Trực giác con đường thể nhập tự tính

Đạo Phật là trung đạo. Cái thấy của đạo Phật là Tâm và Vật có mối quan hệ tương tức với nhau như hai mặt của một đồng xu. Ta không thể lấy một cái ra khỏi cái còn lại. Tâm và vật đều nương vào nhau mà biểu hiện.

Tác giả: Kiến Trúc sư Tăng Chí Vinh[1]

A. Dẫn nhập

Thiền là gì? Đó là câu hỏi rất khó trả lời bởi vì thiền khước từ tất cả các câu trả lời hoặc định nghĩa. Thiền là sự nở hoa tối thượng của ý thức nó bắt đầu từ khi Đức Phật trao bông hoa cho ngài Tôn giả Đại Ca Diếp (Mahā Kassapa)[1]. Thiền là đứa con lai giữa tư tưởng Vô Vi [2] của Lão Tử và tư tưởng của Đức Phật. Thế nhưng các định nghĩa trên đã thực sự mô tả đúng bản chất của thiền hay chưa? Chắc hẳn chúng ta những người đã học thiền cũng từng nghe qua bốn câu cách ngôn của thiền:

Giáo ngoại biệt truyền

Bất lập văn tự

Trực chỉ chân tâm

Kiến tính thành Phật

Bốn câu thơ này tóm tắt tinh hoa của giáo lý thiền. Lúc thiền tông du nhập vào Trung Hoa phần lớn những Phật Tử thời bấy giờ rất say sưa thảo luận những vấn đề siêu hình nhưng lại lãng quên việc quay lại nắm bắt cái Bản Lai Diện Mục [3] bên trong mình.

Bồ Đề Đạt Ma và những người nối pháp đã nhận ra tình trạng này. Chính vì thế họ đã tuyên bố bốn câu kệ thiền nói trên. Mục đích giúp cho hành giả đi vào bên trong mà không hướng đến sự đàm luận vô ích về các vần đề siêu hình. Con đường để thể nhập tự tính là con đường của trực giác của vô phân biệt trí chứ không phải là con đường của trí năng của tư duy phân biệt.

B. Nội dung

I.Trực giác là gì:

a.Trực giác theo quan điểm của khoa học hiện đại:

Roger Sperry [4] được xem là người tiên phong khám phá chức năng của não bộ và đã đoạt giải nobel Y Khoa 1981. Ông đã khám phá ra chức năng của 2 bán cầu não là não trái và não phải như sau :

- Não trái - Logic, phân tích và ngôn ngữ

Đặc trưng bởi tư duy logic, tuyến tính và có hệ thống. Các chức năng chính bao gồm:

Ngôn ngữ: nói, viết, đọc, hiểu ngôn ngữ

Toán học: tư duy số học, tính toán, phân tích logic

Lập luận: suy nghĩ có tổ chức, giải quyết vấn đề theo từng bước

Chi tiết: chú ý đến phần nhỏ, phân tích từng phần

Kiểm soát bên phải cơ thể (vì mỗi bán cầu điều khiển bên đối diện)

* Người thiên về não trái thường: lý trí, cẩn thận, giỏi lập kế hoạch, học tốt các môn như toán, khoa học, luật.

- Não phải - Trực giác, sáng tạo và cảm xúc

Thiên về tư duy tổng thể, cảm xúc và hình ảnh. Các chức năng chính:

Trực giác: cảm nhận tổng thể, cảm hứng, tôn giáo, huyền học

Sáng tạo: nghệ thuật, âm nhạc, tưởng tượng

Cảm xúc: xử lý và biểu đạt cảm xúc

Không gian: hình dung không gian, nhận biết hình khối, định hướng

Kiểm soát bên trái cơ thể

* Người thiên về não phải thường: sáng tạo, mơ mộng, cảm xúc, thích nghệ thuật và có khả năng tư duy hình ảnh tốt.

Mặc dù não bộ có hai bán cầu phần đông con người có thiên hướng suy tư về một phía nhiều hơn bên kia. Nghĩa là có người thích lý tính (não trái), trong khi người kia thiên về trực giác (não phải). Trong thực tế lý tính và trực giác luôn làm việc với nhau. Bình thường thì não trái phân tích và đặt câu hỏi nhưng tìm được đáp án là não phải. Và chỉ khi lý tính bất động thì trực giác mới xuất hiện cho lý tính biết đường để tìm giải pháp cho vấn đề. Điều này các truyền thông huyền học đều biết rõ. Osho [5] đã từng nói: “Mỗi khi bạn có vấn đề mà logic không giải quyết được, đừng tuyệt vọng, đừng thất vọng. Những khoảnh khắc đó là phước lớn nhất trong cuộc đời bạn. Đó là khoảnh khắc mà lý trí nhường cho trực giác.” Albert Einstein [6] cũng đã từng nói: “Trực giác là một món quà thiêng liêng và lý tính là một đầy tớ trung thành.

Chúng ta đã tạo ra một xã hội tôn vinh người hầu (lý tính) và quên mất món quà (trực giác).”

Nhiều nghiên cứu cho thấy đại đa số trẻ em lớp vỡ lòng đều có khả năng sáng tạo cao độ nhưng đến khi trưởng thành khả năng đó đã suy giảm đáng kể. Lý do là hệ thống giáo dục của chúng ta chỉ chú trọng đến chức năng của não trái như toán học, khoa học.

- Trí năng (não trái) cần cho nhà khoa học, trí năng cũng cần trong thương trường, nhưng trí năng có giới hạn, có những thứ tốt đẹp mà trí năng không thể chạm đến. Nếu bạn dẹp trí năng sang một bên thì có thứ gì đó nằm sâu trong bạn được kích hoạt. Trí năng sẽ hoạt động tốt nếu nó đóng vai trò là người hầu theo Albert Einstein.

Bởi vì có sự khác biệt giữa tri thức và sự hiểu biết. Tri thức là những kiến thức chúng ta góp nhặt được còn hiểu biết là sự trải nghiệm.

Một thí dụ về những người sống bằng não trái luôn luôn sợ chết là Sigmund Freud [7], tổ sư của Phân Tâm Học [8], khi nghe đệ tử của ông Carl Jung [9] nói về xác ướp Ai Cập ông đã ngã xuống sàn bất tỉnh.

Sợ chết và thiếu quyết đoán là đặc thù của các triết gia. Các khoa học gia, triết gia, thương gia sống trong thế giới của iPad, Iphone, xe hơi nhà cao,…Họ đã chinh phục được thế giới nhưng đánh mất chính mình. Vì bán cầu não trái là sự cản trở cho tâm linh. Thế thì phải bỏ bán cầu não trái (lý tính) mà quay về bán cầu não phải (trực giác) đó là thế giới của các nghệ nhân và các thiền sư.

- Trực giác (não phải): Napoleon Hill [10] là một tác giả người Mỹ, một trong những người sáng lập nên một thể loại văn học hiện đại đó là môn "thành công học". Ông cho rằng trực giác tức là giác quan thứ 6, cánh cửa dẫn vào ngôi đền thông thái. “Thông qua trực giác trí tuệ vô hạn sẽ giao tiếp một cách tự nguyện mà không cần con người phải bỏ ra nhiều nỗ lực hay yêu cầu nào. Trực giác giống như nơi trung gian giữa trí tuệ hữu hạn của con người và trí tuệ vô hạn của vũ trụ.” Tất cả những thành tựu về khoa học, nghệ thuật hội họa, kiến trúc, âm nhạc đều xuất phát từ bán cầu não phải (trực giác) nơi mà trí tưởng tưởng không còn bị ngăn cản nữa. Não phải (trực giác) là đường vào tam muội, là hướng của những người tầm đạo. Những người luôn quan tâm đến vấn đề nội tâm của mình, đến bình an nội tâm mà không quan tâm nhiều đến các thứ xung quanh. Bên phương Tây đã bắt đầu quan tâm đến thiền và thực tập chánh niệm trong đời sống hằng ngày vì nghiên cứu của khoa học cho rằng: các hoạt động thư giãn và thiền định làm tăng hoạt động ở vùng não phải (trực giác), thúc đẩy khả năng sáng tạo và xử lý cảm xúc.

b.Trực giác theo quan điểm của Phật Giáo và các tôn giáo khác:

- Trong đạo Phật trực giác cũng có nghĩa là tuệ giác. Trực là thẳng là ngay lập tức, còn giác là sự giác ngộ, cái ngộ này là thấy được bản lai diện mục của chính mình chứ không phải cái ngộ đến từ bên ngoài. Thế nên trực giác là hiểu ngay lập tức chứ không dùng trí năng tư duy phân biệt, là tự giác ngộ theo cách nói của Phật giáo. Sự thông tuệ của một con người không phải do vay mượn từ bên ngoài, nếu vay mượn từ bên ngoài sẽ không còn thông tuệ nữa.

Ngày xưa trong tăng đoàn của Đức Phật có rất nhiều thầy hỏi Đức Phật những câu hỏi mang tính chất siêu hình như là: “Không gian này là vô biên hay hữu biên, con người từ đâu tới sau khi chết sẽ đi về đâu,..”. Đức Phật đã im lặng không trả lời. Sau đó ngày cầm một nắm lá trong tay và nói rằng: “cái biết của Như Lai như lá ở trong rừng này, còn những gì Như Lai dạy cho các thầy cũng như lá trong nắm tay”. Chẳng lẽ Đức Phật còn có điều gì muốn giấu chúng ta sao, ngày là Đấng Đại Từ, Đại Bi dĩ nhiên là sẽ không làm thế.

Trong kinh Nikaya Đức Phật từng nói rằng:” Như Lai đối với giáo pháp giống như bàn tay không nắm chặt”.

Ngài không dạy cho chúng ta chân lý về vũ trụ vạn hữu mà Ngài cho chúng ta những công cụ những pháp môn tu tập để chúng ta có thể khai ngộ được chân lý của vạn pháp.

Giáo pháp của Đức Thế Tôn giống như ngón tay chỉ mặt trăng vậy, chỉ bám vào ngón tay thì không bao giờ thấy được mặt trăng.

Đức Phật cũng hiểu rằng con đường chứng ngộ chân lý là con đường của tuệ giác (trực giác) tức vô phân biệt trí chứ không phải của trí năng nên có nói với chúng ta thế giới này hữu biên hay vô biên thì chắc gì chúng ta đã hiểu. Tuệ giác (trực giác) không phải là kiến thức khái niệm. Tuệ giác (trực giác) có khả năng mang tới sống động và tự do trong giờ phút hiện tại. Kiến thức của trí năng không làm được việc ấy. Con đường học Phật không giống với con đường học các pháp thế gian. Sự học của thế gian theo kiểu thầy đọc trò chép sự học như thế thiên về não trái tư duy phân biệt, còn trong Đạo Phật chúng ta phải sử dụng những Pháp Môn thực tập của Đức Phật trao cho để tự thể nghiệm chân lý. Nếu đã chứng ngộ về vô ngã về tính không của vạn pháp thì có cần phải hỏi thế giới này là vô biên hay hữu biên nữa không?

Đạo Phật không phải là một bộ môn triết học vì Đạo Phật dựa trên trí tuệ thực chứng, cái thấy trực tiếp (trực giác) do công phu tu tập quán chiếu. Còn triết học là đưa ra các giả thuyết dựa trên trí năng của tư duy phân biệt nên triết học mang tính cá nhân nhiều hơn là thể nghiệm chân lý.

- Giác ngộ là một biến cố phản thiên nhiên, đó là huyền sử sa ngã của Kitô giáo. Trong Kinh Thánh Cựu Ước của Kitô giáo, sách Sáng Thế Ký nói Adam và Eva sống giữa vườn địa đàng có Cây Sự Sống và Cây Hiểu Biết. Thiên Chúa cảnh cáo họ nếu ăn trái cây Hiểu Biết họ sẽ chết. Cả hai trần truồng nhưng không biết xấu hổ. Một hôm Eva bị rắn gạt ăn trái cây Hiểu Biết, họ biết tất cả cái tốt lẫn cái xấu như Thiên Chúa. Sau khi ăn trái cây Hiểu Biết Adam và Eva thấy mình trần truồng nên lấy lá cây che thân thể lại. Ngay khi đó Thiên Chúa xuất hiện đuổi họ ra khỏi vườn địa đàng. Thần thoại này có thể hiểu theo khoa học và huyền học. Cây Sự Sống và Cây Hiểu Biết tượng trưng cho hai bán cầu não. Bên phải là cây Sự Sống tượng trưng cho Trực Giác, bên trái là cây Hiểu Biết tượng trưng cho lý tính. Do ăn cây Hiểu Biết nên họ phải xa rời Thiên Chúa như trời xa cách đất. Con đường để đến với đạo đến với Thiên Quốc phải là con đường của trực giác của vô phân biệt trí.

Trong đạo Phật con đường đến với cõi tịnh độ cũng là con đường của trực giác của vô phân biệt trí: Di Đà Tự Tính, duy tâm Tịnh Độ. Như vậy chúng ta đều ăn trái cây Hiểu Biết lúc 7 tuổi rồi sau đó đánh mất thiên đường của chính mình. Cây Hiểu Biết và Cây Sự Sống cũng được mô tả bằng hình tượng của bồ tát Văn Thù Sư Lợi. Tay trái Ngài cầm bông hoa Sen bên trên có Bát Nhã Tâm Kinh tượng trưng cho trực giác (não phải), tay phải Ngài cầm thanh kiếm tượng trưng cho lý tính (não trái).

Bông hoa tượng trưng cho: Sự thanh tịnh, vượt khỏi nhiễm ô thế gian (giống như hoa sen mọc từ bùn mà không bị bùn dính).

Trí tuệ vi diệu, tinh khiết và mềm mại đó là trực giác của não phải.

Tính Không: hoa đẹp, nhưng không thật có - thể hiện tính vô thường, vô ngã.

- Trong Đạo Gia, Lão Tử cũng có nói trong Đạo Đức Kinh:

Đạo khả đạo phi thường đạo

Danh khả danh phi thường danh

Cái Đạo mà đem ra để bàn luận để nói được thì không còn là đạo nữa. Đạo là cái lẽ tuyệt đối, cái bản thể của trời đất. Do tuyệt đối nên không thể dùng tư duy phân biệt, tư duy nhị nguyên tức dùng trí năng của não trái mà gọi tên được. Trang Tử là người kế thừa học thuyết Vô Vi của Lão Tử.

Trang Tử là bậc khai ngộ hiếm có. Trang Tử không có pháp tu, không thiền định chỉ cần thuận theo tự nhiên. Ông nói chỉ bằng cách hiểu bản nhiên. Vạn vật vận hành tự chính nó thế thì cứ thuận theo, đừng kháng cự cũng đừng ngược dòng, không đến đích, tới vô định. Buông trôi chính là khai ngộ tối thượng. Trang Tử là người rất hoài nghi đối với tri thức và lý trí con người. Ông cho rằng con người không thể hiểu hết được bản chất của thế giới qua trí năng (não trái), bởi vì lý trí chỉ có thể nhận thức được một phần rất nhỏ của thực tại. Do đó, ông khuyến khích con người sống theo cảm giác tự nhiên thay vì phụ thuộc quá nhiều vào lý thuyết, giáo lý. Bởi ông cho rằng những lý thuyết giáo lý này làm ngăn cản cái bản nhiên tức là trực giác (não phải). Điều này cũng giống với Đạo Phật khi Đức Phật cho rằng tất cả kinh điển và giáo lý cũng chỉ là: “ngón tay chỉ trăng, phải nương theo ngón tay để thấy mặt trăng “

- Ta thấy rằng tất cả các tôn giáo và huyền học đều đề cao trực giác (vô phân biệt trí) bởi vì những kinh nghiệm tâm linh mang tính nội chứng và không thể dùng trí năng để phân tích vì như vậy ắt sẽ rơi vào những mâu thuẫn. Như vậy sự khai ngộ bứt phá các trở ngại của tri thức trên đường đi của nó, hành giả phải nắm bắt ngay lập tức không thông qua trung gian của khái niệm. Đó là con đường của kinh nghiệm trực tiếp.

II.Trực giác con đường thể nhập Tự Tính:

a. Sự khai ngộ của Thiền Tông:

Thiền không ưa triết lý, thiền không phải là hệ thống triết học nên thiền không dùng lý tính. Thiền không phải đối tượng của tri thức, không có bất kỳ học thuyết nào mà là ngón tay chỉ đường. Thiền là giải phóng tâm trí, giúp cho hành giả thể nhập được tự tính.

“Kiến tính” là một khái niệm then chốt trong Thiền tông – một nhánh đặc biệt của Phật giáo, phát triển mạnh ở Trung Quốc từ thời Bồ-đề-đạt-ma, rồi truyền sang Nhật Bản, Việt Nam và nhiều nơi khác. Để hiểu “kiến tính” đúng tinh thần Thiền, ta cần cảm nhận bằng cả tâm và vô phân biệt trí của não phải (trực giác):

“Kiến” nghĩa là thấy;

“Tính” (hay “Phật tính”) là bản tính chân thật, vốn có, tức là bản lai diện mục, hay nói cách khác: chân tâm, tự tính thanh tịnh – thứ không sinh, không diệt, vượt ngoài khái niệm, lý luận.

“Kiến tính” là thấy rõ bản tính chân thật của chính mình.

"Phật tính" (Buddha-nature) là một khái niệm trung tâm trong nhiều truyền thống Phật giáo, đặc biệt là trong Phật giáo Đại thừa. Nó chỉ bản chất giác ngộ sẵn có trong mỗi chúng sinh – tức là ai cũng có khả năng trở thành Phật. Vậy khi truyền bá thiền tông sang Trung Hoa, Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã kế thừa truyền thống của Phật Giáo Đại Thừa với quan điểm: “Trực chỉ chân tâm, kiến tính thành Phật”. Vậy thì trên con đường tu tập hành giả làm thế nào để Kiến Tính?

Kiến tính thành Phật có nguồn gốc từ Phật Giáo nguyên thủy khi thái tử Siddhārtha tọa thiền 49 ngày dưới cội cây Bồ Đề, đến ngày cuối cùng ngài đã ngộ được bản tâm của chính mình và thấy rằng: “Lạ quá tất cả chúng sinh đều có hạt giống của giác ngộ, giải thoát vậy mà lại để trầm luân trong biển khổ sinh tử”.

Cái ngộ của Đức Phật là ngộ được Phật Tính của chính mình và ngày thấy rằng tất cả chúng sinh đều có Giác Tính. Phật tính này nơi chúng sinh cũng như nơi chư Phật chẳng thể giảm bớt, cũng chẳng gián đoạn, vì giảm bớt gián đoạn là Pháp sinh diệt, luân hồi.

Chỉ khi thái tử Siddhārtha không còn đi tìm cầu bên ngoài nữa vì lúc trước Ngài theo học rất nhiều vị thầy. Lúc dừng lại sự tìm cầu bên ngoài cái tư duy logic phân biệt nhị nguyên của não trái dừng hoạt động, thì cái trực giác cái giác tính bên trong có cơ hội được hiển lộ. Phật Tính mang tính chất siêu việt logic, bởi vì logic thuộc phạm vi của tư tưởng của tương đối. Phật tính cùng khắp không gian và thời gian, chẳng hoại chẳng tạp, vô chứng, vô thủ chẳng bị huân nhiễm. Còn vũ trụ vạn hữu là thành trụ hoại không hư vọng chẳng thật. Nhưng để kiến tính chúng ta phải đi sâu vào thế giới của hiện tượng thì mới chạm vào được thế giới của bản thể, con đường đó là: Tùng tướng nhập tính con đường của trực giác.

Luận về kiến tính thì sự khai ngộ của thiền tông biến lý luận của Duy Thức, Trung Quán thành hành động thực tiễn bằng quan điểm và phương pháp riêng. Thiền tông không tách rời khỏi giáo pháp nền tảng của Phật Giáo, chỉ trên phương diện thực tiễn tu tập có những sáng tạo đặc thù riêng.

Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành, xứ diệt là một cách nói trong Thiền tông hoặc các truyền thống Phật giáo nhấn mạnh rằng chân lý tối thượng không thể diễn tả được bằng ngôn ngữ. Ngôn từ chỉ là ký hiệu, là mô tả, không thể trực tiếp chạm đến thực tại tuyệt đối hay “chân như”. “Ngôn ngữ đạo đoạn” nghĩa là con đường (đạo) chấm dứt (đoạn) nơi ngôn ngữ, chấm dứt nơi trí năng của não trái của tư duy phân biệt. Đó là lý do vì sao các thiền sư Trung Hoa hay dùng cây gậy và tiếng hét để làm chấm dứt cái tư duy logic phân biệt nơi các thiền sinh, khi trí năng của não trái đã im lặng thì trực giác của não phải hoạt động đưa thiền sinh thể nhập chân lý một cách trực tiếp không qua suy luận của trí năng nữa.

Trong Tín Tâm Minh của tổ thứ ba của thiền tông Trung Hoa là Tăng Xán có viết rằng:

Chí Đạo Vô Nan, Duy Hiềm Giản Trạch

Nghĩa là: đạo lớn cùng tột không có gì khó, chỉ vì phân biệt mới trở thành khó

Câu này là lời mở đầu đầy trực chỉ và đốn ngộ - cốt lõi của Thiền tông:

“Chí đạo vô nan”: Đạo giác ngộ vốn không khó đến. Vì nó đã sẵn có trong mỗi người - là Phật tính bản nhiên, không xa, không cần tìm ở đâu. Phân biệt là dùng não trái tư duy logic, vì suy lường như vậy nên gây chướng ngại cho đạo.

“Duy hiềm giản trạch”: Nhưng cái làm ta không thấy được Đạo là vì tâm còn phân biệt, chấp có - không, phải - trái, tốt - xấu, thiền - không thiền…

*Ngay khi còn có ý niệm chọn lựa, tâm đã rơi vào nhị nguyên.

Mà Đạo là vượt ngoài nhị nguyên, không bị phân hai, không vướng kẹt vào đối đãi.

Khi hành giả buông hết đối đãi, không còn “đi tìm đạo”, thì đạo hiển lộ ngay, đây lúc tư duy phân biệt của não trái không còn thì con đường trực giác vô phân biệt trí sẽ mở ra.

Đây là lý do tại sao Thiền tông luôn nhấn mạnh: “Không cầu chân, chỉ dứt vọng.”

(Không cần kiếm cái gọi là “chân lý” ở đâu xa, chỉ cần dừng vọng tưởng là đủ. Vọng tưởng là cái tư duy phân biệt của não trái).

Trong Pháp Bảo Đàn Kinh của Lục Tổ Huệ Năng đã trình kiến giải của mình:

Bồ đề vốn không cây

Gương sáng cũng không đài

Xưa nay không một vậy

Chổ nào dính bụi trần

Bài kệ này tượng trưng cho trí đại huệ của Lục Tô Huệ Năng khác với bài kệ của ngài Thần Tú [17] còn vướng mắc vào “ngã không, pháp hữu”.

Thân là cội bồ đề

Tâm là đài gương sáng

Luôn luôn phải lao chùi

Đừng để dính bụi bậm

Bài kệ của ngài Thần Tú còn bị vướng vào tư duy phân biệt của não trái. Còn có tâm, còn có phiền não, còn có bồ đề. Ngài cho rằng phiền não và bồ đề là hai cái tách biệt nhau. Chưa đạt đến cảnh giới của vô phân biệt trí nên Ngũ Tổ bảo rằng: ngài chưa vào cửa được. Bên trong thì cho rằng có một Phật Tính tồn tại, bên ngoài thì có trần lao quấy nhiễu Phật Tính nên tìm cách lau chùi. Cứ như vậy mà phân biệt vướng mắc thì bao giờ mới thật sự Kiến Tính được.

Còn bài kệ của ngài Huệ Năng khẳng định: “Nhất Thiết Pháp Giai Không”. Thậm chí Bồ Đề cũng không. Nếu cho rằng thật có một Phật Tính thì quả thật là sai lầm sẽ không bao giờ đạt được. “Xưa nay không một vật” là nhất thiết pháp không. Toàn bộ Trung Quán Luận của ngài Long Thọ cũng không nằm ngoài câu này. Tất cả các pháp dù là thế gian hay xuất thế gian đều không có tự tính, cho nên muốn tìm một Phật tính tồn tại chắc chắn sẽ không tìm ra vết tích. “Xưa nay không một vật” quán thông cả bên trong lẫn bên ngoài vi diệu không thể nghĩ bàn.

Nhiều người học Phật ai cũng biết khái niệm về “Vô Ngã” tuy nhiên nếu gặp những biến cố trong cuộc sống thì chắc gì đã “Ngã không” được. Cảnh giới của khai ngộ ở đây là: “Ngôn ngữ đạo đoạn” tức cái tư duy logic, tư duy phân biệt của não trái phải dừng lại thì cái trực giác của não phải mới hoạt động được. Nếu còn hoạt động của tư duy khái niệm, nếu còn tư duy phân biệt, còn đạo lý để giảng giải thì không thể nào khai ngộ được. Bởi thế mà các thiền sư Trung Hoa ngày xưa dùng cây gậy, tiếng hét và rất nhiều biện pháp mạnh có khi là bạo lực nữa, nhưng tất cả những điều này là để giúp cho thiền sinh khai ngộ. Chỉ khi lý trí của não trái im lặng thì trực giác của não phải mới lên tiếng được, sự thể nhập chân lý một cách trực tiếp không qua trung gian của suy luận nữa.

Giai thoại nổi tiếng: “Một ngón tay Thiền”

Một ngày, có người đến hỏi Thiền sư Câu Chi:

- “Thế nào là Phật?”

Sư giơ một ngón tay.

Người khác đến hỏi:

“Thế nào là đạo?”

Sư lại giơ một ngón tay.

Người khác hỏi về tâm, về thiền, về Niết-bàn, về giải thoát...

Dù câu hỏi có khác nhau, sư chỉ giơ một ngón tay lên, không nói gì.

Có một tiểu đồng (đệ tử nhỏ) hầu sư, thấy sư lúc nào cũng trả lời bằng một ngón tay. Cậu bé bắt chước. Khi có người hỏi, cậu cũng giơ một ngón tay lên.

Thiền sư biết được, gọi cậu tới, hỏi:

“Nghe nói ngươi cũng hiểu đạo rồi hả?”

Cậu bé giơ một ngón tay ra.

Ngay lập tức, Thiền sư rút dao chặt đứt ngón tay của cậu.

Cậu bé đau đớn bỏ chạy. Khi vừa quay đầu lại, sư liền giơ một ngón tay lên.

Ngay khoảnh khắc đó, cậu bé ngộ đạo.

Chúng ta thấy rằng để khai ngộ cho đệ tử của mình người thầy đã dùng những biện pháp rất mạnh như thế. Chắc có nhiều người thắc mắc rằng sao không dùng những biện pháp nhẹ nhàng hơn là chặt đứt ngón tay của cậu bé. Nhưng dùng biện pháp nhẹ nhàng hơn thì có lợi ích gì khi ngài hiểu rõ rằng học trò của mình đang bị kẹt vào tư duy phân biệt của não trái. Có giải thích đạo là gì thì cũng chỉ cung cấp thêm cho cậu bé những kiến thức, khái niệm về Phật Học. Lúc này những kiến thức khái niệm đó là “sở tri chướng” thì có ích gì cho việc khai ngộ - kiến tính. Khi chặt đứt ngón tay làm cậu bé hoảng hốt tột cùng, khi đó tư duy phân biệt của não trái bị im lặng nhường lối cho trực giác của não phải. Nên khi vừa quay đầu lại, sư liền giơ một ngón tay lên. Ngay khoảnh khắc đó, cậu bé ngộ đạo. Sự ngộ đạo này là cái thấy trực tiếp của trực giác mà không đi qua con đường trung gian của khái niệm, của suy luận thuần về lý trí.

Con đường của trực giác là con đường mà mọi suy luận, mọi tư duy, khái niệm đều im bặt, đó là con đường vô niệm. Vậy các thiền sư đã nói gì về vô niệm? Trong thiền tông vô niệm chẳng ở nghĩa rộng cũng không ở nghĩa hẹp. Theo Lục Tổ Huệ Năng vô niệm là nền tảng của thiền tông. Ngài đề xướng ba ý niệm như là cấu trúc của thiền: vô niệm, vô tướng, vô trụ.

“Vô tướng là ở nơi tướng mà lìa tướng

Vô niệm là ở ngay nơi niệm mà lìa niệm

Vô trụ là bản tính của con người”

Ngài còn nói thêm về vô niệm như sau: “Thiện tri thức đừng để tâm bị ô nhiễm khi tiếp xúc với cảnh, đó gọi là vô niệm. Ngay nơi niệm của mình thường lìa cảnh, đừng để tâm lay động khi tiếp xúc với trần cảnh. Thiện tri thức tại sao lại lập vô niệm làm tông? Chỉ vì những kẻ mê mờ miệng nói kiến tính, nhưng khi tiếp xúc với trần cảnh liền khởi niệm, trên niệm lại khởi tà kiến nên tất cả trần lao, vọng tưởng từ đây mà sinh khởi. Nhưng trong tự tính vốn không một pháp nào có thể đạt được.” Vậy vô niệm mà Tổ Huệ Năng nói là vô việc gì? Vô ấy là không còn ý niệm về 2 tướng, tư duy phân biệt nhị nguyên của não trái, không còn tâm lăng xăng với trần cảnh. Niệm là niệm bản tính của chân như. Vì chân như là thể của niệm, niệm là dụng của chân như. Nếu từ chân như tự tính khởi niệm nên sáu căn tiếp xúc với sáu trần, dù có thấy nghe hay biết mà chẳng nhiễm vạn cảnh trần. Chân như tự tính thường tự tại. Nhưng chân như không lệ thuộc vào một cái gì tương đối nên không thể nắm bắt qua hình tướng, chân như là vô tướng. Như trong một đoạn đối thoại giữa Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát và Đức Phật:

- Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: ông thấy Như Lai chăng?

- Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: bạch Đức Thế Tôn con đã thấy Như Lai.

- Đức Phật: Như Lai là vô tướng làm sao ông thấy được?

- Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: con ở trong vô tướng mà thấy được Như Lai.

Trên tay trái của ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát là bông hoa sen phía trên có Bát Nhã Tâm Kinh tượng trưng cho: Sự thanh tịnh, vượt khỏi nhiễm ô thế gian (giống như hoa sen mọc từ bùn mà không bị bùn dính).Trí tuệ vi diệu, tinh khiết và mềm mại tượng trưng cho trực giác của não phải.

Trong Lâm Tế Ngữ Lục thiền sư dạy: “Thời bấy giờ người học Phật cần phải có chánh kiến, có chánh kiến rồi thì sinh tử không còn động tới mình được nữa. Không cần phải đi tìm cái siêu việt mà cái siêu việt tự tìm tới mình. Nếu quý vị dừng lại được sự suy nghĩ tìm cầu quý vị sẽ thấy giữa quý vị và Tổ Phật không có gì khác nhau.” Chánh kiến tức là kiến giải chân chính là cái thấy vượt thoát nhị nguyên, không còn bị kẹt vào các ý niệm: sinh tử - niết bàn, phiền não - bồ đề,…Thiền sư khuyên chúng ta hãy trở về với chính mình, phải tin vào cái Giác Tính cái trực giác của chính mình. Trong mỗi chúng ta đều có hạt giống của giác ngộ. Những điều chúng ta đi tìm không có trong kính điển hay một vị thiền sư. Kinh điển và thiền sư chỉ làm cho những hạt giống của Tuệ Giác bên trong chúng ta nảy mầm mà thôi.

Nếu không có niềm tin ta không thể nào tu được. “Kẻ tu hành không có đức tin vào chính mình cứ hướng ra ngoài rong ruổi tìm cầu. Dù có tìm được một cái gì, thì cái ấy cũng chỉ là một hình thái đẹp đẽ của văn tự mà không phải cái năng lượng Tuệ Giác của tổ sư”. Con đường của Giác Ngộ là con đường của tu tập và học hỏi. Tu tập thì không thể thiếu sự học hỏi, còn nói chỉ lo tu tập thôi thì cũng khó giác ngộ. Bởi vì nếu chúng ta chỉ học hỏi những kiến thức khái niệm về thiền thì sẽ rơi vào cái tư duy phân biệt của não trái. Còn con đường thể nhập tự tính là thuộc về trực giác của não phải. Do đó mà Tổ Lâm Tế mới dùng tiếng hét để làm cho cái trí năng của não trái phải im lặng.

Tiếng hét của Thiền sư Lâm Tế là một phương tiện tu tập nổi bật và đặc biệt trong Thiền tông Trung Hoa, đặc biệt là trong phái Lâm Tế. Trong tiếng Hán, tiếng hét này được gọi là “喝” (hát), phát âm gần giống như “hè” hoặc “hát” mạnh, có khi chỉ là một tiếng gầm to, đột ngột và vang dội.

Vậy tiếng hét đó "như thế nào"?

+ Không nhằm gây sợ hãi, mà là để phá vỡ tư duy nhị nguyên, đốn ngộ tâm thức của người đối thoại.

+ Nó là một phương tiện trực chỉ, đánh thức người học đạo khỏi sự chấp trước vào ngôn ngữ, khái niệm hay lý luận suông.

+ Có khi hét là để trả lời, có khi hét là để chặt đứt dòng suy nghĩ của người hỏi, cũng có khi là sự bày tỏ tâm ấn vô ngôn.

+ Theo khoa học hiện đại về não bộ: tiếng hét của Thiền sư Lâm Tế gây một sự chấn động trong tâm lý của thiền sinh làm cho tư duy phân biệt của não trái bị cắt đứt, nhường chổ cho trực giác của não phải làm chủ. Lúc này trực giác sẽ nhận biết vấn đề một cách trực tiếp mà không qua trung gian của suy luận.

Một lần, có vị tăng hỏi:

- Bạch Hòa thượng, ngài thường hét như thế, rốt cuộc là để làm gì?

Thiền sư Lâm Tế đáp:

- Để như sư tử hống trong rừng sâu – hét một tiếng, trăm loài thú đều rúng động!

Ý nghĩa: Tiếng hét không phải hành động vô cớ, mà là một tác động trực tiếp vào căn cơ của người đối diện, cắt đứt tư duy phân biệt giúp họ tỉnh ngộ. Còn nếu đưa cho họ những kiến thức khái niệm về Phật Học thì chỉ làm chướng ngại cho họ mà thôi.

Một hôm thiền sư lên pháp đường nói:

- Trên đống thịt đỏ au này có một con người thật không có vị trí (vô vị chân nhân). Ai chưa thấy được thì hãy nhìn kỹ xem, nhìn kỹ xem!

- Lúc bấy giờ có vị xuất gia bước lên hỏi: con người thật không có vị trí là gì?

- Thiền sư bước xuống nắm lấy vị ấy bảo: Thầy nói đi, thầy nói đi, con người thật không có vị trí này là gì?

- Vị ấy lưỡng lự, thiền sư bỏ ra rồi nói: con người thật không có vị trí là rơm rác gì?

Công án “Con người thật không có vị trí” là một trong những công án thâm sâu và nổi tiếng nhất của Thiền sư Lâm Tế, xuất hiện trong Lâm Tế Lục tập hợp những lời dạy trực tiếp, sống động và rất “thiền vị” của ngài. Người thật – chỉ bản tính chân thật, bản lai diện mục, cái tâm chưa từng sinh diệt. Không có vị trí, không bị đóng khung trong bất kỳ danh phận, vai trò hay thân phận nào. Không là thầy, không là trò, không là Phật, không là chúng sinh – không bị dính mắc vào tên gọi, chức năng, ý niệm. Đây là con người thật trong mỗi chúng ta, không bị ràng buộc bởi ngã chấp, xã hội, tôn giáo hay ý thức hệ.

Công án này là một lời kêu gọi trở về với bản tâm, với "Chân nhân vô vị" - cái "tự tính" luôn có sẵn, không thêm không bớt, không cao không thấp.

Không tìm trong kinh, không nhờ vào Phật, không cần tu chứng mới có.

Người ấy đã có sẵn trong ông, chỉ vì ông bám víu vào “vị trí” nên không nhận ra.

Thiền sư đã dùng biện pháp mạnh là nắm áo của vị thiền sinh và hỏi nhiều lần. Nhưng do bị kẹt vào tư duy phân biệt của não trái, trực giác chưa khai mở được nên không nhận ra được con người không có vị trí này.

b. Sự khai ngộ của Trung Quán Tông:

Đạo Phật cho rằng có luân hồi nhưng lại chủ trương Vô Ngã, điều này gây nên mẫu thuẫn. Vì thế có một vị tỳ kheo đã hỏi Đức Phật về vấn đề này và Ngài đã trả lời:

“Những người nào cho rằng sao khi chết là không còn gì cả, những người này rơi vào đoạn kiến, những người nào cho rằng có một linh hồn bất tử tồn tại những người này rơi vào thường kiến. Như Lai không nói thường cũng không nói đoạn, Như Lai thuyết nghĩa trung đạo.” Đạo Phật là Trung Đạo không rơi vào nhị nguyên không rơi vào tà kiến.

Chính vì để thuyết nghĩa trung đạo phá tan các tà kiến ngài Long Thọ mới viết ra bộ Trung Quán Luận. Nếu Einstein có Thuyết Tương Đối thì Long Thọ có Tương Đãi Luận. Trung Quán là nhìn cho thật rõ để vượt ra khỏi màn lưới nhị nguyên. Biện chứng pháp của Trung Quán là tác phẩm tiêu biểu nhất và là trái tim của Phật Giáo Đại Thừa. Mục tiêu chính: Chỉ rõ tính Không (sú̄nyatā) của mọi pháp, phá trừ tà kiến, và hiển lộ trung đạo, vượt ngoài hai cực đoan: hữu (có, thường kiến) và vô (không, đoạn kiến).

"Do nhân duyên nên các pháp sinh,

Ta nói tức là Không.

Lại gọi là giả danh,

Cũng tức là Trung đạo."

Trung Quán Luận không đưa cho chúng ta một kiến thức, khái niệm nào mà là đả phá hết tất cả. Tại sao Trung Quán Luận lại hoàn toàn dùng phương pháp đả phá? Đó là nói cảnh giới vô tướng cao nhất phải mất đi diệu dụng. Vì con người thường hay tư duy bằng não trái (lý tính). Mà não trái tư duy phân biệt lý tính có rất nhiều chổ hạn chế. Mà điều quan trọng là lý tính của chúng ta có sự mâu thuẫn tự bên trong, sự mâu thuẫn này rất khó giải quyết. Những tư duy lý tính của chúng ta thường đả đảo lại chính mình. Trung Luận của ngài Long Thọ xuất phát từ tà kiến của các triết gia đương thời phát hiện mâu thuẫn tự sinh ra của họ để phá bỏ. Chính ngay trong lời nói của họ phát hiện ra mâu thuẫn của họ, dùng sự lý luận của họ để lật đổ lý luận của họ. Cho họ thấy rằng cái tư duy phân biệt của não trái là sai lầm. Chứng tỏ rằng lý tính của con người dùng khái niệm để khẳng định hoặc phủ định đó là tư duy của não trái giam giữ các sự vật hiện tượng trong ngôn từ, trong khái niệm. Cuối cùng sự mâu thuẫn không có cách nào tháo gỡ. Bởi những ngôn từ khái niệm đó thành sở tri chướng cản trở cho việc khai ngộ.

“Không sinh cũng không diệt

Không thường cũng không đoạn

Không một cũng không khác

Không đến cũng không đi

Tuyên thuyết pháp nhân duyên

Dập tắt mọi hí luận

Con cuối đầu lạy Phật

Bậc đạo sư tuyệt vời”

Bài kệ này là tiêu biểu tinh hoa của Trung Quán Luận. Nếu dùng trí năng tư duy phân biệt của não trái chúng ta sẽ không hiểu được ý nghĩa thâm sâu của bài kệ. Thầy Long Thọ đưa ra tám cái có để lấy đi tám cái không. Trong đầu ta có tám ý niệm, chính tám cái đó làm cho ta không thấy được thực tại. Trí năng của não trái tin rằng có sinh, có diệt, có thường, có đoạn, có một, có khác, có tới, có đi cho nên cái nhìn về thực tại của chúng ta bị méo mó. Vì vậy thầy Long Thọ phải lấy đi tám ý niệm đó trong đầu ta. Khi những ý niệm trong đầu bị lấy đi rồi thì trực giác của não phải lên tiếng. Trực giác là một bước nhảy vọt nó không qua trung gian của suy luận. Còn hí luận là những chủ thuyết không đưa chúng ta tới đâu, không có ích lợi gì cho đời sống. Mục đích của thầy Long Thọ là xiển dương Đệ Nhất Nghĩa Đế (Paramartha) của Đạo Phật Đại Thừa, tức là sự thật tuyệt đối.

Sự thật tuyệt đối này khác với sự thật tương đối hay còn gọi là thế tục đế (Samvrti). Sự thật tương đối là cái hiểu của trí năng chứ không phải trực giác. Thầy Long Thọ đã nắm được cái tinh hoa của nền Phật Học Đại Thừa: loại bỏ được cái nhìn nhị nguyên của não trái để giúp ta tiếp xúc với thực tại, một thứ thực tại bất khả đắc đối với những ai còn kẹt vào phạm trù của khái niệm.

c. Sự khai ngộ của Duy Thức Tông:

Duy Thức học và cả con đường tu hành của Bồ Tát - đó là chuyển Bát Thức thành Tứ Trí, tức là chuyển hóa tám thức phàm phu nhiễm ô thành bốn trí tuệ của bậc giác ngộ. Tám thức là nền tảng của sự nhận thức, phân biệt và hoạt động tâm lý trong vòng luân hồi.

Bốn trí là biểu hiện của tâm thức thanh tịnh khi đã khai ngộ, không còn vọng chấp.

Tu hành chính là chuyển thức thành trí - tức là không đoạn trừ thức, mà chuyển hóa nó thành trí tuệ vô nhiễm.

Trong Duy Thức có 3 loại hình thái nhận thức: hiện lượng, tỷ lượng, phi lượng.

1. Hiện lượng (Pratyaksạ-pramānạ): Là nhận thức trực tiếp, không qua suy luận, không sai lầm. Đây là cái biết rõ ràng, ngay tức thời của tâm đối với đối tượng. Đây là nhận thức trực tiếp của trực giác (não phải).

+ Đặc điểm: Không mê lầm. Là nhận thức đầu tiên, chưa qua xử lý suy nghĩ của não trái. Có thể là của ngũ thức (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) hoặc ý thức trong thiền định sâu.

2. Tỷ lượng (Anumāna-pramānạ): Là nhận thức gián tiếp qua suy luận logic, dựa trên mối quan hệ nhân - quả hoặc tương đồng - tương phản. Đây là nhận thức dựa trên tư duy phân biệt của não trái.

+ Đặc điểm: Không trực tiếp, nhưng có thể chính xác hoặc sai.

Dựa vào tam đoạn luận:

+ Có khói thì có lửa.

+ Núi có khói.

+ Vậy núi có lửa.

Ý thức là chủ thể chính của tỷ lượng.

3. Phi lượng (Abhāva-pramānạ hoặc Apramānạ): Là nhận thức sai lầm, mê lầm, không đúng với thực tại- do vọng tưởng, chấp ngã, vô minh mà ra.

+ Đặc điểm: Là nhận thức lệch lạc. Là căn bản của vô minh, gốc rễ luân hồi. Hầu hết nhận thức của phàm phu là phi lượng vì bị chấp ngã - chấp pháp chi phối.

Duy Thức nhấn mạnh rằng vạn pháp duy thức, nên các loại nhận thức này không phản ánh thế giới khách quan, mà phản ánh thức biến – tức là tâm tạo ra cảnh.

+ Nếu tâm thanh tịnh hiện lượng và tỷ lượng rõ ràng.

+ Nếu tâm nhiễm ô phi lượng chi phối.

Ba lượng trên tương ứng với ba cảnh nghĩa là đối tượng nhận thức. Có ba loại đối tượng nhận thức: Tính cảnh, đới chất cảnh, độc ảnh cảnh

1. Tính cảnh (svabhāva-visayạ) : nghĩa là thể tính chân thực của thực tại không bị bóp méo. Đối tượng nhận thức của chúng ta hoàn toàn là tự thân của thực tại, là chân như.

Đặc điểm:

+ Có sở y chân thật.

+ Không do thức biến hóa hình ảnh.

+ Là nền tảng cho hiện lượng chân thật.

+ Không thể nhận thức bằng trí năng của não trái.

2. Đới chất cảnh (sālambana-visayạ): Là cảnh giới có gốc từ cảnh thật (chất), nhưng kèm theo sự biến đổi, tô vẽ bởi thức - tức là có yếu tố chủ quan hóa. Tư duy phân biệt của não trái đóng vai trò tô vẽ thực tại làm cho cảnh bị bóp méo.

"Đới" = mang theo

"Chất" = thực chất (gốc của cảnh)

“Đới chất cảnh” = cảnh được thức duyên vào có căn bản thật, nhưng bị tư duy phân biệt của não trái thức biến hóa thành hình ảnh khác.

Đặc điểm:

+ Có đối tượng gốc thật.

+ Nhưng hình ảnh hiện tại là do thức tạo ra dựa trên chủng tử đã lưu lại.

+Là dạng trung gian giữa thật và vọng.

3. Độc ảnh cảnh (nirālambana-visayạ): Là cảnh không có đối tượng thật nào làm gốc cả, hoàn toàn do tâm thức tự tạo ra, như bóng trong gương.

"Độc" = đơn độc

"Ảnh" = bóng ảnh

“Độc ảnh cảnh” = cảnh chỉ có trong tâm, không có đối tượng ngoài tâm.

Ý thức - khi vọng tưởng, mộng mị, tưởng tượng thuần túy. Do trí năng của não trái tưởng tưởng vẽ ra.

Đặc điểm:

+ Không có căn bản thật.

+ Hoàn toàn do chủng tử thức khởi hiện.

+ Gốc của mê vọng, luân hồi, là cảnh của phi lượng.

Ứng dụng trong tu hành

- Tính cảnh là cửa ngõ để hành giả thấy rõ hiện thực, quán "thức duyên cảnh".

- Đới chất cảnh cần quán sát kỹ để không bị chấp thủ quá khứ hoặc tưởng tượng chi phối.

- Độc ảnh cảnh là gốc của vọng tâm cần đoạn trừ bằng chánh niệm, thiền định, và trí tuệ quán chiếu.

Con đường khai ngộ của Duy Thức Tông là con đường chuyển thức thành trí đi từ trí năng phân biệt sang trực giác của vô phân biệt trí.

1. A-lại-da thức Đại viên cảnh trí

A-lại-da là thức sâu nhất, chứa toàn bộ nghiệp lực và chủng tử.

Khi chuyển hóa, nó trở thành tâm như gương sáng lớn: thấy rõ mọi sự, không dính mắc, không méo mó. Đây là khi trực giác đã khai mở cánh cửa dẫn vào ngôi đền thông thái, nơi mà chúng ta tiếp xúc với trí tuệ vô hạn theo khoa học hiện đại về não bộ. Đây là trí tuệ căn bản, nền tảng của Phật.

2. Mạt-na thức Bình đẳng tính trí

Mạt-na thức luôn duy trì cảm giác “Tôi là tôi” là gốc rễ của chấp ngã.

Khi nhận ra ngã là huyễn, tâm trở nên bình đẳng với muôn loài thành trí thấy rõ tính không sai biệt của các pháp. Tư duy phân biệt của não trái đã không còn nữa.

3. Ý thức Diệu quán sát trí

Ý thức là nơi hoạt động phân biệt, tư duy, lý luận, não trái góp phần lớn hoạt động của ý thức.

Sau chuyển hóa, trí tuệ vẫn biết nhưng không phân biệt sai lầm, thấy được nhân duyên và bản chất các pháp như thật.

4. Năm thức giác quan Thành sở tác trí

Khi năm thức được chuyển hóa, các hoạt động của thân - khẩu - ý trở nên thuần thiện, làm lợi ích hữu tình một cách tự nhiên và không vướng mắc công đức.

5. Ứng dụng trong tu hành:

Sự chuyển hóa này không phải là lý thuyết suông, mà là mục tiêu thực tiễn của hành giả Bồ Tát. Không đoạn trừ thức, mà chuyển thức thành trí bằng:

+ Quán sát vô ngã (vô ngã nhân - vô ngã pháp)

+ Thực hành Bồ Tát đạo

+ Thiền định và trí tuệ

+ Thấu triệt tính Không và Duyên Khởi

C. Kết luận

Hình minh họa tạo bởi AI.

Hình minh họa tạo bởi AI.

Chúng ta đã bàn về cách thức làm việc của não bộ liên quan đến vấn đề khai ngô, con đường thể nhập tự tính. Bán cầu não trái thiên về tư duy logic, phân tích. Còn bán cầu não phải thiên về trực giác, tổng thể, cảm xúc, sáng tạo. Trực giác thì có ích cho việc khai ngộ nhiều hơn là tư duy phân biệt. Nhưng có lẽ sẽ có nhiều người thắc mắc rằng não bộ thì có liên quan gì đến việc khai ngộ, kiến tính. Đây là vấn đề lớn của triết học nó liên quan đến vật chất và ý thức.

1. Triết học phương Tây: Vật chất - Ý thức

Chủ nghĩa duy vật (Materialism)

Vật chất có trước, ý thức có sau.

Ý thức là sản phẩm của bộ não - một dạng phản ứng phức tạp của vật chất cao cấp.

Đây là lập trường của chủ nghĩa duy vật biện chứng (Marx, Engels).

Chủ nghĩa duy tâm (Idealism)

Ý thức có trước, vật chất là sản phẩm của ý niệm.

Thế giới vật chất chỉ là "ảo ảnh", do tâm trí cảm nhận hoặc tạo ra.

Điển hình: Plato, Hegel, Berkeley.

Nhị nguyên luận (Dualism)

Vật chất và ý thức là hai thực thể độc lập, tồn tại song song.

Cả hai đều có thật, tương tác lẫn nhau.

Tiêu biểu: Descartes ("Tôi tư duy, nên tôi tồn tại").

2. Khoa học hiện đại

Khoa học não bộ hiện nay phần lớn nghiêng về duy vật: cho rằng ý thức là hiện tượng xuất hiện từ hoạt động thần kinh.

Tuy nhiên, vẫn chưa giải thích nổi bản chất sâu xa của ý thức (gọi là “hard problem of consciousness” - David Chalmers).

Một số giả thuyết gần đây (như vật lý lượng tử hoặc thông tin học) đặt câu hỏi lại:

Có phải ý thức là nền tảng, còn vật chất là biểu hiện?

3. Phật giáo - Tư tưởng Duy thức

Phật giáo Đại thừa, đặc biệt là Duy Thức Tông, có cái nhìn rất độc đáo

“Vạn pháp duy thức” (萬法唯識)

Không có vật chất khách quan độc lập - tất cả cảnh giới đều là tướng biến hiện của tâm thức.

Ý thức là nền tảng:

Cảnh vật, thân thể, thế giới... đều là biến hiện của thức A-lại-da (tàng thức).

Vật chất không có tự tính – nó chỉ là sự hiển lộ tạm thời của nghiệp và vọng tâm.

Nhân duyên sinh:

Phật giáo không nói "ý thức sinh ra vật chất", hay "vật chất sinh ra ý thức", mà nhấn mạnh:

Cả hai là “duyên sinh, vô ngã” - nương nhau mà có, tùy vào tâm niệm và nghiệp lực.

Đạo Phật là trung đạo. Cái thấy của đạo Phật là Tâm và Vật có mối quan hệ tương tức với nhau như hai mặt của một đồng xu. Ta không thể lấy một cái ra khỏi cái còn lại. Tâm và vật đều nương vào nhau mà biểu hiện. Cho nên hiểu được cách thức làm việc của não bộ có liên quan đến vấn đề khai ngộ (kiến tính) của thiền sinh.

Điều quan trọng nhất khi học Phật là làm sao có thể tìm cho mình một pháp môn để có thể khai ngộ (kiến tính) chứ không phải tích lũy kiến thức về Phật Pháp. Bởi thế các tổ sư của Thiền Tông cho rằng cho dù có học hết tam tạng kinh điển mà không kiến tính thì cái học đó là vô ích. Có một vị tăng hỏi thiền sư Lâm Tế rằng : « giáo lý ba thừa và 12 thể tài có làm sáng lên Phật Tính trong ta hay không » Thiền sư Lâm Tế trả lời rằng : « Cỏ hoang trong vườn tâm ông, ông chưa từng xới » Bởi vì tuệ giác khác với kiến thức, tuệ giác có công năng đưa đến sự khai ngộ, còn kiến thức không làm được việc ấy.

Để có thể khai ngộ thiền sinh phải vượt qua được ranh giới giữa mê và ngộ. Những công án thiền là những cái sốc giúp thiền sinh vượt qua được cái ranh giới đó. Mà để vượt qua được cái ranh giới đó phải có sự bác bỏ lý tính của não trái. Cho nên, hiểu được chức năng của não phải (trực giác) giúp ta hiểu rất nhiều thông điệp tôn giáo, bởi vì não phải có chức năng tổng hợp, và đó là con đường giải thoát. Bộ não có hai bán cầu : bán cầu não trái kiểm soát nữa bên phải, bán cầu não phải kiểm soát nữa bên trái. Những môn huyền học cho rằng bên trái trực giác là hướng của Đạo, bên phải lý tính là hướng của trần tục.

Câu công án “Trước khi cha mẹ sinh ra anh, anh là ai?” là một trong những công án nổi tiếng của Thiền tông, có nguồn gốc từ Trung Hoa, và được truyền bá rộng rãi trong các thiền phái Đại thừa, đặc biệt là Thiền Tông Lâm Tế và Tào Động.

Ý nghĩa sâu xa của công án : Câu hỏi không nhằm mục đích để tìm câu trả lời bằng trí năng (lý tính của não trái), mà là một phép quán chiếu sâu sắc để phá tan vọng tưởng, giúp hành giả trực nhận bản lai diện mục (con đường của trực giác).

Ranh giới giữa trực giác và lý tính không phải là một khoảng cách vật lý hay thời gian, mà là một khoảnh khắc chuyển hóa trong tâm - khi vọng niệm dừng lại và chánh niệm hiện tiền, thì mê hóa thành ngộ.

Một niệm giác là Phật, một niệm mê là chúng sinh.

Nói cách khác, ngay nơi mê cũng có thể ngộ, không cần tìm cầu đâu xa. Giống như:

Mây tan thì thấy mặt trời.

Bùn lắng thì nước trong.

Tâm tĩnh thì trí sáng.

Tác giả: Kiến Trúc sư Tăng Chí Vinh (Pháp danh: Minh Quang)

Đường Tây Ba Rài, tổ 15, ấp 5, xã Tân Bình, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Chú thích:

[1] Đại Ca Diếp (Mahā Kassapa): Tôn giả Đại Ca Diếp (tiếng Phạn: Mahākāsyápa, Pāli: Mahā Kassapa) là một trong những đại đệ tử xuất chúng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong truyền thống Phật giáo nguyên thủy và Đại thừa. Ngài nổi tiếng là người đứng đầu trong hạnh đầu-đà (tu khổ hạnh cao cấp) và là một trong những vị trưởng lão quan trọng nhất trong Tăng đoàn sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn.

[2] Vô Vi: Tư tưởng "Vô Vi" là một trong những trọng tâm triết lý của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh, và cũng là cốt lõi của Đạo gia (Đạo giáo). Tuy khái niệm này thường bị hiểu sai là “không làm gì cả”, nhưng thực ra “Vô Vi” không phải là thụ động, mà là hành động không trái với Đạo (Đạo trời, quy luật tự nhiên).

[3] Bản lai diện mục: Bản lai diện mục" là một khái niệm sâu sắc trong Thiền tông (Đại thừa Phật giáo), mang tính chất trực chỉ bản tâm, vượt ngoài khái niệm ngôn ngữ, để chỉ về chân tính nguyên sơ, bản thể đích thực của mỗi người – cái mà chưa từng sinh, chưa từng diệt, không bị điều kiện hóa.

[4] Roger Sperry: Roger Wolcott Sperry (1913–1994) là một nhà thần kinh học và tâm lý học người Mỹ, nổi tiếng với công trình nghiên cứu về hai bán cầu não và lý thuyết về não tách đôi (split-brain) - một trong những bước ngoặt quan trọng trong ngành thần kinh học hiện đại và khoa học nhận thức.

[5] Osho: Osho (còn được biết đến với tên thật là Rajneesh Chandra Mohan Jain, 1931-1990) là một bậc thầy tâm linh, triết gia, và cũng là một nhân vật gây tranh cãi sâu sắc trong thế kỷ 20. Ông là người Ấn Độ, từng giảng dạy triết học và sau đó trở thành người sáng lập một phong trào quốc tế với hàng triệu tín đồ – thường gọi là Rajneesh Movement hoặc Osho Movement.

[6] Albert Einstein: Albert Einstein (1879-1955) là một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, nổi tiếng với Thuyết tương đối, đặc biệt là Thuyết tương đối hẹp (1905) và Thuyết tương đối rộng (1915).

[7] Sigmund Freud: Sigmund Freud (1856-1939) là cha đẻ của phân tâm học (psychoanalysis) - một trong những trường phái tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong tâm lý học, văn hóa hiện đại, và nghệ thuật thế kỷ 20.

[8] Phân tâm học: Phân tâm học (Psychoanalysis) là một hệ thống lý thuyết tâm lý học và phương pháp trị liệu tâm lý do Sigmund Freud sáng lập vào cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20. Đây không chỉ là một nhánh tâm lý học, mà còn là một lối hiểu về con người từ chiều sâu tâm thức, nhất là vô thức, bản năng và các xung năng bị kìm nén.

[9] Carl Jung: Carl Gustav Jung (1875 - 1961) là một bác sĩ tâm thần học, nhà tâm lý học Thụy Sĩ. Nổi tiếng nhờ ông thành lập một trường phái tâm lý học mới có tên là tâm lý học phân tích (analytical psychology) nhằm phân biệt với trường phái phân tâm học (psychoanalysis) của Sigmund Freud.

[10] Napoleon Hill: Napoleon Hill (1883 - 1970) là một tác giả người Mỹ, một trong những người sáng lập nên một thể loại văn học hiện đại đó là môn "thành công học" (là khoa học về sự thành công của cá nhân).

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/truc-giac-con-duong-the-nhap-tu-tinh.html