Trồng rau sạch tăng thu nhập

Ở xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) có Tổ trồng rau ấp An Hưng. Các thành viên chủ yếu là chị em phụ nữ cùng hỗ trợ nhau vươn lên thoát nghèo, tăng thu nhập nhờ trồng rau sạch.

Hàng ngày, từ 5 giờ sáng, chị Trần Thị Thu Hiền đã thức dậy. Sau khi thăm nom, tưới nước cho những liếp rau đương nảy mầm, chị Hiền lại bắt tay vào thu hoạch rau để giao cho khách. Từ khi mở rộng diện tích trồng rau hơn 2.000m2, tập trung phát triển các loại cải bẹ xanh, cải ngọt, xà lách, rau muống và một số loại rau mùi, thu nhập hàng tháng từ vườn rau của chị Hiền đã hơn 10 triệu đồng, cuộc sống gia đình trở nên thoải mái, dư dả hơn trước.

Trong Tổ trồng rau ấp An Hưng, chị Hiền là thành viên có diện tích trồng rau rộng nhất, canh tác hiệu quả. Trước đây, chị Hiền chủ yếu làm thuê kiếm sống, đồng thời tận dụng một số diện tích đất trống quanh nhà để trồng rau ăn và bán lẻ, cuộc sống khá chật vật. Khoảng 2 năm trước, nhờ người thân hỗ trợ vốn, chị Hiền quyết tâm cải tạo lại 2.000m2 đất xung quanh nhà để trồng rau cải. Nhờ chuẩn bị tốt các khâu chọn hạt giống, xử lý đất, chăm bón nên những luống rau của chị Hiền phát triển tốt, cứ nối tiếp nhau lớn dần nên mỗi ngày chị đều đặn có rau thu hoạch bán cho khách.

Trong lúc tưới nước cho các liếp rau, chị Hiền vui vẻ chia sẻ kinh nghiệm: “Các loại rau như cải ngọt, cải bẹ xanh, xà lách... dễ sống, khoảng từ 35 - 40 ngày là có thể thu hoạch. Tuy nhiên, để rau phát triển xanh tốt phải lưu ý các khâu nước tưới, phân bón, hạt giống và chịu khó chăm sóc. Do trong vùng nước thường xuyên nhiễm mặn và sau một lần bị thất thu vì tưới nước nhiễm mặn, tôi đã phải khoan giếng rồi mua máy bơm, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động để tưới rau. Phân bón cho vườn rau chủ yếu là các loại phân vi sinh chuyên dùng cho rau ăn lá, giúp đất xốp, kích thích hạt nảy mầm, cây con phát triển mạnh lại đảm bảo sức khỏe cho người trồng và người tiêu dùng. Ngoài ra, để đầu ra ổn định, mình phải chọn loại rau trồng được số đông người dùng ưa chuộng”.

Các thành viên của Tổ trồng rau ấp An Hưng chia sẻ về kinh nghiệm trồng rau sạch. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Các thành viên của Tổ trồng rau ấp An Hưng chia sẻ về kinh nghiệm trồng rau sạch. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Một thành viên khác của tổ là chị Thạch Thị Kim Loan cũng trồng rau khá hiệu quả. Bỏ qua nhiều công việc mưu sinh vất vả, hơn 1 năm qua, từ khi tập trung phát triển 1.000m2 đất trồng rau đạt hiệu quả, kinh tế gia đình của chị Loan cải thiện hơn. Mới đây, saukhi tìm hiểu kỹ thuật trồng rau an toàn trong nhà lưới, chị Loan dành 500m2 xây dựng hệ thống nhà lưới để trồng các loại rau màu. Theo chị Loan, rau trồng trong nhà lưới hạn chế tiếp xúc của côn trùng gây hại, vào mùa mưa, cây rau không bị dập nát, cho năng suất cao hơn nên thời gian tới, khi có điều kiện sẽ đầu tư hệ thống nhà lưới chuyên trồng rau. Hiện chị Loan mở sạp rau nhỏ ở chợ xã, bán các loại rau tự trồng, thu lợi khoảng 200.000 đồng/ngày.

Theo chị Trần Thị Cẩm Hường - Tổ trưởng Tổ trồng rau ấp An Hưng, khoảng tháng 6/2022, tổ trồng rau được thành lập để tạo điều kiện cho chị em phụ nữ gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trồng rau sạch, cùng hỗ trợ nhau làm kinh tế. Hiện tổ chỉ mới có 7 thành viên, nhưng duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Mỗi tháng, các thành viên đều họp định kỳ để chia sẻ về kinh nghiệm trồng các loại rau màu, báo cáo về huê lợi từ vườn rau, đi tham quan các diện tích trồng, hễ thành viên nào gặp khó thì mọi người cùng nhau tư vấn, trợ giúp.

Cũng theo chị Hường, tổ mới thành lập trong thời gian ngắn, thành viên chưa nhiều, quy mô diện tích canh tác cũng không quá lớn, có thành viên canh tác diện tích chỉ 500m2 và nhiều nhất là hơn 2.000m2 nhưng mọi người đều chịu thương chịu khó, cần mẫn chăm chút cho vườn rau. Có thành viên còn mạnh dạn vay vốn ngân hàng xây dựng kế hoạch đầu tư hệ thống tưới phun sương, nhà màng để trồng rau sạch. Thời gian qua, hầu hết các thành viên đều có thu nhập đáng kể từ vườn rau, nhiều thành viên không phải bấp bênh làm thuê làm mướn kiếm sống, cuộc sống gia đình nhờ vậy mà ổn định hơn.

Các thành viên trong tổ cho biết, sắp tới sẽ vận động các chị em trồng rau màu ở địa phương tham gia vào tổ để mở rộng hoạt động trên tinh thần là đem đến cho người tiêu dùng nguồn thực phẩm an toàn cho sức khỏe và giúp phụ nữ địa phương cải thiện kinh tế, ổn định đời sống.

XUÂN THANH

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/huyen-cu-lao-dung/trong-rau-sach-tang-thu-nhap-62997.html