Trong tháng 7, có 4 'bank' chiếm 55% là trái phiếu nợ thứ cấp do ngân hàng phát hành

Theo số liệu từ VIS Rating, trong tháng 7/2024, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới đạt 42.800 tỷ đồng, trong đó, lượng trái phiếu phần lớn đến từ các ngân hàng. Trong số trái phiếu do nhóm ngân hàng phát hành trong tháng 7/2024, 55% là trái phiếu nợ thứ cấp đến từ 4 ngân hàng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượng phát hành trái phiếu mới đạt 202.400 tỷ đồng, trong đó 70% được phát hành bởi khối ngân hàng.

Theo Báo cáo Tổng quan thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Công ty Xếp hạng tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating), trong tháng 7/2024, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới đạt 42.800 tỷ đồng, giảm so với giá trị 82.400 tỷ đồng của tháng 6/2024.

Cũng theo báo cáo này, trong số trái phiếu do nhóm ngân hàng phát hành trong tháng 7/2024, 55% là trái phiếu nợ thứ cấp từ 4 ngân hàng, với kỳ hạn bình quân 7,1 năm và lãi suất từ 5,9 - 7,5% trong năm đầu tiên, thả nổi các năm tiếp theo với mức chênh từ 1,2 - 2,8% so với lãi suất tham chiếu.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượng phát hành trái phiếu mới đạt 202.400 tỷ đồng, trong đó 70% được phát hành bởi khối ngân hàng.

Về tình hình chậm trả gốc/lãi phát sinh mới, trong tháng 7 vừa qua, có 5 trái phiếu từ 3 tổ chức phát hành khác nhau lần đầu tiên công bố chậm trả, với tổng giá trị trái phiếu lưu hành là 1.240 tỷ đồng, giảm so với tháng trước. Trong số đó, một tổ chức phát hành đã thanh toán hết vào ngày 01/8/2024 và hiện không còn dư nợ trái phiếu; một tổ chức phát hành khác đã được các trái chủ chấp thuận gia hạn thời gian đáo hạn thêm 2 năm.

Trái phiếu chậm trả gốc/lãi phát sinh mới theo tháng.

Trái phiếu chậm trả gốc/lãi phát sinh mới theo tháng.

Bên cạnh đó, tỷ lệ trái phiếu chậm trả toàn thị trường cuối tháng 7/2024 ở mức 15,1%, giảm so với mức 15,6% ở cuối tháng 6/2024, chủ yếu do tổng giá trị trái phiếu lưu hành tăng lên.

Về trái phiếu có rủi ro cao, VIS Rating dự báo rằng trong tháng 8/2024, khoảng 7.300 tỷ đồng trong tổng số 18.600 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn có thể gặp rủi ro không thanh toán đúng hạn, chủ yếu từ các ngành bất động sản dân cư và năng lượng.

Trong số các trái phiếu có rủi ro cao đáo hạn vào tháng 8/2024, khoảng 4.300 tỷ đồng thuộc về các công ty trong ngành xây dựng và bất động sản dân cư. Số còn lại được phát hành bởi một công ty trong ngành dịch vụ, công ty này hiện chưa công bố báo cáo tài chính năm 2023 trên cổng thông tin của HNX.

Trên thị trường thứ cấp, thanh khoản của trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 7 vừa qua, được đo bằng tỷ lệ vòng quay trái phiếu (tổng giá trị giao dịch/tổng giá trị trái phiếu lưu hành), đã giảm từ 8% trong tháng 6 xuống còn 7%. Hơn 80% giá trị giao dịch thuộc về trái phiếu ngắn hạn, với kỳ hạn còn lại từ 1 đến 3 năm. Đặc biệt, lợi suất giao dịch của trái phiếu ngân hàng có chất lượng tín nhiệm “trên trung bình” không có sự thay đổi đáng kể so với tháng trước./.

Đánh giá về thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam hiện nay và tầm nhìn đến hết năm 2024, ông Nghiêm Xuân Huy - Chủ tịch Công ty Chứng khoán Vina (VNSC) cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt trong việc bổ trợ cho kênh huy động vốn ngoài hệ thống ngân hàng. Hiện tại, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam đạt khoảng 11,2% GDP, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (26,7% GDP) và Malaysia (53,6% GDP), cho thấy khả năng tăng trưởng lớn trong tương lai.

Tính đến ngày 28/6/2024, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đã vượt 115.206 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là trái phiếu riêng lẻ. Các ngân hàng chiếm phần lớn trong tổng số phát hành, tiếp theo là các doanh nghiệp bất động sản và chứng khoán.

Dù đã có sự tăng trưởng, thị trường vẫn đối mặt với một số thách thức do những biến cố từ các năm trước. Tuy nhiên, trái phiếu đại chúng vẫn thu hút sự quan tâm từ cả nhà đầu tư tổ chức và cá nhân.

Dự kiến từ nay đến cuối năm 2024, một số ngân hàng sẽ phát hành thêm trái phiếu đại chúng, tạo ra sự đa dạng và lựa chọn mới cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam cũng còn nhiều cơ hội phát triển trong những năm tới, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn trung và dài hạn.

Diệu Khiết

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/trong-thang-7-co-4-bank-chiem-55-la-trai-phieu-no-thu-cap-do-ngan-hang-phat-hanh-157517.html