Trong nước mắm truyền thống đã có muối biển, sao còn bắt bổ sung thêm I-ốt?

Nước mắm truyền thống được làm từ cá biển và muối biển chắc chắn có I-ốt khoảng 0,3 đến 0,4mg/lít, vậy có nên quy định bắt buộc bổ sung thêm I-ốt vào sản phẩm này?

Video: Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM chia sẻ những bất cập của Nghị định 09

Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 09/2016/NĐ-CP quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm (Nghị định 09) đang được Bộ Y tế lấy ý kiến góp ý giữ nguyên quy định: Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt; Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm...

Tám năm qua các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia đã nhiều lần kiến nghị và dẫn chứng các bằng chứng khoa học để chứng minh việc bổ sung đại trà không mang lại hiệu quả nhằm ngăn ngừa nguy cơ những bệnh do thiếu I- ốt, sắt kẽm… nhưng đến nay các bất cập này vẫn chưa tháo gỡ.

+Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam:

Lo mất thị trường xuất khẩu

Với hạt điều xuất khẩu có dòng sản phẩm rang muối có vỏ lụa và không vỏ lụa. Đây là một trong những sản phẩm được thị trường Mỹ, Canada, Trung Quốc và một số nước khác ưa chuộng.

 Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam

Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam

Khẩu vị của người tiêu dùng Mỹ thích sản phẩm có muối nhưng là muối tinh khiết, không có I- ốt hay các vi chất khác. Đặc biệt thị trường Nhật Bản yêu cầu phải có chứng thư chất lượng từ 1 đơn vị kiểm định độc lập, chứng minh trong sản phẩm không có muối I-ốt.

Không chỉ vậy, theo ý kiến của các chuyên gia, nếu bổ sung I -ốt sẽ ít nhiều làm biến đổi sản phẩm thực phẩm trong quá trình chế biến. Đặc biệt sản phẩm điều khi xuất khẩu có hai yếu tố là màu sắc, mùi vị. Nếu hai yếu tố này bị biến đổi thì chất lượng thay đổi từ loại một sang loại hai, dẫn đến giá bán cũng phải giảm theo.

Điều này vô hình tạo nên sự mất đi lợi thế cạnh tranh mà DN Việt Nam đang có. Hơn nũa, chúng tôi thấy DN các nước đang cạnh tranh trực tiếp về chế biến xuất khẩu với Việt Nam, đặc biệt là Ấn Độ vẫn chưa có quy định giống Việt Nam.

Các căn cứ khoa học, lý luận thực tiễn các chuyên gia đã nêu bất cập, chúng ta biết mà vẫn quy định thì cần xem xét.

Theo đó, về chuyên ngành, chúng ta nên lắng nghe thị trường nước ngoài. Cụ thể, thị trường yêu cầu sản phẩm phải sử dụng muối tinh khiết, không I-ốt trong khi chúng ta chỉ toàn là muối I-ốt.

Chưa kể, do liên quan đến quy trình chế biến, nếu bán ở thị trường nội địa, DN phải thay đổi cả máy móc thiết bị chế biến cho sản phẩm nội địa riêng. Trong bối cảnh các DN đang khó khăn tự dưng phải thêm một mớ chi phí, khó khăn chồng chất khó khăn.

Không đưa ra mệnh lệnh hành chính, đưa vào quy chế bắt buộc DN thực hiện. Bởi việc này sẽ kéo theo những vấn đề khác như thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm...

+Chuyên gia Đỗ Việt Hà, Phó chủ tịch Hội Hóa Học TP.HCM:

Cẩn thận tăng cường các vi chất trong thực phẩm

Việc bổ sung vi chất như I-ốt, sắt kẽm vào thực phẩm có tác dụng tốt đối với người thiếu các chất này. Tuy nhiên, những người dư thừa thì sẽ xảy ra hậu quả khó lường.

Ở một số quốc gia như Nhật Bản, Châu Âu không bắt buộc bổ sung I-ốt vào muối, sắt, kẽm vào bột mì… Do đó, tôi đồng tình cùng các hiệp hội ngành hàng, kiến nghị Bộ Y tế cần quy định theo hướng khuyến khích DN thực hiện chứ không bắt buộc.

 Chuyên gia Đỗ Việt Hà, Phó Chủ tịch Hội Hóa học TP.HCM

Chuyên gia Đỗ Việt Hà, Phó Chủ tịch Hội Hóa học TP.HCM

Nếu doanh nghiệp nào bổ sung vi chất như I-ốt trong muối ăn; sắt, kẽm trong bột mì… trong sản phẩm nên ghi thông tin lên nhãn để khuyến cáo người dân những vùng bị thiếu những vi chất này sử dụng. Hay phạm vi những người có nhu cầu muốn bổ sung đang thiếu sắt, I-ốt sẽ dùng.

Theo tôi, Nhà nước cũng cần có quy chuẩn mới. Ví dụ như QCVN 9-1:2011/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với muối I-ốt; QCVN 9-2:2011/BYT -Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng (đối với sản phẩm nước mắm, bột mì, dầu ăn, đường bổ sung vi chất). Khu vực dân cư nào thiếu thì bổ sung cho địa phương đó.

Như vậy sẽ tránh được hiện tượng người thừa quá thừa người thiếu càng thiếu nhiều hơn, tránh hiện tượng “hấp thụ thụ động vi chất thừa” không có lợi cho cơ thể .

Ví dụ nước mắm công nghiệp không có i-ốt nên phải bắt buộc bổ sung I-ốt công nghiệp. Còn nước mắm truyền thống được làm từ cá biển và muối biển chắc chắn có I-ốt khoảng 0,3 đến 0,4mg/lít, do đó nếu theo quy định bắt buộc bổ sung I-ốt nữa có nên không?

Bên cạnh đó những người có bệnh khó chịu nhất hiện nay là “rối loạn hấp thụ sắt” thì khi sử dụng thực phẩm có nhiều sắt có ổn không?

Nói chung chúng ta cần cẩn trọng trong việc quy định bắt buộc bổ sung các vi chất này vào thực phẩm. Nên chăng khuyến cáo nhà sản xuất nào thấy cần tạo ra sản phẩm đặc trưng thì bổ sung nhưng ghi hướng dẫn sử dụng rõ ràng.

+Ông Phạm Trung Thành, Trưởng ban Đối ngoại Công ty Acecook Việt Nam:

Quy định bổ sung vi chất khiến doanh nghiệp gặp rủi ro khi xuất khẩu

Tại Nhật Bản, i-ốt không thuộc danh sách những vi chất dinh dưỡng được phép sử dụng dựa theo Luật An toàn Thực phẩm của Nhật Bản.

Sắt và kẽm cũng phải tuân theo các tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt. Đặc biệt kẽm không được phép bổ sung trong các thực phẩm khác ngoài các sản phẩm thay thế sữa mẹ…

 Ông Phạm Trung Thành, Trưởng ban Đối ngoại Công ty Acecook Việt Nam

Ông Phạm Trung Thành, Trưởng ban Đối ngoại Công ty Acecook Việt Nam

Vì vậy, mì Hảo Hảo xuất khẩu đi Nhật Bản công ty buộc phải sử dụng nguyên liệu không bổ sung các vi chất dinh dưỡng trên và tổ chức sản xuất riêng biệt với sản phẩm Hảo Hảo nội địa.

Trên bao bì sản phẩm công ty cũng hiển thị rõ “Sản phẩm chỉ áp dụng trong nước” để phân biệt với các sản phẩm xuất khẩu.

Tuy nhiên, các bên xuất khẩu vẫn có thể gom hàng từ nhiều nơi và xuất khẩu hàng nội địa đi các thị trường quốc tế.

Mặc dù chúng tôi không phải đơn vị xuất khẩu nhưng lại bị cơ quan Hải quan Nhật Bản liên hệ và yêu cầu giải trình vụ việc.

Điều này không chỉ khiến công ty mất thời gian để giải quyết với Hải quan nước sở tại. Đồng thời khiến doanh nghiệp đối mặt với rủi ro khủng hoảng truyền thông tại thị trường xuất khẩu lẫn Việt Nam.

Hảo Hảo chỉ là một ví dụ điển hình trong hiện trạng xuất khẩu thực phẩm với quy cách riêng biệt cho thị trường nội địa ra thị trường nước ngoài.

Thực tế có khá nhiều sản phẩm mì ăn liền nội địa của nhiều nhà sản xuất khác đang được bày bán tại thị trường quốc tế.

Đây không chỉ là vấn đề vi phạm pháp lý, mà còn tiềm ẩn rủi ro rất lớn đối với lòng tin của các cơ quan quản lý và người tiêu dùng quốc tế đối với thương hiệu thực phẩm đến từ Việt Nam.

Vì vậy, chhúng tôi đề nghị sửa đổi quy định tại Nghị định 09/2016/NĐ-09 theo hướng khuyến khích bổ sung vi chất dùng trong chế biến thực phẩm thay vì bắt buộc như hiện nay. Việc khuyến khích sẽ hướng DN tới cách làm phù hợp nhất để đạt mục tiêu tăng cường vi chất, tạo điều kiện thuận lợi cho DN.

+Chuyên gia An toàn thực phẩm Vũ Thế Thành:

Không nên áp dụng mô hình “phủ toàn diện” vi chất áp dụng cho Việt Nam

Nguồn sắt và kẽm có nhiều trong thịt động vật. Sắt cũng có nhiều trong các loại rau quả hạt, nhưng là sắt ở dạng vô cơ, không hấp thu tốt như sắt kẽm có trong thịt bò, thịt heo.

Do đó, ở các quốc gia kém phát triển, khẩu phần thiếu thịt cá ảnh hưởng đáng kể đến thiếu sắt và kẽm.

 Chuyên gia An toàn thực phẩm Vũ Thế Thành

Chuyên gia An toàn thực phẩm Vũ Thế Thành

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khoảng 1/3 dân số thế giới thiếu kẽm, nhưng chỉ từ nhẹ tới trung bình, song rất ít thiếu kẽm nghiêm trọng.

Tại Việt Nam, theo dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 09 Bộ Y tế là đang yêu cầu “phủ” (vi chất- pv) toàn diện. Chính sách này thường chỉ áp dụng cho những nước cực kỳ nghèo.

Có lẽ cơ quan soạn thảo chưa có khảo sát nào đủ độ tin cậy để đưa ra chính sách áp dụng cho 100 triệu dân Việt Nam như vậy.

Theo các khảo sát ở các vùng nông thôn, miền núi có tình trạng thiếu sắt và kẽm phổ biến. Nhưng ở khu vực này thực phẩm chính của họ là cơm, các loại bánh làm từ gạo, khoai mì chứ không phải bột mì.

Liệu bắt buộc tất cả các DN sản xuất sử dụng bột mì đều phải có kẽm, sắt liệu có hiệu quả với những đối tượng vùng nông thôn không?.

Mỗi quốc gia đều có mức độ kinh tế phát triển khác nhau, thu nhập khác nhau, mức chênh lệch giữa nông thôn và đô thị khác nhau, địa dư khác nhau. Việt Nam với 3.000km2 biển nhưng lại thiếu I-ốt…?

Tuy nhiên, Việt Nam có thể phủ tùy vùng và nhắm đến đối tượng áp dụng là khu vực nào. Chẳng hạn vùng cao nguyên thiếu vi chất nào Nhà nước có chính sách cho vùng đó. Có thể đặt hàng các DN sản xuất sản phẩm có bổ sung vi phù hợp và bán trợ giá.

Chúng ta không thể sao chép giải pháp “phủ vi chất toàn diện” của nước khác áp dụng cho Việt Nam mà bất chấp những khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt là mất quyền lựa chọn của người tiêu dùng.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/trong-nuoc-mam-truyen-thong-da-co-muoi-bien-sao-con-bat-bo-sung-them-i-ot-post800713.html