Trong thiên tai bão lũ: Bảo hiểm nông nghiệp ở đâu?

Cơn bão số 3 khiến nông nghiệp chịu thiệt hại nặng nề. Trong khi đó, sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp gần như chưa phát huy tác dụng. Nhằm hỗ trợ ngành nông nghiệp và người dân đề phòng rủi ro, chuyên gia kiến nghị, cơ quan chức năng cần có giải pháp ưu đãi để bảo hiểm nông nghiệp phát triển.

Nông nghiệp thiệt hại nặng nề

Bão số 3 càn quét khiến nông nghiệp ở nhiều địa phương thiệt hại nặng nề. Theo Bộ NN&PT NT, ngành nông nghiệp thiệt hại hơn 284.000 ha lúa, 61.000 ha hoa màu bị hư hại, 44.000 gia súc và hơn 3 triệu gia cầm bị chết. Là một trong những ngành bị thiệt hại nặng nề nhưng thông báo bồi thường của ngành bảo hiểm dường như “chưa gọi tên” bảo hiểm nông nghiệp.

Ông Nguyễn Hữu Minh - người trồng rau tại Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, bão số 3 khiến nhiều nhà kính, nhà lưới đổ sập. Sau bão, nước sông Hồng dâng cao khiến diện tích trồng rau ngập lụt, cây chết. Ước tính thiệt hại mỗi ha rau an toàn khoảng 200 triệu đồng.

“Chi phí xây dựng nhà kính loại tốt khoảng 15-20 triệu đồng/nhà. Bão lũ tràn qua, nhà kính đổ sập, vườn rau ngập úng chết hết, người dân chúng tôi trắng tay. Nhiều gia đình vay vốn ngân hàng đầu tư, giờ gánh thêm khoản nợ. Thu nhập từ trồng rau không ổn định, chúng tôi cũng chưa nghĩ đến mua bảo hiểm, giờ lâm cảnh trắng tay”, ông Minh ngậm ngùi.

Cánh đồng hoa, cây cảnh ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên tan hoang vì bão số 3. Ảnh: SK&ĐS

Cánh đồng hoa, cây cảnh ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên tan hoang vì bão số 3. Ảnh: SK&ĐS

Suy nghĩ của ông Minh cũng giống đa số người dân trong lĩnh vực nông nghiệp. Thu nhập thất thường, phụ thuộc thời tiết, lợi nhuận chưa cao nên người làm nông nghiệp lâu nay chưa mặn mà với mua bảo hiểm. Dù đã triển khai hơn 10 năm ở Việt Nam nhưng doanh thu bảo hiểm nông nghiệp rất khiêm tốn. Năm 2023, doanh thu phí bảo hiểm nông nghiệp chỉ đạt được 42,6 tỷ đồng, chiếm 0,06% tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ.

Theo ông Phạm Tiến Nam - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, hiện có 27 triệu hội viên hội nông dân làm nông nghiệp. Là lực lượng lớn tạo nên bệ đỡ nền kinh tế nhưng nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro, nhất là trong thiên tai. Bão số 3 đã khiến nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao vừa được người dân đầu tư đã phải gánh chịu ảnh hưởng, tổn thất rất lớn khi bị cơn bão quét qua, tàn phá. Vì vậy, chính sách bảo hiểm nông nghiệp được xem là một trong những biện pháp hiệu quả, nhằm giải quyết những vấn đề rủi ro trong sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Nam, lĩnh vực bảo hiểm luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ban ngành hết sức quan tâm và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Thời gian qua, Hội Nông dân Việt Nam vận động, tuyên truyền hội viên, nông dân tham gia bảo hiểm nói chung, bảo hiểm nông nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, kết quả tham gia bảo hiểm nông nghiệp vẫn hạn chế.

Đề xuất chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp

Đại diện Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, Nghị định 58/2018 về bảo hiểm nông nghiệp quy định chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp dành cho đối tượng: cây trồng (lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, cây ăn quả, rau); Vật nuôi (trâu, bò, lợn, gia cầm); nuôi trồng thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra). Rủi ro được bảo hiểm hỗ trợ gồm: thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, ngập lụt, sụt lở đất, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần); dịch bệnh động vật, thực vật.

“Chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp nhằm thực hiện chính sách an sinh xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp của Chính phủ. Chúng tôi sẽ căn cứ thực tế, tham mưu cơ quan chức năng hoàn thiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp để thu hút doanh nghiệp triển khai sản phẩm và thu hút người dân mua bảo hiểm”, đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, một số doanh nghiệp có sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp như Tổng Cty bảo hiểm Bảo Việt, Tổng Cty Cổ phần bảo hiểm Quân đội (MIC). Trong đó, MIC cung cấp sản phẩm bảo hiểm cây lúa theo chỉ số năng suất. MIC sẽ bồi thường cho người được bảo hiểm mức sụt giảm năng suất khi gặp rủi ro thiên tai và dịch bệnh. Tổng Cty bảo hiểm Bảo Việt có 2 sản phẩm bảo hiểm cho cây lúa, vật nuôi và tôm, cá.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, ngành thủy sản rất mong muốn triển khai sâu rộng việc mua bảo hiểm nông nghiệp. Hiện nay, ngành thủy sản cũng đã triển khai để doanh nghiệp bảo hiểm bán bảo hiểm với cá tra và tôm cho ngư dân, nhưng thực tế chưa triển khai được nhiều.

“Thời gian tới, chúng tôi đề xuất chính sách cho ngành nghề rủi ro như nuôi biển, hỗ trợ chi phí bảo hiểm cho người nuôi trồng thủy sản, để người dân được tiếp cận thường xuyên, liên tục hơn. Bộ NN&PTNT đang soạn thảo để trình Chính phủ chính sách này. Bộ sẽ tiếp tục xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn nuôi trồng thủy sản để hạn chế mức độ rủi ro ít nhất cho người dân”, ông Luân chia sẻ.

“Nông dân chưa có đủ kiến thức về tài chính và khó có thể trông chờ sự tự giác. Cơ quan chức năng cần có hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ cho nông dân với mức phí bảo hiểm nông nghiệp hợp lý. Nên có quỹ hỗ trợ nông dân thông qua cơ quan chức năng mua bảo hiểm cho nông dân. Khi xảy ra thiên tai, bảo hiểm như “phao cứu sinh” cho nông dân và góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển loại hình bảo hiểm nông nghiệp”, ông Đán đề xuất.

Cơn bão số 3 và ngập lụt sau bão khiến hơn 284.000 ha lúa, 61.000 ha hoa màu bị hư hại, 44.000 gia súc và hơn 3 triệu gia cầm bị chết. Tuy nhiên, gần như chưa ghi nhận vụ bồi thường bảo hiểm nông nghiệp nào cho người dân bị ảnh hưởng của bão lũ.

Chuyên gia bảo hiểm Trần Nguyên Đán cho biết, mức phí bảo hiểm nông nghiệp còn cao so với mặt bằng sản xuất chung. Các quốc gia có chính sách trợ giá lớn cho sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp.

Ngọc Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/trong-thien-tai-bao-lu-bao-hiem-nong-nghiep-o-dau-post1680428.tpo