Trump 'bóng gió' nới lỏng trừng phạt Iran: Bước ngoặt hay phép thử?
Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục đưa ra những đề xuất đối thoại trực tiếp với Tổng thống Iran Rouhani.
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây tuyên bố không loại trừ khả năng nới lỏng các lệnh trừng phạt chống Iran nhằm mở đường cho một cuộc gặp với Tổng thống Hassan Rouhani. Liệu đây có phải là một bước ngoặt hay chỉ đơn giản là một quả phát bóng thử, trong bối cảnh mối quan hệ đang ngày một xấu đi giữa hai nước sau khi Mỹ năm 2018 đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân?
Khi được khỏi về khả năng một cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại New York vào cuối tháng 9/2019 bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Trump hôm qua (11/9) đã không ngần ngại trả lời: “Mọi chuyện đều có thể”.
Đặc biệt khi đề cập tới khả năng dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt, điều kiện tiên quyết mà Iran đặt ra cho bất kỳ một cuộc gặp thượng đỉnh nào, Tổng thống Donald Trump chỉ trả lời: “Chúng ta sẽ thấy điều gì xảy ra.” :
“Chúng ta sẽ thấy điều gì xảy ra. Tôi nghĩ Iran có tiềm năng to lớn. Họ là những người đáng kinh ngạc. Chúng tôi không tìm kiếm sự thay đổi chế độ. Chúng tôi hy vọng có thể đạt thỏa thuận. Còn nếu không thì điều này cũng tốt. Những tôi nghĩ họ cần phải có một thỏa thuận.”
Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục đưa ra những đề xuất đối thoại trực tiếp với Tổng thống Iran Rouhani. Bất chấp mối quan hệ ngày một xấu đi giữa hai nước kể từ khi Mỹ năm 2018 đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, song sự thay đổi này của ông Donald Trump lại không hề gây bất ngờ. Bởi nhà lãnh đạo Mỹ vẫn luôn mang tới những điều bất ngờ, mà cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là một minh chứng rõ nét nhất.
Hãng tin Blooberg cùng ngày dẫn phát biểu của Tổng thống Donald Trump tại một cuộc họp ở Nhà Trắng khi công khai nhắc tới khả năng nới lỏng các lệnh trừng phạt để đổi lấy một cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Hassan Rouhani. Ý tưởng khi đó nhận được sự ủng hộ của Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, song lại vấp phải sự phải đối mạnh mẽ của cựu Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, người bị sa thải mới đây. Chính vì thế, quyết định bất ngờ của nhà lãnh đạo Mỹ sa thải ông John Bolton được giới chuyên gia nhìn nhận như một bước đi nhằm thúc đẩy một cuộc gặp được mong chờ từ lâu giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Iran.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang sau khi Mỹ năm 2018 đơn phương quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân chỉ sau 3 năm có hiệu lực, với lý do là quá lỏng lẻo. Ngoài cách diễn giả rất chung chung về “chiến dịch gây sức ép tối đa”, ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng lại dường như cho thấy rất muốn vượt qua những giới hạn.
Tuy nhiên để có thể đi tới một cuộc gặp trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Iran, vẫn còn rất nhiều những câu hỏi chờ được giải đáp. Sau khi Pháp công bố sáng kiến nhằm làm dịu căng thẳng giữa Mỹ và Iran, Tổng thống Rouhani đã kêu gọi Mỹ thực hiện bước đi đầu tiên. Thông qua đại diện của mình tại Liên Hợp Quốc, Iran hôm qua (11/9) một lần nữa bác bỏ ý tưởng về một cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo nếu các lệnh trừng phạt không được dỡ bỏ.
Những phát biểu gần đây của Tổng thống Donald Trump đã cho thấy một sự mềm mỏng hơn so với lập trường cứng rắn của nhiều thành viên trong nhóm cố vấn của ông. Dù khó có khả năng đạt được đột phá như người tiền nhiệm Barack Obama khi đặt bút ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015, song với những gì diễn ra như hiện nay, các nhà phân tích nhận định, về ngắn hạn thì khả năng một cuộc thảo luận qua điện thoại giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Iran không phải là không thể./.