Trồng rừng gỗ lớn, hướng phát triển bền vững của người dân miền núi Quảng Nam
Trồng rừng gỗ lớn đang là hướng phát triển bền vững được nhiều địa phương ở vùng miền núi tỉnh Quảng Nam thực hiện. Việc này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
Trước đây, ông Ka Phu Beng, dân tộc Cơ Tu ở thôn Cà Lai, xã Cà Dy, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cuộc sống rất khó khăn, gia đình chủ yếu làm nương rẫy, trồng thêm ít cây ăn quả, thu nhập bấp bênh. Sau khi được chính quyền địa phương hướng dẫn chuyển đổi cây trồng, ông Ka Phu Beng quyết định đầu tư trồng rừng. Hiện nay, gia đình ông Ka Phu Beng tập trung sản xuất gần 20 héc ta đất rừng, chủ yếu là cây keo. Vụ khai thác vừa rồi, gia đình ông Ka Phu Beng thu về gần 600 triệu đồng. Ngoài trồng cây keo, ông Ka Phu Beng đã trồng gần 7 ha rừng gỗ lớn, chủ yếu là dổi, keo tai tượng.

Ông Ka Phu Beng trồng rừng gỗ lớn trên diện tích gần 7 héc ta
Ông Ka Phu Beng cho biết, chính quyền địa phương hỗ trợ cây giống, hướng dẫn quy trình trồng rừng gỗ lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
“Chủ trương trồng rừng gỗ lớn của tỉnh Quảng Nam, gia đình tôi có tham gia. Tôi trồng cây gỗ lớn được 4 năm nay. Trồng rừng gỗ lớn thời gian dài hơn thì giá trị kinh tế cao hơn so với trồng rừng gỗ nhỏ. Chính quyền địa phương vận động người dân trồng rừng gỗ lớn, gia đình mình tham gia” - ông Beng chia sẻ.
Ông A Rất Bhen, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, nhiều năm qua, việc trồng rừng trên địa bàn huyện được người dân quan tâm. Huyện Nam Giang khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn theo hướng thâm canh, nâng cao giá trị thu nhập. Mỗi năm, huyện Nam Giang hỗ trợ kinh phí hơn 2 tỷ đồng phân bổ về 11 xã và 1 thị trấn giúp bà con đầu tư phát triển trồng rừng gỗ lớn; chủ yếu trồng các loại cây như lim xanh, ươu, huỳnh đàn, sao đen và dổi.

Huyện Nam Giang khuyến khích người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn
Ông A Rất Bhen, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết thêm: “Về trồng rừng gỗ lớn, huyện định hướng cho các địa phương, bà con trồng các loại gỗ có giá trị kinh tế cao và thời gian không quá lâu. Huyện hỗ trợ kinh phí tùy theo điều kiện diện tích của hộ gia đình. Trồng cây keo cũng có giá trị kinh tế nhưng về lâu dài thì có rủi ro. Do đó, huyện Nam Giang định hướng hạn chế trồng cây keo để đưa vào trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Rừng gỗ lớn mặc dù thời gian chăm sóc lâu nhưng về giá trị mặt kinh tế rất lớn, tạo được thu nhập định và lâu dài cho bà con nhân dân”.

Trồng rừng gỗ lớn, hướng phát triển bền vững của người dân miền núi tỉnh Quảng Nam
Mấy năm nay, nhiều hộ dân, chủ rừng ở tỉnh Quảng Nam tập trung đầu tư trồng rừng gỗ lớn, nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập ổn định. Việc chuyển đổi trồng rừng ngắn ngày sang trồng rừng gỗ lớn dài ngày không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu mà còn tăng tính bền vững trong hoạt động sản xuất lâm nghiệp tại địa phương. Tại tỉnh Quảng Nam, hàng năm, số lượng gỗ rừng trồng phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu khoảng 1,8 triệu m3, góp phần tạo việc làm, giúp người dân miền núi thoát nghèo bền vững.
Đến thời điểm này, tổng diện tích trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đạt gần 2.500 ha, kinh phí thực hiện gần 15 tỷ đồng. Người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn được hỗ trợ cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Hiện nay trên các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam người dân đã dần chuyển trồng rừng gỗ lớn, từ cây keo sang trồng cây bản địa. Thực tế khi trồng cây keo ở vùng miền núi đem lại hiệu quả không cao lắm.
Chúng tôi khuyến cáo bà con là trồng rừng bằng cây bản địa. Cụ thể là cây ươi, dổi, cây lim và khi trồng những loại cây này, chúng tôi hỗ trợ cho bà con trồng dược liệu dưới tán rừng. So sánh về kinh tế khi bà con trồng trên một diện tích đất thì kinh tế trồng những cây bản địa cao hơn gấp hơn 20 lần trồng cây keo. Chính vì vậy, hiện nay, bà con dần chuyển đổi. Đặc biệt 6 huyện vùng núi cao của tỉnh Quảng Nam đang chuyển đổi về trồng rừng gỗ lớn bằng cây bản địa và dưới tàn rừng trồng cây dược liệu”.