Trong những tiếng ngân vang cuộc đời

Với sự trọng thị thơ ca, với đức khiêm nhường và sự chân thành, Thuận Hữu luôn lảng tránh và không bao giờ nhận mình là nhà thơ khi bạn bè và các nhà thơ gọi ông là nhà thơ, cho dù ông có những bài thơ quá nhiều người thuộc như bài Những phút xao lòng.

Ông luôn coi thơ là một cõi thiêng mà ông chưa đủ mọi điều hay chưa sẵn sàng để bước vào trong cõi đó. Nhưng thực sự, ông đã là người ở cõi đó. Và từ ông, thơ hiện ra theo một lối đi khác - lối đi riêng của cuộc đời ông. Lúc này, tôi lại nhớ đến một câu nói của ai đó: “Không ai nghe thấy tiếng ầm ĩ của những bông hoa trước khi nó bật ra khỏi cành”. Thuận Hữu đã sống như vậy và những câu thơ của ông sinh ra như vậy: tự nhiên và giản dị.

Đọc thơ ông, trong tôi luôn hiện lên hình ảnh một phận người đi trên cát nóng, đi trong mưa gió, đi trong mọi buồn vui của cuộc đời. Vừa đi con người ấy vừa cất tiếng về con đường của mình, về thế giới mình sống và giọng nói của con người đó chính là những câu thơ và nó sinh ra giản dị như thế.

Làng tôi

Lưng dựa vào dãy núi

Mắt thẳng nhìn ra hướng biển khơi

Tôi là con của một vùng đồi

Nhưng cũng là con của biển

Tình đất nước quyện vào máu thịt

Tôi lớn lên trong nắng gió núi đồi và sóng nước đại dương

Tôi đọc nhiều lần khổ thơ này. Không có gì cầu kỳ, không có gì bất thường, không có bất cứ “thuật tu từ nào’’, không có gì xa lạ với tôi và với nhiều người. Tất cả đều bình dị. Và tôi nhận thấy: đó là bản tuyên ngôn của một con người. Người đó sinh ra và lớn lên trên mảnh đất ấy và vừa xác thực mảnh đất quê hương mình, vừa tuyên bố về nguồn cội mình và lẽ sống của mình: “Tình đất nước quyện vào máu thịt/Tôi lớn lên trong nắng gió núi đồi và sóng nước đại dương”. Câu thơ “Tôi lớn lên trong nắng gió núi đồi và sóng nước đại dương’’ đẹp, xúc động, đầy thách thức và cũng đầy kiêu hãnh. Thuận Hữu không có ý thức làm thơ như một nhà thơ. Đơn vị những bài thơ ông viết có khi còn nhiều hơn tôi. Nhưng khác tôi là ông viết trong lặng lẽ như lời tự sự của mình trong những khoảng tối của thời gian.

Với những gì ông đã viết, hiển hiện trên trang giấy, tôi thấy tâm hồn ông như một quả chuông. Quả chuông ấy chuyển động trong đời sống, chạm vào những gì trong cuộc đời (cả niềm vui và nỗi buồn) và tự vang lên. Đây là điều quan trọng nhất và sống còn của thơ ông. Tôi chọn hình ảnh quả chuông và tiếng ngân vang của nó để nói về bản chất thơ Thuận Hữu. Bởi khi ông viết về nỗi buồn, về những đau đớn, về những bất trắc, về bóng tối và bất cứ điều gì thì cuối cùng cái đẹp, tình yêu thương con người, ánh sáng của niềm hy vọng và sự kiêu hãnh làm người vẫn vượt qua tất cả để vang lên.

Hơn hai mươi năm cay đắng ngọt bùi

Ta như sông Hàn giấu vào lòng tất thảy

Giữa đen bạc cuộc đời dòng sông vẫn chảy

Đà Nẵng vẫn nồng say hương vị nụ hôn đầu.

Thơ ca là con người ông. Ông có thể giấu đi bao nỗi buồn, bao dày vò giữa đồng nghiệp, bạn bè, người thân. Nhưng ông không giấu được con người ông trong những tiếng ngân vang của thơ ca.

Anh lặng người khi gặp nhành hoa dại

Giữa cỗi cằn vẫn tím đến rưng rưng…

Mỗi vùng đất ông qua đều vang lên trong tâm hồn ông những buồn vui. Những câu thơ sinh ra từ những vùng đất ấy. Đấy là tình yêu, sự trải nghiệm, là suy tưởng, là sự khám khá về con người, về lẽ sống và từ đó những giấc mơ đẹp được thức dậy:

Những đêm khuya nằm nghe tiếng còi tàu

Nỗi thèm khát ùa về như làm anh nghẹt thở

Bao giờ anh nhổ neo ra đi như con tàu ấy nhỉ

Đại dương bao la con sóng vỗ phương nào?

Không gì giản dị hơn những câu thơ như thế. Nó giống như ông thức dậy trước biển và cất tiếng như chỉ để biển cả nghe thấy. Những câu thơ ấy minh chứng rằng ông không dùng bất cứ kỹ xảo hay phép tu từ nào để làm thơ. Ông để cho đời sống gieo vào mảnh đất con người ông và bật mầm lớn lên, ra hoa và kết trái trong đời sống tâm hồn mình. “Bao giờ anh nhổ neo ra đi như con tàu ấy nhỉ/Đại dương bao la con sóng vỗ phương nào?’’. Dội vang, xúc động và ngập tràn khát vọng. Một điều gì đó vừa kỳ vĩ, vừa kiêu hãnh và vừa vang xa mãi từ hai câu thơ ấy. Khi đọc hai câu thơ ấy, tôi đã tỉnh giấc trong đêm, tôi muốn được ra đi như còn tàu ấy, tôi muốn được vượt qua những con sóng đại dương cuộc đời này, tôi muốn được hát vang trước mọi thách thức…

Người ta có bạn và có Chúa

Riêng tôi là chỉ một mình thôi

Một mình không Chúa, không bầu bạn

Làm kẻ tha hương giữa chốn đời...

Nếu không đọc những câu thơ như thế, tôi không thể nào hiểu được đúng một con người mang tên Thuận Hữu. Hầu hết thơ ông viết khi ông đang ở một vị thế mà người ta thường giấu đi những cảm xúc, suy nghĩ và cái nhìn trung thực của mình. Ý chí của ông có thể mách ông cách giấu mình, nhưng tâm hồn ông đã đập cánh bay tới tự do. Tôi đã nghe thấy tiếng đập cánh ấy của tâm hồn ông. Thơ ca là hồ sơ tin cậy nhất về tâm hồn, tâm thế của người viết ra nó.

Trên thế gian mênh mông, quá nhiều ồn ào và không ít hào quang bao quanh ông, ông vẫn nhận ra sự cô đơn của một kẻ tha hương trong thế giới lặng im của mình. Đấy là “phẩm chất người’’ của ông và cũng là “phẩm chất thơ’’ ông. Chính điều đó làm cho người đọc hoặc ít nhất là cá nhân tôi tin cậy vào những câu thơ của ông. Và cũng chính điều đó làm lên “quyền lực’’ cho những câu thơ của ông, quyền lực của sự thật và sự dung dị.

Đã qua rồi mùa đông

Cây trên cành đổi lá

Con chim từ xứ lạ

Lại bay về vườn quen

Tôi muốn chìm vào khu vườn ấy trong một ngày mùa đông. Phải thực chìm vào không gian ấy, thời gian ấy mới thấy được sự rộng lớn của những câu thơ, mới thấy được những gì đang dâng lên, đang ngân vang trong tâm hồn nhà thơ hay nói đầy đủ hơn là những gì đang dâng lên, đang ngân vang trong đời sống này. Chúng ta không tìm thấy bất cứ sự dị biệt nào, sự bất thường nào hay sự “phóng đại cảm xúc nào’’ từ những câu thơ ấy. Chúng ta chỉ thấy sự kỳ diệu của thiên nhiên được dâng lên trong sự thấu hiểu, sự lắng nghe và cảm nhận tinh tế và sâu sắc khôn cùng của nhà thơ. Trong cảnh tượng ấy, tôi muốn khóc. Tôi đã nhận được sự ban phát của Thượng đế, tôi đã được sống, tôi đã được hàn gắn những đổ vỡ đâu đấy trong con người tôi, tôi đã nhận ra những bước chân lạc lối của mình trên dọc ngang những con đường đời sống, tôi đã tìm lại được những gì tôi đã lãng quên, đã tự đánh mất. Những con chim lạ bay về khu vườn quen làm tôi sống lại nhiều điều. Bạn hãy chìm vào một khu vườn trong một ngày đông để nghe tiếng đập cánh của bầy chim trở về, bạn sẽ nhận ra một sự lớn lao dù rất mơ hồ đang trùm phủ lên tâm hồn bạn.

Thơ ca không chỉ mang tới cho ta hình ảnh mới, ngôn từ mới mà điều quan trọng nhất là làm cho ta nhận ra những cảm xúc mới, những cái nhìn mới, những ý nghĩa mới từ chính những gì mà chúng ta cảm nhận nó đã mất, đã suy tàn hay đã chết. Những câu thơ của Thuận Hữu mà tôi trích dẫn là những câu thơ như thế. Một điều vừa rõ ràng vừa thực sự lớn lao trong thơ Thuận Hữu là: Ông đã tìm thấy, đã cảm thấy và kêu lên như một đứa trẻ trước sự kỳ vĩ và đầy sức mạnh quyến rũ của đời sống này.

Phố huyện thiếu em, phố huyện trở buồn

Mẹ cứ nhắc em hoài căn nhà thêm trống trải

Em đi theo chồng về nơi xa ngái

Gửi nỗi buồn ở lại với Tây Sơn.

Vẫn như thế. Thuận Hữu vẫn không có “kế hoạch’’ trước nào cho những câu, những đoạn và những bài thơ như thế của ông. Ông cứ đi, cứ sống, cứ suy cảm về đời sống mà ông vừa là một người được sống trong nó lại vừa là nhân chứng của chính đời sống đó. Đọc thơ ông cho tôi suy nghĩ ấy. Tôi tin cái phố huyện kia không thể hiện ra gần gũi, cảm thương và dày vò nếu nó được viết bởi những câu thơ theo một cách khác. Sự trung thực thường làm cho thơ có nguy cơ biến mất, nhưng sự trung thực lại có thể chạm tới đáy của những gì ta muốn nói đến. Và cái phố huyện đó đã hiện ra với tôi. Nó hiện ra đến mức tôi thấy được từng ngọn gió thổi qua những ngôi nhà, thấy được bóng người con gái phơi áo, hong tóc rồi đi khuất như biến mất. Đoạn thơ trên đã dựng lại một không gian và một thời gian đã biến mất hoặc đã thay đổi. Nếu ta chỉ tập trung đến sự “dị biệt’’ của hình ảnh, của ngôn ngữ, của cấu trúc… ta sẽ không nhận ra thơ đã làm sống lại cái thị trấn ấy. Nhưng nếu ta chìm vào cái không khí mà những câu thơ mang tới, ta sẽ thấy mình đang sống trong cái thị trấn hiện thực ấy chứ không phải là một cơn mộng mị. Đây chính là một đặc tính rất đặc trưng của thơ Thuận Hữu. Hơn cả đặc tính là tinh thần trong thơ ca của ông. Cụ thể hơn đó là con người Thuận Hữu, tâm hồn Thuận Hữu.

QUANH CHUYỆN MỘT CÂY THÔNG

Năm trước qua đây

Thương cây thông chơ vơ trên đỉnh núi

Đơn côi đứng một mình nghe gió thổi quanh năm

Năm nay lại qua đây

Ngước mắt nhìn lên đỉnh núi

Cây thông không còn

Đỉnh núi xưa mưa xói mòn thành rãnh

Cây thông chết như một lời định mệnh

Trước mưa núi gió ngàn không thể đứng chơ vơ.

Tôi đã đi qua nhiều làng tre

Qua những rừng dương nghe rì rào biển hát

Qua những đồi thông xanh ngút tầm con mắt

Thiên nhiên quanh tôi bao giờ cũng nhắc

Cây cũng như người phải biết dựa vào nhau…

Một điều tôi nhận ra trong dọc “đường thơ’’ của Thuận Hữu là: vẻ đẹp và thông điệp của lẽ sống luôn ẩn chứa quanh ta. Hồi trẻ tôi đọc được câu nói về thơ của nhà thơ Mỹ vĩ đại Walt Witman: “Thơ ở ngay dưới chân bạn. Hãy cúi xuống và nhặt lên”. Tôi không hiểu được câu nói đó. Thậm chí tôi ngờ vực câu nói đó. Tôi nghĩ thơ phải đến từ một vương quốc khác, một thánh địa khác. Nhưng rồi cuộc đời và thơ ca đã làm cho tôi nhận ra chân lý sáng tạo từ câu nói đó. Những rặng tre, những rừng dương, những đồi thông trên xứ sở chúng ta ngày ngày gửi cho chúng ta những thông điệp sâu sắc và lớn lao nhưng không phải ai cũng đọc được văn bản của những thông điệp đó.

Rất nhiều những bài thơ của Thuận Hữu là sự khám phá thiên nhiên, khám phá con người để từ đó gửi lại cho chúng ta những thông điệp của đời sống. Thơ ca không đến từ một hành tinh xa lạ trong vũ trụ vô tận này. Thơ ca đến từ mọi nơi, mọi chốn, mọi kiếp người mà ta đã đi qua, đã sống cùng. Thơ ca đợi con người mang một trái tim yêu thương, một cái nhìn sâu sắc, một khát vọng đẹp đẽ bước tới để nó trao cho con người đó cảm hứng, ngôn từ và sự suy tưởng và biến những điều bình dị ấy thành thơ và biến con người đó thành nhà thơ. Thuận Hữu chính là một trường hợp như thế. Và tôi được quyền gọi ông là nhà thơ cho dù ông luôn tìm cách chối từ và nhiều khi là chạy trốn. Thuận Hữu có thể chạy trốn cái gọi là thơ ca. Nhưng Thuận Hữu không thể chạy trốn cuộc đời mà trong mọi cuộc đời kể cả những cuộc đời u ám và nhiều bi kịch lại chính là nơi thơ ca trú ngụ.

Chiều cuối năm con mái đầu bạc trắng

Lặng lẽ ngồi bên nấm mộ mẹ xanh

Chỉ hai câu thơ đầy hình ảnh viết về mẹ đã nói tới tận cùng nỗi cô đơn của một người con không còn mẹ. Nói về cô đơn mà không dùng bất cứ một tính từ nào chỉ nỗi cô đơn. Cái màu trắng của tóc trên đầu người con trong không gian ấy, thời gian ấy làm tôi thấy mỗi cõi lòng tan hoang của người con mang tên Thuận Hữu. Tôi từng viết về một chiều như thế trước mộ mẹ tôi với những ngôn từ, hình ảnh, bi thương đầy “phức tạp và cầu kỳ’’ mà không chạm được vào một sự thật về nỗi cô đơn của tôi khi mất mẹ. Và khi đọc những câu thơ của Thuận Hữu viết về người mẹ đã mất của ông thì tôi thấy một lúc nào đó tôi phải viết lại những câu thơ về mẹ mình.

Hai câu thơ ấy đẩy sự cô đơn của người con đến tận cùng. Mẹ đã hòa vào cỏ xanh, vào đất đai vô tận. Cái màu tóc trắng trên đầu đứa con gợi lên sự tan hoang, sự bi ai, sự trống rỗng vô hồn của đứa con mất mẹ. Một cách nói tối giản và đầy sự im lặng trong đau đớn. Nếu ta nghe tiếng khóc lóc thảm thiết của người con trước nấm mộ người mẹ thì ta chỉ thấy sự bi ai và thương cảm chứ ta không thể cảm nhận hết sự đau đớn, cô đơn của người con. Nhưng với những câu thơ tận cùng dung dị kia thì toàn bộ sự thật ấy đã hiện ra.

Cũng một ngày kia

Giữa sóng triều xô đẩy

Những con ốc chết rồi ruột héo gan khô

Và hóa thân thành những nấm mồ

Không chịu cát vùi khoe mình trên mé bãi

Những vỏ ốc chứa âm thanh trong đấy

Gió đại dương đi qua ca hát suốt bốn mùa

Những chuyện vui buồn dưới đáy biển sâu

Được kể lại bằng những âm thanh kỳ diệu...

Tuổi thơ không còn và tôi đã đi xa

Gặp con ốc con sò tôi chợt hiểu

Những nỗi đau ẩn mình trong vỏ đá đầy hoa.

Cả đoạn thơ dài tôi trích ở trên là từ bài “Những con ốc biển’’. Tôi thực sự đã thầm “kêu lên’’ khi đọc xong bài thơ này. Một minh chứng nữa cho cách nhìn của tôi về thơ Thuận Hữu. Những ai đã nhìn thấy những vỏ ốc biển như thế ở trên những bãi cát đại dương? Quá nhiều người nhìn thấy. Tất nhiên trong đó có tôi. Và tôi đã không ít lần nhặt những cái vỏ ốc ấy lên và vứt đi. Tôi không nghe thấy gì từ những vỏ ốc ấy. Tôi chỉ nghĩ đó là một cái vỏ ốc - một xác chết. Không có gì hơn thế nữa. Một phẩm chất tối quan trọng trong sáng tạo là sự khám phá ra một vẻ đẹp, một tư tưởng từ vạn vật. Thuận Hữu có được phẩm chất quan trọng đó. Không có gì không mang theo nó một điều gì đó của cuộc đời này; một cái cây trong bão, một búp chồi bật ra trên một cành cây đen đúa, một tổ chim còn lại đâu đó trong vòm lá, một giọt mưa đọng trên cửa kính trong ban mai, một ngọn đèn dầu trong khuya khoắt, một con đường cô độc chạy qua cánh đồng buổi hoàng hôn, một chiếc lược cũ của mẹ để lại trong bóng tối ngôi nhà…

Nếu ta dửng dưng đi qua thì mọi thứ trở nên xa lạ và vô nghĩa kể cả một chiếc ghế bọc vàng hay một tòa biệt thự thậm chí là một con người vĩ đại. Nhưng nếu ta bước đến với một tình yêu, một cảm xúc, một suy tưởng thì tất cả những thứ đó bắt đầu thức dậy và kể cho chúng ta nghe về thời gian và lịch sử của chúng. Những vỏ ốc kia không hề chứa đựng bất cứ câu chuyện gì của biển cả mà con người của nhà thơ mới là nơi chứa đựng những điều đó. “Gặp con ốc con sò tôi chợt hiểu/Những nỗi đau ẩn mình trong vỏ đá đầy hoa’’. Hai câu cuối cùng của bài thơ vụt “bừng sáng’’. Nó đủ sức chiếu rọi tới “đáy đại dương’’ số phận. Nó làm cho tôi từ đó nhìn thấy bao điều kỳ vĩ của cuộc sống này từ những thứ nhỏ bé và tưởng như vô nghĩa. Thơ ca là vậy. Để đi từ những vỏ ốc (xác chết) kia tới bến bờ của cái đẹp và của thơ ca, phải mất một khoảng thời gian đôi khi bằng cả một cuộc đời với buồn vui, được mất, trắng đen, tuyệt vọng và hy vọng.

Bài thơ “Những con ốc biển’’ là một ví dụ đặc sắc của cách viết Thuận Hữu. Trước những câu, những đoạn kết của bài thơ là hiện thực đời sống, còn những câu, những đoạn kết là tiếng ngân vang của đời sống đó mà chúng ta nghe được giống như một bông hoa bật ra từ vỏ cây thô cứng, khẳng khiu và đen đúa của mùa đông. Và bản chất của nghệ thuật nói chung và của thơ ca nói riêng là như vậy.

Hà Đông, những ngày lạnh đầu năm 2025.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trong-nhung-tieng-ngan-vang-cuoc-doi-post341224.html