấn Nông trường, Chiềng Sơn, Chiềng Khừa… Năng suất ước đạt từ 40 - 50 tấn/ha.

Trồng ngô ủ ướp chỉ mất 3 tháng đã cho thu hoạch. Ngô đến giai đoạn trổ bắp, ra hạt, chặt bán cả cây, sau đó cho vào máy nghiền nát và chở về các hầm ủ, nén kỹ, bọc kín bằng bạt cho yếm khí, làm thức ăn dự trữ cho bò. Ngô ủ ướp được trồng 2 vụ, vụ mùa thu hoạch từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 7 và vụ thu đông từ tháng 10 đến tháng 11. Trồng ngô ủ ướp có nhiều ưu điểm: Thời gian canh tác ngắn, chi phí đầu tư ít, không mất nhiều công chăm sóc, giá thành ổn định…

Ngô cho vào máy để băm vụn để ủ ướp.

Ngô cho vào máy để băm vụn để ủ ướp.

Anh Đặng Viết Thảo, tiểu khu Cơ quan, thị trấn Nông trường Mộc Châu cho biết: Gia đình tôi xây 3 hầm ủ ướp, với sức chứa 500 tấn ngô ủ ướp, đảm bảo cung cấp lượng thức ăn quanh năm cho 70 con bò. Dù đã trồng 1,2 ha ngô, nhưng gia đình vẫn mua thêm ngô về ủ ướp, đảm bảo nguồn thức ăn đủ chất dinh dưỡng cho đàn bò, giảm được nhân công lao động cắt cỏ, tiết kiệm chi phí đầu vào.

Trước đây, những diện tích ruộng một vụ tại các bản Co Phay, Phiêng Đón, Nà, Nà Pháy, bản Dọi… của xã Tân Lập chủ yếu bỏ không hoặc làm bãi chăn thả gia súc sau khi thu hoạch vụ lúa mùa. Nhiều năm trở lại đây, người dân đã tận dụng diện tích đất này để trồng ngô vụ đông xuân làm thức ăn ủ ướp cho bò sữa, tăng thu nhập cho gia đình.

Vận chuyển ngô sau khi băm vụn về các hầm chứa gần các trang trại nuôi bò.

Vận chuyển ngô sau khi băm vụn về các hầm chứa gần các trang trại nuôi bò.

Chị Tặng Thị Thu, bản Phiêng Đón, xã Tân Lập, chia sẻ: Gia đình tôi trồng hơn 5.000m² ngô ủ ướp từ tháng 2 trên diện tích lúa ruộng một vụ, đến đầu tháng 6 thì thu hoạch. Vụ này, gia đình bán 17 tấn ngô ủ ướp, trừ chi phí thu gần 20 triệu đồng. Hiện, diện tích này đã cày ải để cấy vụ lúa mùa.

Tại khu vực trồng ngô ủ ướp của tiểu khu 84-85, thị trấn Nông trường Mộc Châu, chiếc ô tô tải kéo theo máy băm ngô, nhóm chặt ngô thuê tất bật làm việc, người chặt, người vác, người xếp ngô lên thùng xe tải. Anh Đinh Văn Thi, bản Nà Mường, xã Tân Hợp, một trong những người trong nhóm làm thuê cho biết: Nhóm chúng tôi có 27 người, đi chặt ngô thuê cho các hộ nuôi bò. Nếu tính tiền công theo diện tích thì chặt 1 ha được trả 6 triệu đồng; còn tính công theo khối lượng công việc, tiền công là 150.000 đồng/tấn. Bình quân mỗi người thu nhập từ 400.000 đồng- 600.000 đồng/ngày.

Đầm nén ngô trước khi bọc ủ kín.

Đầm nén ngô trước khi bọc ủ kín.

Trồng ngô ủ ướp giúp các hộ dân chăn nuôi đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn bò, góp phần cung cấp nguồn sữa tươi chất lượng cho nhà máy chế biến sữa của Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, đồng thời giúp người dân sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả, tạo việc làm cho lao động địa phương, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Huyền Trăng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/trong-ngo-u-uop-51463