TRỰC TUYẾN chuyên đề 'Tìm hiểu về An toàn, vệ sinh lao động và pháp luật lao động'
Sáng nay (23/4), tại Hội trường Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Thủy lợi Hà Nội (đường 23B, thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội), Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến - Truyền thông chính sách chuyên đề 'Tìm hiểu về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và pháp luật lao động'.
Đây là hoạt động truyền thông chính sách thường niên của Báo Lao động Thủ đô. Sự kiện là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024; hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Đồng thời, nhằm giúp cán bộ, đoàn viên Công đoàn và người lao động hiểu rõ hơn về ATVSLĐ và pháp luật lao động.
Tham gia buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến và trả lời các câu hỏi của đoàn viên, người lao động và bạn đọc là các chuyên gia trong các lĩnh vực pháp luật, chính sách, bảo hiểm xã hội gồm: Bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam); Luật sư Đặng Văn Thành - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Nam Long - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Đông Anh; bà Tô Thị Kim Định - Phó Giám đốc BHXH huyện Đông Anh.
Dự buổi Đối thoại - Giao lưu trực Tuyến có các đại biểu: Ông Phạm Thanh Học - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; ông Nguyễn Chính Hữu - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; ông Kiều Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Mạnh Phương - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội; ông Nguyễn Đình Đạo - Phó Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội); bà Lê Thị Bích Ngọc - Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô; ông Nguyễn Xuân Hoản - Chủ tịch Công đoàn Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội; ông Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô; đại diện các ban LĐLĐ Thành phố; ông Nguyễn Toàn Thắng - Phó Chủ tịch Công đoàn Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội.
Đặc biệt, tham dự buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến có hơn 200 cán bộ Công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội.
8h30: Đồng chí Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô phát biểu khai mạc buổi Giao lưu - đối thoại trực tuyến
Phát biểu khai mạc buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách, đồng chí Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô cho biết: Truyền thông chính sách là một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo chí, là hoạt động thường xuyên của Báo Lao động Thủ đô.
Năm nay là năm thứ 11 Báo Lao động Thủ đô tổ chức chuỗi sự kiện đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách, một mặt nhằm hỗ trợ công nhân, người lao động tiếp cận tốt nhất đường lối, chính sách, pháp luật của nhà nước; mặt khác cũng góp phần xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô, đất nước.
Theo đồng chí Đinh Tuấn Anh, trong những năm gần đây, hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách về lao động của nước ta tiếp tục được hoàn thiện; các tiêu chuẩn về lao động cơ bản được bảo đảm, nhất là về vệ sinh, an toàn. Tuy nhiên, chúng ta đang sống và làm việc trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quá trình chuyển đổi số, tự động hóa ngày càng sâu rộng... làm gia tăng sức ép về lao động, tác động trực tiếp đến người lao động, công nhân.
Trong khi đó, điều kiện làm việc ở nhiều cơ sở còn hạn chế, tình trạng nhà xưởng chật hẹp, máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu, dễ xảy ra tai nạn lao động; môi trường làm việc độc hại, bị ô nhiễm bởi tiếng ồn, ánh sáng, hóa chất… ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và điều kiện lao động của công nhân; tình hình tai nạn lao động vẫn xảy ra.
Đối với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vốn là một lĩnh vực đặc thù, với nhiều hoạt động sản xuất không chỉ trên những cánh đồng, nông trại mà còn cả trong các nhà máy, những công trình… tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động cao thì việc cập nhật, nâng cao kiến thức pháp luật lao động nói chung, kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động nói riêng luôn là vấn đề thời sự, thiết thực với người lao động.
Chính vì thế, buổi Giao lưu, đối thoại được tổ chức với chuyên đề “Tìm hiểu về An toàn, vệ sinh lao động và Pháp luật lao động”, tập trung vào các chế độ, chính sách về lao động, đặc biệt là các quy định liên quan đến quyền lợi của người lao động, về an toàn, vệ sinh lao động.
“Ban tổ chức mong muốn các đoàn viên, người lao động và cả người sử dụng lao động mạnh dạn chia sẻ các vấn đề, băn khoăn của mình, đặt các câu hỏi đối với các chuyên gia. Các luật sư, chuyên gia trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội của chúng tôi… sẽ giải đáp, tư vấn, cung cấp thông tin nhằm giúp anh chị chủ động giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động, kịp thời ứng phó, thích ứng, giải quyết các khó khăn, thách thức, rủi ro, tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, cũng như sự an toàn trong lao động sản xuất của mình”, Phó Tổng Biên tập Đinh Tuấn Anh nhấn mạnh.
8h40: Đồng chí Nguyễn Chính Hữu - Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố phát biểu chỉ đạo
Phát biểu chỉ đạo tại buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách năm 2024 với chủ đề “Tìm hiểu về An toàn vệ sinh lao động và pháp luật lao động”, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu nhấn mạnh: Thực tế cho thấy, hiện nhu cầu tìm hiểu kiến thức về pháp luật lao động, chế độ Bảo hiểm xã hội, chính sách tiền lương và những vấn đề liên quan đến An toàn, vệ sinh lao động của người lao động ngày càng cao.
Chính vì vậy, các cấp Công đoàn Thủ đô đã và đang chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công nhân, viên chức, lao động nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, từng bước hình thành thói quen hành động theo pháp luật cho người lao động. Đây cũng là cách tốt nhất để người lao động có thể tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động và góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa.
Với chủ đề “Tìm hiểu về An toàn, vệ sinh lao động và Pháp luật lao động” mà Ban Tổ chức lựa chọn là rất thiết thực, ý nghĩa, giúp đoàn viên công đoàn và người lao động có cơ hội tìm hiểu, nắm bắt rõ hơn những nội dung liên quan đến pháp luật lao động, An toàn, vệ sinh lao động và những chế độ, chính sách liên quan đến người lao động.
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội cũng bày tỏ mong muốn, tại chương trình Đối thoại - giao lưu trực tuyến, cũng như trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khi có những thắc mắc, câu hỏi liên quan đến quyền lợi, hay gặp những khó khăn trong công việc, cuộc sống, đoàn viên, người lao động hãy mạnh dạn chia sẻ. Để tổ chức Công đoàn có thể đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ đoàn viên, người lao động một cách nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả nhất.
Cũng tại chương trình, đồng chí Nguyễn Chính Hữu đã biểu dương Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội và các Công đoàn cấp trên cơ sở nói chung đã tích cực phối hợp với Báo Lao động Thủ đô tổ chức hiệu quả hoạt động giao lưu trực tuyến trong thời gian vừa qua.
Đồng thời, lãnh đạo LĐLĐ Thành phố cũng đề nghị sau chương trình này, Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp tục có các giải pháp sáng tạo để tuyên truyền, phổ biến, trang bị kiến thức mọi mặt, nhất là kiến thức pháp luật về lao động, các chế độ chính sách và những vấn đề thiết thực gắn với đời sống, việc làm mà người lao động quan tâm đến với đông đảo đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.
8h55: Các chuyên gia trả lời câu hỏi, vướng mắc về chính sách của đoàn viên, CNVCLĐ
Chị Nguyễn Thị Hậu - Công ty cổ phần sông Tích hỏi: Trong trường hợp xảy ra sự cố liên quan đến an toàn vệ sinh lao động, công ty sẽ có biện pháp xử lý và hỗ trợ người lao động như thế nào và quy trình thông báo sự cố đến bộ phận quản lý an toàn lao động diễn ra như thế nào?
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động, người sử dụng lao động phải xây dựng, ban hành kế hoạch về xử lý sự cố và ứng phó với tình huống nguy hiểm khẩn cấp xảy ra tại nơi làm việc, trong đó đã xác định rõ quy trình,trách nhiệm xử lý sự cố tai nạn lao động. Đối với người sử dụng lao động, khi có sự cố xảy ra thì trách nhiệm của người lao động là phải ra lệnh ngừng ngay hoạt động của máy thiết bị vật tư có nguy cơ tai nạn lao động, không được bắt buộc buộc người lao động phải tiếp tục làm việc tại nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, biện pháp khắc phục xử lý đã được quy định tại kế hoạch xử lý.
Nếu sự cố tai nạn lao động xảy ra trong phạm vi đơn vị, doanh nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm phải huy động nhân lực ứng phó kịp thời; nếu sự cố gây mất an toàn tại đơn vị, doanh nghiệp phạm vi ảnh hưởng tới địa phương thì chính quyền địa phương và lãnh đạo doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp xử lý và nếu vượt quá tầm xử lý của địa phương và doanh nghiệp thì phải báo cáo lên cấp trên để có chỉ đạo xử lý, ứng phó kịp thời.
Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Công ty Công trình Thủy Lợi Sông Nhuệ hỏi: Xin chuyên gia cho biết, người lao động ở những ngành nghề nào thì được hưởng phụ cấp độc hại?
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Hiện nay, theo Thông tư 11 đã có 1.883 nghề thuộc danh mục nặng nhọc độc hại và nguy hiểm (thuộc loại 4, loại 5, loại 6). Có thông tư 19 bổ sung thêm ngành nghề thuộc ngành xây lắp, ngành y tế.
Phụ cấp độc hại được hiểu là khoản phụ cấp mà người sử dụng lao động dành cho người lao động nhằm bù đắp một phần tổn hại về sức khỏe, tinh thần, thậm chí là sự suy giảm khả năng lao động.
Đây là khoản phụ cấp áp dụng đối với người lao động làm công việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại, và tùy thuộc vào từng đối tượng lao động và từng công việc khác nhau mà khoản phụ cấp sẽ khác nhau.
Việc xác định người lao động có thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay không thì chúng ta căn cứ vào Danh mục nghề công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm mới nhất được quy định tại Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH.
Theo quy định về tiền lương, người làm việc trong lĩnh vực nặng nhọc độc hại thì phụ cấp được tăng thêm 5% so với những người làm việc trong điều kiện bình thường.
Nếu người lao động làm những công việc thuộc Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ LĐ-TB&XH ban hành (tại Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH có hiệu lực ngày 01/3/2021) thì mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm sẽ tùy theo sự thỏa thuận giữa người lao động và cơ quan, doanh nghiệp sử dụng lao động khi giao kết hợp đồng lao động.
Chị Nguyễn Thị Phương, Công ty Công trình Thủy lợi Hà Nội hỏi: Công việc chúng tôi đang làm là vận hành máy bơm điện, duy tu, duy trì bảo vệ công trình thủy lợi. Những năm gần đây, do tốc độ đô thị hóa ngày một cao, các dịch vụ làng nghề, khu công nghiệp mọc lên, hiện tượng xả thải ra công trình thủy lợi, ô nhiễm môi trường làm việc của chúng tôi đang rất nặng nề. Về chính sách bảo hộ lao động, Công ty đã đầu tư quần áo bảo hộ, ủng, găng tay, chuẩn bị đầy đủ cho người lao động. Tôi muốn hỏi, ngoài Công ty cấp phát ra chúng tôi có được hưởng chế độ phụ cấp cho người lao động do xả thải, ô nhiễm môi trường, tiếng ồn của máy không? Nếu được thì cần thủ tục gì?
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Yếu tố gây bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm đảm bảo người lao động làm việc trong môi trường đảm bảo an toàn. Nếu như có các yếu tố độc hại, nguy hiểm thì phải giảm thiểu đến mức thấp nhất, đảm bảo đúng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành nghề đó thì người sử dụng lao động mới được phép tuyển người lao động vào làm việc.
Tuy nhiên, với những công việc có nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì được trang cấp các thiết bị bảo hộ lao động để giảm nguy cơ. Đây là trách nghiệm của người sử dụng lao động và phải đảm bảo các nguyên tắc: Đúng chủng loại, đối tượng, số lượng và bảo đảm chất lượng theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật quốc gia để phương tiện ấy đảm bảo sức khỏe cho người lao động; không được phát tiền thay cho việc trang cấp phương tiện bảo hộ cá nhân. Người sử dụng lao động phải hướng dẫn, giám sát người lao động sử dụng phương tiện bảo hộ…
Chị Đỗ Thị Liền, Công ty Phát triển Thủy Lợi Hà Nội hỏi: Hiện tôi thấy thẻ BHYT không ghi hạn thẻ đến ngày bao nhiêu mà chỉ ghi ngày bắt đầu, như vậy thì khách không biết để gia hạn thẻ. Vậy người lao động muốn biết hết hạn thẻ thì tra ở đâu?
Chuyên gia Nguyễn Nam Long: Hiện Bảo hiểm xã hội đang chuyển đổi số, Thẻ bảo hiểm sẽ đồng bộ trên ứng dụng VSSID, sử dụng trên điện thoại thông minh người dân có thể xem được thông tin còn lại trên ứng dụng tiện ích này.
Thường với khối hành chính, thẻ sẽ có giá trị sử dụng từ đầu năm (1/1) đến cuối năm (31/12). Hoặc những trường hợp không tham gia bảo hiểm không phải loại hình bắt buộc thì sử dụng ứng dụng VSSID có thể nhìn thấy giá hết hạn thẻ sử dụng của mình; hoặc người lao động có thể tra cứu thông tin trên Cổng dịch vụ công, trang Wep của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì đều tra được giá trị sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của mình. Từ đó giúp người dân có thể chuẩn bị, hoặc giám sát được thời hạn sử dụng thẻ, chủ sử dụng lao động có nợ bảo hiểm của mình không,… để bảo vệ quyền lợi cho chính bản thân mình.
Bạn đọc hỏi: Trong những ngày nghỉ lễ theo quy định như ngày 30/4 - 1/5, Giỗ Tổ, nghỉ Tết, người sử dụng lao động có được quyền yêu cầu người lao động đi làm không? Nếu người sử dụng yêu cầu thì người lao động có được quyền từ chối không?
Luật sư Đặng Văn Thành: Theo Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ và người lao động không được từ chối trong trường hợp sau đây: Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật; thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm và thảm họa, trừ trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Đối với dịp nghỉ Lễ sắp tới, nếu không thuộc các nhiệm vụ trên, người lao động có quyền từ chối. Bên cạnh đó, chủ sử dụng lao động muốn người lao động đi làm có thể thực hiện thương lượng, thỏa thuận.
Anh Dương Xuân Hưng, Xí nghiệp Thủy lợi Đông Anh, trực thuộc Công đoàn Công ty Đầu tư - Phát triển Thủy lợi Hà Nội hỏi: Trong Quyết định số 38/2022/QĐ-UBND ngày 27/10/2022 của UBND thành phố Hà Nội mà chúng tôi đang thực hiện: Ban hành quy định, định mức kinh tế kỹ thuật trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nôi, Tại phần II định mức, phụ lục II của Quyết định quy định rất rõ công nhân lao động từng vị trí làm việc được hưởng lương hệ sô cập bậc theo nhóm. Tuy nhiên đến nay, công nhân lao động chúng tôi vẫn đang hưởng mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng trong khi chúng tôi thuộc doanh nghiệp công ích có vốn 100% của Thành phố, định mức đơn giá do Thành phố quyết định. Với mức lương hiện tại của công nhân lao động thì không đủ đáp ứng chi phí sinh hoạt của gia đình mà chỉ tạm thời đáp ứng nhu cầu tối thiểu của bản thân, trong khi các chi phí đời sống đều tăng lên rất nhiều (tiên điện, nước, thực phẩm, xăng dầu...)
Ngày 14/5/2023, Nghị định sô 24/2023NĐ-CP được ban hành, quy định mức lương cơ sở đôi với cản bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang từ ngày 1/7/2023 tăng từ 1.490.000 đồng/tháng lên1.800.000 đồng/tháng.
Vì vậy, chúng tôi đề nghị UBND thành phố Hà Nội xem xét điều chỉnh cho áp dụng mức lương cơ sở mới là 1.800.000 đồng ở để đảm bảo đời sống cho người lao động tại đơn vị.
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Doanh nghiệp phải có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến thang bảng lương. Khi nhà nước điều chỉnh tăng tiền lương cơ sở thì doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh để thực hiện thang bảng lương này. Bản thân doanh nghiệp Công ty phải điều chỉnh tiền lương cho người lao động. Bao giờ thì phụ thuộc vào việc chúng ta có kiến nghị đối với doanh nghiệp, và phải thực hiện ngay từ 1/7/2023.
Anh Nguyễn Trọng Ký, Công ty Thủy lợi Hà Nội hỏi: Anh bạn tôi tên Nguyễn Văn A làm việc tại doanh nghiệp, hiện anh đóng bảo hiểm được 23 năm, 2 tháng. Hiện đến tuổi nghỉ hưu nhưng muốn đóng nối tiếp để hưởng chế độ hưu cao hơn. Vậy anh bạn tôi có được đóng nối tiếp hay không? Nếu được đóng thì đóng như thế nào?
Chuyên gia Tô Thị Kim Định: Đây là đối tượng người lao động ở doanh nghiệp. Khi hết tuổi lao động, nếu chủ sử dụng lao động vẫn có nhu cầu ký hợp đồng với đơn vị, có hưởng lương thì vẫn được tiếp tục đóng bảo hiểm. Đóng đến bao giờ đủ 35 năm mới được về hưu. Chứ không có quy định khi đã đủ tuổi nghỉ hưu, sẽ tiếp tục đóng một cục cho nhiều năm để lương hưu được hưởng cao.
Bạn Đào Hải Anh - Công ty Thủy Lợi Hà Nội hỏi: Khi người lao động làm việc trong cùng một công ty nhưng khác bộ phận, vậy khi về hưu, quyền lợi được hưởng hưu trí giữa bộ phận có chế độ phụ cấp độc hại hàng tháng và bộ phận không có phụ cấp độc hại hàng tháng có gì khác nhau và khác nhau ở điểm nào?
Chuyên gia Tô Thị Kim Định: Theo quy định của pháp luật, mức đóng bảo hiểm xã hội do chủ sử dụng lao động quyết định, người làm bộ phận độc hại thì đóng theo mức độc hại và được hưởng theo mức lương có phụ cấp độc hại.
Người công tác trước năm 1995 thì mức hưởng lương hưu bình quân 5 năm cuối, sau tháng 1 năm 1995 thì tính bình quân 6 năm cuối còn từ tháng 1/2016 đến nay thì tính bình quân mức lương của cả quá trình.
Do vậy những người làm việc trong điều kiện nặng nhọc độc hại thì lương, phụ cấp nặng nhọc độc hại được tính vào mức đóng bảo hiểm xã hội để tính lương sau này. Nếu người lao động làm việc nặng nhọc độc hại có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội thì sẽ được giảm quy định về tuổi đời để nghỉ hưu.
Anh Nguyễn Trọng Hình, Công ty Thủy Lợi Hà Nội: Tôi muốn biết quy định mới nhất về làm thêm giờ? Tiền lương khi làm thêm giờ là như thế nào? Trên đường đi làm thêm ngoài giờ bị tai nạn giao thông có được tính là tai nạn lao động không?
Luật sư Đặng Văn Thành: Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng yêu cầu phải được sự đồng ý của người lao động.
Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 40 giờ trong 1 tháng; Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 1 năm. Đối với lao động làm việc trong thị trường đặc biệt (may mặc, giày da…) thì không quá 300 giờ trong 1 năm.
Cách tính tiền lương làm thêm giờ, theo Điều 98 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau: Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày (tổng vào có thể lên đến 400% lương).
Liên quan đến vấn đề đi làm thêm ngoài giờ người lao động bị tai nạn giao thông, trên đường di chuyển trong thời gian hợp lý, quãng đường hợp lý thì vẫn được coi là tai nạn lao động và được hưởng trợ cấp bình thường.
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân bổ sung: Tai nạn lao động là gắn với công việc và vị trí công việc. Ngoài ra việc xảy ra tai nạn từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc ngược lại vẫn được coi là tai nạn lao động.
Chuyên gia Tô Thị Kim Định bổ sung: Nếu như bị tai nạn lao động trên đường đi làm và về phải căn cứ vào phân ca của đơn vị. Nếu như theo phân ca của chủ sử dụng lao động người lao động gặp tai nạn thì phải có xác nhận của xã, phường thị trấn có tai nạn và đi giám định y khoa thì sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động.
Anh Chu Tiến Thịnh, Công ty Thủy lợi sông Đáy hỏi: Hiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của tôi bị gián đoạn do thay đổi việc làm. Vậy xin chuyên gia cho biết quyền lợi hưu trí của tôi sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Chuyên gia Nguyễn Nam Long: Thời gian tham gia bảo hiểm của người lao động không liên tục. Về quy định, điều kiện cần và đủ hương lương hưu thì phải có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.
Trong thời gian gián đoạn bảo hiểm xã hội sẽ không tính thời gian gián đoạn mà tổng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động đủ điều kiện cộng dồn, đủ điều kiện tối thiểu 20 năm thì đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Lương thì sẽ tính lương bình quân giá tiền cả quá trình, nếu người lao động tham gia toàn bộ lương theo khối doanh nghiệp. Còn nếu người lao động có một thời gian tham gia doanh nghiệp và một thời gian công tác tại đơn vị hành chính sự nghiệp thì hiện đang áp dụng là lấy mức lương 5 năm cuối của nhà nước và bình quân giá tiền cả quá trình người lao động hưởng lương ở ngoài doanh nghiệp cộng lại chia đôi, lương đó là lương tính bình quan để tính % hưởng lương hưu sau này.
Anh Lê Trung Hiếu, Công trình Thủy Lợi Hà Nội hỏi: Công nhân vận hành có được hưởng phụ cấp còn cán bộ kỹ thuật có được hưởng không và được hưởng bao nhiêu?
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Thang bảng lương do người sử dụng xây dựng có ý kiến của tổ chức Công đoàn và cần được rà soát xem đã phù hợp theo quy định của pháp luật hay chưa. Nếu cùng ở một vị trí một công việc vận hành mà công nhân vận hành được hưởng phụ cấp, còn cán bộ kỹ thuật không được hưởng phụ cấp điều này chưa công bằng và người lao động thắc mắc, chưa đồng tình với thang bảng lương này thì cần nêu ý kiến phản ánh với tổ chức Công đoàn để Công đoàn có ý kiến với người sử dụng lao động rà soát và chi trả cho đúng.
Chị Nguyễn Minh Thúy, Công ty Thủy lợi sông Nhuệ hỏi: 1, Chỗ tôi có người lao động đang công tác từ năm 1999, đến 2023 xin nghỉ không lương. Đến nay người lao động xin chấm dứt hợp đồng lao động. Tôi muốn hỏi chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thôi việc của người lao động tính như thế nào?
Chuyên gia Tô Thị Kim Định: Từ năm 2023, người lao động nghỉ không lương thì phải có quyết định của người sử dụng lao động cho người lao động nghỉ không lương. Có thể trong quyết định người ta sẽ ghi nghỉ không lương cho đến khi có thông báo mới hoặc sẽ ghi chung chung, hoặc hai tháng, hoặc một năm.
Trường hợp này từ năm 2023 đến giờ chưa báo tăng đóng bảo hiểm tiếp, vẫn đang nghỉ không lương. Nếu muốn hưởng thất nghiệp thì phải kèm thêm quyết định nghỉ không lương, sau đó đơn vị báo giảm và chốt sổ bảo hiểm thì mới đủ điều kiện đi làm trợ cấp thất nghiệp. Nếu trong quyết định chấm dứt hợp đồng của chủ sử dụng lao động chỉ lửng lơ đến năm 2023, mà người lao động bây giờ đi làm trợ cấp thất nghiệp thì không đủ điều kiện, cơ quan giải quyết không nhận hồ sơ.
2, Người lao động khi nghỉ phép năm không hết có được cộng dồn sang năm sau không?
Chuyên gia Đặng Văn Thành: Theo quy định, người lao động được quyền bảo lưu nhưng phải có sự thỏa thuận của người sử dụng lao động. Người lao động có thể thỏa thuận với doanh nghiệp về vấn đề nghỉ hằng năm để có thể nghỉ phép năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối 3 năm một lần. Cho nên, nếu trong năm người lao động vẫn chưa nghỉ hết số ngày phép năm thì có thể thực hiện thỏa thuận với doanh nghiệp để chuyển số ngày nghỉ phép năm chưa nghỉ hết sang năm sau. Trường hợp doanh nghiệp đồng ý, thì người lao động sẽ được nghỉ trong những ngày phép cộng dồn và vẫn được hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động.
Chị Nguyễn Thị Mai Trang - Công ty Thủy lợi sông Tích hỏi: Người lao động bị suy giảm khả năng lao động bao nhiêu phần trăm thì được hưởng trợ cấp tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp 1 lần?
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân trả lời: Người lao động bị tai nạn lao động đủ các điều kiện sau đây thì được hưởng trợ cấp tai nạn lao động: Bị tai nạn lao động tại nơi làm việc trong giờ làm việc hoặc ở ngoài nơi làm việc theo sự phân công của người sử dụng lao động; sau khi giám định thương tật mà bị suy giảm khả năng lao động từ 5 - 30% thì được hưởng trợ cấp tai nạn 1 lần, từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng. Mức trợ cấp tai nạn lao động được tính theo lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Anh Nguyễn Khắc Tuấn, Công ty Thủy lợi sông Đáy hỏi: Tôi được biết người lao động làm thêm ngoài giờ, lễ Tết sẽ được tăng 100-200% lương ngày làm việc. Tuy nhiên có công ty không thực hiện thì có đúng hay không?
Luật sư Đặng Văn Thành: Tôi đã trả lời ở trên về các chế độ hưởng lương, thưởng khi người lao động làm thêm vào ngày lễ, ngày nghỉ theo Bộ luật Lao động. Như vậy, nếu công ty nào không thực hiện thì công ty đó đã vi phạm những quy định của pháp luật về lao động. Người lao động có thể phản ánh đến Công đoàn cơ sở để Công đoàn đứng ra bảo vệ mình hoặc trao đổi trực tiếp với người sử dụng lao động.
Bạn đọc hỏi:Người nhà tôi hiện đang thử việc 2 tháng, vậy trong thời gian thử việc đó người lao động có được đóng bảo hiểm xã hội hay không?
Chuyên gia Nguyễn Nam Long: Trường hợp thử việc không thuộc đối tượng đóng BHXH.
Nếu như hợp đồng riêng là hợp đồng thử việc thì sẽ không được tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Còn trong hợp đồng lao động có thời gian thử việc sẽ được tham gia bảo hiểm xã hội.
Anh Vũ Văn Sáng, Công ty Thủy lợi sông Nhuệ hỏi: Xin chuyên gia cho biết chế đội bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại? Điều kiện và mức bồi dưỡng bằng hiện vật được quy định như thế nào?
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Ngày 30/11/2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại. Căn cứ vào Điều 3 Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH quy định về điều kiện được hưởng bồi dưỡng bằng hiện vật của người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại như sau:
- Làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
- Đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong hai yếu tố: Có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại không bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế. Tiếp xúc với ít nhất 1 yếu tố được xếp từ 4 điểm trở lên thuộc nhóm chỉ tiêu Tiếp xúc các nguồn gây bệnh truyền nhiễm theo Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm.
Mức bồi dưỡng bằng hiện vật
1. Bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền theo các mức bồi dưỡng sau: Mức 1: 13.000 đồng; mức 2: 20.000 đồng; mức 3: 26.000 đồng; mức 4: 32.000 đồng.
2. Đối với người lao động đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư, mức bồi dưỡng cụ thể theo từng nghề, công việc được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này và được áp dụng theo thời gian làm việc tương ứng như sau:
Nếu làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng cả định suất bồi dưỡng;
Nếu làm dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc thì được hưởng nửa định suất bồi dưỡng;
Trong trường hợp người lao động làm thêm giờ, định suất bồi dưỡng bằng hiện vật được tăng lên tương ứng với số giờ làm thêm theo nguyên tắc trên.
Theo đó, mức bồi dưỡng bằng hiện vật của người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại được tính theo định suất hằng ngày và có giá trị bằng tiền theo 4 nêu trên với mức có giá trị tối đa là 32.000 đồng.
Anh Trần Đức Hoàng, Công ty Cổ phần Đông Thành Hà Nội: Đoàn viên Công đoàn bị tai nạn lao động trong đơn vị thì chi phí, chế độ trong thời gian người đó nghỉ để điều trị như thế nào?
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động đã quy định rất rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Theo đó, người sử dụng lao động phải kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế; thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế; trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động; bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra (trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định).
Chị Ngô Thị Thuận, Công ty Thủy lợi sông Tích hỏi: Xin các chuyên gia cho tôi hỏi, người lao động có hợp đồng lao động không xác định thời hạn khi muốn nghỉ việc thì phải thông báo tới người sử dụng trước bao lâu và thông báo bằng hình thức nào?
Luật sư Nguyên Văn Thành: Theo quy định của Bộ luật Lao động, người lao động có hợp đồng lao động dài hạn khi muốn nghỉ việc hợp pháp thì phải báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất là 45 ngày. Còn về hình thức thông báo, do pháp luật lao động không quy định nên người lao động có thể thông báo tới người sử dụng lao động bằng bất cứ hình thức nào: văn bản, lời nói, qua mạng xã hội…
10h30: Bế mạc buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến
Phát biểu bế mạc buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách, đồng chí Nguyễn Xuân Hoản - Chủ tịch Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, trong những năm qua, Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, thực hiện nhiều hoạt động hướng về người lao động, trong đó có việc chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động.
“Hôm nay, Công đoàn ngành phối hợp với Báo Lao động Thủ đô tổ chức chương trình đối thoại, giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách pháp luật với chủ đề “Tìm hiểu về an toàn vệ sinh lao động và pháp luật lao động” cho CNVCLĐ ngành Nông nghiệp. Tại buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến này, các chuyên gia đã tư vấn, giải đáp những kiến thức rất hữu ích liên quan đén quyền và nghĩa vụ của người lao động, qua đó giúp cán bộ đoàn viên công đoàn người lao động hiểu rõ hơn các kiến thức pháp luật liên quan quyền và nghĩa vụ người lao động hiện nay”, đồng chí Nguyễn Xuân Hoản nhấn mạnh.
Đông chí Nguyễn Xuân Hoản bày tỏ mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục đồng hành cùng Báo Lao động Thủ đô, các cơ quan, đơn vị trong ngành phối hợp thực hiện nhiều chương trình ý nghĩa, thiết thực cho CNVCLĐ trong ngành.