Trọng tâm, cởi mở, thẳng thắn, đúng, trúng vấn đề cần làm rõ

Sáng nay, 6.6, Quốc hội đã kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Bảy. Trao đổi với PV Báo Đại biểu Nhân dân ngay sau phiên chất vấn, nhiều đại biểu Quốc hội ghi nhận thành công tốt đẹp của phiên chất vấn từ chất lượng nội dung đến không khí trao đổi cởi mở, thẳng thắn, trách nhiệm và đặc biệt là vai trò điều hành của Chủ tịch Quốc hội linh hoạt và dứt khoát, đưa nội dung chất vấn tập trung vào đúng vấn đề cần làm rõ.

ĐBQH Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc): Điều hành linh hoạt, dứt khoát, đưa nội dung chất vấn đi vào trọng tâm

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã rất thành công, tạo được dấu ấn tốt đẹp trong lòng cử tri và Nhân dân cả nước. Thành công của hoạt động quan trọng này trước hết đến từ chất lượng nội dung. Các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi rất có trọng tâm, trọng điểm, bám sát các nhóm lĩnh vực được lựa chọn chất vấn. Các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước trả lời đều đi vào trọng tâm vấn đề, mạch lạc, rõ trách nhiệm và rõ giải pháp. Không khí phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, cởi mở, cầu thị, trên tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội và các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước và Phó Thủ tướng Chính phủ.

Thành công của phiên chất vấn và trả lời chất vấn còn đến từ vai trò điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Theo dõi diễn biến của 2,5 ngày diễn ra chất vấn và trả lời chất vấn, có thể thấy Chủ tịch Quốc hội đã điều hành rất linh hoạt và dứt khoát, đưa nội dung chất vấn tập trung vào đúng vấn đề cần làm rõ.

Các Bộ trưởng, tư lệnh ngành đều thể hiện việc nắm chắc vấn đề, trả lời thấu đáo và hết các câu hỏi của đại biểu, kể cả những câu hỏi không nằm trong nội dung yêu cầu chất vấn. Sau từng nội dung chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đều có phát biểu kết luận ngắn gọn, cô đọng, tập trung nêu các nhóm giải pháp trọng tâm. Với những giải pháp đã được nêu, tôi tin rằng, nếu các bộ, ngành triển khai kịp thời và hiệu quả thì chắc chắn sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực tế. Đây chính là điều cử tri và đại biểu Quốc hội mong đợi nhất.

Các nhóm vấn đề được lựa chọn để chất vấn đều là những vấn đề nóng, sát thực tiễn cuộc sống, là mối quan tâm chung của cử tri, Nhân dân và các đại biểu Quốc hội. Cá nhân tôi rất quan tâm đến lĩnh vực công thương, tập trung vào ba vấn đề: công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử; giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc thực thi hiệu quả các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Bộ trưởng đã nêu ra nhiều giải pháp rất cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các FTA trong thời gian tới như: nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc khẳng định chất lượng hàng hóa và giá cả phù hợp; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường thông qua đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại; đẩy mạnh tiến độ đàm phán ký kết các hiệp định liên kết thương mại và khai mở thị trường…

Đáng chú ý, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã hứa năm nay (2024), Bộ sẽ hoàn thành việc ban hành Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA hàng năm của các địa phương (FTA Index). Việc ban hành FTA Index rất có ý nghĩa, giúp cho các tỉnh chú trọng nhiều hơn đến việc tận dụng hiệu quả các FTA, đồng thời là công cụ hữu hiệu để Quốc hội, Chính phủ theo dõi, giám sát việc thực hiện các FTA. Do vậy, tôi rất mong chờ vào kết quả cụ thể từ việc thực hiện lời hứa này của Bộ trưởng.

ĐBQH Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng): Cởi mở, thẳng thắn, có tương tác hai chiều

Không khí của phiên chất vấn và trả lời chất vấn rất cởi mở, thoải mái, thẳng thắn, tính xây dựng cao, có tương tác hai chiều. Số lượng đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn rất lớn, tỷ lệ tranh luận tại phiên chất vấn cũng tương đối cao, cho thấy phần trả lời của các Bộ trưởng, trưởng ngành không chỉ thu hút sự quan tâm của những đại biểu nêu câu hỏi mà của cả các đại biểu Quốc hội khác, thể hiện kỳ vọng muốn có câu trả lời thỏa đáng và sát với tình hình thực tiễn hơn nữa của các đại biểu. Đây cũng là một nét nổi bật cần tiếp tục phát huy trong các phiên chất vấn của những kỳ họp tới.

Các lĩnh vực được lựa chọn chất vấn lần này đều rất ấn tượng với tôi nói riêng và với đa số đại biểu Quốc hội bởi đây đều là những vấn đề quan trọng của đất nước. 4 lĩnh vực được chọn để tiến hành chất vấn tại kỳ họp này, trong đó có nhóm lĩnh vực tài nguyên và môi trường, tiếp tục cho thấy đây là những lĩnh vực có nhiều vấn đề “nóng”, được cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và các “tư lệnh ngành” đã trả lời rất trách nhiệm, vào thẳng câu hỏi của đại biểu, đưa ra được những giải pháp cả trước mắt và lâu dài. Các đại biểu Quốc hội đã chất vấn Phó Thủ tướng các nội dung liên quan đến khá nhiều lĩnh vực "nóng” của đời sống kinh tế - xã hội đất nước, làm rõ những vấn đề liên quan đến 4 nhóm lĩnh vực được lựa chọn chất vấn. Phó Thủ tướng đã trả lời cặn kẽ tất cả các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội, ngay cả những câu hỏi nằm ngoài các nội dung trọng tâm được ưu tiên để tiến hành chất vấn. Trong phần trả lời của mình, Phó Thủ tướng đã nêu bật được nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách của Chính phủ nhằm giúp các ngành, địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới, đặc biệt lưu ý đến việc đẩy mạnh phân cấp, trao quyền; tăng cường hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và đề cao tính chủ động của các cấp thực hiện.

ĐBQH Phan Viết Lượng (Bình Phước): Thẳng thắn, trách nhiệm, cầu thị

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Bảy đã diễn ra sôi nổi, trách nhiệm và thẳng thắn. Các câu hỏi của ĐBQH đều rất ngắn gọn, đi sâu vào vấn đề. Từ đó, để Chính phủ có thể thấy được những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn và đưa ra các giải pháp triệt để hơn, hiệu quả hơn với các vấn đề tại phiên chất vấn.

Đối với nhóm lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, nội dung chất vấn tập trung vào công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ, chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật và giải quyết việc làm cho vận động viên…. Đây là những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân quan tâm.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội rất thẳng thắn, trách nhiệm, cầu thị, sát vấn đề và không né tránh. Trả lời của Bộ trưởng thể hiện sự chân thành, cầu thị, kinh nghiệm quản lý đối với lĩnh vực phụ trách, nắm chắc vấn đề được các đại biểu Quốc hội hỏi, làm rõ các nhiệm vụ, giải pháp mà ngành đã, đang và sắp tới triển khai. Phần trả lời của Bộ trưởng đã cung cấp nhiều thông tin cho đại biểu Quốc hội, làm rõ kết quả, hạn chế, khó khăn, thách thức; giải trình khá thuyết phục. Bộ trưởng cũng nêu các cam kết, định hướng, giải pháp cụ thể, nhằm khắc phục tồn tại vướng mắc, hạn chế, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực này thời gian tới.

Tôi mong rằng sau phiên chất vấn này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp thu ý kiến đại biểu, tập trung giải quyết những tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực được chất vấn; xác định giải pháp, lộ trình thực hiện các cam kết trước Quốc hội. Trong đó, cần đánh giá việc thực hiện đề án, quy định hiện hành, trên cơ sở đó khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, triển khai hiệu quả việc tuyển chọn, đào tạo, thu hút, hỗ trợ nghệ sĩ, vận động viên bảo đảm phù hợp, kịp thời, có tính đặc thù.

ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương): Đúng và trúng vấn đề “nóng” được cử tri và Nhân dân quan tâm

Các đại biểu Quốc hội đã chất vấn rất thẳng thắn, nhiều ý kiến chất lượng, sâu sắc, đi đúng, trúng vào những vấn đề "nóng" được cử tri và Nhân dân quan tâm.

Có nội dung chất vấn liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ, ngành khác nhau, như an toàn hồ đập, bên cạnh việc Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh chịu trách nhiệm trả lời chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cũng giải trình, làm rõ thêm những vấn đề này.

Hay như câu chuyện thiếu cát sông để thực hiện dự án, nhất là các dự án quan trọng, chúng ta đã tìm đến giải pháp dùng cát biển để làm vật liệu thay thế, san nền. Tuy nhiên, có lo ngại việc này sẽ gây nhiễm mặn ra môi trường xung quanh. Vấn đề này đại biểu nêu ra rất thời sự và Bộ trưởng đã trả lời rất thẳng thắn, đúng vai và đúng trọng tâm câu hỏi. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã có theo sát chỉ đạo bộ, ngành liên quan nghiên cứu sử dụng cát biển; thực hiện thí điểm một số dự án trong tiến hành san lấp và xây dựng đường giao thông; chúng ta cần rất thận trọng và tiến hành nghiên cứu, kiểm tra, đánh giá.

Có thể thấy rằng, dù thời gian nắm giữ cương vị tư lệnh ngành tài nguyên và môi trường chưa lâu nhưng Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đã nắm chắc vấn đề ngành, lĩnh vực mình phụ trách, đặc biệt là liên quan đến an ninh nguồn nước, khai thác khoáng sản.

Minh Trang - Trung Thành - Hoàng Ngọc - Thanh Chi thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/trong-tam-coi-mo-thang-than-dung-trung-van-de-can-lam-ro-i374749/